Khác

Tuần thứ ba: thứ Bảy ở “công viên”, Chủ nhật lại về “nhà” 16. 12. 13 - 6:32 pm

Tịch Ru

Thứ Bảy, 14. 12. 2013
 

Chiều thứ Bảy, đại dàn nhạc của LUALA concert không diễn ở Lý Thái Tổ mà diễn ở khu đô thị Ecopark. Mặc dù trời lạnh và mưa nhưng rất nhiều khán giả trung thành của LUALA concert đã đến. Vé xe buýt để lên đây đã được phát từ giữa tuần.

 

Người đẹp Fashionista Tống Diệu Hằng cũng đến từ rất sớm.

 

Đội ngũ âm thanh bên LUALA concert vẫn phụ trách âm thanh cho buổi diễn hôm nay.

 

Vẫn là Khắc Thành chỉ huy dàn nhạc.

 

Khán giả rất tập trung, trong một không gian rộng, lắng nghe những tác phẩm cổ điển, như “The Beautiful Blue Danube” của J.Strauss, “Barcarolle” của J.Offenbach, “Concerto for horn and Orchestra” của V.A.Mozart (với phần solo kèn Cor của Kim Xuân Hiếu – hình)…

 

… rồi “Hopak” của M.Mussorgsky, “Introduction, theme& Variation for Oboe” của J.N.Hummel với phần solo của Oboe Hoàng Mạnh Lâm, “March” của S.Prokofiev, “Symphony no.1 Andante Allegro non troppo” của J. Brahms (string) 41.

 

Đến giải lao, nhiều người vẫn không rời chỗ, ngại nhất là lúc quay về lại phải loay hoay tìm… chỗ mới!

Chủ nhật, 15. 12. 3013
 

Chiều Chủ nhật, thật là “đen”, lại có mưa. Như mọi năm, ban tổ chức căng một cái dù bạt rất to và đẹp để bảo đảm cho nhạc cụ và người biểu diễn không bị ướt.

 

Chú Tuân (đeo kính, đứng giữa) phụ trách âm thanh cho dàn nhạc LUALA năm nay. Dần dần đội ngũ âm thanh mới cũng đã làm quen được với địa điểm 61 Lý Thái Tổ này và cố gắng đem lại chất lượng âm thanh tốt nhất.

 

Cạnh chỗ ngồi khán giả có quày bày bán những CD các mùa LUALA concert năm trước. Toàn bộ số tiền thu được sẽ cho vào quỹ phát triển tài năng trẻ.

 

Hôm nay Hà Nội có mưa to, nhưng khán giả vẫn đến rất đông. Và dĩ nhiên, người già, phụ nữ và khán giả nhí bao giờ cũng được ưu tiên ngồi lên hàng đầu.

 

Đúng 15h, phần I của chương trình được bắt đầu. Hai MC là anh Ngô Quang Minh của LUALA và chị Quỳnh Anh của DX. Trời rét, chị Quỳnh Anh đã phải quấn khăn rồi!

 

Phần I của chương trình bắt đầu với các nhạc phẩm: “The Marriage of Figaro Overture” của V.A. Mozart, “Theme for Bassoon concerto” của V.Weber. Bản “Concerto for Clarinet” của V.A.Mozart có phần solo Clarinet của Trần Khánh Quang.

 

Tiếp theo là bản giao hưởng bỏ dở (Symphony no 8 B minor ) của F.Schubert. Đây là bản giao hưởng mà nhiều người nhận xét: “Một tác phẩm giao hưởng dở dang mà trọn vẹn, Schubert đạt được ý niệm và mục đích âm nhạc của mình chỉ trong hai chương nhạc, thay vì bốn chương như truyền thống”.

 

Đầu năm 1822, Schubert (hình) soạn thảo và phối xong cho dàn nhạc hai chương đầu một bản giao hưởng đồ sộ giọng Si thứ. Nhưng sau đó ông quên bẵng đi, phải đến năm 1860, người em trai của Anselm Huttenbrenner (nhà soạn nhạc người Áo) là Josept Huttenbrenner mới phát hiện ra bản thảo. Nhận ra báu vật này và mới bắt đầu đem ra với công chúng.

 

Tiếp theo là tác phẩm Andante in C for flute của V.A. Mozart với phần trình bày của cây flute Nguyễn Thư Hương.

 

Để kết thúc phần I của chương trình, violinist Xuân Huy solo ba bản: “Concerto for violin” của O.Rieding; đây là tác phẩm tuyệt hay, lãng mạn và rất hợp với mùa đông, “Concerto for violin” của N.Paganini, “Czardas” của V.Monti.

 

Trời mưa rất to, nhưng khán giả đến càng lúc càng đông. Nhiều người mang theo ô để đứng dưới mưa thưởng thức dàn nhạc.

 

Khán giả cũng dồn lên phía trên để tránh nước mưa bắn vào người.

 

Mưa càng lúc càng to, dàn nhạc phải dừng lại một lúc để sắp xếp lại chỗ ngồi, rồi chơi tiếp.

 

Bên trong cửa hàng LUALA, hai danh ca Phạm Thu Hà và Quang Dũng đã có mặt và chuẩn bị cho phần hai của chương trình.

 

Phần hai của chương trình mở đầu với bản “Light Cavarly Overture” của F.Suppé. Theo Wiki, mặc dầu hiếm khi được trình diễn hay thu âm, bản overture này là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Suppé. Giai điệu chính của nó được nhiều bộ phim hoạt họa, phim câm, và các phương tiện khác “trích dẫn”.

 

Kế tiếp, dàn nhạc chơi bản “Introduction, Theme and Variation for Oboe” của J.N.Hummel với phần trình diễn Oboe của Hoàng Mạnh Lâm. Johann Nepomuk Hummel (1778 – 1837) là một nhà soạn nhạc và pianist xuất sắc người Áo. Người ta nói, nhạc của ông là một thứ nhạc chuyển tiếp giữa thời Cổ điển sang thời Lãng mạn. Và ảnh hưởng của Hummel có thể thấy trong các tác phẩm thời kỳ đầu của Frédéric Chopin và Robert Schumann, đặc biệt là Chopin. “Có lẽ do Chopin được nghe Hummel lúc ông lưu diễn ở Ba Lan,” (Wiki)

 

Tiếp theo là tác phẩm “Largo al factorum” của G.Rossini, trước khi bước vào phần mà rất nhiều người chờ đón…

 

Đến phần khách mời đặc biệt của chương trình, đầu tiên là phần trình diễn của ca sĩ Phạm Thu Hà. Chị chia sẻ rằng rất vui khi thấy rằng mặc dù trời rất lạnh và mưa nhưng khán giả thủ đô vẫn đông và nhiệt tình như vậy. Phạm Thu Hà tốt nghiệp Cao học thanh nhạc Nhac viện Âm nhạc Quốc gia vào năm 2012. Album đầu tay “Classic meets Chillout” đã giúp cô giành được 2/5 đề cử Giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2013 cho 2 hạng mục: Nghệ sĩ mới của năm và Album của năm. Phạm Thu Hà đã xuất sắc chiến thắng ở hạng mục Album của năm (2013).

 

Tác phẩm đầu tiên Phạm Thu Hà trình bày là “Romance” của F.Schubert

 

Sau đó là nhạc phẩm “Piacer d’amor” của G.Martini (“Niềm vui tình ái chỉ kéo dài một lúc. Nỗi buồn tình ái lê theo suốt cuộc đời… Như nước kia chảy dịu dàng về con suối viền bên cánh đồng, ‘Anh yêu em’, chàng nhắc đi nhắc lại. Nước còn chảy, nhưng chàng thay đổi…”)

 

Sau đó là phần trình diễn của ca sĩ Quang Dũng. Anh trình bày ca khúc “Hương Xưa” của Cung Tiến.

 

Và hai ca sĩ trình bày một ca khúc rất đáng yêu, dịu dàng, đặc biệt với những người có kỷ niệm với nước Nga: “Đôi bờ”

 

Lời ca giản dị, mộc mạc và lãng mạn, cộng với giai điệu da diết, Quang Dũng và Phạm Thu Hà có một phần trình diễn rất là “tình”, gợi lại cho tôi cảm giác về mùa đông Hà Nội thập niên 1990s.

 

Buổi biểu thành công tốt đẹp. Dĩ nhiên là các nghệ sĩ ra về với bao nhiêu là hoa. Hẹn gặp lại các bạn tại LUALA concert vào thứ bảy tuần sau, 21. 12. 2013, cũng tại ngã tư này nhé.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả