Tạp hóa - Xã hội

Vì sao chúng ta hay cưới nhầm người (phần 4): Vừa quá tin vào bản năng, vừa không được học 04. 12. 14 - 8:08 am

Lê Hà st từ Thephilosopher's mail - Hoàng Lan dịch

(Tiếp theo phần 3)

Hí họa của Pak

Năm: Quá tin vào bản năng

Vào thời xưa, hôn nhân là một vụ làm ăn đầy lý trí; tất cả là để gộp mẩu đất nhà mình vào đất nhà họ. Thực là lạnh lùng, tàn nhẫn, và chẳng liên quan gì đến hạnh phúc của hai nhân vật chính. Chúng ta vẫn còn bị chấn thương tâm lý vì chuyện này.

Chúng ta (bèn) thay thế hôn nhân của lý trí bằng hôn nhân của bản năng, thứ hôn nhân Lãng mạn. Nó chỉ định rằng cảm xúc của ta về ai đấy là kẻ dẫn đường duy nhất đến hôn nhân. Nếu ta thấy mình “đang yêu,” vậy là đủ. Không cần hỏi thêm gì nữa. Cảm xúc luôn chiến thắng. Kẻ đứng ngoài cuộc chỉ còn biết vỗ tay khi thấy “tình cảm” tiến đến, tôn trọng nó như một người phàm khi thấy thần thánh giáng trần. Bố mẹ có thể kinh hãi, nhưng đành cho rằng hai đứa nó biết rõ hơn mình. Từ 300 năm nay, chúng ta đang cùng nhau phản ứng chống lại hàng ngàn năm của các cuộc se duyên vô dụng dựa trên định kiến, đua đòi, và thiếu trí tưởng tượng.

Kiểu “hôn nhân lý tính” thời xưa quá thận trọng và rởm đời, đến nỗi một trong những đặc điểm của loại “hôn nhân cảm xúc” ngày nay là: ta không nên suy nghĩ quá nhiều về lý do tại sao mình muốn cưới ai đó. Phân tích quyết định mang lại cảm giác “không lãng mạn”. Viết bảng biểu “nên-không nên” nghe có vẻ lố bịch và lạnh lùng. Hành động lãng mạn nhất ta có thể làm là cầu hôn thật nhanh, thật bất ngờ; thậm chí chỉ sau có vài tuần, trong một cơn hào hứng – để chẳng có cơ nào mà làm chuyện “tính toán” xấu xa kia, thứ từng khiến loài người đau khổ suốt hàng ngàn năm trước. Sự liều lĩnh dường như là một dấu hiệu báo rằng cuộc hôn nhân có thể ổn, chính xác vi kiểu “an toàn” xưa cũ thực là nguy hiểm cho hạnh phúc của ta.

Sáu: Không có trường nào dạy ta tình yêu

Thời điểm đã đến với kiểu hôn nhân thứ ba. Hôn nhân của tâm lý. Ở đây người ta không cưới nhau vì đất, hay vì “cảm xúc” đơn thuần, mà chỉ khi “cảm xúc” đã được trình ra cho kiểm tra đàng hoàng, và có được sự che chở từ một nhận thức chín chắn của chính ta và của tâm lý đối phương.

Trước khi cưới – hí họa không rõ tác giả

Giờ đây, ta kết hôn mà chẳng có thông tin nào. Chúng ta gần như không bao giờ đọc sách chuyên về đề tài này, ta chưa bao giờ dành nhiều thời gian sống cùng trẻ con, ta không khắt khe thẩm vấn những cặp đã kết hôn khác hay có khi nào nói chuyện chân thành với những kẻ đã ly dị. Ta xông vào cưới mà chẳng có lý lẽ thấu đáo nào để lý giải vì sao các cuộc hôn nhân thất bại – ngoài chuyện ta tự cho rằng đó là do sự ngu ngốc hoặc thiếu tưởng tượng của “đối phương”.

Sau khi cưới (nguồn Internet)

Vào thời hôn nhân của lý tính, thiên hạ thường cân nhắc những tiêu chuẩn sau đây khi kết hôn:
– Bố mẹ họ là ai
– Họ có bao nhiêu đất
– Họ có những điểm chung gì về văn hóa với ta

Vào thời hôn nhân lãng mạn, ta có thể cân nhắc các tiêu chuẩn sau để đi đến kết hôn:
– Ta không ngừng suy nghĩ đến một người yêu
– Ta bị chuyện tình dục ám ảnh
– Ta nghĩ “họ” thật tuyệt vời
– Lúc nào ta cũng muốn trò chuyện với họ

(Cho hôn nhân tâm lý) chúng ta cần một bộ tiêu chuẩn mới. Ta nên tự hỏi:
– Họ hâm cỡ nào
– Ta và họ sẽ nuôi con như thế nào?
– Cả hai có thể sống cùng nhau kiểu gì
– Làm cách nào để cả hai vẫn là bạn của nhau

(Còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả