Gẫm & Bình

Chúng ta là Abramovic 20. 10. 14 - 12:25 am

Babara Hein - Dương Thùy Dương lược dịch

 

Xếp hàng bên ngoài Serpentine Gallery. Ảnh của Francesco Dama

Estere Kajema luôn là người đầu tiên của dãy người xếp hàng dài. Sáng nào cô gái trẻ, mảnh dẻ này cũng trực trước cửa Gallery Serpentine ở London từ lúc 5h sáng để đợi Marina Abramovic, chính xác lúc 10h, mở cửa cho cô vào phía bên trong của 3 căn phòng, nơi diễn ra màn trình diễn 512 Hours.

“Bên trong đó là một vũ trụ hoàn toàn khác,” Estere nói với đôi mắt ngời sáng “là thiên đường, là nơi duy nhất cho tôi cảm giác ở nhà”. Bên trong đó , trước hết là Marina, nắm lấy bàn tay của khách xem, dẫn họ đi từng bước, từng bước một khắp căn phòng, đưa cho họ chiếc gương và yêu cầu họ sử dụng nó để di chuyển giật lùi; hoặc để họ đứng trên một cái bệ, như một tác phẩm điêu khắc, bảo họ hãy thở, hãy nhắm mắt lại, và giữ nguyên như thế cho đến lúc họ không thể chịu đựng được nữa. Bên cạnh Marina còn có mười trợ lý, tất cả đều tầm từ 20 đến 30 tuổi, vận toàn đồ đen.

Abramovic cùng các cộng sự trẻ

Marina, ở đây ai cũng gọi bà như vậy, trong suốt cuộc trình diễn 64 ngày, trong suốt 8 tiếng mỗi ngày, chỉ dành ra cho mình tối đa là 6, 7 phút giải lao. Ngay cả trong những ngày đầu tiên, khi bị sốt và cảm lạnh đến mức gần như không đứng nổi, thì bà cũng chỉ vào phòng thay tã cho trẻ con để mà ho và uống vài viên kháng sinh.

Estere luôn ở cả ngày “trong đó” như cô kể. Cô thậm chí còn không đi vệ sinh, bởi vì, bất cứ ai ra khỏi phòng sẽ phải xếp hàng lại từ đầu. Để làm được việc đó cô buộc phải nhịn uống từ 7h tối ngày hôm trước, chứ nếu không thì cô sẽ phải căng lên để cố nhịn, và như thế thì cô sẽ chẳng còn cảm nhận được năng lượng của Marina nữa. “Bản thân tôi không có đưọc nguồn năng lượng mạnh mẽ”, cô nói, ”tôi phân tích và nhận xét quá nhiều”.

Estere đến từ Latvia, 21 tuổi, học Lịch sử Mỹ thuật tại Goldsmiths College. Đứng cạnh cô là Marc Galvez, chàng vũ công trẻ măng 22 tuổi với tóc đen, da trắng và đôi mắt màu nâu, đã sống được gần một năm nay ở London và học Modern Dance. Cả anh cũng cảm nhận được nó – nguồn năng lượng của Marina – và anh muốn có được nó nhiều đến mức có thể. “Hôm qua tôi đã cảm nhận được một thứ tình yêu không thể tin nổi”, anh kể. “Nó mãnh liệt đến mức tôi bật khóc”. Còn Robyn Thomas mới xếp hàng lần này là lần đầu tiên. Cô gái người Canada 24 tuổi, có mái tóc vàng đỏ này đang du lịch châu Âu và rất tò mò với sự kiện này.

Ở bên trong, Marina Abramovic bước từ cầu thang xuống cửa ra vào. Bà vuốt lại cái áo sơ mi trắng mặc trong cái áo khoác màu đen cho phẳng phiu. Rồi bà chào các trợ lý, chúc họ một ngày tốt đẹp. Xong bà vuốt mái tóc đã đươc nhuộm đen và tết thành một bím dài đằng sau và nhìn hàng người đang đứng đợi qua ô cửa sổ nhỏ. 2 phút trứơc chín rưỡi. Bà cười. “Chúng ta đợi nốt đã” và tự nhận, “Tôi thích sự đúng giờ.”

Abramovic đón người tham dự ở cửa ra vào. Ảnh: Francesco Dama

Từng người một sẽ được đích thân Marina đón chào. Hai hay ba phụ nữ yêu cầu một cái ôm và đã nhận được nó. 512 Hours là màn trình diễn xoay quanh sự trao đổi năng lượng và tình yêu, trực tiếp giữa nữ nghệ sĩ và khán giả. Ở cuộc trình diễn The Artist is Present, vào năm 2010 tại MOMA, mà Abramovic ngày nào cũng ngồi đối diện với từng khách đến thăm, tổng cộng là hơn 15.000 người, trong suốt 3 tháng, có một lượng lớn các nguyên tắc được đưa ra nhằm kiểm soát từng hành vi như: bà không được phép cử động, không được phép đứng dậy, không được uống, không được nói, mà chỉ được phép truyền đi năng lượng và nhận lai… “So với lần này thì MOMA quả thật là tra tấn”, bà cười và nói.

Marina Abramovic đã cần đến 25 năm mới đủ tự tin để đối diện với cái Không Có Gì, giao phó bản thân cho đại chúng và để cho khoảnh khắc của nghệ thuật tự hình thành giữa chính mính và khán giả.

So với các cuôc trình diễn trước đây của bà thì những gì đang diễn ra tai Serpentine Gallery này là hoàn toàn vô hại. Khách đến xem chỉ phải để ở ngoài: điện thoại di động, máy quay phim, MP3-Player, máy thu âm và túi xách. Ai đã vào đến bên trong sẽ cảm thấy lúng túng và mất phương hướng. Ngay chính giữa phòng, trên nền đá màu đen là một mặt bằng gỗ màu nâu. Trên đó là một khách xem với đôi mắt nhắm nghiền, đứng bất động như một pho tượng. Nguyên việc đứng trên cái bục ấy đã là một trải nghiệm đặc biệt rồi, bởi vì khi đó, ta biết chắc rằng ta là trung tâm và đang được săm soi từ bốn phía. Việc đứng yên trong một khoảng thời gian dài với đôi mắt nhắm nghiền đòi hỏi một sự thăng bằng đáng ngạc nhiên, bởi lúc này cặp mắt không thể bám vào đâu. Thính giác trở nên nhạy bén lạ thường: những bước đi chậm rãi, những bước dồn dập, giày da, giày vải, dép lê, những tiếng thì thầm. Điều đó cũng thú vị và sẽ mang lại sự thích thú nếu người ta chìm vào nó và quên đi ánh mắt của những người khác. Khái niệm thời gian mất đi, cho đến khi ta bừng tỉnh khỏi trạng thái thôi miên lạ kỳ này.

Trong phòng trình diễn

“Cái khoảnh khắc của sự mất phương hướng rất quan trọng đối với người xem. Tôi cố gắng đọc trên khuôn mặt của họ, để thấy họ ngạc nhiên, lúng túng, lo lắng và nghi ngờ như thế nào. Rồi tôi để cho họ đợi một chút, tôi nhìn quanh và sẽ đi đến người có vẻ ngờ vực nhất trong số họ. Nhưng những người nghi ngại không bao giờ thả lỏng đôi bàn tay, họ luôn giấu chúng trong túi. Bởi vậy tôi sẽ nắm lấy bàn tay họ giữa những ngón tay mình một cách ân cần. Khoảnh khắc va chạm ấy là điều chính yếu của cả cuộc trình diễn này. Trong vài giây ấy tôi phảỉ tạo nên được một cuộc đối thoại năng lượng và cảm giác của sự yên lòng. Rồi tôi hỏi, “Bạn có thể tin tưởng vào tôi không?”, hầu hết họ không trả lời. Rồi tôi đề nghị họ hãy nhắm mắt lại, và khi họ đã nhắm mắt, có nghĩa là sự tin tưởng đã hiện diện. Và rồi họ bước vào phòng.”

Abramovic nắm tay một người tham dự

Nữ triết gia Juliane Rebentisch nghiên cứu về cấu trúc trong nghệ thuật trình diễn, trong đó tất nhiên là có những tác phẩm của Abramovic, trong cuốn “Lý thuyết của nghệ thuật đương đại”cũng giao phó cho cái khoảnh khắc nghi ngại của người xem một ý nghĩa lớn: “Điểm cốt lõi của một tác phẩm được tạo ra phần lớn từ sự lúng túng, khó xử của một tình huống, mà ở đó sự an toàn chắc chắn của người quan sát hay vị trí quan sát đươc đặt dấu hỏi. Như vậy là ranh giới giữa nghệ thuật và phản nghệ thuật, tưởng tượng và thực tế, không còn nghi ngờ gì nữa, đã trở thành công cụ cho một trò chơi mỹ học nghiêm túc.”

Và thật vậy, với một số khán giả thì trải nghiệm này không những hoàn toàn nghiêm túc mà còn trở nên gần như là thiêng liêng. Kathryn Cornelius, một nghệ sỹ trình diễn sành điệu từ New York, 35 tuổi, đã nhất quyết đến London chỉ để cảm nhận được một lần nữa nguồn năng lượng mà cô đã cảm được trong cuộc trình diễn The Artist ist Present tại MOMA cách đây 4 năm. Và cô: “… thực sự thất vọng với 512 Hours. Sự trao đổi năng lượng ở MOMA trực tiếp và mạnh mẽ hơn rất nhiều, vì ở đó người ta được sở hữu bà bao lâu tùy thích”. Thực tế là có rất nhiều khán giả – hữu thức hay vô thức – cạnh tranh nhau để giành giật sự chú ý của “Bà nội của nghệ thuật trình diễn”. Và họ sẽ coi sự trải nghiệm này la dớ dẩn nếu bị dẫn đi bởi các trợ lý của Marina chứ không phải chính bà.

Kathryn nói tiếp, “Nếu bạn không may mắn thì sẽ có một trợ lý đến nắm tay bạn. Nhưng được Marina nắm tay thì khác hẳn với việc nắm tay một người trợ lý chứ. Và tôi đã vớ phải điều không may mắn đó. Nó kéo dài vô tận cho đến lúc tôi thoát được anh ta. Xét về mặt ý niệm, với nhiệm vụ tiếp nối The Artist ist Present, cuộc trình diễn này cũng tạo được một ý nghĩa nào đó. Nhưng với những người đến đây để cảm nhận nguồn năng lượng của Marina thì nó quả thật là nghèo nàn. Ít nhất là sáng nay Marina cũng đã ôm lấy tôi, dù rằng tôi đã phải xin bà làm điều ấy.”

.

Chính cái giáo phái tính của tác phẩm này đã làm cho Zoya Sadashti, một nữ đạo diễn sân khấu đến từ Mỹ tức giận: “Suy nghĩ đầu tiên của tôi là: cái này thật chả khác gì màn khởi động của một buổi diễn thử. Nó là một dạng bài tập nghèo nàn luyện cho tính tập trung, đã bị Marina Abramovic gán cho cái mác Nghệ thuật lớn. Có vẻ như Marina đang cực kỳ tận hưởng sự sùng bái mà các fan hâm mộ vây xung quanh dành cho bà. Có lẽ bà cần lắm sự tôn sùng ấy”. Cô tiếp tục, “Người ta phải chui qua một cái cửa cống, phải giao nộp hết những thứ riêng tư, rồi cái nghi lễ sơ khai Nắm–lấy–bàn–tay, rồi người ta lại phải chứng minh sự tin tưởng của mình bằng việc nhắm mắt và để cho dẫn đi. Thật chả khác gì một kẻ đứng đầu giáo phái, kẻ mong đợi rằng, người ta sẽ theo hắn ta một cách vô điều kiện và bỏ lại sau lưng cuộc sống cũ! Tôi thấy thật là kinh khủng. Làm sao mà những con người học thức kia lại có thể để tước đi quyền tự chủ của mình như thế chứ. Rồi cả cái vẻ thần thánh rởm rít nữa. Hoàn toàn là một đống bullshit. Còn cái đám thanh niên cuồng tín này nữa, bọn họ đứng la liệt xung quanh với đôi mắt biến dạng trông chờ một liều Marina dành cho mình. Thật là mê muộiỉ”.

.

Có lẽ sự trải nghiệm của Alex Padwa, một nhà thiết kế công nghiệp 52 tuổi, đến từ Tel Aviv mới làm rõ ràng nhất khía cạnh một hành động của cá nhân phụ thuộc đến như thế nào vào những gì anh ta có thể hay không thể mang theo: “Dân Israel chúng tôi là một dân tộc thô bạo và cuộc trình diễn này là một bữa tiệc cho những kẻ thô lỗ trắng trợn. Nhưng rồi tôi nhìn thấy những người đến xem có nhu cầu gần gũi nghệ thuật, gần gũi người nghệ sỹ nổi tiếng. Nhiều người trông rất hạnh phúc. Cả Marina trông cũng hạnh phúc. Thế là tôi trút bỏ bộ áo giáp thô lỗ của mình và tham gia với họ”. Ai đã đắm mình trong một chốc lát vào cái Không Có Gì, và cảm thấy từ đó hình thành nên một nhận thức khác, sẽ cảm thấy gắn kết với những người đang cùng tham gia khác. Abramovic đã sử dụng sức mạnh bí ẩn của mình để tạo nên nghệ thuật từ con người. Điều ấy tạo nên ý nghĩa, sự gắn kết, sự đồng nhất. Padwa kết thúc sự trải nghiệm của mình: “Tôi đã cố gắng từ rất lâu để vượt qua được sự thô lỗ của bản thân, và hôm nay tôi đã đến gần đích thêm một chút.”

Tại phòng trình diễn

Điều mà tác phẩm trình diễn này muốn đề cập, trước hết là sự tồn tại khát vọng về tình yêu, về nghĩa lý và thần tượng, nhất là trong giới trẻ. Có ít nhất một nửa số người xem là dưới hoặc tầm 30. Không có quyền năng của Marina, cuôc trình diễn không thể thực hiện được. Một mình bà với sự hiến thân trọn vẹn đã nạp đầy năng lượng cho gian phòng. Còn nó có phải là một trải nghiệm nghệ thuật hay không, mỗi người, với thái độ và cách hành xử của bản thân trong cuộc trình diễn, sẽ tự xác định.

Ý kiến - Thảo luận

17:05 Tuesday,21.10.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng

Nghệ thuật trình diễn của Marina Abramovic giống như nghệ thuật ở nơi nghệ thuật đã giải tán, đó là địa ngục hay thiên đàng, hai nơi không có nghệ thuật thật cho biểu hiện của những yếu tố vật chất như các danh họa vẫn làm từ xưa tới nay với thị giác. Địa ngục và thiên đàng, có danh họa nào được trưng bầy tác phẩm ở hai nơi đó đâu. Ở đó chính tâm h
...xem tiếp

17:05 Tuesday,21.10.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hồng Hưng

Nghệ thuật trình diễn của Marina Abramovic giống như nghệ thuật ở nơi nghệ thuật đã giải tán, đó là địa ngục hay thiên đàng, hai nơi không có nghệ thuật thật cho biểu hiện của những yếu tố vật chất như các danh họa vẫn làm từ xưa tới nay với thị giác. Địa ngục và thiên đàng, có danh họa nào được trưng bầy tác phẩm ở hai nơi đó đâu. Ở đó chính tâm hồn các danh họa có thể may mắn đượi làm tác phẩm. Ai mà biết.
Nghệ thuật ở Abramovic như nhân điện xuất ra đó còn lại là cảm giácnhận được hạnh phúc hoặc chuẩn bị hạnh phúc(an tâm và tin tưởng) của tâm thần người thưởng ngoạn. Nhìn trên ảnh SOI đăng, tôi ngạc nhiên tỷ lệ khối tích cái đầu của bà Marina Abramovic. To khác thường.
Thế là đã xuất hiện một dạng nghệ thuật “không gì cả” ngoài tự cảm về hạnh phúc bằng quan hệ được giọi là mĩ học vì nó xảy ra trong không gian gallery. Nếu tất cả những sự đó xẩy ra ở trong chùa hay nhà thờ thì sao? Liệu có phải là một nghi lễ đổi tên?
Không có dạng nghệ thuật thi giác nhắm mắt và quán tâm vào xúc giác và thính giác, cho dù ngũ quan có phần tuơng thông. Sự kiện này chỉ là câu hỏi "có phái cứu cánh của nghệ thuật thị giác là cảm nhận hạnh phúc hoặc gần kề hạnh phúc? Thế thì đây, tôi sẽ làm cho các bạn có điều đó và tôi là nghệ sĩ trình diễn đặc biệt". Sau sự thật nổi tiếng này sẽ xuất hiện những "bợm hoạ" ăn theo.

 
9:56 Monday,20.10.2014 Đăng bởi:  admin

Siêu Noob ơi, có chút trục trặc, đợi khắc phục xong thì post lại vì có thay đổi một số hình trong bài.


...xem tiếp
9:56 Monday,20.10.2014 Đăng bởi:  admin

Siêu Noob ơi, có chút trục trặc, đợi khắc phục xong thì post lại vì có thay đổi một số hình trong bài.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả