Một tác phẩm đèn neon của Type A có tên “Targe” tại Armory Show.
Việc các gallery nghệ thuật đương đại đặt hàng nhiều tác phẩm mới đắt tiền để đem đi hội chợ vừa là lời minh chứng cho cái sức ép bắt họ phải trưng bày sản phẩm mới nhất, vừa là sự chứng minh cho số lượng lớn các tác phẩm mà gallery cần phải đem ra thị trường trong thời điểm hiện nay. Một gallery ở Los Angeles chi gần 1/3 trong số kinh phí 60 ngàn đô trong ngân sách cho việc tham dự Armory Show chỉ để mua tác phẩm mới của một nghệ sĩ; theo lời cô chủ gallery, cô đã bán hết tác phẩm của nghệ sĩ này trước lúc hội chợ khai mạc.
Các nhà buôn thừa nhận rằng nhu cầu cao như thế có thể gây thiệt hại đến cho chất lượng tác phẩm. Nghệ sĩ nào có tác phẩm bày ở bảo tàng, và được khoảng 3 gallery làm đại diện – và nếu mỗi gallery này tham gia nhiều hội chợ cùng một lúc – thì nghệ sĩ đó phải “sản xuất” nên một số lượng vô cùng lớn các tác phẩm để “làm vui lòng mọi phía”. Danielle Horn, đồng sở hữu của gallery Nettie Horn ở London, ước chừng rằng các nhà buôn phải có một danh sách khoảng 16 nghệ sĩ để thoải mái cung cấp cho những chương trình triển lãm và các hội chợ hàng năm. “Trong vài trường hợp, tôi đã thấy sự đi xuống trong chất lượng tác phẩm,” Arregui – đồng chủ tịch của Snitzer gallery này – công nhận. “Đúng là như thế. Đây đâu phải chỗ sản xuất phụ tùng đâu. Bạn cần có thời gian mà ngồi xuống và xem xét mình đang làm gì.”
Tác phẩm của Yan Lei có tên “Color wheel” (Bánh xe màu) tại Armory Show 2013
Tương tự, các nhà buôn của thị trường thứ cấp luôn cảm thấy áp lực phải liên tục bày những mặt hàng mới hơn và tốt hơn tại hội chợ, điều này bắt buộc họ phải “mua tác phẩm một cách liên tục”, theo lời Edmondo di Robilant – chủ của gallery Robilant + Voena ở London. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận “Người ta ít để ý hơn bạn tưởng, nên nếu bạn đem tới một vài tác phẩm quen quen (từ năm trước) thì cũng chẳng ảnh hưởng mấy đến danh tiếng của gallery.”
Thực tế, khi xây dựng chiến lược tham gia hội chợ, các gallery đặt những lo âu về danh tiếng cũng ngang với những lo âu về kinh doanh. Hội chợ giờ đã đóng một vai trò lớn trong vấn đề xây dựng địa vị, và nếu lỡ tham gia lầm hội chợ thì gallery sẽ rất khó gỡ gạc (tiếng tăm). “Hội chợ bạn tham dự có thể sẽ đóng khung bạn,” một nhà buôn New York nói thêm, cảnh báo, “Mọi người sẽ nghĩ, một khi cái gallery này tham gia hội chợ kiểu này, tức là nó luôn luôn chỉ đến cỡ này.” Đúng là bạn tham gia hội chợ để nâng tên tuổi, nhưng đồng thời phải đảm bảo rằng không bị phản tác dụng.
Tác phẩm “Wo ist Schneewittchen?” của Carl Emmanuel Wolff, tại khu vực dành cho Schuebbe Projects, ở Hội chợ Nghệ thuật Volta.
Nếu chuyện tham gia hội chợ rất có thể để lại tiếng xấu và thất thoát tài chính, thì sự thành công lại càng khó lường. “Tất cả mọi thứ thuộc loại hình kinh doanh này đều nằm dưới dạng tích lũy,” một nhà buôn giải thích vì sao khó mà định lượng được bao nhiêu phần trăm lợi nhuận là thu được từ các hội chợ. “Nếu bạn gặp một khách hàng mới và họ thích các chương trình của bạn, trong 5 năm sau đó, bạn có thể bán được 6 tới 10 tác phẩm cho khách này. Thế thì có đưa cái này vào tính toán được không? Và nếu khách hàng đó tiếp tục giới thiệu bạn cho anh em họ hàng của anh ấy thì sao?”
Frieze Art Fair
Các nhà buôn nói rằng họ cũng cần cân đối khoản phí tham gia hội chợ với giá trị thu về. Một gian tại Art Berlin Contemporary có giá 4,876 USD – ít hơn 10 lần so với Art Basel. “Nên chăng trở thành gallery tuyệt nhất tại một hội chợ ‘cóc cáy’, hơn là trở thành một gallery tốt – nhưng không tuyệt nhất – tại một hội chợ lớn? Tôi không biết nữa,” Robilant nói. Hiện nay, các nhà buôn phải quyết định xem liệu họ có nên tham gia những “hội chợ vệ tinh” như Pulse hay NADA ở Miami không, hay là cố dấn vào các thị trường nhỏ nhưng “ít bão hòa” hơn, với các hội chợ địa phương như ARCO ở Madrid hay Art Platform ở Los Angeles. Khi hỏi Robilant rằng anh sẽ tham gia hội chợ nào nếu chỉ được chọn một, Robilant chọn Maastricht – hội chợ hàng đầu về tranh cổ điển, nơi một gian trưng bày ngốn khoảng 75 ngàn USD.
Không gian hội chợ Maastricht rất rộng rãi, thanh lịch với nhiều hoa tươi trang trí. Có rất nhiều khu vực mở để ngồi nghỉ hay dùng nhiều dịch vụ tiện ích đa dạng. Ảnh: L. Bodewes
Lý giải cho sự lựa chọn của mình, Robilant nói “Thị trường xoay quanh các hội chợ chính kiểu như TEFAF Maastricht.” Đây là dịp để anh được gặp gỡ các giám tuyển bảo tàng và những nhân vật cỡ bự của các tổ chức nghệ thuật – những vị ấy giờ đã thôi tự mình lui tới các gallery. “Hồi mới bắt đầu, mỗi tuần chúng tôi tiếp 10 đến 12 cuộc thăm viếng từ phía bảo tàng. Bây giờ một tháng họ chỉ ghé 2 hoặc 3 lần. Nhưng tất cả những bảo tàng này đều cử giám tuyển đến TEFAF Maastricht,” anh nói. “Ít nhất tới đó chúng tôi còn gặp họ được một lần trong năm.”
Kích cỡ của chính gallery là yếu tố quan trọng nhất trong việc định hướng “chiến lược hội chợ” cho gallery đó. Những gallery rộng lớn như David Zwirner, White Cube, và Thaddaeus Ropac mang tới hội chợ những tác phẩm của thị trường thứ cấp – thứ vẫn đem về cho họ phần lợi nhuận đáng kể, nhưng họ lại hiếm khi đem chúng ra trưng tại không gian triển lãm cố định của họ (ở trong nước).
Đã gọi là hàng đầu thì thành phần tham dự cũng phải là những gallery nghệ thuật đương đại hàng đầu, trải khắp 35 quốc gia, từ Argentina, Trung Quốc, Columbia, Hungary, India, Korea, đến tận Nam Phi. Trong ảnh: Zuang Huan, “Our Parents (2008)”, thuộc gallery White Cube, London, dự Frieze London 2012.
Đối với các cơ sở vừa phải, như gallery của Anthony Meier, hội chợ là cách Anthony kiếm chỗ đứng tại một địa phương nhất định mà không phải dính vào lắm cam kết dài hạn, tỷ như mở văn phòng xa hay mở chi nhánh thứ 2. “Các gallery, đặc biệt là những cái ở New York, giờ lại muốn (và đòi hỏi) có tên tuổi tại nhiều thành phố khác,” Meier giải thích.
Đối với các gallery nhỏ, lợi ích chủ yếu nằm ở việc chúng sẽ tìm được nhiều khách hàng mới tại hội chợ. Theo CANADA – một gallery nhỏ thuộc khu Lower East Side của New York – hội chợ gắn liền với việc xây dựng tên tuổi cho gallery dù nó nằm ở một vị trí xa lắc. “Chúng tôi còn không đủ vốn để mua cho mình một món bất động sản,” Phil Grauer, đồng sáng lập của CANADA, nói. Anh khen ngợi hội chợ NADA ở Miami vì nó đã “khiến những nhà sưu tập lười biếng cũng như các giám tuyển lười biếng chú ý đến chương trình của chúng tôi.”
Hội chợ nghệ thuật NADA tại Deauville Hotel ở Miami Beach
Tuy nhiên, một số gallery tham gia được hơn vài năm cho biết: họ đã phải vật lộn để tìm chỗ đứng ở hội chợ. Họ đã có mặt khá lâu nên không còn đủ tiêu chuẩn tham gia vào những chương trình đặc biệt như “Frame” của hội chợ Frieze (chương trình này chỉ lấy giá phải chăng là 8 ngàn USD, nhưng chỉ dành cho các gallery mới, không quá 6 năm kể từ ngày thành lập). Tuy nhiên, các gallery già hơn 6 năm lại vẫn có thể chưa đủ vững hoặc yếu tài chính để tham gia các hội chợ dành cho gallery lâu năm. “Đây là vấn đề mà chúng tôi đang đối mặt,” Horn nói. Thêm nữa, một số hội chợ có chính sách giảm giá các nhà buôn hàng đầu, nhằm khuyến khích họ tham gia. Chiến thuật này đẩy cao vị thế của hội chợ nhưng cũng làm tăng hố sâu ngăn cách giữa các gallery hàng đỉnh và phần còn lại của thị trường kinh doanh nghệ thuật.
Tại Frieze, khu Frame là dành cho những gallery dưới 6 tuổi, chỉ được bày một nghệ sĩ mỗi gian. Chọn gallery nào vào khu Frame là dưới sự tư vấn của hai giám tuyển: Rodrigo Moura và Tim Saltarelli. Trong ảnh: Haegue Yang, “Flip Fleet Flow Units (2011)”, thuộc gallery Kukje Gallery, Seoul.
Nhưng có lẽ diễn biến nổi bật nhất chính là việc chỉ có một vài nhà buôn hoàn toàn sống dựa vào tiền lời từ hội chợ. Tuy vậy, họ cũng công nhận rằng hệ thống này không hề được xây dựng cho kiểu kinh doanh du mục như thế. Simon Christopher – nhà sáng lập của Christopher Crescent gallery – một gallery suốt 2012 đã rày đây mai đó, cũng đã lên kế hoạch để yên cư tại một không gian cố định vào mùa thu 2013. Trong lúc này, anh đang sống dựa vào thu nhập từ các hội chợ như NADA New York. “Hội chợ là quan trọng, nhưng đa số hội chợ chỉ cho bạn tham gia nếu bạn có chỗ,” anh nói. “Trừ phi sau này Art Basel nhận nhà buôn không có gallery cố định, và chuyện đó trở thành một thứ tiền lệ, còn không sự việc sẽ chẳng bao giờ thay đổi.”
Sean Kelly Gallery tại Art Basel
Đối với tất cả – trừ vài nhà buôn ưu tú, những người rủng rỉnh tiềm lực để vừa tập trung được vào hội chợ, vừa quản lý tốt được phòng trưng bày cố định của họ – tầm quan trọng của các hội chợ này có lẽ là một thứ tinh thần “tự an ủi”.
“Chắc chắn rồi, một nhà buôn không thể tập trung cống hiến cho một show triển lãm tại gallery nếu anh ấy hay cô ấy cứ lâu lâu lại phải chuẩn bị tham gia vào một hội chợ,” Ed Winkelman nói, anh là chủ gallery, cũng là người tổ chức hội chợ Moving Image ở New York và London, và là đồng tổ chức hội chợ Seven ở Miami. “Tôi tự hỏi liệu có phải vì vắng mặt ở gallery hoài, chúng ta khiến cho việc kinh doanh tại đấy khó khăn hơn, và từ đó biến các hội chợ thành quan trọng hơn?”