Nhiếp ảnh

Các “chiêu” chụp ảnh thời Victoria: từ “mẹ núp” đến vẽ mắt người chết 17. 01. 14 - 7:16 am

Hoàng Lan dịch

Các studio ảnh thời Victoria (1837-1901) rất khoái dùng xảo thuật, nhất là các tiểu xảo nhằm ứng phó/thử nghiệm với thời gian phản sáng lâu lắc. Nói thêm, vào lúc này, chụp hình là công đoạn mất nhiều thì giờ, người mẫu phải ngồi yên khá lâu thì nhiếp ảnh gia mới chụp được 1 pô, chẳng biết đây có phải là lý do thiên hạ chê rằng người thời Victoria hay nhăn nhó khi chụp hình không, vì rất khó để họ cười toe suốt quá trình chụp, mỏi mồm chết!

“Mẹ núp”, tại sao phải núp nhỉ? Đọc tiếp nhé (nguồn ảnh: Mack Books)

Dù nhiều người biết thể loại ảnh chụp “linh hồn” (phần lớn là nhờ vào bức chụp “hồn ma” của cưu Tổng thống Lincoln), nhưng còn một số thủ thuật khác mà có thể họ chưa biết đến. Ví dụ như chiêu thức “mẹ núp” (hoặc bố núp, nhưng thật khó phân biệt nam nữ nếu ai cũng “núp”), hoặc một số ảnh “kỹ xảo” khác của thời Victoria – nơi cái chết luôn lấp ló gần kề, và cũng là lúc nhiếp ảnh đang bắt đầu trở thành một phần cuộc sống. (Thời Vitoria là thời chủ nghĩa tâm linh – Spiritualism- nổi lên, người dân tin nhiều vào thế giới linh hồn, ma qủy, người chết, và thích kéo nhau đi xem các “sô” diễn của mấy ông bà đồng. Rất nhiều nghệ sĩ đã nghĩ ra lắm “chiêu” hòng chiều lòng khán giả, trong đó có mục chụp ảnh hồn ma, ảnh rùng rợn)

Mẹ/Bố núp:

Linda Fregni Nagler vừa xuất bản một quyển sách tên “Mẹ núp” (The Hidden Mother), với cả ngàn hình chụp các bậc phụ huynh trùm khăn kín từ đầu đến chân để ngụy trang thành chiếc ghế. Công đoạn chụp ảnh thời đó tốn gần cả phút để ống kính đạt đủ độ phơi sáng, mà trẻ con thì chẳng hào hứng khi bạn bắt chúng ngồi yên chụp chân dung, vì vậy bố mẹ phải ngụy trang thành ghế, ôm con và giữ cho con bớt động đậy. Tuy nhiên, kết quả thì ảnh lại trông hơi rùng rợn – cha mẹ nom như một bóng ma đang lù lù hiện hình đằng sau những đứa trẻ bất an. Đồng thời cảm giác chết chóc cũng luôn đeo bám những tác phẩm này, nhất là với đối tượng trẻ em, vì dáng vẻ ma quái của của các bà “mẹ núp” trông đặc biệt giống một điềm gở.

Một phụ huynh vừa núp vừa dùng tay giữ yên cậu con trai (trái – nếu đã đọc bài “Xem tranh: Bữa trưa” thì bạn biết rằng thời đó trẻ em dưới 2, 3 tuổi đều mặc váy dù là trai hay gái) và một bà mẹ núp (hoặc bố núp) phủ vải trắng đang ôm chặt hai đứa con.

 

Hai tấm mẹ núp khác

Ảnh không đầu

Ngoài thời gian phơi sáng dài, các nhiếp ảnh gia Victoria còn thử chụp ảnh với 2 độ phơi sáng khác nhau (chính là kỹ thuật phơi sáng kép đã giới thiệu trong bài về Jon Duenas). Điều khiến các nhiếp ảnh gia thời Victoria khoái nhất là kỹ thuật này giúp họ tạo nên những bức ảnh “người không đầu.”

Hình sử dụng chiêu phơi sáng kép để chụp cảnh người đàn ông nắm cái đầu đứt lìa của mình trong tay, 1875 (Ảnh lấy từ bộ sưu tập George Eastman House)

 

Ảnh người không đầu (từ trang web Laughing Squid)

 

Các chiến sĩ không đầu (từ trang Curious History)

Phân thân

Tuy nhiên, đôi khi không phải lúc nào ảnh xảo thuật thời Victoria cũng nom rùng rợn, vì một số người còn thích dùng thủ thuật phơi sáng kép để chụp kiểu ảnh “phân thân”
 

Phân thân thành 2 người (lấy từ Bảo tàng Nhiếp ảnh Hoa Kì)

 

Trẻ em cũng biết phân thân! (lấy từ Bảo tàng Nhiếp ảnh Hoa Kì)

Ảnh người chết

Thời Victoria còn rộ lên phong trào chụp ảnh người chết, có những kẻ suốt đời không chụp hình và chỉ đến lúc họ mất thì người thân mới lôi họ ra chụp, nhưng mấy xác chết trong ảnh trông như đang còn sống, với đôi mắt mở to. Xảo thuật đơn giản ấy mà: các nhiếp ảnh gia dùng màu vẽ lên hình sau khi chụp xong, chủ yếu là tô lại đôi mắt để người chết nom có hồn.
 

Một nhiếp ảnh gia đang chụp hình xác chết (lấy từ Victorian Visual Culture)

 

Hình người chết với đôi mắt “tô vẽ” (lấy từ Flickr & Wikimedia)

Cảnh nền là hình vẽ

Cuối cùng, thủ thuật này không hẳn là  kỹ xảo, nhưng nó cho thấy hội họa ảnh hưởng đến cách dựng hình chụp như thế nào trong thời Victoria (ngoài việc dùng màu vẽ mắt cho người chết).
 

Trong ảnh, hai đứa bé với con dê là thật, còn khu vườn là hình vẽ (lấy từ George Eastman House)

 

Bưu thiếp chụp cô gái chăn bò, cô ngồi trên một chú ngựa (hình như) là giả, với cảnh nền vẽ (hình lấy từ SMU)

Tập sách “Mẹ núp” của Linda Fregni Nagler (xuất bản tháng 11. 2013) hiện đang bày bán tại Mack Books.

Ý kiến - Thảo luận

16:49 Saturday,18.1.2014 Đăng bởi:  Sắp thanh ma, vẫn sợ m
Xem xong "rủn tỉ", theo nghĩa đen. Định đọc lại, nhưng không dám.

...xem tiếp
16:49 Saturday,18.1.2014 Đăng bởi:  Sắp thanh ma, vẫn sợ m
Xem xong "rủn tỉ", theo nghĩa đen. Định đọc lại, nhưng không dám.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả