Gẫm & Bình

Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo? 24. 10. 14 - 6:34 am

Linh Cao

NHẬP NHẰNG – AFFITTA
Triển lãm tranh của Phạm Tuấn Tú
Nguyên Gallery, 31A Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội

Từ ngày 18.10.2014 tới 27.10.2014

“Tấm ảnh không hồn”, tranh của Phạm Tuấn Tú

Chúng tôi đi xem tranh Tú trong lúc nhập nhoạng tối, khi đường phố lên đến đỉnh điểm của tan tầm đông đúc và vỉa hè Văn Miếu giang rộng khoảng tĩnh lặng quanh chén trà lấy họa sỹ làm tâm điểm cuộc gặp thoáng chốc…

Đèn quá sáng, phòng bày hẹp với đôi chiếc xe máy để giữa nhà và đôi gương mặt lễ tân vô cảm càng làm tôi tiếc nuối thêm. Vẫn biết phòng bày không làm nên tác phẩm, nhưng giá như có một ngôi nhà bí ẩn trong tiếng cót két sàn gỗ, những chùm đèn và màn nhung dài lưu luyến, với hoa và nến, với lư trầm tỏa nhẹ hương trong tiếng nhạc Kitaro bay lượn… tranh Phạm Tuấn Tú sẽ sống dậy và đi lang thang lẫn giữa người xem như thể một đàn cá lạ kỳ múa quanh ta, trong đại dương của cơn mộng ảo… Để bày được như thế cho Tú cần một đạo diễn thực thụ , một người tri kỷ. Vẫn biết là Trời thử người tài với muôn ngàn kìm hãm, nhưng tôi vẫn mong có người như thế sẽ tìm đến với họa sỹ, một ngày không xa.

Tranh Tú điệu, quái và khá ám ảnh. Hắn ta có ý thức tạo ra một thế giới riêng, có âm hưởng ăn chơi sa đọa như chốn dành cho các quý tộc sa sút nhiều ý thích kỳ quái, bị dằn vặt bởi câu hỏi thường trực cho đich đến phù phiếm của bản năng và lý trí. Bối cảnh càng phù hoa lộng lẫy, nhân vật càng cô đơn và nhiều tự trào. Rất dễ nhận ra sau lớp vỏ lưỡng tính là câu hỏi kép để tránh câu trả lời lưỡng cực, và ai cứ áp câu chuyện đồng tính vào đây là sai.

“Nội soi sự thật”

Cường điệu đối với Tú là để giải mã dần dần những khát vọng phi thực tế không giải quyết trong đời sống thường ngày được. Khi chú đã thích một cái ghế cổ, thì cái chú đi tìm phải là ngai vàng, và nếu không thể sở hữu một cái ngai vàng ở trong xưởng họa, thì chú sáng tạo ra ngai vàng cho riêng mình trong hội họa. Mỗi bức tranh đánh dấu một vec-tơ người họa sỹ lao đến cái đích lý tưởng – cái thế giới sáng tạo của riêng mình.

Nhưng trên hết cuối cùng tác phẩm vẫn phải có một ý nghĩa mấu chốt cho tinh thần và đời sống của tác giả. Nên tôi thật sự ấn tượng khi chú muốn làm một “quả” sắp đặt có tên: “Đám ma”, để cảnh báo cái đích đến của bao nhiêu dấu trừ kia lại đơn giản là điểm 0 – biểu tượng của tận cùng, của hoang tàn – của cái Chết?

Vì chú đã chọn một thế giới quá âm tính, với hệ thống biểu tượng toàn những cú, búp bê cụt đầu, thập giá, bia mộ, âm hồn… và một loài như là xác sống vậy. Cái Đẹp đi cùng cái sợ và dần dần bị cái sợ làm cho tăng liều kinh dị. Viên thuốc cuối cùng cứu chữa cho thẩm mỹ của Tú là chút hài hước như chút đường bọc ngoài viên kẹo đắng.

“Trong lòng Hà Nội”

Những bức đẹp nhất tiếc thay không bày được lần này, làm cho cảm giác xem xong cả hai phòng mà vẫn thiếu. May thay quyển sách tranh của Tú đã cung cấp cái nhìn rộng mở đầy đủ hơn cho giới nghiên cứu cũng như bọn đầu cơ.

Về bề mặt tranh, chất acrylic của Tú làm cho đôi chỗ còn nông. Chú cần vẽ kết hợp với sơn dầu và có thể nên nghĩ tới dát vàng dát bạc cộng với mở rộng biên độ không gian ra, cũng như thu hẹp lại tập trung vào nét mặt của nhân vật. Thực tế triển lãm đang có những bức chân dung rất thuyết phục, no mầu, mạnh về thị giác, tạo hình tốt. Chú càng đi vào chi tiết tinh xảo, thì lại càng mờ đi sức chiếm lĩnh của nhân vật trung tâm. Các hình tượng phụ trợ cần sâu sắc và cô đọng hơn.

Cuộc chơi còn dài và khi đã chọn con đường độc đáo, luôn tìm thêm một ngả thoát hiểm nhé! Đi hết cái cầu kỳ cũng giống như làm trọn vẹn một việc đơn giản, cũng cần có Duyên và có Chí. Còn Số thì đã ghi rồi đấy Tú!

*

Đây là cmt cho bài “‘Nhập nhằng’ của Phạm Tuấn Tú, tại Nguyên Gallery”, Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ theo dõi. Tên bài do Soi đặt.

*

Cùng một người viết:

- Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 1: Lính mới

- Việc ấy không cần nhiều tiền,
chỉ cần nhiều công tâm và khát vọng

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yếu Kiêu
Kỳ 3: Chìm, nổi, và lại chìm

- Thư gửi họa sỹ trẻ

- Về bác Phạm Lực – ôn cố mong tân

- Luận về ăn uống khi ốm, về khát vọng sống và chất nghệ qua ăn

- Hãy mua ngay khi cơ hội đến

- Người tháp tùng (phần 1)

- Người tháp tùng (phần 2)

- Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ

- Một số ảnh Linh Cao chụp trước khi treo tranh

- Trường ca gia cầm

- Đã xem họa sỹ uống trà…

- Ăn chay nằm mộng lưng trời…

- Một bữa tiệc tối đáng nhớ, cần được viết ra…

- Từ một nhành thyme…

- Tiếng vọng từ thiên nhiên: các bạn trẻ nóng vội quá…

- Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo?

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 1): Tại Lu Loa Cống Xề

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 2):
Về Huệ Thư

- Xem gốm Bảo Toàn: Đập vỡ cây đàn

- Chuyện cô bán tranh: Nhớ thiên đàng nem chua

- Ba lý do khiến trò lười không muốn mở mang

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 4):
Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu

- Nhân thông tin một nhóm đại gia Việt vừa mua gần 50 bức tranh…

- Tết Art: sự trỗi dậy của cái mầm

- Nhận xét riêng về Tết Art: vẫn chưa thực sự hội chợ

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân

- Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ

- Món chè gấc số đỏ

- Về món mơ ngâm

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh

- 5 đặc điểm để món ăn Việt đi mãi với người Việt

- Bún chả (bài 2): tuyệt phẩm nhà nghèo

- Mì vằn thắn: cảm thức biển trong một bát chứa chan

- “Măng mai măng nứa, cơm lam trà gừng…”

- Cốc chè của mùa hè

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 7):
Sau cơn mưa trời lại sáng

- Bàn tán về tranh nuy

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện

- Bé bỏng nghèo nàn trong lòng phố cổ

Ý kiến - Thảo luận

16:24 Sunday,26.10.2014 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
GALLERY VÀ NGHỆ SĨ

Một vài suy nghĩ nhân đọc bài viết của Linh Cao về “Nhập Nhằng”. Cảm ơn bạn!

Đầu những năm 90, Việt Nam mở cửa. Giới nghệ sĩ, đặc biệt là họa sĩ, được hưởng thành quả của sự kiện này. Tây vào, thích thú với một thứ nghệ thuật khá hoang sơ, nguyên chất tiền hiện đại và hiện đại. Tranh pháo bán ầm ầm. Các gallery mọc lên như n
...xem tiếp
16:24 Sunday,26.10.2014 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
GALLERY VÀ NGHỆ SĨ

Một vài suy nghĩ nhân đọc bài viết của Linh Cao về “Nhập Nhằng”. Cảm ơn bạn!

Đầu những năm 90, Việt Nam mở cửa. Giới nghệ sĩ, đặc biệt là họa sĩ, được hưởng thành quả của sự kiện này. Tây vào, thích thú với một thứ nghệ thuật khá hoang sơ, nguyên chất tiền hiện đại và hiện đại. Tranh pháo bán ầm ầm. Các gallery mọc lên như nấm sau mưa. Ai cũng ra sức vẽ, ra sức kiếm tiền. Các họa sĩ hóng theo những phong cách ăn khách mưu cầu danh và tiền. Họa sĩ nào tính cách không dc nhanh nhạy lắm, hay cứng đầu thì được các chủ gallery khuyến khích, định hướng. Cho đến tận những năm 2000, tư duy “định hướng” cho nghệ sĩ của các chủ gallery đã trở thành một thói quen khó bỏ. Hệ quả của việc này là một nền nghệ thuật với các tác giả, tác phẩm na ná nhau, cùng “đèm đẹp” như nhau. Cùng với đó, các nhà phê bình hoặc các nhà báo tự phong mình là nhà phê bình đua nhau bốc thơm các nghệ sĩ. Những mỹ từ như “lên đồng thẩm mỹ”, “trở về với bản thể”, “tìm ra chính mình”, “thăng hoa cảm xúc”, “hóa thân vào tác phẩm”, “đồng vọng với thiên nhiên”… được sử dụng tràn lan cho mọi nghệ sĩ. Hãy giở bất cứ cuốn sách hay vựng tập triển lãm (tranh, tượng) nào trong khoảng 1995 đến 2005 để thấy điều đấy.

Cái giá phải trả là điều ai cũng biết. Đó là một không khí nghệ thuật chìm lắng. Đó là một thị trường nghệ thuật bết bát, ế ẩm. Đó là một nền nghệ thuật thiếu tính sáng tạo, yếu đuối trong thẩm mỹ và hời hợt trong tư duy

Người ta có thể định hướng cho những El Greco, Munch, Bacon, Gauguin, Van Gogh…hay không? Những chủ gallery ở Việt Nam hẳn sẽ sẵn sàng bảo với Van Gogh rằng ông vẽ thế xấu lắm, phải vẽ như này như này; Hay bảo Munch rằng cuộc đời đẹp lắm, sao tranh ông u ám thế, buồn thảm thế; Và sẽ đòi El Greco cải sang đạo Phật, thay vì cứ đắm đuối tin tưởng vào Thiên Chúa giáo cũng như nói với Bacon rằng tác phẩm của ông ta thật là bệnh hoạn?!

Lịch sử nghệ thuật không phải là không có những chủ gallery “tinh mắt”, có thể góp ý để nghệ sĩ hoàn thiện hơn. Nhưng, bởi vốn “tinh mắt”, nên họ sẽ không đề cập một cách cụ thể đến việc họa sĩ phải vẽ như thế nào, không cầm tay chỉ việc cho nghệ sĩ. Họ sẽ góp ý một cách trừu tượng hơn, triết lý hơn và khiêm tốn hơn; Hoặc giả họ sẽ đặt nghệ sĩ một vài tác phẩm với những chủ đề họ muốn, với những yêu cầu cụ thể, nhưng tránh việc làm cho nghệ sĩ CẢM THẤY mình bị chi phối và mất tự do, và đặc biệt tránh việc làm thay đổi phong cách của nghệ sĩ (nếu anh ta có một phong cách, một thẩm mỹ riêng) chỉ để phục vụ cho những tham vọng ngắn hạn của mình.

Nhiều hơn thế, trong số những người góp phần làm nên lịch sử, là những chủ gallery, nhà sưu tập và các mạnh thường quân biết tôn trọng cá tính và quan điểm riêng của nghệ sĩ. Họ hiểu một điều rằng, nếu ai cũng nghĩ như nhau, thấy như nhau thì không tồn tại cái gọi là Nghệ thuật. Họ biết giá trị của sự độc đáo, nhất là sự độc đáo tự thân, không gồng mình lên để tỏ ra độc đáo. Tôn trọng tài năng của nghệ sĩ, họ đủ tri thức để có thể khiêm tốn trước sự sáng tạo cũng như yêu thích một cách vô tư, vô vị lợi đối với tác phẩm nghệ thuật trước khi có ý định đầu tư tiền bạc vào nó. Hơn nữa, họ cũng biết, đối với một nghệ sĩ có cá tính, có thẩm mỹ và cách nhìn riêng, việc định hướng, áp đặt một hình thức tư duy hay thẩm mỹ là điều gần như bất khả. Nói “gần như” là bởi, trong một số hoàn cảnh nhất định, vẫn có thể áp đặt được. Có điều khi ấy anh chàng độc đáo kia đã trở thành như bao người khác. Còn đa phần, càng muốn áp đặt, định hướng bao nhiêu thì lại càng đẩy họ xa mình bấy nhiêu.

Nghệ sĩ như một cái cây. Cây nào quả ấy. Sự thay đổi bút pháp, phong cách, cách nhìn của anh ta phụ thuộc nhiều vào sự trải nghiệm quá trình sống của bản thân hơn là sự khuyên bảo bên ngoài hay những lý lẽ sách vở. Nhiều người nghĩ rằng mình có thể thay đổi chỉ qua một câu nói hay những tri thức, hiểu biết được rút tỉa từ một vài cuốn sách. Nhưng họ lầm! Cái hiểu biết kia, trong trường hợp hiểu biết thật, chỉ là một lớp mạ trên bề mặt lý trí. Nó có thể làm người ta thay đổi trong một hai ngày, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Người nghệ sĩ tìm ra một ý tưởng hay, vội vàng bắt tay vào thực hiện, ngỡ rằng tác phẩm của mình sẽ phải tuyệt vời lắm. Nhưng không! Khốn thay! Cái ý tưởng sâu sắc kia có khi lại biến thành một tác phẩm nông choèn, khô như ngói cứng như đá! Tại sao? Không phải tại ý tưởng của anh. Vấn đề chính là cái ý tưởng đó mới chỉ dừng lại ở bề mặt lý trí, anh cóp nhặt nó ở đâu đó hay xây dựng nó từ sự tổng hợp tri thức của những người khác mà chưa kịp SỐNG nó.

Khi ý tưởng chưa bắt rễ được vào tâm hồn anh, chưa khơi gợi được cảm thức trong anh, nó cũng giống như việc anh thấy cái cây đẹp quá, vội nhổ lên đem về nhà trồng. Khổ nỗi, vì không hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cái cây rất đẹp ấy trong tay anh chỉ còn là cành củi khô…rất đẹp!!! Để một người nghệ sĩ sáng tạo bằng chính những trải nghiệm của mình, vượt qua những khúc mắc đẹp-xấu, thiện-ác, hay-dở của xã hội không phải là dễ. Để những ý tưởng, cảm giác, niềm tin… trên tác phẩm đâm chồi nảy lộc từ chính nhu cầu nội tâm của nghệ sĩ cũng không dễ tí nào. Vậy nên, nếu bắt gặp một người như thế, dù tác phẩm của anh ta có thể chưa hoàn thiện, hãy để yên cho anh ta phát triển và tự hoàn thiện. Hãy để cho anh ta là kẻ mà anh ta là. Sự góp ý, nếu có, chỉ nên dừng ở mức độ trừu tượng và mở rộng. Hoặc giả nếu cụ thể thì phải có những phân tích rành mạch và tuyệt đối tránh việc đánh đổi cảm quan nghệ thuật riêng biệt của nghệ sĩ để lấy dăm ba kỹ xảo hình thức rỗng tuếch. Mất đi cảm quan này, cùng với cảm giác và ý niệm xuất phát từ nhu cầu nội tại của nghệ sĩ, tác phẩm chỉ còn là một tấm vải đần độn.

Việc dát vàng dát bạc để làm đẹp bề mặt tranh, nếu như không xuất phát từ nhu cầu nội tại của người sáng tạo vốn nhằm hiện thực hóa một cảm giác, một ý niệm của tinh thần hơn là thỏa mãn thị giác, sẽ chỉ tạo ra một thứ mỹ nghệ không hơn không kém. Và phải chăng, nghệ thuật Việt Nam vẫn cần thêm những “tác phẩm” mỹ nghệ? Thay đổi cách xử lý chủ đề, biến báo hình thức cho ra những hình ảnh ưa nhìn, sắp xếp bố cục theo ý đồ của… chủ gallery sẽ đưa đến việc thay đổi phong cách và định dạng tác phẩm. Sự thay đổi này, như đã nói ở trên, chỉ là sự thay đổi từ bên ngoài ốp vào sẽ tạo nên một thứ nghệ thuật hời hợt như thường thấy ở các gallery Việt Nam. Điều đó rất dễ làm tầm thường hóa một cá nhân độc đáo.

Thay vì khuyên bảo, ĐỊNH HƯỚNG cho nghệ sĩ, các chủ gallery, bên cạnh việc buôn bán nghệ thuật thứ cấp, khi đã phát hiện một nghệ sĩ mới mẻ, độc đáo, hãy “găm” một vài tác phẩm của anh ta và chờ nó tăng giá. Không có nghệ sĩ nào mà toàn bộ tác phẩm của anh ta đều hay cả, hãy chọn những bức mà mình thích và mở hầu bao. Đó là cách một người có tiền, có tầm nhìn nâng đỡ một tài năng và qua đó trở nên có ích cho một nền nghệ thuật đang phát triển. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả