Trường phái

Urban Art (phần 1): Thuật phóng đại và Quả Bóng Đỏ 04. 07. 14 - 6:16 am

Đức Tém

Vậy là chú Vịt Vàng đã hoàn tất sứ mệnh bơi bơi trong cái hồ tắm khống lồ ở Phú Mỹ Hưng.Nhân dịp này xin trở lại với Nghệ thuật Đô thị – Urban Art – bằng cách nhìn vào những tác phẩm có kích cũng to to, và cũng bất ngờ tương tự như  chú vịt ấy.

Như các bạn đã biết, từ muôn thuở trước, bất kể là Á hay Âu, kích thước bất thường đã được đề cập rộng rãi trong các giai thoại, truyền thuyết. Có khi đó là nỗi sợ hãi, ám ảnh (Titan, người khổng lồ của phương Tây); có khi lại là đại diện cho ước mơ được che chở bảo vệ (Nữ Oa, Thánh Gióng của Á Đông). Nhân loại vốn từ lâu đã thích “làm quá” mọi sự vật, hiện tượng lên, không chỉ có kích thước mà còn ở số lượng (cây tre trăm đốt, Phật Bà nghìn mắt nghìn tay, Vạn lý trường thành…).

Đi từ những ước mơ cho đến thực tế, bên cạnh những công trình kiến trúc (ngày càng cao, càng to hơn), thì con người cũng đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật cũng có kích thước tương xứng. Trong 7 kì quan của thế giới cổ đã có hai tác phẩm điêu khắc như thế (Tượng thần Zeus và tượng thần Mặt trời Helios). Nghệ thuật điêu khắc cùng với sự phát triển của kỹ thuật xây dựng là những bước quan trọng của con người để thực hiện ước mơ vươn cao hơn, to hơn và xa hơn.
 

Tượng thần Mặt trời Helios, đã bị phá hủy trong một trận động đất, năm 226 trước Công nguyên

Song song với vấn đề kích thước, một tác phẩm mang tính cộng đồng hiển nhiên luôn có mặt trong câu chuyện đặt để của tác phẩm. Đối với những nghệ sĩ bao thời nay, mục tiêu lớn nhất là phục vụ cho tôn giáo, văn hóa, nhất là cho nhà cầm quyền. Những tác phẩm như vậy đều được ưu tiên hàng đầu tại những không gian công cộng đặc biệt quan trọng, nhằm thị uy, nhằm tôn vinh, tưởng nhớ. Sao cho nó dễ nhận biết nhất, hoành tráng nhất.

Chính vì vậy, vô hình chung hoặc cố ý trong khung cảnh của thành phố, những tác phẩm ấy dễ dàng trở thành những Landmark (cột mốc đô thị) và gắn liền với cộng đồng.
 

Lạc Sơn đại tượng Phật (Tứ Xuyên, Trung Quốc)

Urban Art là một tên gọi mới, nhưng cái gốc cũng từ lâu đời, nó không khác gì việc đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức, sự sáng tạo cho bức tượng anh hùng hoặc đài tưởng niệm như chúng ta đã quen thuộc. Urban Art – nghĩa là sự trang hoàng cho đô thị, đơn giản là như thế. Nghệ thuật hay sự trang hoàng dành cho đô thị dù do nhà cầm quyền chủ đích đầu tư hay do người nghệ sĩ vô danh tạo tác; dù là họa sĩ với phong cách trừu tượng hay các tay Popart hài hước, nổi loạn như Graffiti… thì cũng chỉ có một mục đích là làm đẹp cho đô thị  (theo cách của họ). Chỉ có khác đi là nghệ sĩ hiện nay cống hiến cho Urban Art đã có những hướng làm mới mẻ, đánh mạnh vào sự táo bạo, bất ngờ.

Thành phố mà chỉ có những bức tượng mang nặng tính chính trị thì rõ ràng là chán lắm. Thành phố mà chỉ có bê tông, đường tráng nhựa, tường tô sạch sẽ mà không có ai “nghịch phá” một tý thì lại quá lạnh lùng, tẻ nhạt. Urban Art vì thế có những chỗ đứng trong nghệ thuật đương đại của mình và cất lên tiếng nói của thời đại.

Xin đừng đánh đồng họ với những bức vẽ nghệch ngoặc mang tính tự sướng cá nhân. Nghệ sĩ đương đại của Urban Art đều là những người có hiểu biết xã hội và xuất thân từ môi trường có tính chuyên môn, yêu thích cống hiến, và hẳn nhiên họ có nhiều thủ pháp linh hoạt trong cuộc chơi lý thú này với đô thị. Đi từ tô màu, thay đổi vật liệu, gắn kết không gian cho đến pop-up…  Trong khuôn khổ bài viết này, hãy bắt đầu làm quen với Urban Art đương đại trong cuộc dạo chơi đầu tiên, tập trung vào một trong những thủ pháp phổ biến nhất, tạm gọi là “Thuật phóng đại”.

Red Ball Project

Tác phẩm “Red Ball Project”, quốc tịch Mỹ, do cha đẻ là Kurt Perschke thiết kế vào năm 2001 với một ý tưởng hết sức hồn nhiên đó là để cho trái bóng khổng lồ mắc kẹt dưới một gầm cầu.
 

.

Sau đó, hằng năm, trái bóng đỏ này lại tiếp tục bị “mắc kẹt” ở những đô thị khác trên thế giới. Đây là tác phẩm có cùng tính chất với Chú vịt vàng như một Network Art. Nhưng có lẽ gần gũi và thú vị hơn vì sức tương tác nhiều hơn.

.

 

.

 

.

 

.

Nói đúng hơn, RedBall Project khuyến khích sự tương tác của người dân đô thị bằng cách đặt để nó xen vào dòng chảy của con người.  Dòng chảy sẽ tạm thời ngưng đọng lại và tạo ra sự quan tâm về thị giác lẫn trí tò mò kèm theo. Nó nổi bật không những vì kích thước, màu sắc mà còn rất linh hoạt trong vị trí mỗi lần xuất hiện.Cứ như thể rơi từ đâu đó và có một sức cô đọng nhất định tại bất cứ không gian nào nó bị mắc kẹt.

Phản ứng của cư dân khắp nơi là sự tập trung và thích thú, và cố gắng chạm vào trái bóng hoặc cứu nó.

 

St Louis là thành phố đầu tiên, sau đó Quả bóng đỏ đã tiếp tục đi qua Paris, Barcelona, Toronto, Sydney, UK, Taipei … và trong tháng 7-2014 tới, Rannes (Pháp) là thành phố thứ 18 (trong vòng 14 năm di chuyển) với nhiệm vụ lần này như một phần của lễ hội nghệ thuật Les Tombées de la Nuit.

 

Không biết là nó có dễ bị phá hoại trong không gian công cộng hay không, chứ nhìn vào thì đúng là khá kích thích.

 

*

Còn tiếp: Một vài thí dụ nữa của Urban Art

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Người ta tới đâu rồi,
còn ta thì tẹp nhẹp

Nguyễn Quân - Cung cấp ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả