Gẫm & Bình

Phó Đức Tùng: Làm là cần, mà lời cũng là cần 24. 11. 14 - 11:13 am

Phó Đức Tùng

SOI: Nhân trả lời đoạn sau đây của tác giả Trịnh Lữ, trong bài: “Chớ háo hức hội nhập vào giòng nghệ thuật ‘nói mồm’“:
“… Nếu làm nghệ thuật để có thể chen chân vào cái thị trường đương đại ấy, thì phải chơi theo luật của nó, nghĩa là phải có Lời làm vũ khí – nói như Tùng là dùng Lời để tác động vào quá trình tiếp nhận tác phẩm của người xem, để tạo giá trị và định giá thị trường cho tác phẩm (mặc dù Tùng lại bảo là theo các nghiên cứu về não thì chả có cái gì có thể coi là tác phẩm!)”,
Phó Đức Tùng có cmt sau để giải thích rõ hơn những điều anh đã nói trong bài trước.
Soi xin đưa lên thành bài. Tên bài do Soi đặt. Hí họa từ The New Yorker

Khi tôi nói không có gì là tác phẩm không phải là không tồn tại bản thân tác phẩm. Khi nghệ sỹ hoàn thành một tác phẩm, thì đó có thể coi là tác phẩm, nhất là đối với các dạng nghệ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc. Nhưng việc cảm nhận tác phẩm đó lại không có gì đảm bảo việc truyền tải thông tin giống nhau tới mọi người. Tất cả những gì ảnh hưởng tới việc cảm nhận tác phẩm, từ không gian, thời gian, nhiệt độ, mùi vị môi trường v.v. tuy không phải là phần lõi tác phẩm, nhưng rõ ràng sẽ làm biến đổi nhận thức về tác phẩm trong đầu người xem. Bởi thế có thể coi những yếu tố môi trường này cũng là một phần tác phẩm. Chính ý tưởng của New Form cũng có một phần ý này.

Thế thì cái kênh lời nói, chữ viết là một trong những yếu tố môi trường mạnh nhất, tác động tới cảm nhận, thì sao lại không nhận thức được rõ điều đó. Ngày xưa, khi người Tàu làm vườn cảnh, cung điện, bao giờ cũng đề thơ, đề tên. Ngay tranh, tượng gần như bao giờ cũng có phần chữ. Thiếu đi phần chữ, họ cảm thấy tác phẩm không được hoàn hảo. Có thể coi đó là cổ hủ, quê mùa, nhưng đúc kết cả nghìn năm cũng có lý do của nó.

Phàm là nghệ thuật, dứt khoát cần phải mới. Nhưng muốn cảm nhận được, thì cái mới phải được liên tưởng tới cái cũ. Mạng liên tưởng càng rộng, càng sâu thì tác phẩm càng gây ấn tượng sâu sắc. Không có gì làm chất dẫn thuốc tốt hơn là lời nói, bởi không có kênh nào có liên hệ sâu rộng với mọi lĩnh vực như ngôn ngữ.

Hí họa của Fred Sebastian

Cái cách nhìn nghệ thuật cái gì phải ra cái đó, đã là hội họa thì không thể dùng thủ pháp đồ họa, đã là điêu khắc thì không thể trình diễn, nhạc ra nhạc, họa ra họa và nhất là nghệ thuật không được văn là một cách nhìn đặc trưng của thời hiện đại, tuy nhiên đến giờ đã được nhận ra là không có cơ sở khoa học.

Mặt khác, cứ cho lời nói chỉ là PR thì cũng là việc cần. Sáng tạo thì đã sáng tạo rồi. Họp được nhau, làm nên tác phẩm là điều đáng quý. Cũng có thể nói việc của nghệ sỹ đã coi như hoàn thành. Nhưng sau đó là đến công đoạn quảng bá, đơn giản để có tiền mà làm tiếp, cũng là cái cần.

 

Ý kiến - Thảo luận

23:19 Tuesday,9.12.2014 Đăng bởi:  Mai
Mai nghĩ có 2 thứ cần được tách bạch trong tranh luận. Một là cái hồn của tác phẩm và hai là độ phủ sóng của tác phẩm (nôm na là độ nổi tiếng, nhiều người biết đến, nhiều người cho là đẹp). Cái sau có thể là chỉ báo cho cái trước và cái trước có thể là nguyên dân cho cái sau. Tuy nhiên hai cái này khác biệt.

"ưa hay không" là chuyện của thị hiếu từng ngư
...xem tiếp
23:19 Tuesday,9.12.2014 Đăng bởi:  Mai
Mai nghĩ có 2 thứ cần được tách bạch trong tranh luận. Một là cái hồn của tác phẩm và hai là độ phủ sóng của tác phẩm (nôm na là độ nổi tiếng, nhiều người biết đến, nhiều người cho là đẹp). Cái sau có thể là chỉ báo cho cái trước và cái trước có thể là nguyên dân cho cái sau. Tuy nhiên hai cái này khác biệt.

"ưa hay không" là chuyện của thị hiếu từng người. Cái thị hiếu này là đặc tính riêng biệt của loài có ý thức (loài có khả năng biểu đạt ý kiến về sự vật). Thị hiếu có thể là sản phẩm của tiến hóa, bởi vì kẻ nào tinh tế hơn một chút thôi cũng có cơ may sống sót nhiều hơn một tị trong những tình huống phức tạp, và truyền tải cái sự tinh tế đấy cho nhiều cá thể hơn, thế chả hạn.

Về chuyện tại sao Mai nghĩ là "thị hiếu về tác phẩm" là thứ đặc quyền của loài có ý thức. Bác Trịnh Lữ có thể nghĩ về vũ trụ này, vũ trụ được quản trị bởi hằng số, phương trình (như trong cái lý của vật chất), hoặc như vật lý lượng tử blah.. Chúng ta nhìn ngắm vũ trụ này và ngưỡng mộ vẻ đẹp của nó. Nhưng vẻ đẹp ấy ở đâu ra nếu không phải là ở trong đầu chúng ta? Tự thân vũ trụ có khinh ghét căm giận ở mức độ tinh tế như con người hay không?

Đấy là về việc có tác phẩm hay không. Tiếp đến việc tác phẩm có đẹp hay không. Bởi vì cái mà Mozart THẤY được trong đầu ông ấy không phải ai cũng THẤY được. Chúng ta chưa tiến hóa đến mức có thể truyền tin trực tiếp từ não sang não. Việc họa sĩ (như trong giới của bác, hoặc Tesla, Einstein.. trong giới của Mai) cố gắng truyền tải những thứ đẹp đẽ sống động và nhức nhối trong đầu họ cho những người khác bằng những công cụ thô sơ như chữ viết (chữ toán hay chữ nhạc hoặc chữ hình) (dù chữ viết đã là rất xịn rồi) là đã đánh mất đi bao nhiêu phần thông tin trong đó rồi.

Những người có khả năng ngôn ngữ xịn thì họ nói hay, cứ để họ nói, những người có thể tạo được cái không khí tương tác gần gũi (tăng oxytoxin hay các hormone cho người tham dự...) thì cứ để họ sắp đặt...

Không phải là cái không có hồn mà nói hay thì bị phủi bỏ. Chuyện nói lừa người, giả khoa học, giả mỹ học.. thì cần lên án trong tất cả các ngành. Nhưng nếu tác phẩm chả có hồn gì, nhưng có người nói về nó hay đến độ người ta nhận ra cả một bầu trời khác, thì cũng coi như giá trị đã được tạo ra. Và cái phần nói lại đó trở thành tác phẩm.

Còn chuyện người cảm cái đẹp như nào cũng không đơn giản. Chúng ta có phần nơ ron trong não để mô phỏng người khác nghĩ gì (mirror neuron), phần não đó giải thích cho sự đồng cảm (sympathy). Ví dụ những người lính mất tay, họ nhìn thấy người A bị đau ở tay, đám mirror neuron trong não họ sẽ khởi động, và họ sẽ thấy đau y như vậy. Người bình thường cũng thế, nhưng vấn đề là, khi người bình thường nhìn thấy một người đau đớn, phần mirror neuron này khỏi động, và não sẽ gửi tín hiệu đến phần cảm ứng ở tay chân của họ, phần cảm ứng đó sẽ trả lời là: đừng lo, ở đây không cảm thấy gì cả. Do đó người bình thường không thấy đau thật. Nhưng như những người lính mất tay chân, họ không còn phần cảm ứng ở tay chân để trả lời là: đừng lo, ở đây không cảm thấy gì cả. Họ sẽ thấy rất đau đớn ở phần tay chân đã mất (hiệu ứng tay ma). Giải pháp là người ta sẽ xoa dịu nỗi đau ở tay người A để người lính đó nhìn thấy và cái tay ma của anh ta sẽ bớt đau.

(Mai không có mạng, cứ lên SOI là biên dài dòng, cơ mà bài trên SOI trôi nhanh quá, Mai có tìm lại bài cũ mà không được, Mai xin phép giải thích vậy) 
0:11 Monday,8.12.2014 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Ý kiến của Tùng thực ra là minh chứng cho chuyện "nghệ thuật" đang chỉ tồn tại dựa vào lời nói. Lịch sự thì bảo là "all the arts have become literature". Nôm na dễ hiểu nhưng khó nghe thì bảo đấy là "nghệ thuật nói mồm". Tôi không phủ nhận tuốt tuột "nghệ thuật", mà chỉ không ưa những thứ chả có tác phẩm gì ra hồn mà chỉ sống bằng cái mà Tùng gọi là "thuốc dẫn
...xem tiếp
0:11 Monday,8.12.2014 Đăng bởi:  Trịnh Lữ
Ý kiến của Tùng thực ra là minh chứng cho chuyện "nghệ thuật" đang chỉ tồn tại dựa vào lời nói. Lịch sự thì bảo là "all the arts have become literature". Nôm na dễ hiểu nhưng khó nghe thì bảo đấy là "nghệ thuật nói mồm". Tôi không phủ nhận tuốt tuột "nghệ thuật", mà chỉ không ưa những thứ chả có tác phẩm gì ra hồn mà chỉ sống bằng cái mà Tùng gọi là "thuốc dẫn ngôn ngữ".

Ý kiến trước thì Tùng nói là khoa học não đã cho thấy là chả có gì có thể gọi là tác phẩm, để biện hộ cho chuyện cứ nói đó là tác phẩm thì nó là tác phẩm, chứ còn tự thân cái thứ làm ra ấy chả là cái gì.

Ý kiến sau thì Tùng bảo là ok, hễ nghệ sỹ đã làm ra cái gì, mà nhất là trong hội họa và điêu khắc, mà Tùng liệt vào hàng nghệ thuật truyền thống, thì "cũng có thể coi là tác phẩm". Tùng thử "nói lại cho rõ" cái lập luận này được không? ("nói lại cho rõ" là văn của báo Nhân Dân, thay cho hai từ "đính chính" - tôi trích dẫn thế để khỏi bị gọi là đạo văn) Bởi vì theo chỗ hiểu của tôi thì cái ý của Tùng khi viết câu ấy là: "Có thể được coi là tác phẩm" có nghĩa là thực ra những thứ ấy cũng chả phải là tác phẩm, mình có cho nó là tác phẩm thì nó mới thành tác phẩm?"

Và có phải Tùng coi nghệ thuật hiện nay, nói chữ nghĩa là "nghệ thuật đương đại", đã không còn chấp nhận sự có mặt của hội họa và điêu khắc nữa? Hai thứ đó là "truyền thống" rồi?

Về vụ "tác phẩm" này, Tùng còn nói rằng đủ các thứ mùi vị không khí ánh sáng ở cái chỗ bày cái gọi là tác phẩm kia cũng phải được coi là một phần của tác phẩm. Cái này thì là cốt lõi của "đương đại" rồi. Bất cứ cái gì cũng là "nghệ thuật". Sống là nghệ thuật. Thở là nghệ thuật. Vò một tờ giấy cũng là nghệ thuật. Mà như vậy thì phải nói cho hay chứ còn gì nữa. Không thì ai mà để ý. Chả là "nghệ thuật nói mồm" thì là gì?

Để cho quan điểm ấy của mình có thể thuyết phục được người nghe, Tùng còn nói cái "quan điểm đặc trưng của thời hiện đại" rằng cái gì cứ phải ra cái nầy trong nghệ thuật nay đã bị coi là không có cơ sở khoa học nữa rồi. Tùng cho biết về cái cơ sở khoa học ấy được không? Khoa học thật ấy, chứ không phải là ông này bà kia rất có tiếng đã nói như thế. Và hơn nữa, cái quan điểm này có phải là "đặc trưng của thời hiện đại" hay không?

Một chuyện nữa: Tùng bảo "Phàm là nghệ thuật, dứt khoát phải mới". Cái này cũng nên bàn, nên Tùng "nói lại cho rõ" xem thế nào được không. Có thật là Tùng tin như vậy không?

Rất mong được như bạn Vượng Vũ, đọc được ý kiến làm cho mình tỉnh cả người :))) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả