Tin-ảnh: Từ giàu ý niệm tới đơn thuần to xác
06. 01. 14 - 7:13 am
Phạm Phong tổng hợp
NEW YORK, NY – Điêu khắc gia Antony Gormley vừa được phong tước Hiệp sĩ trong New Year Honours List, một danh sách được Hoàng Gia công bố vào ngày 1. 1 mỗi năm, vinh danh những người đã có những thành tựu và cống hiến đặc biệt cho Anh Quốc. Năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, danh sách này nhiều nữ hơn nam. Trong hình: tác phẩm “Critical Mass II, 1995”, khuôn sắt, kích thước thay đổi, 60 hình nhân bằng cỡ người thật. Ảnh do Elfi Tripamer chụp tại Vienna.
Sir Antony Gormley từng đoạt giải Turner năm 1994, được trao OBE (Huân chương Hoàng gia Anh) năm 1997, và giành giải thưởng cao quý Praemium Imperiale Prize về điêu khắc năm 2013. Nhận tước hiệp sĩ, Sir Gormley phát biểu “… Trong lịch sử, những phần thưởng thế này dành để ghi nhận những người đã phục vụ tổ quốc, trong lĩnh vực quân sự, chính trị, hay công kỹ nghệ. Nhưng nay, vinh dự này được trao cho cả những người đã làm công việc mở mang đầu óc con người. Điều này phản ánh một sự chuyển đổi đầy hạnh phúc mà Anh Quốc đang theo đuổi.” Trong hình: tác phẩm sắp đặt “Allotment II , 1996” (Phân lô II) của Gormley, chất liệu bê tông, 300 hình nhân to bằng người thực, lấy từ kích cỡ của người dân vùng Malmö, tuổi từ 1.5 – 80. Ảnh do Colin Davison, Newcastle, chụp, năm 1996.
KARLSRUHE – Công việc có vẻ ngày càng nặng đối với các nghệ sĩ đương đại. Vừa phải “né” nhau về hình thức, vừa phải tìm kiếm những ý niệm mới cho tác phẩm. Như triển lãm ”Kata Legrady. Smart Pistols” ở Trung tâm Nghệ thuật và Công nghệ Truyền thông (ZKM) ở Karlsruhe (Baden-Württemberg) chẳng hạn. Các tác phẩm điêu khắc, nhiếp ảnh của Kata Legrady mang lại một thứ hiệu quả “khó chịu”: một mặt buộc người xem phải đối diện với những thứ bạo lực, một mặt tạo cho người xem cảm giác vui mắt như đứng trước những thứ đồ con nít vẫn thích. Những vũ khí được Kata Legrady thể hiện trong một thế tương phản lớn nhất. Súng và lựu đạn được trang trí bằng những viên kẹo chocolate nhiều màu sắc, thí dụ vậy. Những món đồ vật ấy, dưới tay cô, trở thành những món siêu thực trong một thời đại đầy duy mỹ. Trong ảnh: khách tham quan xem một tác phẩm của Kata Legrady (2011) tại triển lãm. Ảnh: Uli Deck
Sự cực đoan trong tác phẩm Kata Legrady không thể lớn hơn: những vũ khí, đạn dược bằng thép lạnh, được sinh ra là để giết người, lại phủ bằng những thứ ngọt ngào, rực rỡ, nhắc nhớ kỷ niệm ấu thơ, cái ham muốn được ăn kẹo và vô tư lự. Chỗ này là những món đồ vật của chiến tranh lạnh lùng, sáng bóng, tàn độc, chỗ kia là hoa làm bằng kẹo. Chỗ này là lựu đạn cầm tay, chỗ kia là những đồ xa xỉ, những đồng tiền giấy. Một bên là những công cụ tinh vi của thần chết, một bên là những thứ thanh tao và ngon lành. Trong hình, du khách ngắm một tác phẩm có tên “Pineapple” (Dứa – nhiều màu, 2011) của Kata Legrady, hôm 3. 1. 2014 tại Trung tâm Nghệ thuật và Công nghệ Truyền thông (ZKM) ở Karlsruhe (Baden-Württemberg), trong triển lãm”Kata Legrady. Smart Pistols”. Ảnh: Uli Deck
KEELUNG – Nhưng hình như mặc cho các nghệ sĩ đương đại cố nhồi bao nhiêu ý tưởng vào các triển lãm, đa số người dân thường vẫn chỉ thích những thứ đơn giản, áp đảo thị giác. Trong ảnh, con vịt đồ chơi cao 18m của nghệ sĩ Hà Lan Florentijn Hofman được thả trôi ở cảng Cơ Long, sau khi đã được sửa chữa, hôm 3. 1. 2014. Con vịt này, được thả ở bến cảng phía bắc Đài Loan, đã phát nổ (lại nổ!) chỉ vài giờ trước khi diễn ra lễ đếm ngược mừng Năm Mới. Ảnh: Sam Yeh.
Các nhà tổ chức lại một phen xin lỗi người xem. “Chúng tôi muốn những người hâm mộ chú vịt cao su vàng này tha lỗi. Thời tiết hôm nay đẹp, và chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây rắc rối. Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận con vịt để xác định nguyên do.” Nhà tổ chức đã định bày con vịt để thu hút người xem đến còn làm lễ đếm ngược mừng 2014, nhưng không thành. Một nhân chứng cho biết, có thể con vịt đã nổ do một số chim ưng trong lúc sà xuống định quắp đã móc rách thân.