Gẫm & Bình

Art Nouveau: đường cong, phụ nữ hồ ly, chất liệu lung linh, nhiều nguồn cảm hứng 13. 12. 13 - 6:57 pm

Anh Nguyễn biên soạn

(Tiếp theo bài trước)

Đối với nhiều người, cụm từ Art Nouveau ngay lập tức gợi đến hình ảnh những thiếu nữ có khuôn mặt đầy đặn, mái tóc xoăn uốn lượn hòa cùng hoa lá và những đường trang trí vòng cung tỉ mẩn. Những bức tranh có vẻ đẹp ưa nhìn, có phần hơi “sến” ấy thực ra đều là đứa con tinh thần của một họa sĩ – Alphonse Mucha, và phong cách lộng lẫy hơi ngả sang hướng trang trí đã khiến những tác phẩm của ông thật sự trường tồn với thời gian, trở thành tiêu biểu của trào lưu Art Nouveau.

Trong vòng có 20 năm, Art Nouveau đã “phình ra” thành một phong trào nghệ thuật cực kì rộng lớn, lan tỏa khắp châu Âu, thâu tóm gần như tất cả các mảng nghệ thuật thị giác, và lôi kéo nhiều nghệ sĩ vốn mang những thiên hướng hoàn toàn khác xa nhau.

“Zodiac” của Alphonse Mucha. Phong cách của ông vẫn được sao chép đến ngày nay.

Trong tiếng Pháp, Art Nouveau có thể được dịch nôm na là “Nghệ thuật mới.” Ở những quốc gia châu Âu khác, cái tên Art Nouveau được biến hóa chút đỉnh nhưng đa phần vẫn giữ nguyên ý nghĩa, đơn cử như Arte Nova ở Bồ Đào Nha, Arte Nuova ở Ý, hoặc Arte Joven ở Tây Ban Nha. Đối với người xem ở thế kỉ 21, Art Nouveau đã khá “già”, nhưng vào thời điểm 1890-1910, phong trào Art Nouveau thổi đến một làn gió mới vào khung cảnh hội họa nhàm chán. Trường mỹ thuật Paris (Academie des Beaux-Arts) là nơi khai sinh ra phong cách hội họa hàn lâm – academic art, hướng tới vẻ đẹp lý tưởng, cổ điển, tập trung khai thác lịch sử, thần thoại, song rập khuôn và đầy tính giáo điều. Art Nouveau chính là sự phản kháng lại phong cách nghệ thuật hàn lâm ấy.
 

“Năm nay lại toàn Vệ Nữ…suốt ngày Vệ Nữ” – biếm họa của Honore Daumier về cuộc triển lãm hàng năm của trường mỹ thuật Paris – vốn được coi là tinh hoa của hội họa châu Âu.

Tuy đã từng có nhiều tranh luận về việc Art Nouveau có được coi là nghệ thuật thực sự không, chủ yếu do tính trang trí hào nhoáng nhiều khi hơi thái quá mà thiếu đi nội dung (kitsch), song tầm ảnh hưởng của phong trào này là không thể bàn cãi. Nhiều công trình kiến trúc theo phong cách Art Nouveau đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa, như những tòa nhà tại Brussels của kiến trúc sư người Bỉ Victor Horta. Một trong những bức tranh đắt nhất thế giới, “Bức chân dung Adele Bloch-Bauer I” của danh họa Gustav Klimt cũng là một tác phẩm Art Nouveau.

Bên trong khách sạn Tassel, thiết kế bởi Victor Horta

 

“Chân dung Adele Bloch-Bauer I” của Gustav Klimt, có giá 135 triệu đô

Đặc điểm đầu tiên của Art Nouveau là cảm hứng mạnh mẽ từ thiên nhiên. Như chúng ta đều biết, đường thẳng tắp hoàn hảo hầu như chỉ tồn tại trong toán học chứ ít có trong tự nhiên (có lẽ trừ ánh sáng trong môi trường chân không!). Thiên nhiên quanh ta chủ yếu được cấu thành bởi các đường cong và những đường “gần thẳng.”
Song nói rằng Art Nouveau học tập thiên nhiên chỉ vì những đường cong “sở trường” là một sự đơn giản hóa vấn đề. Kể từ thời Gothic, các nghệ sĩ đã lãng quên, bỏ bê thiên nhiên và Art Nouveau là sự tìm về cội nguồn để có cảm hứng.

Có hai cách tiếp cận thiên nhiên chủ yếu trong nghệ thuật, một là bắt chước thiên nhiên, hai là đem đến cho thiên nhiên một ý nghĩa, tâm trạng nào đó. Art Nouveau tập trung vào cách thứ hai. Và thiên nhiên dưới lăng kính của Art Nouveau không phải là thiên nhiên dịu dàng và hòa ái, mà là thiên nhiên ẩn chứa sức mạnh không thể dò được.

Một ví dụ rõ rệt là Casa Mila của kiến trúc sư Gaudi. Dùng kiến trúc làm phương tiện chuyên chở, Gaudi đã tạo ra một đại dương ở giữa lòng Barcelona. Những bức tường hóa thành những làn sóng nhấp nhô, ban công trở thành rong rêu và bọt biển, những chi tiết trang trí hòa vào hình dánh của những loài cây thủy sinh đến mức không thể tách rời, trần nhà là những bãi biển khi triều rút, cổng vào hình san hô, v.v,…

Casa Mila nhìn từ phía ngoài

 

Chi tiết trần nhà của Casa Mila

 

Trần nhà xoáy trôn ốc

 

Ống khói khảm thủy tinh như vỏ sò dưới đáy đại dương

 

Chi tiết trên ban công của Casa Mila

Đặc điểm thứ hai của Art Nouveau là sự nhìn nhận người phụ nữ như một thế lực nguy hiểm, quyến rũ và kì bí. Các họa sĩ một mặt vừa muốn khắc họa phụ nữ như những bình hoa di động, một mặt không thể không thừa nhận sức mạnh tiềm tàng của họ. Và người phụ nữ trong những bức tranh Art Nouveau là một sinh vật kì lạ, vẻ đẹp của họ được tô vẽ và “sexy hóa” đến mức tối đa như những cô gái trên biển quảng cáo, song luôn ẩn chứa sự quỷ quyệt và ma mãnh.

Phong trào Art Nouveau còn bị ám ảnh bởi mái tóc của người phụ nữ, một “di chứng” từ phong trào Pre-Raphaelites với những mái tóc dầy, xoăn và đỏ rực. Mái tóc Art Nouveau không đơn thuần là vẻ đẹp nữ tính; nó được cách điệu và trừu tượng hóa đến mức tối đa để thể hiện sự mê hoặc, trói buộc, hoang dại. Nàng thơ nổi tiếng nhất của phong trào Art Nouveau là Sarah Bernhardt, người được những người hâm mô suy tôn là “Sarah siêu phàm.” (Divine Sarah) Gương mặt của bà xuất hiện trên rất nhiều poster của Alphonse Mucha.

Sarah Bernhardt trong thực tế

 

Sarah Bernhardt dưới nét vẽ của Mucha

 

Nhưng việc biến thân thể người phụ nữ thành một thứ trang trí có lẽ được thể hiện một cách “trắng trợn” nhất qua những đồ nội thất của Francois Rubert Carabin. Việc kết hợp thân thể người trong trang trí đã được thực hiện bởi phong trào Baroque và Mannerism, nhưng không ở đâu lại gợi tình và phô bày như trong những chiếc bàn, chiếc ghế của Carabin.

Ghế của Carabin

 

Tượng trang trí của Carabin

Đặc điểm thứ ba của phong trào Art Nouveau là sự chú trọng vào vẻ đẹp lạ, kỳ ảo. Về đường nét, đặc điểm chung nhất của Art Nouveau là đường cong, hay còn gọi là “the curvilinear line” hoặc “the whiplash line.” Những đường cong phóng khoáng như được vung ra từ một chiếc roi vô hình, thu nhỏ lại ở cuối. Sức sống của đường cong có liên quan đến tính chất hữu cơ của thiên nhiên, đồng thời đem lại cho Art Nouveau vẻ đẹp trang hoàng. Những nghệ sĩ Art Nouveau còn yêu thích những chất liệu phát sáng. Một vài đại biểu đơn cử là Gustav Klimt – người thích dát vàng bạc lên toan, Louis Comfort Tiffany với những cây đèn bàn chụp thủy tinh nhiều màu lung linh (không liên quan đến nhà kim hoàn Tiffany của những chiếc hộp xanh lơ trứng chim), hoặc Philip Wolfers với những món đồ kim hoàn lộng lẫy.

Đèn chuồn chuồn chụp thủy tinh của Tiffany

Đồ trang sức là một mảng nhỏ song đặc sắc của Art Nouveau – sự bé nhỏ và quý báu của những món nữ trang làm nổi bật hoàn hảo những đặc điểm của phong cách này. Chiếc trâm cài áo của Rene Lalique là một ví dụ tiêu biểu, kết hợp cả ba yếu tố: đàn bà, đường cong, và lấp lánh.

Trâm cài áo của Rene Lalique

 

Mặt dây chuyền hình Medusa do Philippe Wolfers chế tác, làm bằng ngà, vàng, ngọc mắt mèo

Đặc điểm thứ tư của Art Nouveau là sự đa dạng về nguồn cảm hứng. Như tất cả những dòng sông đều chảy ra biển, các cung bậc trầm bổng của cuộc sống đều bị Art Nouveau thâu tóm. Do tàn dư của phong trào Symbolism, phong trào Art Nouveau cũng yêu thích những chủ đề về cái chết, sự kì quái, kinh dị. Bức tranh “The Scream” nổi tiếng của Edvard Munch nhìn…không giống lắm với vẻ diễm lệ, trau chuốt của những tác phẩm khác trong bài, nhưng nó lại là một tác phẩm tiêu biểu của Art Nouveau khi mới manh nha. Toàn bộ tranh là những đường cong, và nhân vật chính trong tranh là ẩn dụ cho sự tuyệt vọng, sợ hãi của con người trên cái nền thiên nhiên hoang dại.

The scream – Tiếng thét của Munch – một ví dụ giai đoạn đầu của Art Nouveau. Sự chết chóc hiện diện rõ rệt qua hình dáng giống đầu lâu của nhân vật chính và màu đen tang tóc.

Một cảm hứng nữa của Art Nouveau đến từ làn sóng Nhật Bản lan tràn ở châu Âu lúc bấy giờ – những bức tranh khắc gỗ với những đường nét thanh thoát, cách xử lí không gian tinh tế (gần như hoàn toàn phẳng), cách phối màu rất “phương Đông”, và những chủ đề cây cỏ, loài vật, đem đến cái nhìn mới mẻ cho các họa sĩ và nghệ nhân.

Tranh khắc gỗ hoa cúc của Hokusai – Những bản in khắc gỗ Nhật Bản rực rỡ rất được ưa chuộng ở châu Âu thời đó – giá cả hợp lí khiến chúng trở thành vật sưu tập dành cho những nhà nghệ thuật ít tiền và mê vẻ đẹp phương Đông mới lạ.

 

Bình đựng hoa mang ảnh hưởng Nhật Bản của phong trào Art Nouveau(đường viền mỏng và sắc nét như tơ, màu sắc tươi nhưng nhã nhặn, hình dáng uốn cong thanh thoát)

Cũng không thể không kể đến cuộc sống sôi động về đêm ở Paris lúc bấy giờ – một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng tới sáng tác của những họa sĩ như Henri Toulouse-Lautrec. Những tấm poster của ông kết hợp cả yếu tố Nhật Bản lẫn đời sống nghệ thuật sôi động và có phần buông tuồng.

Tranh khắc gỗ của Utamaro (mình nghĩ nên để bức này và bức của Lautrec cạnh nhau vì sự tương đồng trong chủ đề khá táo bạo và những mảng màu đen, đỏ, nude)

 

Poster “Reine de Joie” của Henri Toulouse-Lautrec

Một vài ví dụ trên cũng đủ cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa những nguồn cảm hứng tưởng chừng không liên quan đến nhau, song lại đứng cùng nhau để tạo thành một khối vừa phong phú và thống nhất – Art Nouveau. Có thể ví Art Nouveau như một khu rừng rộng lớn – mỗi loài cây hoa một vẻ, độc lập song vẫn phụ thuộc và quấn quýt lấy nhau.

 

Ý kiến - Thảo luận

9:20 Saturday,14.12.2013 Đăng bởi:  candid
Bài tiết.rất chi tiết. Những cây đèn của Tiffany rất đẹp.

...xem tiếp
9:20 Saturday,14.12.2013 Đăng bởi:  candid
Bài tiết.rất chi tiết. Những cây đèn của Tiffany rất đẹp.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ca ngợi hay chửi rủa (có bổ sung)

Nguyễn Thị Huệ Hữu vs Ng. H. Phương Lan

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả