Tạp hóa - Xã hội

Vì sao chúng ta hay cưới nhầm người (phần 5): Vì quá muốn điều “mãi mãi” 05. 12. 14 - 6:14 am

Lê Hà st từ Thephilosopher's mail - Hoàng Lan dịch

 (Tiếp theo phần 4)

Bảy: Ta muốn đông lạnh hạnh phúc

Chúng ta có một thôi thúc tai họa và tuyệt vọng là làm cho những điều tốt đẹp thành vĩnh cữu. Ta muốn có chiếc xe ta thích, ta muốn sống ở nơi ta từng khoái khi tới đó du lịch. Và ta muốn cưới kẻ đã cho ta những thời khắc tuyệt vời.

Ta tưởng tượng rằng hôn nhân sẽ là một bảo đảm cho cái hạnh phúc mà ta đang hưởng với người ấy. Nó sẽ làm “vĩnh cửu” những thứ nếu không có nó thì có thể thành phù du. Nó sẽ giúp ta đóng hộp niềm vui – cái niềm vui ta đã cảm thấy khi lần đầu tiên nghĩ tới việc hỏi cưới ai đó: khi ấy ta đang ở Venice, giữa vịnh, trên một cái bo bo, với mặt trời chiều thảy những tia vàng trên mặt biển, viễn cảnh về bữa tối trong một nhà hàng hải sản nho nhỏ, người ta yêu với áo choàng cashmere trong vòng tay ta… Ta kết hôn để khiến cảm giác này được mãi mãi.

Hí họa của Carolita Johnson

Rủi thay, hôn nhân chẳng có mối quan hệ nhân quả gì với loại cảm giác này. Cảm giác ấy được tạo ra nhờ Venice, nhờ một thời điểm nhất định, nhờ lúc không phải đi làm, nhờ một sự hứng thú trong bữa ăn tối, nbờ hai tháng mới quen ai đó…, chẳng có cái nào trong số đó được “hôn nhân” giúp gia tăng hay đảm bảo cho.

Hôn nhân không hề đông lạnh được khoảnh khắc đó. Khoảnh khắc ấy phụ thuộc vào chuyện ta chỉ mới quen đối tượng, ta không đi làm, ta đang phè phỡn trong một khách sạn xinh đẹp gần Grand Canal, ta vừa trải qua một buổi chiều dễ chịu ở bảo tàng Guggenheim, ta vừa xơi một cốc kem sô-cô-la Ý…

Việc lấy nhau chả có quyền năng gì để giữ một mối quan hệ  trong giai đoạn tốt đẹp ấy (mãi). Nó không hề nắm giữ những nguyên liệu để hạnh phúc ta được thế. Đúng ra, hôn nhân sẽ dứt khoát chuyển mối quan hệ của ta đến một thời điểm rất khác, hoàn toàn khác: một căn nhà ở khu ngoại ô, xa chỗ làm, hai đứa con nhỏ. Cái nguyên liệu chung duy nhất (của hai thời điểm ấy) là người mà ta cưới. Và không chừng đây chính là thứ nguyên liệu sai mà ta đem đóng hộp.

Các họa sĩ Ấn tượng của thế kỷ thứ 19 có một triết lý ngầm về sự nhất thời, triết lý đó hướng ta theo một nẻo khôn ngoan hơn. Họ chấp nhận rằng tính nhất thời của hạnh phúc là một đặc điểm cố hữu của tồn tại, và đến lượt mình, họ có thể giúp ta trở nên yên bình hơn với điều này. Bức tranh (dưới đây) vẽ một cảnh mùa đông ở Pháp của Sisley tập trung vào một loạt những thứ hấp dẫn nhưng cũng rất chóng tàn. Vào lúc chạng vạng, mặt trời gần như át hết cả khung cảnh. Chỉ trong một thoáng, ánh rực rỡ của bầu trời khiến những cành cây trụi lá trông bớt thảm hại. Tuyết trắng và những bức tường xám mang một sự hài hòa yên tĩnh; cái lạnh có vẻ chịu được, thậm chí còn hơi thú nữa. Vài phút sau đó, màn đêm sẽ buông xuống.

Bức “The watering place at Marly-le-Roi,” 1875, Alfred Sisley.

Trường phái Ấn tượng quan tâm đến một sự thật: rằng những gì ta thương yêu nhất đều thay đổi, đều chỉ ở bên ta một thời gian rất ngắn và rồi biến mất. Tranh ấn tượng thường ca tụng loại hạnh phúc tồn tại có vài phút, hơn là loại tồn tại nhiều năm. Trong bức tranh của Sisley, tuyết trắng trông thật yêu kiều, nhưng tuyết sẽ tan. Bầu trời lúc đó đẹp đấy, nhưng trời sắp tối đến nơi. Phong cách nghệ thuật này nuôi dưỡng một kỹ năng vượt lên khỏi bản thân nghệ thuật: kỹ năng chấp nhận và tham dự những khoảnh khắc thỏa mãn ngắn ngủi.

Những đỉnh cao trong đời thường chóng vánh. Hạnh phúc không đến với ta theo kiểu cả đống quanh năm. Với sự dẫn dắt của các họa sĩ Ấn tượng, ta nên sẵn sàng để biết ơn từng khoảnh khắc của thiên đường thường nhật bất cứ khi nào nó đến với ta, mà không phạm phải sai lầm nghĩ chúng là mãi mãi, và không cần phải biến chúng thành “hôn nhân”.

(Còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

10:05 Saturday,6.12.2014 Đăng bởi:  hai phạm
Kính chào các anh chị.
Em hoàn toàn tán thành với khái niệm "gương" của diễn giả Phó Đức Tùng (mặc dù em chưa 01 lần lập gia đình). Hôn nhân là một công cuộc đặt hai cái gương xa lạ đối diện với nhau suốt đời.
Vậy em xin phép tiếp thêm một vài câu dạng hỏi ý kiến thế này được không? Bạn đời (vợ/chồng) là một cái gương mà ai cũng khao khát đi tìm nửa kia
...xem tiếp
10:05 Saturday,6.12.2014 Đăng bởi:  hai phạm
Kính chào các anh chị.
Em hoàn toàn tán thành với khái niệm "gương" của diễn giả Phó Đức Tùng (mặc dù em chưa 01 lần lập gia đình). Hôn nhân là một công cuộc đặt hai cái gương xa lạ đối diện với nhau suốt đời.
Vậy em xin phép tiếp thêm một vài câu dạng hỏi ý kiến thế này được không? Bạn đời (vợ/chồng) là một cái gương mà ai cũng khao khát đi tìm nửa kia cả đời, là bản năng tiềm thức khi con người ta mới lọt lòng mẹ, nhưng khi tìm được rồi - khi soi rồi có lúc người ta lại muốn tự đập mặt vào gương hoặc vừa soi gương, vừa hôn gương và vừa khóc với gương hay không! Điều em muốn hỏi là phải làm sao để muốn ở đây "ý niệm" ở trong não đến hành động "thực tế" ở chân tay, mắt môi, hơi thở... như thế nào cho đúng?, cho hai thứ ấy không mâu thuẫn đến mức tan vỡ, đôi khi dính chặt quá cũng sứt cũng mẻ. Vậy để "tự hài lòng với chính mình" là một công cuộc chả nhẽ phải học cả đời? Nhưng mình tự học cả đời làm cho mình ngày ngày tự hài lòng bản thân hơn, thì biết- đâu - đấy đến một lúc nào đó mình lại thành cái gương mà nửa kia không thể soi được nữa? Tự lau chùi bản thân cho sạch sẽ, sáng bóng đã khó lại còn phải cổ vũ và với tay để lau chùi cái gương đối diện để sao hai thứ cùng một cấp độ trong, đục thì có phải khó quá không? Hay tất cả rồi cuối cùng lại quay về với lý tưởng (xưa cũ) rằng: thôi... ta cứ sống tốt theo cách ta thấy tốt với chính ta, khắc sẽ có một cuộc hôn nhân được xây dựng trên cơ sở là tình yêu bền chặt đến hết đời? 
8:16 Saturday,6.12.2014 Đăng bởi:  phó đức tùng
Muốn biết mặt mình trông như thế nào, thì cần có một cái gương để soi. Muốn biết tâm hồn mình thế nào, cũng cần có một loại gương soi. vợ chồng chính là dạng gương soi của nhau. phải va chạm suốt đời mới soi được những góc cạnh của tâm hồn, vì tâm hồn chỉ lờ mờ hiện hình khi có sự kiện, tình huống va chạm.
Người ta không có cách gì biết mình, biết ng
...xem tiếp
8:16 Saturday,6.12.2014 Đăng bởi:  phó đức tùng
Muốn biết mặt mình trông như thế nào, thì cần có một cái gương để soi. Muốn biết tâm hồn mình thế nào, cũng cần có một loại gương soi. vợ chồng chính là dạng gương soi của nhau. phải va chạm suốt đời mới soi được những góc cạnh của tâm hồn, vì tâm hồn chỉ lờ mờ hiện hình khi có sự kiện, tình huống va chạm.
Người ta không có cách gì biết mình, biết người nếu không dính với nhau một đời như vậy. Không phải ngẫu nhiên gọi người này là nửa của người kia. Hãy biết mình, biết người đi rồi hẵng cưới là một lời khuyên vô bổ, chắc của người chưa lập gia đình.
Không có chuyện cưới nhầm người, chẳng qua chỉ là ta không bằng lòng với cái hình ảnh của chính mình trong gương mà thôi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả