Soi học

Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid? 13. 11. 11 - 12:05 am

Pha Lê

Trái với những biểu tượng “sẵn có” như con đại bàng của Zeus, con công của Hera, con cú của Athena; vòng nguyệt quế mà Apollo hay đội trên đầu có gắn liền với tích hẳn hoi.

Tác phẩm “Diana và Apollo”, Giovanni Battista Tiepolo, 1757. Bà chị Artemis thì đội vương miện mặt trăng, còn cậu em cầm cung, cầm đàn, và đội vòng nguyệt quế. Vòng nguyệt quế bắt nguồn từ đâu?

 

Tích này về số phận (có lẽ hẩm hiu) của nàng Daphne, trước khi vào bài (cũng có dính tới hiếp dâm! Tránh sao được, tích về một thần nam với một tiên nữ – hoặc người thường – lúc nào cũng có hiếp dâm), phải xác định rõ sơ yếu lý lịch của nàng Daphne này.

Như đã biết, sơ yếu lý lịch trong truyện Hy Lạp là một mớ bòng bong, Daphne có tới vài xuất xứ khác nhau.

Theo Diodorus, Daphne là con của một ông nào đó tên Teiresias, được đem “tặng” cho Apollo, nhưng không mấy ai tin tích này.

Theo Pausanias và Philostratus, Daphne là nàng tiên sông, con gái của thần sông Ladon và đất mẹ Gaia. Ông Pausanias còn kể về một Daphne khác, hành nghề tiên tri, nhưng chắc trùng tên thôi.

Theo Ovid, Daphne cũng là tiên sông, nhưng là con của thần sông Peneius.

Parthenius thì nói nàng tiên này là con của Amyklas. Có thể mỗi vùng phán theo địa danh của mình. Vùng nào có sông nào thì nói Daphne là con của thần sông ấy.

Về chuyện tại sao cô Daphne có liên quan tới Apollo, tích chủ yếu được chia ra theo hai luồng ý kiến:

 

1. Bị biến thành cây do… ghét trai

Tích đầu theo lời kể của Pausanias và Parthenius gần như không được họa sĩ nào vẽ tranh (tích do những nhà thơ ít tên tuổi kể không phổ biến lắm, nhất là vào thời của các họa sĩ này thì sách vở không nhiều, ít bản dịch, lại đắt tiền, bị Thiên Chúa giáo bài trừ v.v… nên đa số vẽ theo Homer, Ovid, Hesiod là chính). Theo lời hai ông Pausanias và Parthenius, Daphne là một nàng tiên sông thích săn bắn và rất ghét trai. Cũng vì lý do trên mà Daphne nhập hội với Artemis và cũng được nữ thần săn bắn cưng chiều hết cỡ. Nhưng do Daphne rất đẹp nên được đến hai chàng mê. Chàng thứ nhất là Leucippus, chàng thứ hai là thần Apollo. Biết nàng này theo chân Artemis, nên Leucippus nảy ra tối kiến giả gái. Anh mặc váy, xõa tóc, cạo râu và mon men đến gần Daphne. Daphne mới đầu chết mê chết mệt chàng Leucippus (trong lốt gái), đi đâu cũng bắt chàng này theo hầu. Apollo thấy hai người ôm ấp nhau thì tức điên, chàng truyền ý nghĩ của mình vào Daphne (theo kiểu thần giao cách cảm) bảo cô đi tắm. Thế là cô rủ Leucippus và hội tiên sông cùng nhau tẩy trần, nhưng khi thấy chàng này lưỡng lự không muốn cởi truồng, các nàng tiên nhào vô xé áo Leucippus và phát hiện ra giới tính của chàng, và giết chàng chết.

Nhà thơ Pausanias thì nhân đạo hơn, nói rằng Leucippus được thần (không rõ thần nào) cứu, hô biến chàng ra khỏi nguy hiểm trước khi các nàng tiên đâm chết. Nhưng thấy tình địch biến đâu mất, Apollo vui quá mất khôn, nhào tới bên Daphne. Cô này thấy thần mặt trời (tức con trai) thì hãi quá, chạy mất dép. Nhưng biết mình chạy không lại thần, cô cầu cứu Zeus, và ông biến cô thành cây nguyệt quế. Apollo thấy tiếc nên bứt một nhành để đội đầu.

Tác phẩm “Apollo và Daphne”, John William Waterhouse, 1908. Apollo rất nghệ sĩ, vừa cầm đàn vừa đuổi theo Daphne (nhưng chắc là do lúc này chàng chưa có vòng nguyệt quế nên John phải vẽ cây đàn để mọi người phân biệt, chứ vẽ con quạ hay con rắn thì hơi bị kém thơ mộng). Daphne sợ chết khiếp, một chân đã mọc rễ và tóc bắt đầu biến thành lá cây. Apollo được tả là có mái tóc vàng (mặt trời mà) nhưng John Waterhouse gần như ít vẽ ai tóc vàng. Ông chuộng tóc đen, nâu, và đỏ hơn; nên Apollo của ông có mái tóc nâu đỏ đặc trưng của dân Anh Quốc. Hình do bạn Hiếu Thiện cung cấp 


Tác phẩm “Apollo và Daphne”, Antonio del Pollaiolo, thế kỷ 15. Apollo ôm lấy Daphne nhưng một chân cô đã mọc rễ và hai tay biến thành hai cành cây.


Tác phẩm “Apollo và Daphne, Theodore Chasseriau, 1845. Apollo này có mái tóc vàng óng và vầng hào quang trên đầu, còn Daphne thì đã mọc rễ. Theodore vẽ chàng quỳ gối ôm Daphne, trông thiết tha hơn mấy cảnh rượt đuổi mà các họa sĩ khác hay vẽ.

 

2. Bị biến thành cây do “thằng” Cupid

Theo Ovid, thì mọi sự xuất phát từ cuộc cãi cọ giữa Apollo và Cupid. Ngoài bà chị Artemis ra, thì chỉ có Cupid và Apollo là có tài bắn cung. Apollo yêu chị ruột nên không nói làm gì, nhưng rất ức khi thấy Cupid cũng được cầm vũ khí biểu tượng của mình. Thế là chàng mắng mỏ Cupid, chì chiết rằng chỉ có đàn ông mới nên cầm cung, còn nhóc con thì không được.

Cupid thấy Apollo chảnh nên ghét, cậu cầm cung bắn hai mũi tên; một mũi có đầu mạ vàng (bùa yêu) vào ngực Apollo, một mũi có đầu chì (ngược với bùa yêu, ai bị trúng mũi tên này thì sẽ trở nên sợ tình yêu) vào ngực nàng tiên Daphne. Apollo bị Cupid bỏ bùa nên yêu Daphne say đắm, còn nàng tiên thì hãi hùng khi thấy Apollo bay xuống tỏ tình.

Tác phẩm “Apollo và Daphne”, Robert Lefevre, 1810. Robert vẽ hai người mặc áo đỏ giống nhau, còn Apollo thì có mái tóc nâu sẫm, chả ăn nhập gì với tích. Cậu Cupid còn núp bên góc trái dõi theo cảnh đuổi bắt. Có ý kiến cho rằng bức tranh này thực chất là tranh chân dung của một nhà quý tộc nào đó. Giới nhà giàu Châu Âu vào thời gian này thích thuê họa sĩ vẽ mình thành nhân vật chính trong tích, rồi đem treo trong nhà cho sướng.


Tác phẩm “Apollo rượt bắt Daphne”, Francesco Albani, 1625. Cupid (ngồi trên mây) đang khoái chí giễu chàng Apollo dám lớn tiếng với mình. Nhưng không hiểu sao Albani cho Apollo cầm mỗi cây cung còn Daphne cầm mỗi mũi tên?

 

Daphne chạy vào rừng trốn, nhưng Apollo cứ thế dí theo. Daphne là tiên nên chạy rất nhanh, nhưng Apollo đang yêu rạo rực nên khí thế hơn, vừa rượt Daphne vừa đọc thơ tình cho nàng nghe. Lúc sắp kiệt sức, Daphne cầu cứu cha – thần sông Peneius, xin cha lấy đi sắc đẹp của mình để mình không bị cưỡng bức. Thương con, Peneius đồng ý, và chân của Daphne bắt đầu mọc rễ, hai tay biến thành cành và tóc thành lá, cây nguyệt quế chính thức ra đời.

Nhưng dù bị biến thành cây thì Daphne vẫn đẹp và Apollo vẫn yêu. Chàng chạy tới ôm cây nguyệt quế, cảm thấy trái tim Daphne còn đập trong đó. Chàng lấy một nhành cây quấn lên đầu để Daphne không bao giờ rời xa mình. Ovid cũng nói thêm là từ đó, Apollo chỉ lấy gỗ của cây nguyệt quế để đẽo tên bắn, và làm đàn lia.

Tác phẩm “Apollo rượt bắt Daphne”, Giovanni Battista Tiepolo, 1681. Cupid nghịch ngợm đang nấp dưới tấm vải, còn thần sông Peneius (cầm cái gì trông giống mái chèo) thì vừa trồi lên để giúp con gái. Ngón tay của Daphne đã bắt đầu mọc lá. Nhưng trước đấy thì chưa có cây nguyệt quế, nên Apollo đang quấn cái gì trên đầu thế kia? 


Tác phẩm “Appollo rượt bắt Daphne”, Carlo Maratta, 1681. Ngón tay của Daphne cũng mọc lá, còn Apollo (có vầng hào quang tên đầu) đang dí theo sau. Cupid thì hí hửng cầm cung tên bay ở phía trên. Bố Peneius (cầm bình nước) buồn bã nhìn theo một cách thụ động. Carlo vẽ các nàng tiên sông (và một chàng không rõ là ai?) làm nền.


Bức tượng có tên “Apollo và Daphne” này là một tác phẩm kinh điển của điêu khắc gia Gian Lorenzo Bernini, ông bắt tay sáng tác vào năm 1622 và hoàn thành nó vào năm 1625. Tác phẩm hiện nằm tại gallery Borghese, tái hiện lại cảnh Apollo bám sát rạt Daphne dù cô này đã bắt đầu mọc rễ, mọc lá. Tác phẩm được tặng cho Giáo Hoàng Urban VIII, và phía dưới bệ của nó được khắc dòng chữ “Bất cứ ai chạy theo những ham muốn nông cạn thì chỉ sẽ tìm thấy lá và trái đắng”. Không biết người khắc chữ nghĩ gì, chứ đã trúng tên của Cupid thì sẽ yêu thật chứ chẳng “ham muốn nông cạn”; còn nếu tính tạc tượng này để đem ra răn đe, thuyết giảng đạo đức, thì Kinh thánh cũng có lắm chuyện có thể dùng tạc thành tượng được, hà cớ phải tạc tượng tích Hy Lạp khỏa thân vậy nhỉ?


Tác phẩm “Apollo và Daphne”, Francesco Trevisani, thế kỷ 17. Apollo ở đây có vẻ hơi bạo lực, nắm tóc Daphne kéo. Ông thần sông Peneius đang ngồi ở góc phải. Không hiểu sao các họa sĩ cứ thích vẽ mấy ông thần sông theo kiểu râu ria bùm xùm, cầm bình nước ngồi thẫn thờ, trông chẳng khác gì mấy tay bợm nhậu, vừa chán vừa thiếu sinh khí.

 

Nhưng ngoài chuyện làm con gái nhà lành phát khiếp (dù vô tình hay chủ ý) giống các thần nam của Olympia, Apollo nghệ sĩ và lãng mạn hơn nhiều so với những ông vai u thịt bắp khác. Chàng còn là chủ của 9 nàng thơ. Tích về 9 cô tiên này xin dành cho kỳ sau nhé.

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người

Ý kiến - Thảo luận

21:42 Sunday,12.11.2023 Đăng bởi:  admin
@ Duy: Có đó bạn. Đó là bài: "Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối"
...xem tiếp
21:42 Sunday,12.11.2023 Đăng bởi:  admin
@ Duy: Có đó bạn. Đó là bài: "Bài học Chủ nhật: Hermes – Thần của ngoại giao, nhưng lại hay nói dối" 
20:03 Sunday,12.11.2023 Đăng bởi:  Duy
có truyện nào về Hermes không ạ
...xem tiếp
20:03 Sunday,12.11.2023 Đăng bởi:  Duy
có truyện nào về Hermes không ạ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả