của Tâm và Dung" /> » Những cuộc “Bỏ Đi” ngoạn mục của Tâm và Dung

Gẫm & Bình

Những cuộc “Bỏ Đi” ngoạn mục
của Tâm và Dung 28. 09. 10 - 10:02 am

Phạm Huy Thông

 BỎ ĐI

Triển lãm tranh của nhóm 5 họa sĩ
Viet Art Center
26 – 29. 9. 2010

Triển lãm Bỏ Đi của Nguyễn Phan Bách, Nguyễn Thế Dung, Trần Đức Quyền, Lê Thị Minh Tâm và Nguyễn Đình Vũ (diễn ra ở VietArtCenter từ 26 đến 29 tháng 9) được xây dựng trên một “mở bài” rất hay: Là nghệ sĩ, ai cũng từng có lần phủ nhận chính mình, chính những lần “rũ áo ra đi” trong nghệ thuật là cơ hội cho họa sĩ làm mới và phát triển.
 
Năm họa sĩ là năm tính cách, năm hoàn cảnh khác biệt, có người mới ra ràng, có người đã được đám đông nhẵn mặt. Vì thế Bỏ Đi là một triển lãm sinh động, có chất và lượng đủ để bạn bõ công đến xem trong những ngày tiết thu tuyệt vời này. Không thể tham lam nói về cả 5 họa sĩ, trong bài viết này tôi chỉ xin viết về Lê Thị Minh Tâm và Nguyễn Thế Dung, hai họa sĩ tôi có cơ duyên “chạm cốc” cà phê sau hôm khai mạc.

Tôi đã biết Tâm đủ lâu để chứng kiến hai lần ngúng nguẩy “bỏ đi” của cô họa sĩ tim đầy tình yêu này. Series tranh đầu tiên mà Tâm để lại trong trí nhớ của công chúng là đi sâu vào mô tả những đam mê của tình dục. Đó quả thật là những bức tranh gây sốc khi những bộ phận sinh dục đang lúc vận hành được Tâm banh tè he ra, bày lên mặt tranh bằng những nhát mầu nguyên chất đầy ham muốn. Có thể nói, sau Trương Tân, Tâm là người thứ hai ở Hà Nội (mà tôi nhớ) đề cập đến vấn đề tính dục một cách trực tiếp và táo bạo như vậy.

Những tưởng Tâm đang rộng đường tiến, cứ việc thế mà thừa thắng xông lên thì lại thấy cô bỏ đám đông đi về, đóng cửa đánh rầm, tu luyện trừu tượng. Bộ tranh thứ hai mà Tâm khoe tôi khiến tôi lúc đầu hơi hụt hẫng vì… tiếc bộ tranh trước. Vẫn mầu sắc đầy chất đàn bà, vẫn những nhát bút bôi xóa, nhưng hình hài thì tan biến hết cả. Tâm giải thích với tôi, bây giờ chán vẽ sex rồi, cô chuyển sang vẽ những bức tường.

 

Tường thì chẳng có gì lạ, nhưng đôi khi những bức tường lại là nơi lưu giữ thời gian và kỷ niệm. Người ta yêu nhau, vạch tên lên bức tường, lồng trong hình trái tim, người khác thấy xấu vẽ hình khác đè lên, người ta viết lời nhắn nhủ, lời quảng cáo chồng chéo lên nhau khiến cho những bức tường trở thành những câu chuyện bất tận của phố phường. Tâm cũng viết lên mặt toan những câu chuyện như thế, nhưng không nhăm nhăm bắt lấy cái hình trên những bức tường mà bắt lấy tình cảm của những dòng chữ, rồi lại để chúng tự lăn lộn cuốn lấy nhau… À ra vậy, cô họa sĩ kiêm người đàn bà Tâm bây giờ không còn tò mò tìm hiểu “chuyện ấy” nữa, cô đã thoát ra ngoài cái vỏ của tính dục để đi tìm thứ rộng lớn hơn gối chăn.

Lần “bỏ đi” tiếp theo của Tâm xuất hiện đột ngột trong một buổi tọa đàm hồi tháng 3, Tâm bất ngờ lôi tôi xuống hàng cuối: “Em chán vẽ kiểu này rồi, nó không đủ. Em muốn vẽ chữ, vẽ trang trí, vẽ những gì như là một áp phích… nhưng vẫn là vẽ tranh.” Và series tranh thứ ba của Tâm ra đời trong đó ngổn ngang chữ. Cô họa sĩ lại đi thêm bước nữa, cô không thấy đủ với những gì mình đã làm, cô muốn ôm nhiều thứ hơn vào trái tim mình. Ba bức tranh bày hàng ngang trong triển lãm Bỏ Đi thuộc về series mới nhất này. Bức đầu ghi chi chít tên tuổi của các ngôi sao giải trí như Lady GaGa, Lưu Diệc Phi, Britney… và điểm xuyết bằng búp bê, sao nhựa và đồ lót. Bức thứ hai với các nhãn mác rượu cùng với vỏ chai lăn lóc như trong một quán bar, nơi đó những cô gái xinh đẹp được vào cửa tự do, cởi tự do và uống miễn phí. Bức thứ ba nhại đi nhại lại những từ Hot, Sexy, Hotel như một ám ảnh của một em gái đú mới lớn. Vẫn có hình ảnh cửa mình của phụ nữ rải rác dưới hình hài của những khe bỏ xèng trong máy đánh bạc. 

 

Tâm nhớ những ước mơ thời con trẻ của mình chỉ dừng lại ở mong ước thành cô giáo, thành nữ bác sĩ. Nhưng lớp trẻ ngày nay từ bé đã biết mong muốn trở thành hot girl, thành siêu sao, thành những gì hào nhoáng và luôn đi kèm với rủng rỉnh tiền bạc. Con gái khi xưa chùm chăn tìm hiểu giới tính, con gái ngày nay đi trên phố, tự hào khoe ra những vũ khí lợi hại nhất của mình.
 
Tôi thấy ở đây một quá trình mở rộng chính mình. Từ chuyện gối chăn riêng tư, Tâm phát triển lên thành quá trình biến đổi của cảm xúc, của tình yêu và sau đó đi rộng hơn tìm hiểu ham muốn chung của con gái, đàn bà thông qua những ngổn ngang nhìn thấy từ xã hội. Bao nhiêu lần lo lắng khi thấy Tâm giũ bỏ thành công hiện tại của mình để đi tìm cái mới là bấy nhiêu lần tôi thấy mình chỉ giỏi lo hão. Thay đổi hình thức nghệ thuật theo đà tình cảm nhưng Tâm vẫn giữ được giá trị riêng xuyên suốt những bức tranh, khiến người ta luôn nhận ra Tâm, đó là khả năng pha trộn những mầu sắc nguyên chất trên mặt tranh thành một hòa sắc ma mị. Những hòa sắc đó dường như được tạo ra từ một cảnh giới mà những người như tôi không bao giờ sờ tới được.

*
 
Tôi tiếp cận với tranh của Nguyễn Thế Dung với tâm lý hoàn toàn khác. Khi bước vào phòng triển lãm, tôi không khỏi lo lắng thấy khi hai trong số bốn bức tranh của Dung có một chi tiết trùng hợp với bộ tranh mà tôi đang phác thảo cho năm 2011. (Ở chi tiết bàn tay cắm vào đầu, cổ của nhân vật). Tuy nhiên cái tâm lý lo lắng nhanh chóng qua đi khi tôi thấy trước mình tuy là một thử thách nhưng cũng là một động lực. Tranh của Dung là những bức tranh tốt với thông điệp mạch lạc.

 

Xuất thân từ làng quê nghèo của xứ “toàn xương” Quảng Xương, Thanh Hóa, làm quen với cuộc đời sớm hơn nên Dung vẽ tranh cũng già dặn hơn so với lứa họa sĩ cùng sinh năm 1985. Xem tranh của Dung, tôi luôn thấy trong đó sự mặc cảm của một người gốc gác tỉnh lẻ trộn lẫn với sự lạc quan “nếu không có thì không sống nổi” của những người lao động lam lũ. Giải thích về tranh của mình, Dung kể lại những ngày đầu đặt chân lên chốn thị thành, Dung có rất nhiều ước mơ, nhưng những giấc mơ đó ngay lập tức bị cuộc sống thổi tan, chỉ còn lại những xoay sở vất vả chuyện gạo tiền. Dung chứng kiến sự giãn ra ngày càng rộng trong khoảng cách giữa của nông thôn với thành thị. Hình ảnh con bò trong các bức tranh gợi nhớ đến cái ngơ ngác ngày đầu của Dung. Nhưng không quên đấu tranh vươn lên, Dung muốn kéo liền đồng quê và thành phố, và vì thế Dung lùa bò lên xa lộ, cho chúng đùa nghịch trước mặt tiền Nhà Hát Lớn. Giải pháp (giả vờ) hồn nhiên của nghệ sĩ đã tạo nên những nghịch lý đầy tính châm biếm trong tranh.

 
 Tôi thích nhất bức tranh khổ lớn, trong đó một đàn bò nằm chình ình trên một đại lộ đông đúc. Xe cộ dồn ứ lại hoặc đang cố len lỏi vượt chui qua háng bò. Tôi chợt nhớ về một hội thảo cũng diễn ra ở trường Mỹ thuật 5 ngày trước đó bàn về bản sắc của Hà Nội. Có vị học giả đã nói: “Hà Nội là một nơi giao lộ trong đó dân tứ xứ tìm về mưu sinh. Bởi vậy cái gọi là bản sắc của Hà Nội chính là khả năng tiếp nhận và trung hòa các luồng văn hóa du nhập từ các địa phương khác.” Hà Nội vốn coi mình là chốn thanh lịch phồn hoa, nhưng với làn sóng di dân từ nông thôn lên, mười người thì đã có tám người mới thoát cảnh lội ruộng. Văn hóa thị thành Hà Nội thực ra là tổng hòa của nhiều nguồn văn hóa làng xã nông thôn. Văn hóa giao thông ở phố phường Hà Nội thì đương nhiên cũng thế. (người viết đứng trên quan điểm mình cũng từ gốc nông thôn Thái Bình lên, không muốn kỳ thị bất cứ ai). Có thể do tôi chỉ giỏi suy diễn, nhưng quả thật đây là một bức tranh thú vị.

Hai năm trời chỉ vẽ 4 bức tranh quả là chậm chạp. Nhưng những dò dẫm, những “bỏ đi” ban đầu bao giờ cũng mất thời gian. Quan trọng là ở những bức tranh cuối, Dung đã tìm được hướng đi hứa hẹn cho mình.

Không ai có hướng dẫn nghệ sĩ việc họ đang và sẽ làm gì. Tự họ biết làm những gì tốt nhất cho họ. Chỉ mong được thấy thêm những lần “bỏ đi” ngoạn mục nữa của Tâm và Dung.

*

Bài liên quan:

– Thay cho những lời chúc mừng sáo rỗng
– Những cuộc “Bỏ Đi” ngoạn mục của Tâm và Dung

Ý kiến - Thảo luận

20:03 Sunday,3.10.2010 Đăng bởi:  nguoi ha noi
10 họa sĩ cùng vẽ “một ngày” Đại lễ
Chủ nhật , 3 / 10 / 2010, 12: 54 (GMT+7)

- Với chủ đề “Một ngày”, ngay trong hôm mở đầu Đại lễ Nghìn năm Thăng Long, đã có 10 họa sĩ Hà Nội cùng tỏa đi vẽ phong cảnh Thủ đô. Họ vẽ suốt cả ngày hôm đó, và chỉ trong cái ngày “ngàn năm có một” đó thôi. Các tác phẩm “Một ngày” sẽ được trưng bày tại Cà phê S
...xem tiếp
20:03 Sunday,3.10.2010 Đăng bởi:  nguoi ha noi
10 họa sĩ cùng vẽ “một ngày” Đại lễ
Chủ nhật , 3 / 10 / 2010, 12: 54 (GMT+7)

- Với chủ đề “Một ngày”, ngay trong hôm mở đầu Đại lễ Nghìn năm Thăng Long, đã có 10 họa sĩ Hà Nội cùng tỏa đi vẽ phong cảnh Thủ đô. Họ vẽ suốt cả ngày hôm đó, và chỉ trong cái ngày “ngàn năm có một” đó thôi. Các tác phẩm “Một ngày” sẽ được trưng bày tại Cà phê Sáng tạo 36 Điện Biên Phủ vào ngày 15/10.

Hầu hết họ đều là những họa sĩ trẻ, có 2 họa sĩ lớn tuổi nhất là Lê Thiết Cương, người khởi xướng ý tưởng và họa sĩ Đào Hải Phong. Đặc biệt, với buổi vẽ đó, Đào Hải Phong thừa nhận: “20 năm nay, đây là lần đầu tiên tôi trở lại để vẽ phong cảnh ngoài trời”. TT&VH có cuộc trò chuyện với họa sĩ Đào Hải Phong về một ngày sáng tác đặc biệt này.

* 20 năm rồi anh mới trở lại vẽ ngoài trời, phải có cảm xúc nồng nhiệt lắm mới khiến anh trở lại như thế?
- Sự nồng nhiệt là thứ luôn có và phải có trong người nghệ sĩ. Với những ai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội thì ngày hôm nay (ngày khai mạc Đại lễ) là một ngày không thể không xao xuyến. Chính vì sự xao xuyến đó, mà khi ý tưởng “một ngày” vừa đưa ra đã nhận được ngay những sự “cộng hưởng” và ai cũng muốn tham gia. Nữa là tôi, đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hà Nội đã cho mình rất nhiều thứ, gần như Hà Nội đã làm nên sự nghiệp của tôi, thì không có lí do gì mình không yêu thương Hà Nội. Với tôi mỗi lần đi xa thì lại càng nhớ Hà Nội. Tôi tự cho đó là một tình yêu thật.

* Mỗi người chọn cho mình một “không gian Hà Nội” trong ngày Đại lễ”. Cảm hứng nào để anh chọn hồ Thiền Quang để vẽ?

- Đường Nguyễn Du với hồ Thiền Quang, tôi đi mòn lốp xe cuốc thời sinh viên. Ngày trước, bờ hồ này có kiến trúc rất đẹp, có nhà của cụ Nam Sơn, người đã khai sinh ra trường Mỹ thuật của Việt Nam. Nhà cụ xưa chính ở chỗ đối diện tôi ngồi vẽ Hà Nội ngày Đại lễ, và bây giờ đã thay đổi nhiều.

Ngày trước, chính bên bờ hồ này, năm 1991 tôi đã vẽ một bức tranh lụa. Hồi đó, hồ còn thô sơ, chưa có cải tạo gì nhiều. Bức tranh lụa đó được bày ở cửa hàng souvenir ở Văn Miếu và được một nữ Việt Kiều mua với giá 60 đô la. Đấy là điều rất thú vị cho một cậu sinh viên mới ra trường là tôi.

Với người Hà Nội gốc sống lâu ở Hà Nội với đời sống có tính nghệ sĩ, hơi sang trọng một tí thì Hồ Thiền Quang chính là nơi lưu giữ hình ảnh Hà Nội.

* Theo tôi biết, anh rất thích thể hiện buổi chiều. Anh đã chọn buổi chiều ngày Đại lễ để vẽ, nó có làm anh thăng hoa hơn?

- Mỗi họa sĩ có một trạng thái tình cảm, trạng thái của tôi rất thích vào buổi chiều, ngày sắp sửa hết và đêm kéo đến. Tôi thích khoảng thời gian đó. Sau một ngày, trạng thái tâm lí của người ta lắng xuống, con người cũng mềm lòng hơn, thỏa hiệp hơn. Tâm niệm chiều đến để người ta có thể về nơi người ta nướng náu. Khoảnh khắc ấy, thời ấu thơ Hà Nội của tôi luôn chờ bố mẹ về, chơ bữa cơm tối, chờ ánh đèn của hàng xóm.

Về mặt nghệ thuật thì khoảnh khắc đó làm lu mờ đi những thô nháp, che đậy những rác rến, chỉ còn hiện lên những cái gì đẹp đẽ: hàng cây, những mái nhà hay những đốm sáng... Khoảnh khắc đó để cho người nghệ sĩ đỡ bị vương vấn đời thường và được thăng hoa.

Vẽ từ lúc 1h đến 6h chiều, bức tranh của mình có tên là “Chiều bên hồ Thiền Quang”.

*Ngoài anh và họa sĩ Lê Thiết Cương, còn lại đều là các họa sĩ trẻ. Họ thể hiện Hà Nội ngày Đại lễ thế nào?

- Có tất cả là 10 anh em, họ còn rất trẻ. Tạm gọi chúng tôi là hai thế hệ họa sĩ nhưng rõ ràng là cùng có sự hào hứng, cùng muốn được chia sẻ với khả năng dù lớn hay nhỏ của mình với ngày Đại lễ, bằng cả tấm lòng của họ và không vì một mục đích gì cả.

Mỗi người bộc lộ theo một hình thức theo một kiểu chất liệu, chủ yếu vẽ sơn dầu trên toan, có một cô bé thì lại vẽ trên những hòn sỏi to.

Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ trên chất liệu giấy báo. Thời chúng tôi đi học giấy tốt là thứ xa xỉ. Giấy vẽ cho các bài học chỉ bồi lên giấy báo. Anh Cương muốn tìm lại thời sinh viên của mình nên chọn chất liệu đó. Còn tôi chọn bột màu - là chất liệu tôi thường vẽ thời sinh viên.


Mạnh Cường (thực hiện)
Theo TTVH 
14:16 Friday,1.10.2010 Đăng bởi:  Học-trò-nhỏ
Anh Hồng Dương ví chuyện anh Thông khen tranh chị Tâm anh Dung giống chuyện đưa bà già sang được làm em buồn cười quá cơ. Hai chuyện chẳng liên quan gì đến nhau. Bà già có thể không muốn sang đường nhưng chị Tâm anh Dung nếu được mọi người nghe tới tên mình nhiều mọi người biết tranh mình nhiều thì là điều tốt chứ anh Dương? Em thấy bạn bè em mấy hôm nay ngồi uố
...xem tiếp
14:16 Friday,1.10.2010 Đăng bởi:  Học-trò-nhỏ
Anh Hồng Dương ví chuyện anh Thông khen tranh chị Tâm anh Dung giống chuyện đưa bà già sang được làm em buồn cười quá cơ. Hai chuyện chẳng liên quan gì đến nhau. Bà già có thể không muốn sang đường nhưng chị Tâm anh Dung nếu được mọi người nghe tới tên mình nhiều mọi người biết tranh mình nhiều thì là điều tốt chứ anh Dương? Em thấy bạn bè em mấy hôm nay ngồi uống cà phê toàn bàn chuyện tranh tính dục của chị Tâm tranh vẽ bò của anh Dung rất rôm rả. Nếu không có bài của anh Thông thì cũng không ai bàn tới vì có ai viết bài đâu kể cả Soi cũng có nói gì đến triển lãm này đâu? Thầy Cương khai mạc triển lãm ca ngợi các anh chị nhưng cũng có viết bài về các anh chị ấy đâu ạ. Nếu cứ ngồi đợi các thầy lớn viết bài thì chúng em chẳng biết ai ra ai hoặc toàn biết những bác chết rồi hoặc sắp chết. Em thấy các anh lớn đang làm một việc tốt cho tất cả là viết về thế hệ của các nghệ sĩ trẻ, ai cũng bình đẳng hết. Còn khen chê thế nào thì bọn em học nghề này cũng có mắt có gu cả anh ạ, chẳng phải người ta khen thì thấy đẹp người ta chê thì thấy xấu đâu anh. Chỉ sợ không biết là có triển lãm diễn ra ở đâu để mà còn chê với khen là xấu với đẹp. Em nghĩ các anh em mà anh nói cứ bình luận phứa đi, bọn mình bình luận với nhau theo kiểu thẳng tưng khéo còn hay hơn là vòng vèo. Đồng ý với anh là bài anh Thông ít nói về kỹ thuật nhưng em nghĩ kỹ thuật mỗi người một bài, cảm xúc cũng quan trọng có khi còn hơn kỹ thuật. Em hết ạ mong anh không giận em. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả