Soi học

Bình luận: Tiếng ồn của tàu ngầm thì liên quan gì đến Biển Đông? 31. 07. 14 - 3:55 am

Bóp Quả Cam

“Đồ chơi” để thoát khỏi mặc cảm tự ti

Trước hết, phải cảm ơn bạn Phạm Ngọc Hưng có bài phân tích khá thú vị về tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc (cụ thể là tàu ngầm lớp Tấn type 094) và mối liên quan với Biển Đông.

Ở đây, tôi muốn bổ sung thêm một số thông tin cũng như nhận định xung quanh chủ đề này.

Trong bài viết của bạn Phạm Ngọc Hưng, tôi chú ý đến một chi tiết, ấy là “tàu ngầm lớp Tấn có độ ồn tương đương với tàu ngầm thế hệ 2 của Liên Xô (Delta IV và Typhoon) và không thể sống sót trước sự truy sát trong đại dương của các tàu ngầm tấn công nhanh Sea Wolf hay Virginia của Mỹ”.

Đây là một chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng thật ra, nếu truy sâu hơn thì mức độ ảnh hưởng khá quan trọng và nếu nói không quá lời thì về một mặt nào đó, nó phản ánh một trong những nguyên nhân của chính sách gấy hấn mà Trung Quốc thực thi nhằm độc chiếm Biển Đông.

Tàu ngầm lớp Tấn type 094 là tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ thứ hai của Trung Quốc được phát triển từ thế hệ tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Hạ type 092, vốn có quá nhiều nhược điểm về công nghệ cũng như vũ khí. Hải quân Trung Quốc không giấu diếm ý định coi tầu ngầm hạt nhân lớp Tấn là con át chủ bài trong chiến lược giành quyền kiểm soát không chỉ trên các vùng biển cận bờ mà còn vươn ra xa ở các đại dương, thách thức các quyền lực truyền thống trên biển, chủ yếu là Mỹ.

Tàu ngầm lớp Tấn type 094

“Nanh vuốt” chủ yếu của con ngáo ộp tầu ngầm lớp Tấn type 094 mà các chuyên gia cũng như truyền thông Trung Quốc tung hô ầm ĩ trong mấy năm qua chính là 12 tên lửa đạn đạo Ngưu Lang 2 (JL-2), nằm trong 12 ống phóng ở trên thân tàu. Theo các chuyên gia Trung Quốc thì với việc được trang bị 12 tên lửa đạn đạo này, tàu ngầm lớp Tấn type 094 – lần đầu tiên – có khả năng đe dọa lãnh thổ nước Mỹ.

Nói cách khác, trước nay, trong lĩnh vực răn đe hạt nhân từ tàu ngầm, Trung Quốc vẫn luôn xác định mình ở vị thế “nó có súng thì mình có dao găm”, có nghĩa là khá yếm thế. Bị Mỹ chĩa tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ của mình trong khi các tên lửa đạn đạo Ngưu Lang 1 được lắp đặt trên tàu ngầm lớp Hạ type 092 có tầm bắn hạn chế, không thể vươn đến toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ.

Tàu ngầm lớp Tấn type 094 với 12 quả tên lửa Ngưu Lang 2 mang theo.

Với tâm lý thường xuyên coi mình bị (Mỹ) “làm nhục” do yếu kém về vũ khí, công nghệ, nay được trang bị “hàng nóng” Ngưu Lang-2 trên tàu ngầm lớp Tấn, các nhà hoạch định chiến lược quân sự của Trung Quốc như được thoát khỏi cái vòng kim cô bấy lâu nay, nghĩ có thể hể hả nói chuyện phải quấy bình đẳng với Mỹ. Đây là một sự cởi bỏ tâm lý rất quan trọng đối với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Với việc đưa tàu ngầm lớp Tấn vào biên chế của hải quân, Trung Quốc đã hoàn thiện bộ ba vũ khí chiến lược là máy bay ném bom chiến lược, hệ thống tên lửa đạn đạo trên mặt đất và tên lửa đạn đạo lắp đặt trên tàu ngầm.

“Bướu lạc đà” và hệ lụy

Nhưng khi lắp đặt thứ “đồ chơi” hiện đại này, các nhà thiết kế tàu ngầm Trung Quốc (có nhiều thông tin cho thấy có sự trợ giúp của Cục thiết kế trung ương Rubin của Nga) đã đứng trước một nan đề khó có lời giải: đó là làm sao phải tích hợp được vũ khí có tầm bắn xa (ở đây là tên lửa Ngưu Lang-2) với kích thước nhỏ gọn, đủ để trang bị trên tàu ngầm lớp Tấn type 094?
 

.

Cho đến nay, chưa có số liệu đáng tin cậy được kiểm chứng về tầm bắn của tên lửa Ngưu Lang 2. Có tài liệu nói tầm bắn dự kiến khoảng 7400km, tài liệu khác nói 8000km, trong bài của bạn Phạm Ngọc Hưng lại nói tầm bắn xa nhất của tên lửa này lên đến 14.000km(?)

Tuy nhiên, có một thực tế là tầm bắn của Ngưu Lang 2 phải đủ xa để răn đe, nghĩa là có thể bao phủ toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ mà tàu ngầm lớp Tấn không cần phải di chuyển đến gần lãnh thổ Mỹ, một động thái chắc chắn sẽ gặp rủi ro cao do hệ thống cảnh báo chống ngầm rất mạnh của Mỹ.

Vậy nên trước nan đề khó giải này, thiết kế của tàu ngầm lớp Tấn type 094 đã phải có một “thỏa hiệp” khó chấp nhận, đó là khoang tên lửa của tàu ngầm lớp Tấn nhô lên khỏi bề mặt của tàu (để có thể chứa được tên lửa có kích thước lớn, tầm bắn xa), trong khi hầu hết các khoang tên lửa của tàu ngầm chiến lược Mỹ hay Nga đều chìm trong thân tàu.
 

Tàu ngầm lớp Ohio của hải quân Mỹ với hệ thống tên lửa giấu hoàn toàn bên trong vỏ tàu

 

Tàu ngầm lớp Typhoon của hải quân Nga cũng nuột nà không có bưới lạc đà

 

Tàu ngầm lớp Tấn type 094 của Trung Quốc

Việc thiết kế khoang tên lửa nhô lên khoải bề mặt tàu ngầm như bướu con lạc đà đã dẫn tới một hệ lụy chết người khác: khi tàu ngầm type 094 di chuyển, cái “bướu lạc đà” thô thiển đó tạo nên tiếng ồn đáng kể. Với hệ thống dò tìm mục tiêu cực kỳ hiện đại của Mỹ, điều đó chẳng khác nào gắn một cái bia hồng tâm cố định trên lưng để các “xạ thủ” chống ngầm của Mỹ nhắm bắn!

Đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến giấc mộng bá chủ biển Đông của Trung Hoa.

“Cửa ngõ” phía Nam!

Trong nhiều năm trời, Mỹ đã xây dựng một “vành đai” ảnh hưởng đặc biệt bao vây Trung Quốc, được gọi tên là Chuỗi Đảo Thứ Nhất, bao gồm đảo Okinawa ở phía Nam Nhật Bản, xuống tới Đài Loan và kéo xa hơn về phía nam, tới Philippines.

Để vươn ra xa thực hiện tham vọng cường quốc biển thì hải quân Trung Quốc, trước hết là hạn đội tàu ngầm với các tàu ngầm lớp Tấn type 094 làm xương sống, phải có khả năng “thoát” ra khỏi cái “ao làng” là vùng biển cận bờ Trung Quốc.

Nếu “thoát” ra theo hướng phía bắc, tàu ngầm Trung Quốc phải đối mặt với hạm đội hải quân Nhật Bản, quá mạnh dưới cái ô bảo trợ của Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ, mới đây lại được “cởi trói” bởi Nhật diễn giải lại Hiến pháp, cho phép quyền “phòng vệ tập thể” (nôm na là mày đánh ông hoặc bạn ông thì bọn ông liên thủ đánh mày chết mất ngáp).

Một “cửa ngõ” cực kỳ quan trọng để có thể “thoát” ra các vùng biển sâu Thái Bình Dương ở khu vực miền trung là eo biển Bashi, nằm giữa Đài Loan và Philippines và đang bị cả hai “tay chơi” này kiểm soát, cũng có nghĩa là nằm dưới quyền kiểm soát gián tiếp của Mỹ. Quá rủi ro!
 

.

Thế cho nên một cách logic, con đường để biến giấc mộng biển Trung Hoa thành hiện thực chỉ có thể là tiến về phía nam, khu vực biển Đông! Đây là khu vực mà lực lượng hải quân của các nước lân cận tương đối nhỏ, nếu xét trên tương quan so sánh với hải quân Trung Quốc, và do vậy, Trung Quốc cho rằng sẽ không phải là đối thủ ngang tầm.

Hơn nữa, các tàu ngầm lớp Tấn được Trung Quốc bố trí ở căn cứ Á Long phía Đông Nam đảo Hải Nam, trong vịnh Sanya, triển khai ra khu vực biển Đông sẽ rất tiện lợi.

Nhưng như đã phân tích, tàu ngầm lớp Tấn có độ ồn lớn khi di chuyển (chưa kể tàu các lớp Hạ vẫn trong biên chế hải quân Trung Quốc còn kém hiện đại hơn), rất dễ bị các tàu ngầm tàu nổi của Mỹ phát hiện và truy sát.

Dĩ nhiên Trung Quốc không có thế và cũng chẳng đủ lực để nói với Mỹ rằng “đi chỗ khác chơi” (cho tàu ngầm của tao nó di chuyển thoải mái ở Biển Đông!). Vậy nên Trung Quốc quyết tâm gây hấn để có thể hoàn toàn làm chủ khu vực này, biến Biển Đông thành khu vực nằm trong vùng kiểm soát để có thể thoải mái triển khai các tàu ngầm chiến lược ở những vùng nước sâu, từ đó vươn ra những khu vực nước sâu khác trên Thái Bình Dương, di chuyển các tàu ngầm hạt nhân đến gần biên giới nước Mỹ hơn, cũng có nghĩa là tăng cường mức độ răn đe với Mỹ.

Dĩ nhiên, nếu độc chiếm biển Đông, Trung Quốc sẽ thu hoạch được vô vàn các lợi ích khổng lồ khác như khai thác khoáng sản, hải sản, kiểm soát con đường huyết mạch vận chuyển dầu lửa, hàng hóa ngang qua đây, mở rộng không gian sinh tồn của một đất nước mà dân số phình to quá mức và thỏa mãn một nền kinh tế luôn đói khát năng lượng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận khía cạnh tham vọng làm chủ biển Đông của Trung Quốc chính là để có thể triển khai hạm đội tàu ngầm của hải quân của nước này vươn ra xa, thách thức sức mạnh trên biển của Mỹ.

Chiến lược “mập mờ” xung quanh “đường lưỡi bò”

Một trong những công cụ để Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ làm chủ Biển Đông chính là “đường lưỡi bò” (hay còn gọi “đường chữ U”, “đường 9 đoạn” – nay đã thành “đường 10 đoạn”).

Trước nay, Trung Quốc nói rất nhiều về “đường lưỡi bò”, nhưng toàn bộ chiến lược của Trung Quốc xung quanh cái “đường lưỡi bò” này nằm ở hai chữ: mập mờ!
Kể cả khi đã đưa yêu sách lên Liên hợp quốc, Trung Quốc cũng chưa bao giờ nói cụ thể “đường lưỡi bò” là cái gì, là biên giới trên biển, là lãnh hải, hay là vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền? Đây là một đường đơn thuần vẽ trên bản đồ, không có tọa độ kinh tuyến vĩ tuyến gì cả, không được một nước nào công nhận. Có lẽ vì biết yếu lý nên Trung Quốc coi “mập mờ” là một tiêu chuẩn khôn khoan để dần dần hợp pháp hóa đòi hỏi vô lý của mình.

Cũng chính do sự mập mờ của Trung Quốc nên hiện tại, trong giới học giả quốc tế vẫn còn cãi nhau, chia ra làm hai hướng chính.

Một hướng nói Trung Quốc chỉ “đường lưỡi bò” là bao gồm toàn bộ vùng biển nằm trong cái đường này, bao gồm trên không, mặt nước, dưới mặt nước, mặt đáy biển, lòng đất dưới đáy biển.

Một hướng khác nói “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chỉ bao gồm các đảo và vùng nước quanh các đảo nằm trong cái đường này.

Nhưng nếu xét trên quan điểm “tàu ngầm chiến lược” nói trên thì có lẽ yêu sách của Trung Quốc qua “đường lưỡi bò” không chỉ giới hạn ở các đảo và vùng nước quanh các đảo nằm trong đường này, mà là toàn bộ vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò”.

Chỉ có như thế, Trung Quốc mới có thể thoải mái triển khai các tàu ngầm của mình ở những khu vực nước sâu trong biển Đông, tránh con mắt nhòm ngó từ các hệ thống định vị tinh vi của Mỹ.

Trong chiến lược tác chiến tàu ngầm, không chỉ cứ dàn quân ra để chiến, mà đôi khi, việc “giấu kỹ” một vài chiếc tàu ngầm hạt nhân, không để cho đối phương phát hiện biết ở đâu, đã là một thành công lớn, khiến đối phương mất ăn mất ngủ và có thể bất ngờ tung ra những đòn phủ đầu hủy diệt.

Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc tiến xuống vùng biển phía Nam đã và sẽ luôn vấp phải một trở lực – và trở lực đó thì chúng ta đều biết rồi đấy: nó mang tên là Việt Nam.

 
 

Ý kiến - Thảo luận

20:23 Monday,30.3.2015 Đăng bởi:  ong Bắp

tối xem phim Tàu, sáng đọc báo "nó" đặt giàn khoan trong ao nhà mình, trưa lấy điện thoại oppo (Tàu) gọi cho vợ...
hài vãi nhỉ


...xem tiếp
20:23 Monday,30.3.2015 Đăng bởi:  ong Bắp

tối xem phim Tàu, sáng đọc báo "nó" đặt giàn khoan trong ao nhà mình, trưa lấy điện thoại oppo (Tàu) gọi cho vợ...
hài vãi nhỉ

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả