Nhiếp ảnh

Chớp nhoáng từ trợ lý thành chủ studio: phải biết tự chụp ảnh cho mình 13. 10. 14 - 8:33 am

Hoàng Lan st và dịch

Hai năm trước, Andrew Burkle chỉ là một trợ lý nhiếp ảnh cấp thấp tại Chicago. Anh dự tính rằng sự nghiệp mình sẽ vững vàng sau 10 năm nữa. Nhưng mùa xuân năm nay, anh đã vượt xa dự tính đó và khai trương studio chuyên chụp ảnh ẩm thực rộng 557 mét  vuông tại Cleveland cùng đối tác David Hagen. Họ cùng nhận các dự án chụp ảnh từ những nhãn hiệu thực phẩm nổi tiếng tại Mỹ như Jif, Crisco và Martha White.

Burkle năm nay mới chỉ 28 tuổi. Anh tốt nghiệp Đại học Ohio vào năm 2009, và ban đầu Burkle có hứng thú với ảnh chân dung. Anh chuyển đến Chicago rồi hành nghề tự do, chủ yếu làm trợ lý chụp chân dung hoặc chụp ảnh thời trang. Sau 9 tháng, anh nhận ra rằng mình chẳng hợp với mảng thời trang chút nào. Thế là anh tìm hướng đi mới, và xin được chỗ tập sự tại công ty ảnh Stephen Hamilton (SHP) – một hãng nhiếp ảnh ẩm thực lớn của Chicago.

 

Anh Andrew Burkle

Burkle thích không khí tại SHP. “Mọi người rất tử tế, và họ hợp tác để cùng nhau làm việc. Tôi chẳng thích mấy chuyên gia trang điểm, đám người mẫu, lẫn cái tôi to tướng của ngành nhiếp ảnh chân dung và thời trang”. Không lâu sau SHP chính thức nhận Burkle vào làm trợ lý, và anh có mục tiêu mới: trở thành nhiếp ảnh gia ẩm thực. “Tôi ném cả tập lý lịch hồ sơ ảnh [chân dung và thời trang] vào sọt rác và bắt đầu lại”, anh nói.

Tại SHP, anh học tất cả những gì mình có thể học về ngành này. Burkle sử dụng ké studio vào mỗi thứ Bảy (khi nó đóng cửa) để tự chụp ảnh thử. “Tôi đến chợ, chọn một số rau quả và chụp”, anh nói.
 

Cá nục Bắc Mỹ sau khi phi-lê, Andrew Burkle

 

Măng Tây, Andrew Burkle

Dần dà Burkle chủ động bắt chuyện với những nhà tạo mẫu ẩm thực* mà anh gặp khi làm việc, nhờ họ cho anh lời khuyên về những bức ảnh mình chụp thử. Nhiều người trợ lý  sẵn sàng giúp Burkle để đổi lấy những bức ảnh đẹp cho hồ sơ nghề nghiệp của họ. Thậm chí, trong số những người giúp anh còn có một nhà tạo mẫu ẩm thực hàng đầu Chicago “và hiếm khi cô này chịu giúp ai chụp thử hình”, Burkle bảo. Cô ấy lẫn những chuyên gia nổi tiếng khác không cần hình bổ sung cho hồ sơ nghề nghiệp, nhưng cô lại chịu giúp anh. Vì ngay cả nhà tạo mẫu ẩm thực hàng đầu cũng coi việc giúp đỡ người tài như một dạng đầu tư. Họ biết rằng họ đang giúp một người có khả năng sẽ thuê họ tạo mẫu cho các dự án lớn sau này. Burkle nói thêm “Khi bạn làm một trợ lý, việc tạo mối quan hệ tốt với ê kíp là điều rất hữu ích. Không chỉ vì nó giúp khâu chụp ảnh thuận lợi hơn, mà còn vì họ sẵn sàng giúp đỡ bạn.”
 

Hình cái bánh burger, với sự giúp đỡ của chuyên gia tạo mẫu mà Burkle nhắc đến: cô Anna Kelly. Burger thật chả bao giờ nhìn chồng chất hoàng tráng thế này. Đảm bảo phải nhờ tới mánh lới nọ kia mà các chuyên gia tạo mẫu lẫn đạo cụ thuộc nằm lòng.

 

Món… phở, Andrew Burkle. Đừng để ý đến tô phở nhìn giống phở ta nấu tại tây, coi cách Andrew chụp thôi.

 

Cá thu mackerel

Vừa làm việc cho SHP, Burkle vừa dành dụm vốn. Anh sống trong một căn hộ nhỏ để tiết kiệm tiền thuê nhà. Anh tự buộc mình phải chi tiêu ý thức hơn, và điều đó ngăn anh tiêu tiền vào những thứ không cần thiết, như một cái TV hay một chiếc xe mới.

Kế hoạch tự lập nghiệp của Burkle là thuê một nơi để vừa làm studio vừa làm chỗ ở. “Đó là một kế hoạch có nhiều công đoạn”.

Trong khi đó, sau nhiều năm làm việc cho Nhóm Ảnh Kalman & Pabst (KP Photo) ở Cleveland, nhiếp ảnh gia David Hagen có ý định mở studio riêng. KP Photo từng thuê sinh viên thực tập từ Đại học Ohio (chỗ Burkle theo học), nên Hagen biết đến Burkle và lâu lâu Hagen lại để mắt đến hồ sơ ảnh của đồng nghiệp.

Hagen liên lạc với Burkle qua email. Anh bàn chuyện hợp tác kinh doanh, và vạch ra một kế hoạch sơ bộ cho việc mở studio tại Cleveland.

Ban đầu, Burkle chẳng thích chuyển từ thành phố lớn Chicago sang vùng Cleveland ít hào nhoáng hơn. “Việc này nghe chẳng hấp dẫn mấy, nhưng càng nghĩ thì tôi lại càng thấy nó có lý”, Burkle nói. “Một số nhãn hiệu thực phẩm lớn trong nước có trụ sở gần Cleveland. Bao gồm: Nestlé, J. M. Smucker và Vitamix. Cleveland lại có ngành công nghiệp nhà hàng sôi nổi, và giá bất động sản cũng như các chi phí vận hành khác cũng thấp hơn nhiều so với Chicago”.

Burkle và Hagen hẹn gặp ăn tối vài lần để hiểu rõ về nhau hơn, và họ quyết định rằng việc hợp tác này là khả thi. “Cả hai chúng tôi đều khá dễ tính nhưng lại rất chăm chỉ”, Burkle nói. Họ tìm được một studio ở khu công nghiệp với giá 1200 USD/tháng – thấp hơn cả tiền thuê nhà của Burkle ở Chicago.
 

Studio của Burkle và Hagen, vì chuyên về ảnh ẩm thực nên studio của anh có lắp bếp, nhưng dĩ nhiên bếp này có cả dàn ánh sáng phù hợp cho công việc đặt ở trên.

Burkle cho biết, anh và Hagen muốn studio BurkleHagen hoạt động như một studio đào tạo. “Các trợ lý sẽ phải tự chụp ảnh cho riêng mình (thay vì giúp sếp chụp ảnh cho dự án của sếp) không là tôi yêu cầu họ nghỉ việc”. Burkle giải thích rằng anh tin là những ai tự chụp ảnh cho mình sẽ trở nên tân tụy với công việc hơn. Dù gì thì đó cũng là một trong những nhân tố giúp bản thân Burkle có được một thành công chớp nhoáng.

Các bức ảnh nhỏ dãi khác của studio BurkleHagen:
 

Cà-rốt hữu cơ

 

Khúc sườn cừu sống

 

Sườn cừu sau khi nướng

 

Xúc xích với cà chua

 

Rượu vang đang rót vào ly

 

Đậu

 

Chú thích:

* Chuyên gia tạo mẫu ẩm thực: người chuyên đi sắp xếp, bày biện đồ ăn sao cho đẹp để nhiếp ảnh gia chụp hình. Bếp trưởng của các nhà hàng không cần mấy người này, nhưng các công ty liên quan đến thực phẩm (thậm chí cả công ty sản xuất máy móc. Ví dụ: máy xay sinh tố, máy cắt, máy đánh trứng…) thường nhờ chuyên gia tạo mẫu để chụp nên những tấm ảnh ẩm thực đẹp hòng đi quảng cáo (lý do tại sao hình in bên ngoài gói mì sẽ không bao giờ giống tô mì nấu ra từ gói áy. Nhiều em bé đã bưng mặt khóc vì trong gói mì không có con tôm như trên hình bao bì.)

Ý kiến - Thảo luận

1:26 Tuesday,28.10.2014 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Đọc tới đoạn này mà rưng rưng nước mắt... (chắc cú là nhớ lại hình ảnh chính thằng mình hồi nhỏ thế nào). Hôm nọ, mình dẫn cả nhà đi ăn pizza Hut gói combo giảm giá. Khi cô phục vụ tươi cười bưng món súp khai vị ra, mình cũng muốn bưng mặt khóc khi chỉ vài phút trước hào hứng vô cùng với cái ảnh chụp súp trong gói giảm giá ấy :(
Về sau, mới nhìn thấy một
...xem tiếp
1:26 Tuesday,28.10.2014 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Đọc tới đoạn này mà rưng rưng nước mắt... (chắc cú là nhớ lại hình ảnh chính thằng mình hồi nhỏ thế nào). Hôm nọ, mình dẫn cả nhà đi ăn pizza Hut gói combo giảm giá. Khi cô phục vụ tươi cười bưng món súp khai vị ra, mình cũng muốn bưng mặt khóc khi chỉ vài phút trước hào hứng vô cùng với cái ảnh chụp súp trong gói giảm giá ấy :(
Về sau, mới nhìn thấy một dòng chữ nho nhỏ, ở cái biển quảng cáo, đại khái nói ảnh chụp có thể không giống món ăn thực. Cha tiên sư thằng nào in chữ nhỏ nhỏ... 
0:43 Tuesday,14.10.2014 Đăng bởi:  Mèo đi lạc
"Nhiều em bé đã bưng mặt khóc vì trong gói mì không có con tôm như trên hình bao bì."

Đọc tới đoạn này mà rưng rưng nước mắt...
...xem tiếp
0:43 Tuesday,14.10.2014 Đăng bởi:  Mèo đi lạc
"Nhiều em bé đã bưng mặt khóc vì trong gói mì không có con tôm như trên hình bao bì."

Đọc tới đoạn này mà rưng rưng nước mắt... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả