Gẫm & Bình

Điệu nhảy chết người (phần 2):
Múa bụng mỗi người một phách 11. 08. 21 - 1:17 pm

Willow Wằn Wại

(Tiếp theo phần 1)

Do điệu múa của Salome là nguồn cơn đem đến cái chết cho Thánh John, nó trở thành một biểu tượng đại diện cho Salome. Người đọc (và người nghe) đều khó có thể tưởng tượng được một Salome nhan sắc ra sao, nên phần quyến rũ và mê ảo thể hiện qua một điệu múa – vốn là thứ dễ tưởng tượng hơn – sẽ khiến chúng ta phần nào có thể bị thu hút, thuyết phục và cũng phần nào biến câu chuyện trở nên xa cách vừa đủ, khiến ta cảm nhận sự hấp dẫn của nó như một thứ vô tiền khoáng hậu.

Thủ pháp chọn vật thay người này không hề mới lạ trong dã sử và huyền thoại, giống như điệu “Nghê thường vũ y” của Dương Quý Phi làm mê mẩn Đường Minh Hoàng, cái nhăn mặt nũng nịu của Tây Thi làm mê đắm Ngô Vương Phù Sai. Ngay cả Việt Nam cũng có câu chuyện về Tống Thị dùng chuỗi vòng ngọc có mùi thơm để quyến rũ chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan.

Quay trở lại với câu chuyện được nhiều người quen thuộc (và tưởng là thật), Salome đã nhảy điệu Bảy Tấm Mạng Che, mỗi lần lại thả một tấm xuống và khiến Herod phải ngoan ngoãn dâng đầu John cho nàng. Hình tượng này đã được đưa lên phim ảnh và kịch nghệ rất nhiều lần, một hình ảnh gợi dục vô chừng với trong cách cởi bỏ từng tấm mạng, tuy không nói kỹ nhưng ai cũng ngầm hiểu nàng đang cởi bỏ y phục của mình. Việc nói lấp lửng càng khiến hình ảnh điệu múa trở nên nguy hiểm nhưng gây tò mò và kích thích trí tưởng tượng tới những thứ…người lớn hơn.

Salome với cái đầu của Thánh John, tranh của Lucas Cranach. Salome này nhìn có vẻ vui vẻ, khác hẳn tranh của Luini. còn bà Herodias thì không giấu nổi sự tự hào, y hệt như nụ cười của các bậc phụ huynh thời hiện đại khi nghe con đạt điểm cao. Ông Lucas Cranach này vẽ cả Salome lẫn Judith nên về sau để tránh nhầm lẫn thì tranh có Judith ông luôn vẽ thêm cái thanh kiếm vào.

Nhưng điệu nhảy quyến rũ này ở đâu ra? Cũng giống như câu chuyện về cái tên của Salome, nó hoàn toàn không xuất hiện trong Kinh Thánh. Kinh Thánh chỉ nói nàng múa đẹp và thế là hết, không có mạng không có cởi gì ở đây cả. Cái tên Bảy Tấm Mạng Che là từ vở kịch của Oscar Wilde. Ông là người đã giúp cho hình tượng Salome và tên của điệu nhảy thành hình. Nhưng có lẽ đối với Oscar Wilde thì sự điên dại của Salome đã đủ lắm rồi, cho nên trong vở kịch Salome, ông không cho Salome cởi tấm mạng nào cả mà lại cho nàng… cởi giày. Hình tượng cởi giày có ý nghĩa hơn hẳn vì chân nàng đang nhảy múa trên một vũng máu, làm tăng độ kinh dị và điên loạn cho vở kịch.

Có lẽ tác giả của vở kịch Salome không ngờ rằng hàng trăm năm sau thì mọi người quên béng mất vụ nhảy trên máu kia mà chỉ nhớ đến việc nàng cởi đồ. Nguyên nhân chính là từ những bức minh họa của Aubrey Beardsley gây ra cú sốc cho toàn bộ nước Anh trong cuốn kịch Salome in năm 1893. Cảnh Salome múa điệu Bảy Tấm Mạng Che được miêu tả trần trụi và ám ảnh hết sức có thế. Aubrey không ngại cho Salome hở hết ngực và bụng, múa theo tiếng đàn của một con quỷ, và điệu múa còn tiếp tục, người xem hiểu rằng tất cả những thứ còn lại trên người nàng cũng sẽ được cởi sớm thôi.

Minh họa của Aubrey Beardsley

Aubrey Beardsley rõ ràng lấy cảm hứng cho điệu múa từ những vũ công múa bụng, đặc biệt khi phong trào tìm hiểu về phương Đông huyền bí đang cực kỳ thịnh vào thế kỷ 18 và 19. Bức tranh Salome đang múa cũng được đặt tên là “the stomach dance” – múa bụng. Oscar giúp đặt tên, còn Aubrey đã “đóng đinh” luôn hình ảnh của điệu múa tuột đồ vào tưởng tượng của mọi người. Đến mức nhiều người ra sức phân tích ý nghĩa của hình ảnh này, lầm tưởng rằng nó vốn nằm trong Kinh Thánh.

Thời gian trôi qua, các nhà làm phim và biên kịch càng ra sức tận dụng hình ảnh múa bụng, khiến mọi người đã lầm càng lầm thêm. Mỗi tội lên phim thì chỉ có trang phục gợi cảm dựa trên trang phục múa bụng chứ chưa thấy ai múa bụng được, hoặc ít nhất diễn tả điệu múa theo cách quyến rũ hấp dẫn của múa bụng. Việc “có xác không có hồn” này thực ra cũng là bình thường trong phim ảnh Hollywood.

Mỹ nhân Brigid Bazlen thủ vai Salome trong bộ phim hoành tráng King of Kings kể về sự việc trong Kinh Thánh có liên quan đến Jesus Christ. Trang phục hở bụng và trễ hông đặc trưng của múa bụng, mỗi tội trong phim thì nàng múa khá xấu, được cái nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành bù lại nên có thể bỏ qua.

Cần nói qua một chút việc này vì người viết cũng là vũ công múa bụng. Múa bụng là điệu múa sử dụng cơ hông và bụng để tạo ra các động tác uyển chuyển, mềm mại theo nhạc hay diễn tả cảm xúc. Việc mặc đồ hở bụng là gần như bắt buộc vì những đường cơ và kỹ năng đều tập trung ở đó nên phải khoe ra, còn nguyên cả người mặc kín mín cũng được. Múa bụng cũng không có chuyện phải cởi cái gì cả, đây hoàn toàn là sự sáng tạo của Aubrey Beardsley và được đón nhận rộng rãi, đặc biệt vì vào thời kỳ đó, người phương Tây khám phá ra múa bụng và trang phục hở bụng, và đã không ngừng tận dụng để tình dục hóa loại hình nghệ thuật này đến tận ngày nay.

Vũ công Eshan Hilal của Ấn Độ trong trang phục múa bụng. Trong lịch sử, đã từng có lúc múa bụng được thực hiện bởi các vũ công nam.

Hình dung đầu tiên trên phim ảnh về Salome là từ bộ phim câm cùng tên do Alla Nazimova thủ vai chính kiêm sản xuất. Cảnh múa với các tấm mạng được mô tả rất rõ ràng và được nhận xét là gây ám ảnh, hoàn toàn dựa trên tranh minh họa của Aubrey Beardsley. Cảnh phim này đã mở đường cho các cách khai thác Salome cùng một khuôn trên điện ảnh suốt cả trăm năm.

.

Bộ phim thất bại khi ra mắt nhưng bây giờ được công nhận là một trong những phim nghệ thuật đầu tiên, với cách thể hiện ấn tượng và cách phục dựng đi trước thời đại. Phim hiện có trên Youtube. Được cái phim này chọn diễn viên vai Thánh John đúng với miêu tả trong kịch: gầy, tương đối trẻ trung và trắng toát. Để hình tượng Thánh John được đạo mạo hơn thì trong các tác phẩm nghệ thuật luôn vẽ ông râu ria xồm xoàm và đã là một ông lão, lên phim cũng không tránh khỏi cách khai thác này.

Vụ việc “tuột đồ” được nâng tầm cao và chi tiết hơn trong bộ phim Salome do huyền thoại màn bạc Rita Hayworth thủ vai. Cũng vẫn là trang phục múa bụng gợi cảm, nhưng nhờ Rita biết nhảy nên điệu múa không đến nỗi quá xấu, mỗi tội cũng không phải múa bụng hay điệu múa có gì quyến rũ cả, trừ việc mỗi tấm vải kéo xuống là da thịt nàng lộ thêm một chút.

Trong phim này thì Salome của Rita là một nàng công chúa ngây thơ, nàng không hề biết Thánh John sẽ bị chặt đầu nên việc chặt đầu đã được đẩy lên trước khi điệu múa thực hiện xong, vừa khéo trước khi tấm vải cuối cùng trên người nàng được kéo xuống.

Trong khi Salome trong tranh và phim thì khó thoát được hình ảnh múa bụng và quyến rũ bằng cách cởi đồ, Salome trong các vở kịch và opera thì đã dần dà vượt được cái khung đó. Tận dụng thế mạnh của loại hình sân khấu, điệu nhảy dần thoát ly khỏi hình bóng của sự gợi tình lồ lộ mà đã dần quay về với gốc gác của nó trong vở kịch của Oscar Wilde, đóng vai trò là một cảnh động không thoại cho biên kịch, biên đạo và diễn viên thỏa sức thể hiện Salome theo cách của họ.

Thí dụ như với vở opera Salome của Nhà hát Kịch Hoàng gia Anh. Trong vở này thì điệu nhảy Bảy Tấm Mạng Che đã được thay bằng những phân cảnh ước lệ thể hiện sự điên loạn, tuyệt vọng của Salome và sự hoang dâm lỗ mãng của Herod khi thỏa mãn dục vọng của mình với con gái riêng của vợ.

Vở opera Salome của Nhà hát Kịch Hoàng gia Anh

Vở diễn nhấn mạnh vào sự điên loạn của Salome, của thời cuộc lẫn của tất cả những người chung quanh, khiến người viết xem xong đã bị sốc và ám ảnh tới tận giờ. Vở opera chuyển thể từ kịch được viết cho giọng nam trung (baritone) mà giọng này ở các đoàn lớn toàn là các chú các bác, thành ra Thánh John cũng không thoát khỏi việc bị già hóa và không được trắng như miêu tả.

*

Salome:

- “Salome” – đã quyến rũ thì thường gây chết người (phần 1)

- “Salome” của Aubrey: Art Nouveau làm đau mắt người giả dối

- Điệu nhảy chết người (phần 1):
Hư hỏng thì nổi tiếng hơn

- Điệu nhảy chết người (phần 2):
Múa bụng mỗi người một phách

- Opera Salome của Strauss: “kinh khủng, nổi loạn, ghê tởm”, nhưng…

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Đối thoại: Có nên độ lượng với Nhái?

Minh Thành, Huy Thông, Lý Chuồn Chuồn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả