Tạp hóa - Xã hội

Vì sao chúng ta hay cưới nhầm người (phần 3): Vì thấy độc thân là ghê rợn 03. 12. 14 - 6:53 am

Lê Hà st từ Thephilosopher's mail - Hoàng Lan dịch

(Tiếp theo phấn 2)

Từ Favim.com

Ba: Ta không quen với cảm giác hạnh phúc

Ta tin rằng mình tìm kiếm hạnh phúc trong tình yêu, nhưng nào có đơn giản thế. Có vẻ như cái chúng ta thực sự tìm là sự quen thuộc – thứ có thể làm phức tạp hóa bất kỳ kế hoạch đi tìm hạnh phúc nào của ta.

Trong các mối quan hệ thời trưởng thành, chúng ta tái tạo lại một số cảm xúc mình đã biết từ thời thơ ấu. Chính lúc còn nhỏ mà ta lần đầu biết đến cũng như hiểu được ý nghĩa của tình yêu. Nhưng rủi thay, những bài học ta thu lượm được ngày ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tình yêu ta biết thời thơ ấu có thể còn đan xen với những động lực không mấy dễ chịu khác: bị kiểm soát, cảm thấy nhục nhã, bị bỏ rơi, không giao tiếp được với ai; nói ngắn gọn: ta đau khổ.

Khi trưởng thành, ta có thể sẽ từ chối một số đối tượng lành mạnh mà ta gặp, chẳng phải do họ có gì sai, nhưng chính là vì họ quá cân bằng (quá chín chắn, quá biết thông cảm, quá vững chãi…) và cái sự “đúng” này cho ta cảm giác kỳ cục, lạ lẫm, gần như bị “ngợp”. Thay vào đó, ta đâm đầu vô các ứng viên mà tiềm thức của ta bị cuốn vào họ, chả phải vì họ khiến ta hài lòng, mà vì họ sẽ khiến ta khó chịu theo những cách quen thuộc.

Ta cưới nhầm người do cái đúng đắn khiến ta có cảm giác sai sai thế nào ấy – cảm giác rằng mình không xứng đáng; bởi vì ta không có kinh nghiệm về thế nào là lành mạnh, bởi vì về căn cơ ta không thể liên hệ giữa được yêu với cảm giác được thỏa mãn.

Bốn: Trình trạng độc thân thật là ghê rợn

Một người sẽ không bao giờ có tâm trạng tốt để mà chọn bạn đời một cách minh mẫn khi vẫn còn coi độc thân là không chịu đựng nổi. Phải hoàn toàn yên bình với viễn cảnh sẽ cô đơn trong nhiều năm thì mới có cơ xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp. Còn không, ta sẽ yêu cái sự không độc thân hơn là yêu chính kẻ phối ngẫu đã cứu ta khỏi độc thân.

Thật xui, sau một độ tuổi nhất định, xã hội thường khiến việc sống độc thân thành khó chịu đến nguy hiểm. Cuộc sống cộng đồng bắt đầu teo tóp, những kẻ có đôi có cặp thì quá sợ tính độc lập của bọn độc thân đến nỗi không mời chúng đến chơi thường xuyên nữa, ta bắt đầu cảm thấy lập dị khi tới rạp xem phim một mình. Tình dục cũng thành khan hiếm. Mặc cho mọi thứ công cụ mới, cùng những mặt (có vẻ) tự do của thời hiện đại, ngả thân ra với ai đấy có thể vẫn rất khó khăn – và sự kỳ vọng làm được việc này thường xuyên với nhân sự mới rồi sẽ kết thúc bằng nỗi thất vọng khi ta bén ngưỡng 30.

Từ Favim.com

Sẽ tốt hơn nếu ta sắp xếp lại xã hội, sao cho nó trông giống một trường đại học hay một hợp tác xã – ta ăn uống cùng nhau, dùng chung cơ sở vật chất, tiệc tùng miên man và va chạm tình dục tự do… Theo cách đấy, bất cứ ai quyết định kết hôn sẽ biết chắc rằng họ làm thế là vì những mặt tích cực của việc sống chung, chứ không phải vì muốn thoát khỏi những mặt tiêu cực của đời độc thân.

Khi tình dục là thứ chỉ có sẵn trong khuôn khổ hôn nhân, thiên hạ nhận thấy rằng điều này từng khiến lắm kẻ cưới nhau sai mục đích: để đạt được cái thứ mà toàn xã hội hồi ấy đã ngăn cấm một cách thiếu tự nhiên. Giờ đây khi đã tự do để đưa ra những chọn lựa tốt hơn nhiều về đối tượng mình muốn cưới, người ta không còn đáp ứng một cách thô sơ trước một ham muốn tuyệt vọng về tình dục.

Nhưng ta vẫn còn thiếu sót ở những lĩnh vực khác. Khi phải thành cặp rồi thì mới “có bầu có bạn”, thiên hạ sẽ kết đôi chỉ để không phải cô đơn. Đã đến lúc giải phóng “tình bầu bí” khỏi xiềng xích của vợ chồng, và giúp có được nó dễ dàng lẫn rộng rãi như những nhà giải phóng tình dục từng mong muốn tình dục được như thế.

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

1:30 Thursday,4.12.2014 Đăng bởi:  katty
Chuẩn! Hay hơn cả phần 1 & 2 -->>> nóng ruột chờ đọc tiếp!!!
...xem tiếp
1:30 Thursday,4.12.2014 Đăng bởi:  katty
Chuẩn! Hay hơn cả phần 1 & 2 -->>> nóng ruột chờ đọc tiếp!!! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả