|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhNghệ thuật thị giác có thể vỗ về, an ủi và mang lại hi vọng như âm nhạc hay không? 04. 06. 14 - 5:31 amAlain de Botton – Hồ Như Mai st và dịchAlain de Botton chọn ra một vài tác phẩm có khả năng làm người ta đỡ cô đơn
Hầu như ai cũng nghĩ rằng âm nhạc có tác dụng xoa dịu. Gần như ai trong chúng ta, không cần ai chỉ dạy, vẫn có thể là DJ của chính mình, vẫn có thể chọn ra những bản nhạc để cải thiện tâm trạng bất kỳ khi nào. Nhưng ít ai nghĩ đến chuyện tìm đến các tác phẩm nghệ thuật với mục đích tương tự. Rất ít người thường xuyên xem tranh hay tượng để giải sầu. Trên điện thoại thường ta chỉ lưu playlist các bài hát, chứ không có bộ sưu tập tranh. Chúng ta cũng không có thói quen chọn ra những bức tranh yêu thích rồi lưu vào máy tính như một gallery riêng. Tranh tượng nghe qua vừa đắt đỏ, vừa… xa vời cao siêu, khiến ta không nghĩ đến những việc đó. Cách trưng bày nghệ thuật thị giác truyền thống cũng không làm cho ta thấy gần gũi với tác phẩm. Những gallery, các bảo tàng nghiêm nghị, vốn là nơi ta học cách hành xử với nghệ thuật, lại thường khiến người ta cảm thấy lạc lõng (quầy bán đồ lưu niệm có lẽ là có ích hơn- nhiều khi xem tranh trên postcard thích thú hơn xem tác phẩm gốc). Chúng ta đọc ghi chú, cẩn thận ghi nhớ vài ngày tháng quan trọng, nguồn gốc, mấy lời giải thích ý nghĩa. Nhưng rồi để làm gì? Suy cho cùng tác phẩm nghệ thuật có tác dụng gì chứ? Từ lâu người ta vẫn cho rằng câu hỏi thứ hai nghe vừa thô thiển, vừa thiếu kiên nhẫn, hay chỉ đơn giản là không thể trả lời. Nguy hiểm ở chỗ đó. Nếu nghệ thuật được khoác vào bao nhiêu thứ danh giá (mà tôi nghĩ là hoàn toàn xứng đáng) thì tác dụng của nghệ thuật cũng nên được nêu ra một cách dễ hiểu. Tôi tin rằng nghệ thuật cũng là một phương cách cứu rỗi, như âm nhạc vậy. Nghệ thuật cũng là phương tiện để ta có thể làm những việc như hồi phục hi vọng, trân trọng sự khổ đau, học cách cảm thông, biết cười, biết hoang mang và nuôi dưỡng một ý thức sẻ chia với người khác, cũng như tìm lại niềm tin vào sự công bằng và lý tưởng chính trị. Nhưng để nghệ thuật có thể làm được những điều nêu trên, ta cần biết cách tiếp cận tác phẩm. Tác phẩm phải được “lên khung” không phải theo những tiêu chuẩn của lịch sử nghệ thuật (mặc dù những tiêu chuẩn đó có thú vị đến đâu chăng nữa) mà theo một phương pháp tâm lý, sao cho khi xem tranh ngắm tượng người ta có thể thấy được những cảm xúc tận đáy lòng. Vậy thì làm thế nào để xem tranh như một liệu pháp tâm lý? Sau đây là một vài ví dụ Bức Monet ở trên là một trong những tác phẩm được xem nhiều nhất ở bảo tàng MoMA New York. Nhiều người – đặc biệt là những người có thị hiếu cao siêu, thấy chuyện này rất đáng lo. Họ cho rằng việc yêu thích những thứ “đèm đẹp xinh xinh” kiểu này đúng là triệu chứng của bệnh sến, hoặc tệ hơn là dốt nát. Họ còn lo lắng rằng nếu cứ thích thể loại nghệ thuật như thế này người ta dễ bị ảo tưởng: mải yêu những khu vườn đẹp người ta sẽ dễ quên đi thực tế cuộc sống trần trụi, toàn là chiến tranh, bệnh tật, chính trị chính em và thói vô luân. Họ sẽ tiếp tục cãi rằng nghệ thuật phải nhắc nhở ta về thực tế cuộc sống, chứ không thì cuối cùng ta ảo tưởng mà quên rằng đời chẳng đẹp như mơ. Nhưng nói vậy là xác định sai vấn đề. Với phần lớn chúng ta, nguy cơ lớn nhất không phải là sự tự mãn; dễ gì mà quên được những thứ dở hơi ở đời. Nguy cơ thực sự là ta sẽ trở nên giận dữ, trầm cảm, tuyệt vọng, rằng ta sẽ không còn chút hi vọng nào cho cái dự án cuộc sống dang dở kia. Chính nỗi tuyệt vọng này mới là thứ cần được nghệ thuật cứu chữa, mới là nguyên nhân sâu xa vì sao nhiều người thích những thứ “đèm đẹp xinh xinh”. Hoa mùa xuân, bầu trời xanh, trẻ con chạy đùa trên bãi biển… toàn là những biểu tượng của hi vọng. Sự hoan hỉ cũng là một thành tựu còn hi vọng là thứ đáng được trân trọng. Đồng cảm Quan tâm đến người khác vốn là chuyện khó khăn, đặc biệt quan tâm đến người già. Bức chân dung của Tully vẽ một bà lão ngồi gù lưng, trầm tư suy nghĩ trên nền màu tối. Người xem được khuyến khích dừng mắt lâu hơn bình thường. Bà lão ngày trước ắt hẳn là người mạnh mẽ và quyết đoán. Bà từng có người yêu, tối nay bà ngồi đó, im lặng đuổi theo những suy nghĩ dữ dội. Có lẽ giờ đây bà rất khó tính, muốn thương bà cũng chẳng dễ gì. Có lẽ bà cũng biết điều đó. Bà bực bội, bà khó gần. Nhưng bà vẫn cần người khác quan tâm. Ai rồi cũng đến lúc như bà. Và ở bất kỳ giai đoạn nào trong đời, thì cũng có những khi người ta trở nên khó ưa, khó ngưỡng mộ. Tình yêu gắn liền với sự ngưỡng mộ: chúng ta yêu ai đó vì người ta thú vị, dễ mến. Nhưng tình yêu còn có một khía cạnh khác: chút rung động trước nhu cầu của người khác – ở đây tình yêu còn là sự rộng lượng. Hoạ sĩ Tully đã rất rộng lượng với người mẫu. Hoạ sĩ cẩn trọng quan sát gương mặt bà lão, rồi tự hỏi thực ra bà là ai. Nâng niu Các xưởng thủy tinh ở Venice trở nên nổi tiếng vào thời Trung cổ, với những sản phẩm tinh vi, thanh thoát mà trước đó chưa từng có. Trong cuộc sống, gần như mọi lúc ta đều phải mạnh mẽ. Ta không được để lộ sự yếu đuối của bản thân. Ta được dạy điều này từ hồi còn ở vườn trẻ. Ai trong chúng ta cũng có phần yếu đuối, nhưng phải biết che đậy kỹ càng. Vậy mà các sản phẩm thủy tinh Venice không hề lên tiếng xin lỗi cho sự yếu đuối của chính mình. Chúng thừa nhận tính mong manh, như muốn cả thế giới hiểu rằng chúng dễ tổn thương ra sao. Những món đồ thủy tinh đó rất dễ vỡ không phải vì lỗi chế tác, hay một sơ suất nào cả. Ở đây không hề có chuyện nghệ nhân muốn làm một thứ cứng rắn, bền chắc rồi nhỡ tay lại làm ra một thứ đến trẻ con bẻ cũng gãy. Sản phẩm mong manh, dễ vỡ vì người nghệ sĩ muốn đạt được sự thanh thoát, muốn mời gọi được ánh nắng và ánh nến chiếu rọi vào chiều sâu của sản phẩm. Thủy tinh có thể đạt được những hiệu ứng tuyệt vời, nhưng cái giá phải trả ở đây chính là sự mong manh dễ vỡ. Nền văn minh của chúng ta có nghĩa vụ nâng đỡ sự tồn tại của những thứ mong manh, tạo ra những môi trường mà nơi đó sự yếu đuối cũng được chấp nhận. Rõ là chiếc cốc thủy tinh là thứ dễ vỡ, nhưng nó làm cho ngón tay của ta tự dưng biết cách nâng niu. Một bài học đạo đức về cách nâng niu những thứ yếu đuối, được kể bằng ly tách. Đứng trước đám ly tách đó, ta như được rèn luyện cho những lúc quan trọng trong đời, khi ta cần tiết chế bản thân trong đối nhân xử thế. Trưởng thành có nghĩa là ý thức được sức mạnh của mình có tác dụng như thế nào với kẻ khác. Bài học này cực kỳ hữu ích với các vị CEO. * Còn tiếp, phần 2: Những bài học khác từ nghệ thuật: nỗi buồn, sự đắm đuối, các mối quan hệ… Ý kiến - Thảo luận
8:23
Monday,13.10.2014
Đăng bởi:
AfoRhapsody
8:23
Monday,13.10.2014
Đăng bởi:
AfoRhapsody
Hay quá! Tôi tự so sánh với bản thân và học được nhiều điều bổ ích cho cuộc sống cho cá nhân mình và tìm được cách để yêu thương nhiều hơn những người xung quanh.
15:18
Monday,9.6.2014
Đăng bởi:
admin
Trần Nhật Chiêu ơi, phần 2 đây bạn: ...xem tiếp
15:18
Monday,9.6.2014
Đăng bởi:
admin
Trần Nhật Chiêu ơi, phần 2 đây bạn: Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp