Nghệ sĩ thế giới

Gerhard Richter: Hóa ra một phần chỉ để đỡ mất thời gian 25. 04. 14 - 6:51 am

Dương Thùy Dương st và dịch

Gerhard Richter, Familie (Gia dinh), 1964, 150cmx180cm

Dieter Hülsmanns: Thưa ông Richter, điều gì ở một tấm ảnh khiến ông phải chép lại nó?

Gerhard Richter: Một tấm ảnh, chừng nào mà nó không do một nhà nhiếp ảnh nghệ thuật “định hình”, là hình ảnh tuyệt vời nhất mà tôi có thể nghĩ ra. Nó hoàn hảo, không biến đổi, tuyệt đối, nghĩa là nó độc lập, thiết yếu và không kiểu thức. Một tấm ảnh là hình ảnh duy nhất có thể truyền tải thông tin một cách khách quan, ngay cả khi nó thiếu hụt về kỹ thuật và đối tượng được chụp gần như không thể nhận ra. Một vụ giết người mà được vẽ lại thì chả thú vị gì, nhưng cũng vụ giết người ấy khi được chụp lại sẽ gây xúc động.

Gerhard Richter, Fußgänger (Những người đi bộ), 1963, 140cmx176cm


D.H: Ông thường đặc tả con người, động vật, đồ vật trong tranh của mình. Những thứ đó ông hoàn toàn có thể vẽ trực tiếp từ tự nhiên. Vậy tại sao ông lại sử dụng ảnh làm nguyên mẫu?

G.R: Một mặt là để tiết kiệm thời gian. Ngày nay chúng ta phải làm việc kiểu nào đó để đỡ tiêu tốn thời gian nhất; tôi chẳng hứng thú gì với việc đứng trước một tấm toan đến cả tháng trời.

Mặt khác, khi vẽ trực tiếp từ tự nhiên sẽ không tránh khỏi việc định hình một phong cách nhất định nào đấy, và tôi muốn loại trừ điều ấy.

D.H: Nếu ông đã muốn loại bỏ việc phong cách hóa và trừu tượng hóa, và chỉ vẽ cho thuần giống ảnh, thì không phải kì cục hay sao khi ông không chọn luôn con đường ảnh hóa để tạo nên những bức tranh của mình?

G.R: Tôi thấy điều ấy chẳng có gì là kì cục. Tất cả những người sử dụng ảnh thì đều “vẽ” lại nó bằng cách này hay cách khác. Vẽ với bút lông, cắt dán, in lỗ, hay phóng lên toan, đều không quan trọng. Nếu có kì cục thì chỉ có thể là, tại sao tôi lại làm ra những bức tranh này mà không phải những bức tranh khác; tại sao lại là những bức tranh mà trong thời điểm này tôi chỉ có thể tạo ra bằng cách này thôi? Nhưng cũng có thể một ngày nào đó, tôi sẽ tìm ra một cơ hội cho phép tôi loại bỏ việc chép lại.

Gerhard Richter, Sekretärin (Thư ký) 1963, 150cmx100cm

D.H: Ông cũng vẽ cả chân dung từ ảnh. Đối với một bức chân dung thì việc hiểu người mẫu không phải là cần thiết sao?

G.R: Hoàn toàn không. Tôi cho rằng, họa sĩ không cần phải thấy, phải biết về người mẫu, và chẳng nên đưa cái gì từ “tâm hồn”, bản thể, cá tính của người mẫu vào sắc thái biểu cảm. Một họa sĩ cũng không nên “nhìn” một người mẫu ở một góc độ riêng tư nhất định, bởi vì khi bức chân dung đã giống người mẫu rồi thì nó không thể giống hơn đuợc nữa. Chính vì thế, sẽ hay hơn nhiều khi một bức chân dung đươc vẽ từ ảnh. Bởi vì người ta không thể vẽ được một con người cụ thể mà luôn luôn chỉ là một hình ảnh mà thôi, và giữa hình ảnh đó với người mẫu chẳng có điểm gì chung cả. Sự giống người mẫu trong những bức chân dung của tôi không chỉ là giả tạo, là không chủ định, mà nó còn hoàn toàn vô nghĩa nữa.

Gerhard Richter, Frau Marlow (Bà Marlow), 1964, 77cmx96cm

D.H: Vậy cuối cùng thì chủ thể có ý nghĩa gì trong tranh của ông?

G.R: Tất nhiên là có ý nghĩa tiên quyết. Chỉ là không theo nghĩa thông tin về sự thật như ở trong ảnh. Tôi không bao giờ vẽ chỉ với mục đích tạo lại hình ảnh của một cá nhân hay một sự việc. Ngay cả khi tôi vẽ một cách trung thực và chính xác, cứ như là bức ảnh ấy thật sự quan trọng, thì thực ra tôi chỉ sử dụng nó như cái cớ cho bức tranh.

Gerhard Richter, Personengruppe (Một nhóm người), 1965, 170cmx200cm

D.H: Có nghĩa là, việc vẽ cái gì đối với ông chả có nghĩa lý gì?

G.R: Không, tôi không đề cao việc vẽ như thế nào. Người ta không thể (nhằm mục đích phụ vụ việc vẽ như thế nào mà tuỳ tiện*), ví dụ như, lộn ngươc cái tranh  xuống được. Chủ thể đối với tôi quan trọng đến mức, tôi phải dành nhiều công sức cho việc chọn đề tài, đủ quan trọng khiến tôi phải vẽ nó. Tôi bị mê hoặc bởi tính con người, sự hữu hạn, tính thực tế, sự logic trong một sự việc xảy ra, nó đồng thời cũng không thực tế, không thể hiểu và vô hạn. Và tôi muốn thể hiện như thế nào đó, để cái vế đối lập kia ở lại.

Gerhard Richter, Phillip Wilhelm, 1964, 150cmx130cm

*

* Phần trong ngoặc đơn là chú thích của người dịch.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả