Thiết kế

Quỹ nhớ thị giác – phần 1 29. 04. 14 - 5:56 am

Nguyễn Hồng Hưng

1.

Khi đang còn mở mắt nhìn, nếu phải nhắm mắt lại sẽ dễ dàng nghĩ rằng “Nhắm mắt sẽ không còn nhìn thấy gì nữa”. Tất cả chỉ còn màu đen thăm thẳm. Không còn ánh sáng.

Điều này rất đúng với một máy chụp ảnh đã đóng kín ống kính. Ánh sáng không thể lọt vào.

Với mắt người thì không phải vậy. Nhắm mắt lại, nhìn thẳng vào màn đen rộng lớn trong mắt, quỹ nhớ thị giác sẽ kích hoạt não tưởng tượng ra tất cả.

Khi nhắm mắt đủ lâu, các hình ảnh của trí nhớ thị giác sẽ hiện lên trên nền đen mà ánh sáng không vào được. Đương nhiên với mỗi người đều có mỗi kiểu dạng hiện hình ảnh riêng. Ví dụ có người luôn chỉ có hình ảnh kí ức đen trắng, có người thấy như màu sắc thật giống như nhìn mở mắt, hoặc thấy như đang xem phim màu rực rỡ. Có người lại thấy hình và màu sắc hoang tưởng như kiểu các đại lực sĩ ở truồng bay lượn, các cô tiên mảnh mai tuy không ở truồng, cũng thướt tha bay lượn, cơ thể những năm bẩy màu cầu vồng hoặc những cái cây sặc sỡ đi lại trò chuyện .v.v… còn khung cảnh địa lí xáo trộn lẫn lộn quận huyện phố phường. Những mảng màu vô nghĩa kì lạ lô xô uốn lượn… Khi tỉnh dậy khó xác định được vị trí và ý nghĩa cụ thể.

Những hình ảnh hiện ra từ trí nhớ thị giác khi ngủ mơ, hay khi mở mắt nhìn một nền đen, và cả những tưởng tượng khi đã nhắm mắt sẽ có tầm quan trọng lớn với ai có cuộc đời tự chọn đam mê nghệ thuật thị giác. Những hình ảnh bên trong đó đến từ quỹ nhớ của trí nhớ thị giác. Là những gì chúng ta thấy khi đã khép kín đôi mắt, cắt đứt mọi thông tin từ ánh sáng đưa vào thị giác chúng ta. Những hình ảnh bên trong được cất giữ đâu đó trong kí ức, trong trí nhớ mỏng manh và chủ quan, là một trong vài điều làm nên nghệ thuật.

Độ lớn (độ rõ nét chi tiết) và số lượng hình ảnh của trí nhớ được tồn tích ở đâu đó trong não bộ được gọi là “Quỹ nhớ thị giác”.

2.

Trí nhớ trong não bộ có ở nhiều quỹ chứa những thông tin khác nhau như ngôn ngữ – âm thanh – hình ảnh – mùi vị – những đau đớn tưởng chết đi được, hay những hoan lạc – những hạnh phúc – những nơi chốn – những gương mặt – những vần thơ – con số v.v…

Dung lượng của quỹ nhớ khác nhau theo nghề nghiệp. Các nhà ngôn ngữ học có quỹ nhớ khác với các nhà toán học. Trí nhớ của các nhạc sĩ ưu tiên cho âm thanh hơn những thứ khác. Quỹ âm thanh của các nhạc sĩ chất chứa nhiều kí ức âm thanh – tiếng động hơn cả.

Các họa sĩ và các nhà design có quỹ nhớ thị giác về màu sắc và hình thể phát triển hơn. Ở đó lưu giữ trí nhớ về màu sắc, hình ảnh, chuyển động và mọi cấu trúc chất liệu vật chất mà thị giác ghi nhận được. Những hình ảnh trong quỹ nhớ thị giác là cái nhìn của não, đã được não xử lí từ những thông tin của thị giác. Thực chất những hình ảnh trong quỹ nhớ thị giác luôn luôn là cái nhìn hiện tại của não. Vì cả quá khứ và tương lai chỉ có ở trong trí não khi não còn sống, và não mà đã chết thỉ cả quá khứ lẫn tương lại cùng biến mất trong cá thể cái não bộ đã chết rồi đó.

Một nghiên cứu mới cho biết rằng, họa sĩ thường có bộ não khác biệt hơn về mặt cấu trúc so với những người không biết vẽ. Việc quét não những người tham gia vào nghiên cứu đã khám phá ra rằng, các họa sĩ có các chất thần kinh tăng trưởng hơn tại các vùng liên quan đến sự vận động thần kinh nghệ thuật cũng như khả năng tạo hình thị giác trong não bộ.

3.

Cái nhìn của con mắt người đã tạo ra nghệ thuật thị giác. Các môn nghệ thuật thị giác khác nhau đều phát triển theo kiểu cảm thụ của thị giác người. Con người không thể thưởng thức nghệ thuật thị giác bằng cái nhìn của chuồn chuồn, chim ưng hay của mắt dơi, mắt cá, mặc dù với đòi hỏi của nhận thức, con người đã mô phỏng cách nhìn của loài vật, ví dụ như cách nhìn của dơi hay của rắn, nhìn bằng sóng siêu âm và tia hồng ngoại. Trong nghề vẽ có lối vẽ “Viễn cận tẩu mã” và “Viễn cận phi điểu” được mô phỏng từ trường nhìn của ngựa và chim ưng. Trường nhìn thị giác người không rộng như những loại có mắt lồi cao khỏi đầu và mặt, ví dụ như mắt thỏ, mắt lừa, mắt ngựa hay mắt cua, ếch.

Mắt con người nhìn thẳng và có góc nhìn xuống lớn hơn góc nhìn lên cao. Môi trường hoạt động của con người là săn bắt hái lượm trồng trọt trên mặt đất, và thị giác nhìn theo ánh sáng chiếu từ trên cao xuống, nên trong chuỗi thời gian tiến hóa tự nhiên, thị giác người phát triển ưu tiên hướng nhìn thẳng, nhìn xuống và nhìn hai bên phải trái còn hướng nhìn lên phát triển ít hơn. Sau này khi có chữ viết, cách viết chữ cách đọc chữ của mỗi cộng đồng cũng tác động ảnh hưởng tới thói quen thị giác của cộng đồng đó. Có loại chữ viết theo hàng dọc từ trên xuống dưới và từ trái qua phải. Có loại chữ viết từ phải qua trái và từ trên xuống dưới. Trong nghệ thuật đồ họa chữ, thấy rất rõ tư duy đồ họa chữ Tàu rất khác với chữ cái ABC. Cuốn từ điển hệ chữ La-tinh đầu tiên của tiếng Việt là từ điển Việt-Bồ-La xuất bản ở Roma năm 1651, là một sáng tạo chữ Việt của nhiều cha cố phương tây khi truyền đạo Kito vào Việt Nam. Chữ viết từ trái qua phải, dòng viết theo chiều ngang lần lượt từ trên xuống dưới. Tuy từ điển Việt -Bồ -La xuất hiện từ 1651 , nhưng mãi tới khoảng cuối thế kỉ 19 hệ chữ La-tinh của tiếng Việt được dùng phổ biến ở Nam Kì Việt Nam.

4.

Trong nhận thức thị giác có những biến chuyển rất tinh tế của ánh sáng – màu sắc – hình thể tạo ra số lượng trạng thái cảm thụ khác nhau nhiều tới vô cùng. Chỉ riêng sự pha trộn mầu sắc của bẩy màu quang phổ cũng cho số lượng trạng thái khác nhau nhiều không thể đếm xuể. Năm 1666, nhà bác học Anh Quốc Isaac Newton (1642- 1727) đã tìm ra quang phổ của ánh sáng trắng.

Nghệ thuật tạo hình và design là những thao tác để cho thị giác cảm thụ được bằng ánh sáng, đường nét, điểm, hình thể, màu sắc và không gian. Những gì con người không thao tác được, đều không nằm trong sáng tạo của Nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật design. Cho tới hiện nay mọi tích lũy hình ảnh thu được từ ngoại giới của quỹ nhớ thị giác chỉ hoạt động với nhận thức thị giác trong ba chiều không gian và một chiều thời gian.

Công nghệ kĩ thuật số đã tạo ra dạng “Nghệ thuật số” ảo hoàn hảo, nhưng vẫn phải dựa vào cảm thụ của nghệ thuật vật chất đã có của con người đang tồn tại để lập trình mô phỏng cho giống hệt, cho không xa lạ với thụ cảm thị giác truyền thống người.

Làm sao có thể tiên đoán được thị giác người có phát triển thêm cách nhìn nào khác nữa không? Liệu có thể dễ dàng nhìn thấy ánh sáng màu ngoài vùng tím và vùng đỏ của quang phổ? Hay có thể cùng một cái nhìn mà thấy được từ sáu hướng của hình thể?

Nghệ thuật thị giác sẽ thay đổi khi phương thức nhìn thay đổi. Mà điều này chỉ xảy ra khi cấu trúc của não và mắt thay đổi.

Một sáng tác của Isvan Orosz (1951-) làm liên tưởng tới sự phong phú sự khác biệt của những con mắt, sự phong phú của quan niệm về cái đẹp và về dung lượng dường như vô hạn của quỹ nhớ thị giác được bắt đầu từ con mắt.

Trong lịch sử nghệ thuật tạo hình đã từng có họa sĩ thay đổi phương thức nhìn, bằng trực giác tưởng tượng như có thêm con mắt thứ ba. Kết quả là sáng tạo ra trường phái Lập thể. Một trường phái vẽ như có thêm mắt nhìn được cùng một lúc từ nhiều phía khác với hướng nhìn của hai con mắt bẩm sinh.

Nghệ thuật cổ đại Ai Cập cũng có lối vẽ ghép các hình nhìn từ nhiều phía trên một bức tranh hay ngay trên một hình thể.

Giả sử loài người có số con mắt nhiều hơn và không đồng đều. Mỗi người có từ 2 tới 12 con mắt ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Khi đó nền hội họa chắc chắn thay đổi. Khi đó, ngoài hội nghệ sĩ tạo hình hai mắt như ngày nay, có thể sẽ có những hội nghệ sĩ tạo hình 5 mắt, hay 7 mắt (mỗi hội chỉ kết nạp hội viên có số mắt như nhau)… Biết đâu lại có cả hội nghệ sĩ tạo hình của những người khiếm thị có khả năng nhìn và vẽ bằng đặc dị công năng, như nhìn bằng lỗ tai hay bằng cảm nhận của bề mặt da…?

Khi đó chắc chắn quỹ nhớ thị giác sẽ tăng lên bội phần vì sự đa dạng của cấu trúc thị giác đã cho hình ảnh của nhiều cơ chế nhìn khác nhau.

Bức ảnh có nhiều con mắt dưới đây là ảnh minh họa khúc xạ của một tấm gương có nhiều diện cong tạo thành.

.

Với cấu trúc thị giác như ảnh minh họa có nhiều mắt trên một cơ thể, “Quỹ nhớ thị giác” và “Nghệ thuật thị giác” của con người sẽ khác hẳn hiện nay. Từ xa xưa thị giác người có nhiều trường hợp đột biến của cá thể đặc biệt mà khoa học chỉ có thể giải thích theo cách cao nhất của khoa học đương đại, tuyệt nhiên không thể chủ động lặp lại và phát triển phổ quát, để thích ứng nhu cầu đông đảo của những người khiếm thị trên quy mô toàn xã hội.

Trường hợp cụ thể một phụ nữ Việt Nam có khả năng nhìn rõ và đọc được báo bình thường khi mắt nhắm, hoặc đã bịt kín như đã được kiểm tra của những nhà ngoại cảm nghiên cứu về thị giác của bà. Người đó là bà Hoàng Thị Thêm sinh năm 1970 tại xóm Mới, thôn Bùi Trám xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. 

Cũng cần nói kĩ hơn, bà Hoàng Thị Thêm dù có nhìn được bằng hàng triệu những lỗ chân lông đi nữa thì việc cảm thụ đẹp xấu của nghệ thuật vẫn ngoài những khả năng đó. Giá như bà Thêm đam mê hội họa, đam mê design bằng khả năng nhìn khác thường đó.

5.

Độ lớn, độ phong phú của quỹ nhớ thị giác còn tiếp tục phát triển cùng với phát triển của con người. Đương nhiên tác động mạnh tới nghệ thuật thị giác, trong đó có mĩ thuật tạo hình và nghệ thuật Design. Đỉnh của phát triển thị giác như vọng tưởng của nhận thức nhân loại là loài người sẽ có thị giác như “mắt Phật” hay “mắt đức Chúa”. Thấy cùng lúc cả thể xác, cả linh hồn và tiền kiếp. Ngưỡng đó là kết thúc của nghệ thuật. Mọi nghệ thuật đều giải tán ở niết bàn và thiên đường.

Có thể nói cho dù con người tự nghĩ ra địa ngục, thiên đàng và niết bàn, âm phủ… Nhưng lại chưa hề nghĩ tới nghệ thuật ở những nơi như thế. Nghệ thuật chỉ có với con người nơi trần thế. Trước khi mọi nghệ thuật giải tán ở niết bàn hay thiên đàng, các sinh viên design nên nhớ phải luôn thừa kế kiến thức nhân loại và làm giàu quỹ nhớ thị giác. Cách thực hiện điều tích cực này tùy thuộc cụ thể tố chất từng cá nhân nhà design.

Kỳ sau: Cách làm giàu cho quỹ nhớ thị giác

*

Nguồn: “Nguyên lí design thị giác”, NXB Đại học TP HCM, 2012, Nguyễn Hồng Hưng

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hà Nội: bạn cần biết địch biết ta...

Lê Thị Liên Hoan (đạo diễn Lê Hoàng)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả