Khác

Quà năm mới cho người yêu sách: “Danh tác xưa, người đọc mới” của Nhã Nam 15. 12. 14 - 6:29 pm

Thông tin từ BTC

 

Thơ Hàn Mặc Tử do Nhã Nam xuất bản lại. Ảnh từ FB của Nhã Nam

Những người yêu sách đều biết, trong năm 2014, Nhã Nam cùng NXB Hội Nhà văn đã xuất bản lại 20 tác phẩm “nổi tiếng và quan trọng” của văn học Việt Nam hiện đại, gồm 14 cuốn văn xuôi và 6 cuốn thơ.

Danh sách này sẽ còn tiếp tục… 

Để giới thiệu bộ sách danh tác này, đồng thời muốn lắng nghe các ý kiến để việc xuất bản những tác phẩm tiếp theo được hoàn thiện hơn, Nhà Nam sẽ có 2 sự kiện sau, đều tổ chức ở Hà Nội:

1. Tọa đàm Danh tác xưa, người đọc mới 
Công ty sách Nhã Nam phối hợp cùng Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội
– Thời gian: 18h00 – 20h00 ngày 17 tháng 12 năm 2014
– Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hoá Pháp tại Hà Nội, 24 Tràng Tiền
– Diễn giả: Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Tiến sĩ Văn học Trần Ngọc Hiếu, Tác giả Mai Anh Tuấn, Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương. Bên cạnh đó, cũng có sự góp mặt của các nhà phê bình, nghiên cứu và sưu tầm như Văn Giá, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Xuân Thạch, Tạ Duy Anh…

“Mê hồn ca” của Đinh Hùng, do Nhã Nam xuất bản lại

Khi xuất bản lại bộ danh tác này, Nhã Nam đã có một sự đầu tư mới khá lớn cho Hình thức và Nội dung các tác phẩm. Cụ thể:

– Việc tái bản các tác phẩm trong “Việt Nam Danh tác” sẽ căn cứ vào bản thảo chính xác nhất, thường là các bản toàn vẹn, nguyên gốc, không bị kiểm duyệt thời Pháp cắt bỏ (Một ví dụ rõ nét là trường hợp Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân). Việc sử dụng các bản in đầu tiên được ưu tiên nhất. Tuy nhiên trong một số trường hợp, các bản tái bản có sửa chữa của tác giả khi còn sống được ưu tiên sử dụng, nhằm đảm bảo tính chính xác và hoàn thiện của văn bản. 

– Bộ sách có sự đầu tư kỹ lưỡng về hình thức: với format riêng, trang trọng cho cả bìa lẫn ruột sách. Bìa sách được thiết kế mới, độc quyền, dành riêng cho Bộ sách, mang theo cảm thụ của những người thực hiện dự án dành cho tác phẩm. Các bìa cùng mang tên nhận diện riêng của Bộ sách. 

– Đối với tủ sách Giai phẩm thơ: theo đúng tiêu chí “giai phẩm” (nghĩa là tác phẩm đẹp) có sự đầu tư kỹ lưỡng về hình thức: với format riêng biệt, khổ gần vuông 18×22,5cm, là khổ sách thơ quen thuộc của xuất bản Việt Nam trong nhiều thời kỳ kể từ 1930 đến 1975. Font chữ và nền trang thơ được thiết kế kỹ lưỡng, có nét thanh nét đậm, nhằm gợi lại công nghệ in và sắp chữ xưa với các loại giấy dó, giấy rơm… rất điển hình của một thời. Các tác phẩm “Giai phẩm thơ” đều được in màu trên giấy tốt, định lượng cao.

“Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng, do Nhã Nam xuất bản lại

– Về mặt mỹ thuật, bìa sách được một nhóm họa sĩ thiết kế mới, nhưng vẫn sử dụng ở mức độ nhất định các trang trí cũ của ấn bản đầu, hòng duy trì tối đa không khí của các bản in danh tiếng ấy. Đặc biệt, các cuốn “Giai phẩm thơ”còn có thêm một phụ bản minh họa màu do các họa sĩ Trịnh Cung, Lê Thiết Cương, Nguyễn Thị Hiền, Đỗ Dũng, Lý Thu Hà… cùng một số hoạ sĩ khác vẽ riêng cho bộ sách. Những minh họa này được in riêng trên giấy mỹ thuật quý, sau đó được dán thủ công vào trang sách.

2. Trưng bày sách Những cuốn sách Vang bóng một thời
– Thời gian: Từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 12 năm 2014.
– Lễ khai mạc được tổ chức vào 10h00 ngày 18 tháng 12 năm 2014
– Địa điểm: Hiệu sách Nhã Nam, 107 B9 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội
– Tại đây có trưng bày các bản in đầu, các bản in quan trọng, ấn bản gốc và tư liệu của các tác phẩm trong tủ sách Việt Nam Danh tác do Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Trong số các ấn bản gốc có mặt tại cuộc trưng bày, có thể kể đến các ấn bản tiêu biểu sau:
Vang bóng một thời, ấn bản đầu năm 1940, Tân Dân ấn hành
Vang và bóng một thời, series truyện được đăng trên tạp chí Tao Đàn 1939
Tôi kéo xe, ấn bản đầu, năm 1935, do Mai Lĩnh xuất bản
Việc làng, ấn bản đầu, năm 1940, do Mai Lĩnh xuất bản
Hồn bướm mơ tiên, Đời Nay ấn hành, ấn bản đầu
Tắt đèn, ấn bản năm 1939 do Mai Lĩnh xuất bản
Kép tư bền, ấn bản năm 1935 do Tiểu Thuyết thứ bảy xuất bản
Hà nội băm sáu phố phường, ấn bản đầu năm 1943, do Đời Nay xuất bản
Số đỏ, bản đặc biệt in năm 1946, bản in lần 2, do Minh Đức ấn hành
Miếng ngon Hà Nội, bản in đầu do Đất nước xuất bản 1957
Phù dung ơi vĩnh biệt, bản in lần 2, có chữ kí tác giả Vũ Bằng
Chân trời cũ, Tiếng Phương Đông xuất bản, 1946
Lều chõng, Mai Lĩnh xuất bản, 1941
Gió đầu mùa, ấn bản đầu, Đời Nay xuất bản, 1937

“Lều chõng” của Ngô Tất Tố, bản do Nhã Nam xuất bản lại

Tủ sách Giai phẩm thơ:
Mê hồn ca, bản in lần 2 có bổ sung của Khai Trí
Thơ Hàn Mặc Tử, Đông Phương xuất bản, 1942
Lỡ bước sang ngang, Lê Cường xuất bản, 1940
Lỡ bước sang ngang, Hương Sơn xuất bản, 1943
Quê Ngoại, Nguyên Hà xuất bản, 1942, bản thường và bản đặc biệt
Điêu Tàn, Hoa Tiên xuất bản, 1967
Tiếng Thu, Hoa Tiên xuất bản, 1968

Các bản sách kể trên chủ yếu do các nhà sưu tầm Hoàng Minh, Vũ Hà Tuệ, Trịnh Hùng Cường, Yên Ba, Nguyễn Thế Bách, Nguyễn Phát Hà Giang, Nguyễn Bình Phương và nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân cung cấp.

*

Tại cả hai sự kiện tọa đàm và khai mạc triển lãm, đại diện của Nhã Nam và êkip thực hiện tủ sách cũng sẽ có trao đổi với người tham dự về những thắc mắc liên quan đến bộ sách, các vấn đề về bản quyền, quyền nhân thân, nguyên tắc tuyển chọn, nguyên tắc làm việc… Các diễn giả cũng sẽ trình bày cụ thể một số trường hợp mà báo chí và độc giả đang quan tâm xoay quanh tủ sách, ví dụ như trường hợp của văn bản “Lều chõng“, “Việc làng” của nhà văn Ngô Tất Tố.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả