Điện ảnh

Khi mã của mê cung không có gì để giải 24. 09. 14 - 8:15 am

Pha Lê

Mùa phim bom tấn trút hơi thở cuối cùng với The Maze Runner (tựa tiếng Việt: Giải mã mê cung) – một phim hành động (dựa trên tiểu thuyết) dành cho tuổi teen như bao phim hành động (cũng dựa trên tiểu thuyết) dành cho tuổi teen hiện nay. Dù Maze Runner có cố gắng mắm muối cho phim của mình khác đi, người xem vẫn chạnh lòng khi thấy các nhà làm phim gắng gượng hết sức để biến một cuốn sách dở thành một bộ phim hay.
 

Poster của “The Maze Runner”

Bằng các câu thoại thô sơ – chủ yếu là câu đơn – ngang bằng trình độ tiếng Anh IELTS 6.0, Maze Runner ráng kể một câu chuyện rườm rà: chàng thanh niên Thomas tỉnh dậy trong một cái thang máy, nó đưa cậu lên một vùng đất lạ, ở giữa là cỏ cây, bốn bên là những bức tường cao ngất. Thomas không nhớ gì cả, cậu gặp một đám thanh niên cũng mất trí nhớ, cũng mắc kẹt tại chốn này như mình. Họ cho Thomas biết rằng anh đang sống ở giữa mê cung, mỗi sáng cửa mê cung sẽ mở, và người có nhiệm vụ dò đường (maze runner) sẽ chạy vô mê cung khám phá, ghi bản đồ hòng tìm lối ra trước khi mê cung đóng lại vào buổi tối. Các chàng thanh niên bị kẹt ở đây hơn 3 năm rồi, không ai nhớ gì về quá khứ và không ai biết mục đích thực sự của mê cung, cũng chưa ai nhìn thấy mặt con quái vật canh chừng mê cung vào ban đêm khi cửa nẻo đã đóng chặt; nhưng Thomas sẽ là người thay đổi điều đó.
 

Chàng trai Thomas ở giữa mê cung

Nhào cho lắm nguyên liệu để rồi Maze Runner cũng nướng ra cái bánh giống y chang các kiểu “thực phẩm tinh thần ăn nhanh” hiện đang bày nhan nhản trên cái kệ có dán chữ “phim hành động dành cho tuổi thiếu niên”. Kết thúc phim tôi không tiện bàn để khỏi lộ thiên cơ, chỉ muốn nói rằng nó cố quá nên đâm ra buồn cười – ngay cả trong hạn mức “muốn tưởng tượng gì cũng được” của thể loại sci-fi. Điều tội nghiệp nhất mà ai cũng thấy, đó là cái dở của Maze Runner chẳng liên quan gì đến khả năng của các nhà làm phim.
 

Các cậu bé trước cửa mê cung khi nó mở ra

Đã qua rồi cái thời lúc Hollywood còn yêu mến Gulliver Du Kí, Nàng Công Chúa Bé Nhỏ, hay Khu Vườn Bí Mật – những cuốn sách thiếu nhi/thiếu niên giàu trí tưởng tượng nhưng chứa đựng nhiều bài học thực tế, nhẹ nhàng; với lối dẫn truyện từ tốn nhưng cuốn hút và đoạn cao trào thót tim nhưng chừng mực; với một tình yêu mà tác giả dành cho thiên nhiên, văn chương, sự tìm tòi khám phá, lẫn cho con người cũng như cuộc sống.  Trái lại, hiện nay những tiểu thuyết kiểu Maze Runner đang là mốt. Tác giả của nó – ông James Dashner – viết lách thì tàm tạm, nhưng hình như ông tự tơ tưởng rằng mình là J.K.Rowling, nên thay vì viết Maze Runner và kết thúc ở đó đi cho gọn gàng, ông lại cố nặn ra lắm tình tiết chả đâu vào đâu để đẻ thêm vài tập sách nữa (cũng đang là mốt hiện nay, một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời như Nàng Công Chúa Nhỏ sẽ chẳng bao giờ là đủ, phải vài cuốn kia!). Ai từng tra tấn bản thân và ngồi đọc hết 4 tập Maze Runner sẽ thấy rằng chúng quá nhập nhằng, mạch truyện đầy lỗ hổng mà vẫn ráng gồng sức để chìm đắm vào bi kịch hòng kéo lê nó ra cho đủ 4 cuốn; và do bản thân nó chẳng có gì nên bi kịch này cứ chồng chất bi kịch khác nhằm tỏ vẻ sâu sắc. Đoàn làm phim đã cố hết sức để chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia nhưng cũng không giấu nổi sự vô duyên của cái kết, vì bản thân họ cũng cần làm tiếp phần 2 thể theo truyện. 

“Maze Runner” cũng chêm vào một nhân vật nữ giữa đám thanh niên trai trẻ (chứ vai u không thì chán ngắt). Trong hình: Thomas (Dylan O’Brien) và Teresa (Kaya Scoderlario). Teresa là cô gái duy nhất bị kẹt trong mê cung cùng bọn con trai, nhưng cô xuất hiện sau, gần giữa phim mới thấy.

Và ôi thôi, xem muốn rớt nước mắt vì không song hành vơi nội dung, Maze Runner là một trong những phim hành động dành cho tuổi teen có kỹ thuật chắc tay, chỉn chu nhất mà tôi từng xem.

Phần âm thanh của Maze Runner nghe sướng hết cả tai – thậm chí còn ngăn nắp hơn vô số phim hành động người lớn với lắm tiếng ầm ầm như sấm dội. Mở đầu phim, khi Thomas tỉnh dậy trong chiếc thang máy đang chạy chẳng có câu thoại dở hơi nào cả, nhưng người xem vẫn ôm ngực hồi hộp vì hàng loạt tiếng động đay nghiến lẫn lạnh lùng của máy móc. Lúc thanh thiếu niên chạy bán sống bán chết trong mê cung, lúc mê cung mở ra đóng vào… âm thanh đều rõ ràng lẫn nhịp nhàng như lúc họ ngồi nói chuyện; không hề có vụ âm sắc của lời thoại chìm nghỉm như thể diễn viên thở gần hết hơi hay hàng loạt tiếng nổ chói tai đùng đùng như tiếng hai cái chảo đang đập vào nhau. Chuyên gia tiếng động (foley artist) John Cucci và Dan O’Connell, nhà thiết kế âm thanh Ai-Ling Lee, nhà dựng âm Chuck Michael, lẫn chuyên gia phối âm Paul Ledford đã dốc hết sức để giúp bộ phim hấp dẫn hơn gấp tỷ lần so với những gì nó xứng đáng – nhất là trong tình cảnh lời thoại của phim bao gồm câu đơn trộn với câu ghép, sâu sắc bằng cỡ 1/10 chiều sâu âm thanh của phim.
 

Thomas lúc tỉnh dậy trong thang máy – một khởi đầu hồi hộp tốn lắm công sức của các chuyên gia âm thanh.

Đạo diễn Wes Ball cũng tự tin không lạm dụng kỹ xảo hay chọn các diễn viên đẹp bóng nhẫy (ngay cả Kaya Scoderlario – một người nếu muốn có thể xinh đến ngây ngất – cũng bị Wes tô trét cho ra vẻ xù xì và từng trải hơn). Kỹ xảo chỉ đủ dùng để dựng nên một mê cung bề thế, hun hút, nhầy nhụa, nguy hiểm, kỳ bí… và một loài quái vật “canh cửa” cũng nhầy nhụa, nguy hiểm, lẫn bí ẩn chẳng kém gì. Phải công nhận rằng trước khi thấy nó vô duyên, Maze Runner sẽ cuốn người xem vào một thế giới hồi hộp, với mối nguy hiểm đầy đe dọa (mê cung) lúc nào cũng sờ sờ trước mặt.
 

Đoạn Thomas và cậu Minho (một chàng dò đường có nhiệm vụ chạy vào mê cung để ghi bản đồ) tìm cách sống sót trong lòng “con quái vật bê tông” này vào ban đêm là một đoạn hơi bị tuyệt vời, về kỹ thuật.

Các yếu tố này cộng với chuyện nhà quay phim của Maze Runner chính là ông Enrique Chediak – người đã tạo ra bao thước phim hùng vĩ cho phim 127 Giờ (của đạo diễn Triệu Phú Ổ Chuột Danny Boyle), thật dễ hình dung ra một bộ phim với phần kỹ thuật được o bế từng chi tiết, nhưng đồng thời cũng rất vừa vặn cho nội dung phim. Chính các yếu tố này đã biến nửa đầu của Maze Runner thành một tác phẩm đáng xem dù nó có vài khuyết điểm, nhưng đến hồi kết thì cái khuyến điểm này phình to ra, và các nghệ sĩ của đoàn phim có cố mấy cũng chả cứu được nó.
 

Hậu trường của “Maze Runner”: nhà quay phim Enrique Chediak làm việc kỹ càng với đầy đủ ánh sáng. Ngay cả cảnh tối nhất của phim cũng không bị đen thui khó hiểu.

Phần âm thanh, ánh sáng, quay phim… càng tốt bao nhiêu thì ta càng chạnh lòng; và càng thương nữa khi biết đoàn làm phim sắp phải quay thêm phần 2 với câu chuyện còn chướng hơn thế. Tiền vé thì không ai tiếc nếu phải bỏ ra ủng hộ những nghệ sĩ như thế này, nhưng thật tiếc khi thấy họ đổ công cho một tác phẩm sặc mùi franchise, kéo lê sự rối rắm quá mức cần thiết chỉ để đẻ ra thêm phần X Y Z.

*

Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật lịch chiếu tiếp)

Hà Nội
Vincom Center (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) 2D đến 25.9
Mipec Tower (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) 2D đến 25.9
Trung tâm chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình)  2D đến 25.9
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6, tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark, Lô E, Phạm Hùng, Từ Liêm) 2D, Digital đến 2.10
Platinum Cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) 2D đến 24.9

Tp.HCM
Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5)  2D đến 25.9
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) 2D đến 25.9
Parkson Paragon (Tầng 5, tòa nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) 2D đến 25.9
Crescent Mall (Lầu 5, Crescent Mall, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7) 2D đến 24.9
Pandora City (Lầu 3, Pandora City, 1/1 Trường Chinh, Q. Tân Phú) 2D đến 25.9
Celadon Tân Phú (MỚI) (Lầu 3, Aeon Mall, 30 Bờ Bao Tân Thắng, P. Sơn Kỳ, Quận Tân Phú) 2D đến 28.9
Galaxy Nguyễn Trãi (230 Nguyễn Trãi, Quận 1, Tp.HCM) 2D đến 2.10
Galaxy Tân Bình (246 Nguyễn Hồng Đào, Quận Tân Bình) 2D đến2.10
Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, Quận 1) 2D đến 2.10
Galaxy Kinh Dương Vương ( 718 bis Kinh Dương Vương, Q.6) 2D đến 2.10
Lotte Cinema Diamond (Tầng 13, Diamond Plaza, 34 Lê Duẫn, Quận 1) 2D đến 2.10
Lotte Cinema Nam Sài Gòn (Tầng 3, Lotte Mart, 469 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q. 7) 2D đến 2.10
Lotte Cinema Cộng Hoà (Tầng 4, Pico Plaza, 20 Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình) 2D đến 2.10
BHD Cinema (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10) 2D đến 24.9
BHD Star Cineplex Icon 68 (Lầu 3 và 3, ICON 68 Shopping Mall, số 2 đường Hải Triều, Q.1) 2D đến 25.9
Rạp Đống Đa (890 Trần Hưng Đạo, Q.5) 2D đến 2.10
Cinebox Hòa Bình (240 Ba tháng Hai, Q.10) 2D đến 2.10
Cinebox 212 (212 Lý Chính Thắng, Q.3) 2D đến 2.10

 

 

Ý kiến - Thảo luận

21:46 Monday,28.11.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Khải

đề nghị lần sau nên đọc kĩ trước khi viết, "Nội dung không có gì đặc sắc, nhiều chi tiết gượng ép. Tôi thực sự không thấy được tính nhân văn nào ở đây cả." rồi "Tác giả của nó – ông James Dashner – viết lách thì tàm tạm, nhưng hình như ông tự tơ tưởng rằng mình là J.K.Rowling, nên thay vì viết Maze Runner và kết thúc ở đó đi cho gọn gàng, ông lại c
...xem tiếp

21:46 Monday,28.11.2016 Đăng bởi:  Nguyễn Khải

đề nghị lần sau nên đọc kĩ trước khi viết, "Nội dung không có gì đặc sắc, nhiều chi tiết gượng ép. Tôi thực sự không thấy được tính nhân văn nào ở đây cả." rồi "Tác giả của nó – ông James Dashner – viết lách thì tàm tạm, nhưng hình như ông tự tơ tưởng rằng mình là J.K.Rowling, nên thay vì viết Maze Runner và kết thúc ở đó đi cho gọn gàng, ông lại cố nặn ra lắm tình tiết chả đâu vào đâu để đẻ thêm vài tập sách nữa". 1 quyển sách làm sao mà diễn tả hết nội dung, nếu bạn không thấy được cái hay, tính nhân văn thì bạn nên coi lại bạn đã đọc kĩ, hiểu kĩ chưa rồi mới đăng bài mà chê.

 
20:17 Tuesday,9.8.2016 Đăng bởi:  admin
@ Hoàng Ngọc Tố Hân thân mến: bạn viết cho đúng chính tả và không viết tắt rồi Soi đưa cmt lên bạn nhé. Cảm ơn bạn.
...xem tiếp
20:17 Tuesday,9.8.2016 Đăng bởi:  admin
@ Hoàng Ngọc Tố Hân thân mến: bạn viết cho đúng chính tả và không viết tắt rồi Soi đưa cmt lên bạn nhé. Cảm ơn bạn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả