Gẫm & Bình

Gallery và nghệ sĩ 26. 10. 14 - 7:39 pm

Phạm Quang Hiếu

Một vài suy nghĩ nhân đọc bài viết của Linh Cao về “Nhập Nhằng”. Cảm ơn bạn!

Hí họa của Dom Richards

Đầu những năm 90, Việt Nam mở cửa. Giới nghệ sĩ, đặc biệt là họa sĩ, được hưởng thành quả của sự kiện này. Tây vào, thích thú với một thứ nghệ thuật khá hoang sơ, nguyên chất tiền hiện đại và hiện đại. Tranh pháo bán ầm ầm. Các gallery mọc lên như nấm sau mưa. Ai cũng ra sức vẽ, ra sức kiếm tiền. Các họa sĩ hóng theo những phong cách ăn khách mưu cầu danh và tiền. Họa sĩ nào tính cách không được nhanh nhạy lắm, hay cứng đầu thì được các chủ gallery khuyến khích, định hướng.

Cho đến tận những năm 2000, tư duy “định hướng” cho nghệ sĩ của các chủ gallery đã trở thành một thói quen khó bỏ. Hệ quả của việc này là một nền nghệ thuật với các tác giả, tác phẩm na ná nhau, cùng “đèm đẹp” như nhau. Cùng với đó, các nhà phê bình hoặc các nhà báo tự phong mình là nhà phê bình đua nhau bốc thơm các nghệ sĩ. Những mỹ từ như “lên đồng thẩm mỹ”, “trở về với bản thể”, “tìm ra chính mình”, “thăng hoa cảm xúc”, “hóa thân vào tác phẩm”, “đồng vọng với thiên nhiên”… được sử dụng tràn lan cho mọi nghệ sĩ. Hãy giở bất cứ cuốn sách hay vựng tập triển lãm (tranh, tượng) nào trong khoảng 1995 đến 2005 để thấy điều đấy.

Cái giá phải trả là điều ai cũng biết. Đó là một không khí nghệ thuật chìm lắng. Đó là một thị trường nghệ thuật bết bát, ế ẩm. Đó là một nền nghệ thuật thiếu tính sáng tạo, yếu đuối trong thẩm mỹ và hời hợt trong tư duy

Người ta có thể định hướng cho những El Greco, Munch, Bacon, Gauguin, Van Gogh… hay không? Những chủ gallery ở Việt Nam hẳn sẽ sẵn sàng bảo với Van Gogh rằng ông vẽ thế xấu lắm, phải vẽ như này như này; Hay bảo Munch rằng cuộc đời đẹp lắm, sao tranh ông u ám thế, buồn thảm thế; Và sẽ đòi El Greco cải sang đạo Phật, thay vì cứ đắm đuối tin tưởng vào Thiên Chúa giáo, cũng như nói với Bacon rằng tác phẩm của ông ta thật là bệnh hoạn?!

Lịch sử nghệ thuật không phải là không có những chủ gallery “tinh mắt”, có thể góp ý để nghệ sĩ hoàn thiện hơn. Nhưng, bởi vốn “tinh mắt”, nên họ sẽ không đề cập một cách cụ thể việc họa sĩ phải vẽ như thế nào, không cầm tay chỉ việc cho nghệ sĩ. Họ sẽ góp ý một cách trừu tượng hơn, triết lý hơn và khiêm tốn hơn; Hoặc giả họ sẽ đặt nghệ sĩ một vài tác phẩm với những chủ đề họ muốn, với những yêu cầu cụ thể, nhưng tránh việc làm cho nghệ sĩ CẢM THẤY mình bị chi phối và mất tự do, và đặc biệt tránh việc làm thay đổi phong cách của nghệ sĩ (nếu anh ta có một phong cách, một thẩm mỹ riêng) chỉ để phục vụ cho những tham vọng ngắn hạn của mình.

Hí họa của Mj Monaghan

Nhiều hơn thế, trong số những người góp phần làm nên lịch sử, là những chủ gallery, nhà sưu tập và các mạnh thường quân biết tôn trọng cá tính và quan điểm riêng của nghệ sĩ. Họ hiểu một điều rằng, nếu ai cũng nghĩ như nhau, thấy như nhau thì không tồn tại cái gọi là Nghệ thuật. Họ biết giá trị của sự độc đáo, nhất là sự độc đáo tự thân, không gồng mình lên để tỏ ra độc đáo. Tôn trọng tài năng của nghệ sĩ, họ đủ tri thức để có thể khiêm tốn trước sự sáng tạo cũng như yêu thích một cách vô tư, vô vị lợi đối với tác phẩm nghệ thuật trước khi có ý định đầu tư tiền bạc vào nó. Hơn nữa, họ cũng biết, đối với một nghệ sĩ có cá tính, có thẩm mỹ và cách nhìn riêng, việc định hướng, áp đặt một hình thức tư duy hay thẩm mỹ là điều gần như bất khả. Nói “gần như” là bởi, trong một số hoàn cảnh nhất định, vẫn có thể áp đặt được. Có điều khi ấy anh chàng độc đáo kia đã trở thành như bao người khác. Còn đa phần, càng muốn áp đặt, định hướng bao nhiêu thì lại càng đẩy họ xa mình bấy nhiêu.

Nghệ sĩ như một cái cây. Cây nào quả ấy. Sự thay đổi bút pháp, phong cách, cách nhìn của anh ta phụ thuộc nhiều vào sự trải nghiệm quá trình sống của bản thân hơn là sự khuyên bảo bên ngoài hay những lý lẽ sách vở. Nhiều người nghĩ rằng mình có thể thay đổi chỉ qua một câu nói hay những tri thức, hiểu biết được rút tỉa từ một vài cuốn sách. Nhưng họ lầm! Cái hiểu biết kia, trong trường hợp hiểu biết thật, chỉ là một lớp mạ trên bề mặt lý trí. Nó có thể làm người ta thay đổi trong một hai ngày, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Người nghệ sĩ tìm ra một ý tưởng hay, vội vàng bắt tay vào thực hiện, ngỡ rằng tác phẩm của mình sẽ phải tuyệt vời lắm. Nhưng không! Khốn thay! Cái ý tưởng sâu sắc kia có khi lại biến thành một tác phẩm nông choèn, khô như ngói cứng như đá! Tại sao? Không phải tại ý tưởng của anh. Vấn đề chính là cái ý tưởng đó mới chỉ dừng lại ở bề mặt lý trí, anh cóp nhặt nó ở đâu đó hay xây dựng nó từ sự tổng hợp tri thức của những người khác mà chưa kịp SỐNG nó.

Khi ý tưởng chưa bắt rễ được vào tâm hồn anh, chưa khơi gợi được cảm thức trong anh, nó cũng giống như việc anh thấy cái cây đẹp quá, vội nhổ lên đem về nhà trồng. Khổ nỗi, vì không hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cái cây rất đẹp ấy trong tay anh chỉ còn là cành củi khô… rất đẹp!!! Để một người nghệ sĩ sáng tạo bằng chính những trải nghiệm của mình, vượt qua những khúc mắc đẹp-xấu, thiện-ác, hay-dở của xã hội không phải là dễ. Để những ý tưởng, cảm giác, niềm tin… trên tác phẩm đâm chồi nảy lộc từ chính nhu cầu nội tâm của nghệ sĩ cũng không dễ tí nào.

Hí họa của John M. Crowther

Vậy nên, nếu bắt gặp một người như thế, dù tác phẩm của anh ta có thể chưa hoàn thiện, hãy để yên cho anh ta phát triển và tự hoàn thiện. Hãy để cho anh ta là kẻ mà anh ta là. Sự góp ý, nếu có, chỉ nên dừng ở mức độ trừu tượng và mở rộng. Hoặc giả nếu cụ thể thì phải có những phân tích rành mạch và tuyệt đối tránh việc đánh đổi cảm quan nghệ thuật riêng biệt của nghệ sĩ để lấy dăm ba kỹ xảo hình thức rỗng tuếch. Mất đi cảm quan này, cùng với cảm giác và ý niệm xuất phát từ nhu cầu nội tại của nghệ sĩ, tác phẩm chỉ còn là một tấm vải đần độn.

Việc dát vàng dát bạc để làm đẹp bề mặt tranh, nếu như không xuất phát từ nhu cầu nội tại của người sáng tạo vốn nhằm hiện thực hóa một cảm giác, một ý niệm của tinh thần hơn là thỏa mãn thị giác, sẽ chỉ tạo ra một thứ mỹ nghệ không hơn không kém. Và phải chăng, nghệ thuật Việt Nam vẫn cần thêm những “tác phẩm” mỹ nghệ? Thay đổi cách xử lý chủ đề, biến báo hình thức cho ra những hình ảnh ưa nhìn, sắp xếp bố cục theo ý đồ của… chủ gallery sẽ đưa đến việc thay đổi phong cách và định dạng tác phẩm. Sự thay đổi này, như đã nói ở trên, chỉ là sự thay đổi từ bên ngoài ốp vào sẽ tạo nên một thứ nghệ thuật hời hợt như thường thấy ở các gallery Việt Nam. Điều đó rất dễ làm tầm thường hóa một cá nhân độc đáo.

Thay vì khuyên bảo, ĐỊNH HƯỚNG cho nghệ sĩ, các chủ gallery, bên cạnh việc buôn bán nghệ thuật thứ cấp, khi đã phát hiện một nghệ sĩ mới mẻ, độc đáo, hãy “găm” một vài tác phẩm của anh ta và chờ nó tăng giá. Không có nghệ sĩ nào mà toàn bộ tác phẩm của anh ta đều hay cả, hãy chọn những bức mà mình thích và mở hầu bao. Đó là cách một người có tiền, có tầm nhìn nâng đỡ một tài năng và qua đó trở nên có ích cho một nền nghệ thuật đang phát triển.

Ý kiến - Thảo luận

23:01 Wednesday,29.10.2014 Đăng bởi:  Linh Cao
Bức Ô quan chưởng ấy ai cũng muốn mua. Chất đầy đặn, mầu dương khí, và có tính văn hoá cao. Giai đoạn bác Nghĩa mua cũng hay, máu lửa. Tranh triển lãm lần này đúng như Hiếu cảm, nhập nhằng nhiều ưu tư. Cái văn hoá của Tú now đã đi xa khỏi cái văn hoá Ô quan chưởng. Vậy để cái văn hoá của nhà sưu tập đến với tranh Tú, cần một số power không nhập nhằng nữa. M
...xem tiếp
23:01 Wednesday,29.10.2014 Đăng bởi:  Linh Cao
Bức Ô quan chưởng ấy ai cũng muốn mua. Chất đầy đặn, mầu dương khí, và có tính văn hoá cao. Giai đoạn bác Nghĩa mua cũng hay, máu lửa. Tranh triển lãm lần này đúng như Hiếu cảm, nhập nhằng nhiều ưu tư. Cái văn hoá của Tú now đã đi xa khỏi cái văn hoá Ô quan chưởng. Vậy để cái văn hoá của nhà sưu tập đến với tranh Tú, cần một số power không nhập nhằng nữa. Mình cho bạn 2 chữ sau, nếu bạn thật sự quan tâm: cấp và độc . Giải thích luôn nhé? Hoặc là có dịp mình sẽ nói riêng vào 1 cái lỗ tai thôi, với đúng người, kẻo phí ! 
20:13 Wednesday,29.10.2014 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
@Raumuong Noigian, bạn không cần phải tiếc bức Ô Quan Chưởng đâu :) Triển lãm lần này của Tú có nhiều bức tốt hơn thế, theo mình. Nếu bạn có cuốn vựng tập của triển lãm, hãy giở ra xem lại: "Trò đùa ngớ ngẩn", "Phiêu linh", "Cho kẻ đã yêu", "Chốn này". Trong đó hai bức sau không được bày.

Trong thời điểm này, dù hẻo, có lẽ bạn vẫn sẽ mua được hai bức đầu
...xem tiếp
20:13 Wednesday,29.10.2014 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
@Raumuong Noigian, bạn không cần phải tiếc bức Ô Quan Chưởng đâu :) Triển lãm lần này của Tú có nhiều bức tốt hơn thế, theo mình. Nếu bạn có cuốn vựng tập của triển lãm, hãy giở ra xem lại: "Trò đùa ngớ ngẩn", "Phiêu linh", "Cho kẻ đã yêu", "Chốn này". Trong đó hai bức sau không được bày.

Trong thời điểm này, dù hẻo, có lẽ bạn vẫn sẽ mua được hai bức đầu tiên. Chúc bạn nhanh tay nhanh chân :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả