Gẫm & Bình

Đã có curator thì curator phải lên tiếng, đã làm statement thì statement phải rõ ràng 20. 11. 14 - 6:06 pm

Phó Đức Tùng

 

Hí họa của Kaveh Adel

 1.

Mình thì không cho rằng giữa statement và tác phẩm có sự đối kháng, mặc dù hai thứ không phải là một.

Theo như nhà phê bình nghệ thuật rất kinh điển là Greenberg thì cùng một ý tưởng nghệ thuật có thể được trình làng ở nhiều nồng độ khác nhau, cũng như rượu hay á phiện vậy. Tác phẩm càng đặc sắc thì nồng độ càng cao, và phải dân nghiện nặng mới thấy được là ngon, còn dân thường thì không tiêu hóa được.

Statement giống như sản phẩm pha loãng, hòa một thìa vào bát nước lã, thì quần chúng thông thường mới cảm nhận được. Bản thân nghệ sỹ có thể không biết pha, nhưng curator hay gallerist thì phải biết. Nếu không biết pha thì không thể giới thiệu sản phẩm, không thể quảng bá. Mà trong cái bọn mua thì chỉ có ít con nghiện, còn đa số thì chỉ ngửi từ xa, thấy đúng là vị thì mua được rồi. Người pha giỏi thì có thể thêm mắm thêm muối, làm cho thành hàng trăm loại cocktail hấp dẫn.

Tuy nhiên, muốn pha loãng thì cũng phải có cái ban đầu, có bột mới gột nên hồ. Nếu tác phẩm không có gì để nói thì tài thánh cũng khó mà pha ra được. Bởi một statement không thể chỉ như nồi cháo rìu, miễn là ngon, mà còn phải cho thấy được rõ cái ngon đó có vị rìu, vì quan trọng không phải bán cháo, mà là bán rìu.

.

2.
Nếu xét theo những thành tựu nghiên cứu của ngành não học, thì không có cái gì gọi là tác phẩm nghệ thuật. Người ta không thể cảm nhận trực tiếp một tác phẩm nghệ thuật. Cái mà ta cảm nhận là một phiên bản copy cá nhân trong não mỗi người. Có thể hình dung như tác phẩm đó bị phá tan thành từng nguyên tử rồi lắp ghép lại theo một logic khác trong đầu người xem. Trong quá trình đó, rất nhiều thông tin bị bỏ đi, nhiều thứ khác được thêm vào, và nói chung là tổ hợp lại hoàn toàn khác.

Vai trò của statement là tác động vào quá trình này, và khiến cho việc tái cấu trúc trong đầu nhiều người có một số điểm chung nhất định. Điều này không cần thiết đối với cảm nhận nghệ thuật của từng người, nhưng cần thiết đối với việc thống nhất về giá trị, là điều cần thiết để tạo ra giá cả thị trường. Như vậy, nếu một tác phẩm nghệ thuật không định bán, mà chỉ làm cho thích, và có thời gian chờ đợi xem có nhiều người cũng thích hay không, thì không cần statement. Còn một khi định bán thì buộc phải có statement.

Nói chung trong chuyện này, cho dù tác phẩm thế nào, thì đã có curator thì curator phải lên tiếng, đã làm statement thì statement phải rõ ràng, thuyết phục, chẳng thể đổ hết cho khán giả ngu được.

 *

Đây là cmt cho bài “Quanh New Form: Tấn bi hài kịch nọ đang diễn lại khá hùng hồn”. Soi xin đưa lên thành bài để các bạn dễ thảo luận. Tên bài do Soi đặt.

Ý kiến - Thảo luận

8:07 Monday,24.11.2014 Đăng bởi:  phó đức tùng

@ Trịnh Lữ
cháu nói không có gì là tác phẩm không phải là không tồn tại bản thân tác phẩm. Khi nghệ sỹ hoàn thành một tác phẩm, thì đó có thể coi là tác phẩm, nhất là đối với các dạng nghệ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc. Nhưng việc cảm nhận tác phẩm đó lại không có gì đảm bảo việc truyền tải thông tin giống nhau tới mọi người. Tất
...xem tiếp

8:07 Monday,24.11.2014 Đăng bởi:  phó đức tùng

@ Trịnh Lữ
cháu nói không có gì là tác phẩm không phải là không tồn tại bản thân tác phẩm. Khi nghệ sỹ hoàn thành một tác phẩm, thì đó có thể coi là tác phẩm, nhất là đối với các dạng nghệ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc. Nhưng việc cảm nhận tác phẩm đó lại không có gì đảm bảo việc truyền tải thông tin giống nhau tới mọi người. Tất cả những gì ảnh hưởng tới việc cảm nhận tác phẩm, từ không gian, thời gian, nhiệt độ, mùi vị môi trường v.v. tuy không phải là phần lõi tác phẩm, nhưng rõ ràng sẽ làm biến đổi nhận thức về tác phẩm trong đầu người xem. Bởi thế có thể coi những yếu tố môi trường này cũng là một phần tác phẩm. Chính ý tưởng của New Form cũng có một phần ý này.

Thế thì cái kênh lời nói, chữ viết là một trong những yếu tố môi trường mạnh nhất, tác động tới cảm nhận, thì sao lại không nhận thức được rõ điều đó. Ngày xưa, khi người tàu làm vườn cảnh, cung điện, bao giờ cũng đề thơ, đề tên. Ngay tranh, tượng gần như bao giờ cũng có phần chữ. Thiếu đi phần chữ, họ cảm thấy tác phẩm không được hoàn hảo. Có thể coi đó là cổ hủ, quê mùa, nhưng đúc kết cả nghìn năm cũng có lý do của nó.

Phàm là nghệ thuật, dứt khoát cần phải mới. Nhưng muốn cảm nhận được, thì cái mới phải được liên tưởng tới cái cũ. Mạng liên tưởng càng rộng, càng sâu thì tác phẩm càng gây ấn tượng sâu sắc. Không có gì làm chất dẫn thuốc tốt hơn là lời nói, bởi không có kênh nào có liên hệ sâu rộng với mọi lĩnh vực như ngôn ngữ.

Cái cách nhìn nghệ thuật cái gì phải ra cái đó, đã là hội họa thì không thể dùng thủ pháp đồ họa, đã là điêu khắc thì không thể trình diễn, nhạc ra nhạc, họa ra họa và nhất là nghệ thuật không được văn là một cách nhìn đặc trưng của thời hiện đại, tuy nhiên đến giờ đã được nhận ra là không có cơ sở khoa học.

Mặt khác, cứ cho lời nói chỉ là PR thì cũng là việc cần. Sáng tạo thì đã sáng tạo rồi. Họp được nhau, làm nên tác phẩm là điều đáng quý. Cũng có thể nói việc của nghệ sỹ đã coi như hoàn thành. Nhưng sau đó là đến công đoạn quảng bá, đơn giản để có tiền mà làm tiếp, cũng là cái cần.

 
23:05 Sunday,23.11.2014 Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Cảm ơn bạn Nguyễn Anh Tuấn đã có ý kiến rất chân tình khiến tôi lại muốn trao đổi với các bạn làm New Form.

Trước hết, tôi xin lỗi vì đã tạo một hiểu lầm. Tôi không có ý khôi hài các bạn New Form về chuyện viết giải thích cho công việc của mình. Tôi chỉ khôi hài về tình trạng của giòng nghệ thuật phương tây được truyền thông nhiều nhất - đã
...xem tiếp

23:05 Sunday,23.11.2014 Đăng bởi:  Trịnh Lữ

Cảm ơn bạn Nguyễn Anh Tuấn đã có ý kiến rất chân tình khiến tôi lại muốn trao đổi với các bạn làm New Form.

Trước hết, tôi xin lỗi vì đã tạo một hiểu lầm. Tôi không có ý khôi hài các bạn New Form về chuyện viết giải thích cho công việc của mình. Tôi chỉ khôi hài về tình trạng của giòng nghệ thuật phương tây được truyền thông nhiều nhất - đã và vẫn tiếp tục sa lầy trong việc sáng tác bằng mồm chứ không phải bằng "nghệ" và bằng "thuật". Tôi thực sự không thích phải chứng kiến anh em nghệ sỹ Việt Nam háo hức hội nghập vào giòng nghệ thuật "nói mồm" ấy. Thị trường tư bản không "lành mạnh" như trong quan niệm của những ai chưa ngụp lặn để sống sót trong lòng nó. Trong đó, thị trường nghệ thuật là nơi kiếm tiền ít vốn nhất, bằng những cách tạo giá trj ảo tinh vi nhất dựa vào cái "thị dục huyễn ngã" của con người - nghĩa là cái ham muốn danh vọng. Mà khi những người có thể bỏ ra hàng trăm triệu đô la để mua một bức tranh - những người có thể khuynh đảo cả chính trị và xã hội bằng đồng tiền thống trị của họ - đã đầu tư như vậy vào cái mà họ gọi là nghệ thuật, thì ho cũng thừa sức nuôi dưỡng cái thị trường ấy để không bao giờ hụt lãi mất vốn; bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của giới trí thức còn lành mạnh rằng những vụ đấu giá mà thiên hạ phải ồ à lên như thế với ý nghĩ rằng nghệ thuật thật là vô giá chỉ là những động thái "tục tĩu" của đám đầu cơ nghệ thuật. Đấy, nếu làm nghệ thuật để có thể chen chân vào cái thị trường đương đại ấy, thì phải chơi theo luật của nó, nghĩa là phải có Lời làm vũ khí - nói như Tùng là dùng Lời để tác động vào quá trình tiếp nhận tác phẩm của người xem, để tạo giá trị và định giá thị trường cho tác phẩm (mặc dù Tùng lại bảo là theo các nghiên cứu về não thì chả có cái gì có thể coi là tác phẩm!)

Hôm nay đọc ý kiến của giám tuyển New Form, tôi thực sự trân quý ý định của anh em trong nhóm. Nguyên chuyện một nhóm cùng làm việc được với nhau trong nghệ thuật đã là quý rồi. Nghệ sỹ thường rất chủ quan và cá nhân chủ nghĩa, từ xưa tới giờ chả có nhóm nghệ sỹ nào có thể làm việc thân ái với nhau được lâu. Trường phải nào cũng chỉ được một thời gian ngắn là tan đàn sẻ nghé. Cho nên tôi thực sự quý các bạn trẻ nhóm họp lại được với nhau vì cùng một công việc, đặc biệt là sáng tác.

Vì cũng rất thích và hay nghĩ về kiến trúc, nội thất và mối quan hệ giữa hội họa, điêu khắc và thiết kế đồ nội thất với cái mà các bạn gọi là "đời sống ở những không gian thực tế", tôi cũng có một vài ý muốn trao đổi với các bạn New Form, những chỉ khi các bạn muốn trao đổi với tôi qua SOI thì tôi mới dám ngỏ lời ở đây. Cho tôi biết ý của các bạn nhé.

Thân ái,
TL

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả