Ở Đâu - Làm Gì

ĐIỂM ĐẾN II: không “co giật”, có “tự do nội tại”, và thêm 3 nghệ sĩ Mỹ 14. 01. 14 - 6:36 am

Thông tin từ BTC

ĐIỂM ĐẾN II
Thời gian: từ ngày 22 – 1 đến ngày 26 – 1 – 2014
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66- phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Khai mạc: 17h ngày 22 – 1 – 2014
Workshop: ngày 23 và 24 – 1 – 2014 tại Khoa Nghệ thuật, Đại học Sư phạm Hà Nội, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.
Trò chuyện nghệ thuật: Từ 14h, ngày 26 – 1 – 2014, tại phòng triển lãm- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Atiqah Yusof, “Semerah” (tên địa danh ở Malaysia), in kỹ thuật số, 30 x 45 cm, 2013

Lần đầu tiên, những sáng tác nhiếp ảnh mỹ thuật dựa trên một bộ sưu tập tranh kính nổi tiếng nước Mỹ được giới thiệu ở Việt Nam.

Triển lãm này là thành quả thứ hai của sự kết hợp làm việc giữa họa sĩ, nghệ sĩ thị giác trong và ngoài nước với một nhà tổ chức cá nhân của Việt Nam, để hướng đến nhiều Điểm đến tiếp theo trong tương lai, nơi gặp gỡ và giao lưu của mỹ thuật Việt Nam và mỹ thuật trong khu vực cũng như thế giới.

Triển lãm lần này có chủ đề Tự do nội tại, giới thiệu 38 sáng tác mới của 4 họa sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh mỹ thuật Malaysia, 3 họa sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh mỹ thuật Mỹ và 3 họa sĩ Việt Nam.

Zaim bin Durulaman, “Hiện tượng Angry Bird”, tổng hợp, 150cm x 150cm, 2013

Như vậy, sau 2 năm kể từ thành công ban đầu của triển lãm Điểm đến I (tháng 3 – 2012 – mà họa sĩ Bằng Lâm từng mô tả là một “không gian mới, co giật mới” – SOI) tại cùng địa điểm triển lãm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, với sự tham gia của họa sĩ hai nước Việt Nam và Malaysia, Điểm đến II lần này có thêm hai yếu tố mở rộng mới: có sự tham gia của 3 nghệ sĩ đến từ Mỹ và có thêm 2 hình thức nghệ thuật thị giác: nhiếp ảnh mỹ thuật và nghệ thuật sắp đặt.

Lĩnh vực nhiếp ảnh mỹ thuật vẫn còn là một miền đất mới đối với các nghệ sĩ Việt Nam. Vì thế, sáng tác của ba nghệ sĩ đến từ Mỹ và Malaysia chắc chắn sẽ là tham khảo thú vị dành cho nghệ sĩ và công chúng Việt Nam quan tâm đến loại hình này.

Atiqah Yusof (Malaysia) chọn các thân cây khô làm đối tượng chính cho bộ ảnh của mình. Cô chụp chúng ở nhiều địa điểm khác nhau, có những can thiệp nhất định của kỹ thuật số để đem lại hiệu ứng thị giác mới mẻ, chia sẻ thông điệp về cái chết và sự hồi sinh của thiên nhiên.

Atiqah Yusof, “Bagan Lalang” (tên địa danh ở Malaysia), in kỹ thuật số , 30 x 45 cm, 2013

Lần đầu tiên, John D’Agostino, nghệ sĩ người Mỹ, đem đến Hà Nội những bức ảnh được sáng tác trên nền những bộ sưu tập tranh kính của ông nội anh, nhà sưu tập danh tiếng Vito D’Agostino (1898 – 1968). Những góc nhìn độc đáo của một người trẻ về bộ sưu tập quý giá của gia đình mình đồng thời gợi lên những cảm nhận thẩm mỹ khác, như là sáng tạo đương đại trên phông nền lịch sử.

Tác phẩm của John D’Agostino dựa trên tranh kính cổ (phải)

Cũng là một người Mỹ nhưng Larry D’Attilio lại tìm cảm hứng sáng tạo nhiếp ảnh mỹ thuật với các nhân vật người Việt Nam. Sự ưu tư, mạnh mẽ, lãng mạn, vui vẻ và tự tin của phụ nữ Việt Nam hôm nay là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của Larry, một nghệ sĩ đã từng đi qua rất nhiều vùng đất trên thế giới.

Larry D’Attilio, “Một lối đi khác”, nhiếp ảnh mỹ thuật

Chủ đề của triển lãm, Tự do nội tại, là điểm tựa để nhà tổ chức trao đổi với nghệ sĩ về việc chọn sáng tác trưng bày hoặc lên ý tưởng xây dựng sáng tác hoàn toàn mới như với họa sĩ Ngô Hải Yến (Việt Nam).

Ngô Hải Yến, “Xúc cảm”, lacquer, 120cm x 200cm, 2013

Một điều đáng chú ý tiếp theo trong triển lãm này là đa phần sáng tác đều lấy chân dung con người làm trung tâm điểm. Những chân dung đa diện của Brant Kingman (Mỹ), những đôi mắt ám ảnh của Đặng Tú Thư (Việt Nam), những chân dung (hay là mặt nạ?) nhòa mờ trong bối cảnh không gian của Yusof Ghani (Malaysia), rất nhiều gương mặt vui buồn với đời trong sắp đặt của Ngô Văn Sắc,… chắc hẳn sẽ đem đến cho công chúng thưởng lãm những khoảnh khắc cảm xúc khó quên. Đi đến tận cùng của sự sáng tạo trong mối đồng cảm lớn với cuộc đời, hẳn người nghệ sĩ sẽ tìm thấy sự tự do nội tại trong mình. Và hơn thế nữa, sáng tạo của họ cũng sẽ chia sẻ, gợi cảm hứng trong người xem về một thế giới tự do trong tâm tưởng. Mặc dù điều đó không phải dễ dàng đạt tới trên hành trình sáng tạo nhưng với những nghệ sĩ trong triển lãm này, đó là điều họ luôn tâm niệm.

Đặng Tú Thư, “Sự trống rỗng”, sơn dầu, 100cm x 150cm, 2012

 

Ngô Văn Sắc, “Chân dung”, tổng hợp trên gỗ, 160cm x 120cm

 

Zaim bin Durulaman, “Gia nhập (biệt đội) Rồng”, tổng hợp, 122cm x 122cm, 2012

 

Yusof Ghani, “Siem Reap #2”, sơn dầu và chì than trên vải, 92 x 92 cm, 2011

 

Brant Kingman, “Bản diện”, acrylic trên giấy, 107cm x 91cm

 

Đặng Tú Thư, “Số phận”, sơn dầu, 150cm x 100cm, 2013

 
Sự kiện này đã nhận được sự tài trợ và hỗ trợ của các nghệ sĩ tham gia, khoa Nghệ thuật – Đại học Sư phạm Hà Nội,  tổ chức Greater Milwaukee Foundation’s Mary L. Nohl Suitcase Fund, ông Tom Linzmeier, Nghệ sĩ violon Pamela B. Foard (người Mỹ) và một số hỗ trợ từ Mỹ thông qua tổ chức Fracture Atlas.

Thông tin chi tiết về triển lãm và các sự kiện liên quan: www.art-tngs.com

Về nhà tổ chức: Nguyễn Tâm (sinh năm 1978) là người đã gắn bó với thị trường nghệ thuật nhiều năm nay. Chị hiện đang cộng tác với một số gallery, nhà sưu tầm ở Mỹ, Đức, Bỉ… Mong muốn của chị là đóng góp một phần công sức nhỏ bé cùng các họa sĩ, những người yêu nghệ thuật, những nhà kinh doanh và sưu tầm nghệ thuật trong và ngoài nước chung tay tiếp tục tạo dựng nên một thị trường nghệ thuật thực sự ở Việt Nam, trong một tương lai gần.

Ý kiến - Thảo luận

18:21 Friday,17.1.2014 Đăng bởi:  loicanh
Thương con em khôn quá!! Viết một bài PR mà cởi mở hết cả ưu khuyết, tham vọng kỳ vọng, mò mẫm gồng gánh lẫn với hô hào xung phong. Đọc xong và xem hết chỗ ảnh thì khỏi phải đến triển lãm làm gì mà lên Nhật Tân xem đào quất còn sướng hơn. Thương em và cũng thêm giận bọn
...xem tiếp
18:21 Friday,17.1.2014 Đăng bởi:  loicanh
Thương con em khôn quá!! Viết một bài PR mà cởi mở hết cả ưu khuyết, tham vọng kỳ vọng, mò mẫm gồng gánh lẫn với hô hào xung phong. Đọc xong và xem hết chỗ ảnh thì khỏi phải đến triển lãm làm gì mà lên Nhật Tân xem đào quất còn sướng hơn. Thương em và cũng thêm giận bọn đã lổi tiếng đã bán nhiều tranh rồi còn kê kích xúi bày em tổ chức thêm những cuộc lẩu thập cẩm vỗ tay cúng cụ kiểu mới, tạo điều kiện cho Tây dốt đi du lịch là chính! Trời rét đậm tám chín độ, bọn buôn art tầm art thì uống rượu nóng bên lò sưởi, còn em thì răng hở môi tím dắt đám nhà tài trợ tương lai đi lang thang ngoài đường. . . Thôi , rồi sẽ có ngày bọn chúng phải quỳ mọp dưới chân em, khóc váng lên " nhờ có bà mà thị truồng nghệ ngỗng giờ mới thục sụ đẻ zaa" hic hu
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả