Thị trường

Dự một hội chợ tốn bao nhiêu?
Phần 1: tốn đủ thứ tiền 27. 11. 13 - 6:26 am

Julia Halperin – Hoàng Lan dịch

Tại Art Basel 2012, chương trình “The Art Unlimited” đã tạo cơ hội cho các nhà buôn khoe ra những tác phẩm sắp đặt khổng lồ, như Gekröse,” 2011, của Franz West chẳng hạn. Nghe đâu gallery Gagosian đã bán được ngay trong ngày đầu tiên của hội chợ.

Vào năm 1967, chúng ta chỉ có Art Cologne. Được coi là hội chợ nghệ thuật đầu tiên của thế giới, Art Cologne do các nhà buôn Đức khởi xướng nhằm phục hồi thị trường nghệ thuật đương đại và hiện đại lúc ấy đang trì trệ. Trải qua 45 năm, một cộng đồng đủ loại các nhà buôn, tập đoàn, công ty tư nhân, cũng như cá nhân đã nối bước các nhà buôn Đức, tổ chức nên hàng trăm hội chợ nghệ thuật và cạnh tranh nhau để quanh năm suốt tháng giành lấy con mắt cũng như ví tiền của công chúng.

Art Cologne phiên bản 2012

“Hiện nay, tham dự hội chợ là một phần của kế hoạch kinh doanh,” Anthony Meier – nhà buôn sống ở San Francisco – nói. Nếu tham gia ít hơn 4 hội chợ mỗi năm, anh kể tiếp, “thì cũng giống như bạn không quảng cáo hay không có 3 đường dây điện thoại. Với điều hành doanh nghiệp, tham gia hội chợ là tối quan trọng.” Nhưng vì lo lắng đuổi theo lợi nhuận mới, đôi lúc các galleries tính toán sai hoặc không để ý đến các chi phí cần phải trang trải cho việc tham gia nhiều hội chợ nghệ thuật mỗi mùa. Tham dự vào cái chốn bị các sự kiện thôi thúc (như hội chơ) đã trở thành một bắt buộc nghề nghiệp, đồng thời là một sự mạo hiểm về tài chính.

Theo nghiên cứu có tên “Vai trò của các nhà buôn nghệ thuật & đồ cổ: một giác trị được thêm vào” hồi năm 2011, trong tổng doanh số, có 28% là các nhà buôn kiếm được khi giao dịch ngoài quốc gia “chính” (nơi họ đặt cơ sở kinh doanh). Con số này – lấy từ bản khảo sát của 45 thành viên thuộc CINOA (Liên hiệp quốc tế dành cho các nhà buôn nghệ thuật và đồ cổ) – bao gồm tiền bán cho những nhà sưu tập ngoại quốc và cả tiền bán ở hội chợ. Nhưng các con số chi tiết lấy từ hai tá galleries nằm trong bài nghiên cứu còn cho thấy một bức tranh “giật gân” hơn: hầu hết những galleries này cho biết, các hội chợ đem về trung bình khoảng 60% tiền lời – thậm chí còn tới 90% tiền lời – trong tổng doanh thu của họ.

Một tác phẩm trong Art Miami 2012

Nhưng tham gia hội chợ không hề rẻ. Một gian duy nhất tại một sự kiện hàng đầu có thể tốn hơn 75 ngàn USD – và bạn phải trả trước toàn bộ số tiền này. “Nếu tham gia 4 hội chợ gần như cùng một lúc, và mỗi cái ngốn khoảng 40-50 ngàn USD, bạn phải chi rất nhiều tiền,” Richard Arregui – Giám đốc của Fredric Snitzer Gallery ở Miami – giải thích.

Một vài nhà buôn nổi tiếng báo cáo rằng kinh phí họ chi cho hội chợ hàng năm là khoảng từ 300 ngàn đến 400 ngàn USD. “Với số tiền đó, đáng ra bạn có thể mướn được một mặt bằng bán lẻ tươm tất (ngoài hội chợ)” Sandra Hindman – chủ của gallery Les Enluminures chuyên về sách thời Trung cổ – kể lại. Sandra từng tham dự hội chợ TEFAF ở Maastricht, Masterpiece ở London, show Winter Antiques ở New York, và các hội chợ khác.

Khung cảnh TEFAF Maastricht 2011

Giá thuê gian trưng bày khác nhau đáng kể. Các hội chợ có mặt bằng rộng cỡ nhà hội nghị – như Art Basel Miami Beack (ABMB) – tính tiền theo diện tích gian: năm 2011, hội chợ này chém 590 USD cho mỗi mét vuông, vậy một gian rộng 83 mét vuông sẽ ngốn 48,790 USD. Những hội chợ ít diện tích hơn thì tính giá theo từng loại gian: The Art Show của ADAA – cũng là khuôn viên của trụ sở Park Avenue Armory tại New York – tính 21 ngàn USD cho gian nhỏ và 26 ngàn USD cho gian lớn.

Các nhà tổ chức nói họ xem xét thời gian hội chợ, giá cả thuê mặt bằng, giá xây dựng gian hàng để quyết định mức giá mà họ đưa ra cho các nhà buôn. “Giá cả thật sự thể theo những gì chúng tôi phải chi trả, và tiền mặt bằng là yếu tố quan trọng nhất,” Paul Morris nói. Ông là cựu phó chủ tịch của các hội chợ tại MMPI – tập đoàn bất động sản chuyên về showroom, nhà điều hành của 5 hội chợ bao gồm Volta ở Basel và Amory Show ở Manhattan – “Điều ngạc nhiên là, kinh doanh ở Basel và Switzerland rẻ hơn so với ở New York.”

Hội chợ Volta 6, 2010

Theo Sanford Smith, một người tổ chức hội chợ dày kinh nghiệm, thì chi phí xây dựng đóng vai trò quan trọng; ông đã có thể giảm 20% giá thuê gian trưng bày nếu không phải dùng lao động của nghiệp đoàn. Nhưng ông cũng thừa nhận “Các thợ mộc và thợ điện của nghiệp đoàn đều là những người thợ lành nghề”, là những người có đủ kỹ năng để dựng nên Pavillion of Art and Design (PAD) tại Park Avenue Amory vào năm ngoái trong thời gian kỷ lục 36 tiếng, “với chất lượng vượt xa PAD London”

PAD New York 2011

Dĩ nhiên, số tiền mà một gallery phải chi để triển lãm tại hội chợ còn bao gồm nhiều thứ ngoài giá thuê gian trưng bày. “Họ bắt bạn trả mọi thứ,” một nhà buôn than phiền. “Nếu muốn thêm một bóng đèn tại Art Basel, họ nói ‘vui lòng cho xin thẻ tín dụng’.” Hầu hết các chủ gallery báo cáo rằng họ đã phải trả thêm gần 10 ngàn USD phụ phí tại những hội chợ như ABMB và Amory Show để dựng thêm tường, gắn ánh sáng thích hợp, gắn thêm ổ cắm, và lắp hệ thống internet.

Rồi còn lắm phí tổn kiểu cọ không lường trước được. Một gallery của San Francisco chi 1,500 USD tiền muớn chuyên gia kỹ thuật để lắp đặt máy chiếu tại gian triển lãm của họ ở Frieze Art Fair, London. Một gallery của Mỹ khác thì tốn 1,900 USD tiền mướn nội thất tại Art Basel ở Switzerland – thế vẫn rẻ chán so với 7,000 USD mà gallery này phải trả cho khoản ăn uống.  Theo một vài nhà buôn, Maastricht bắt những ai lần đầu tiên triển lãm ở đấy phải chi 25 ngàn USD “phí kết nạp” cho European Fine Art Foundation – nhà tổ chức của Maastricht. Nhưng ai dám nói “Không” nào? Theo lời của David Leiber – chủ gallery Sperone Westwater, “Về mặt tài chính, nó đắt hơn những gì một người bình thường có thể tưởng tượng, nhưng nếu không tìm cơ hội để tham gia thì bạn sẽ cảm thấy mình rất lạc lõng.”

Frieze Art Fair

Các nhà buôn cho hay, phí phụ thuộc đáng kể nhất, là phí vận chuyển – vốn có thể đến hàng chục ngàn USD. Các nhà buôn làm việc với các nghệ sĩ nước ngoài không những phải trả tiền để chuyển tác phẩm theo đường không, mà còn phải trả tiền thuế quan, tiền chuyển tác phẩm từ studio đến sân bay, cũng như từ sân bay về chỗ triển lãm. Trong khi đa số các chi phí của những giao dịch mua bán tại châu Âu được hoàn thuế VAT, các thị trường mới lại không rộng rãi vậy. Brazil đánh 17% thuế VAT, khiến phí kinh doanh tại đất nước này leo thang. Đây cũng là lý do tại sao Hong Kong trở thành địa điểm tổ chức hội chợ phổ biến hơn Trung Quốc – nơi đánh phí xuất nhập khẩu cao.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả