|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞSasaran – Một làng chài mà làm được liên hoan nghệ thuật quốc tế 20. 12. 14 - 7:24 amPhạm Huy Thông
Một đoàn gồm 8 nghệ sĩ tạo hình Việt Nam do họa sĩ Trịnh Tuân dẫn đầu vừa trở về sau khi tham dự thành công Liên hoan Nghệ thuật Quốc tế Sasaran lần thứ 3. Liên hoan quy tụ 71 nghệ sĩ từ 23 quốc gia khắp năm châu. Trong 12 ngày kể từ cuối tháng 11, các nghệ sĩ đã tham gia sáng tác các tác phẩm tranh, tượng, tranh tường, tranh “3D”, sắp đặt, diễu hành nghệ thuật, tham quan văn hóa và góp phần làm giàu thêm sự đa dạng trong môi trường nghệ thuật của Malaysia. Sasaran là một làng chài nhỏ, thuộc bang Kuala Selangor, Malaysia. Trước đây, điểm đáng nhớ duy nhất của làng có lẽ là loại sò huyết chất lượng tốt, được thu hoạch từ tự nhiên bởi các thuyền cá nhỏ. Tuy vậy, Sasaran vẫn là một làng cá “vô danh”. Thậm chí người ta còn khó có thể tìm thấy Sasaran trên bản đồ Google. Các ngư dân trong làng đánh bắt cá, thu hoạch sò huyết còn nông dân thì trồng cọ lấy dầu. Họ hầu như không biết đến khái niệm “nghệ thuật”. Năm 2008, Ng Bee, một họa sĩ sống trong làng kêu gọi những đồng nghiệp khác trong khu vực lân cận ngồi lại với nhau, tìm cách làm một điều gì đó có nghĩa cho quê hương. Họ muốn biến Sasaran thành một điểm đến nghệ thuật. Festival đầu tiên mang tên “Resonance” được tổ chức với nhiều khó khăn vì các nghệ sĩ địa phương và các ngư dân vốn chỉ quen với chuyên môn của họ, nay phải lo liệu những việc mới như kêu gọi tài trợ, tổ chức nơi ăn ở làm việc cho các họa sĩ quốc tế, triển lãm nghệ thuật và quảng bá sự kiện… Festival quốc tế ở một làng nhỏ nên hầu như tất cả mọi thành viên của làng đều chung tay. Những quán ăn trong làng lần lượt xung phong nấu nướng phục vụ các họa sĩ và thành viên ban tổ chức. Xưởng rèn giúp đỡ các điêu khắc gia làm việc với kim loại, xưởng gỗ, xưởng sơn đều góp công, góp của giúp đỡ các họa sĩ trong những việc chuyên môn. Và mỗi nhóm thuyền chài thì xếp lịch thay nhau tài trợ cá, sò và các loại hải sản mà họ đánh bắt được …
Vượt qua được những bỡ ngỡ ban đầu, Festival Sasaran lần đầu tiên đã nhận được những thành công. Gần chục ngàn lượt người đã kéo đến xem các sự kiện trong Festival. Sự giao lưu, trao đổi học hỏi giữa các nghệ sĩ Malaysia và các nghệ sĩ quốc tế diễn ra tốt đẹp và nghệ thuật đã thổi hơi thở mới vào mọi ngóc ngách đời sống của làng chài. Người dân trong làng nhận thấy đời sống tinh thần của họ được hưởng lợi nhiều từ các họa động của liên hoan. Giới chuyên môn nghệ thuật Malaysia bắt đầu nhắc đến cái tên Sasaran. Sự thành công đó tạo điều kiện cho tiếp tục diễn ra với tên gọi “Chúng ta nghệ thuật cùng nhau” (We Art Together) năm 2011 và “Nghệ thuật ở mọi nơi” (ART in the AIR) năm nay 2014. Những năm gần đây, những địa phương khác của Malaysia cũng bắt đầu học theo Sasaran, tổ chức các festival nghệ thuật tương tự. Trong thời gian diễn ra “Nghệ thuật ở mọi nơi”, quỹ văn hóa Asahi Nhật Bản cũng đã cử 3 chuyên gia sang quan sát hoạt động của Festival để học tập kinh nghiệm, mong áp dụng mô hình này cho một số làng ở Nhật Bản.
Chuyện lo liệu chu toàn cho hơn 70 chục nghệ sĩ và 90 tình nguyện viên đến từ các quốc gia với đặc thù văn hóa, tôn giáo, chính trị khác nhau không phải đơn giản. Năm 2011, trong Festival lần thứ 2, có một sự cố thú vị đã diễn ra. Ban tổ chức đã sắp xếp cho các họa sĩ ở tập trung trong một khách sạn cách làng 4km. Điều kiện sinh hoạt trong khách sạn tốt hơn điều kiện sống các gia đình trong làng. Hàng ngày sẽ có các xe buýt chuyên dụng trở các nghệ sĩ đi và về. Nhưng chỉ sau vài ngày, các phòng khách sạn chỉ trở thành nơi chứa đồ khi thỉnh thoảng có vài nghệ sĩ quay về lấy vật dụng cá nhân. Các nghệ sĩ khác muốn ở lại nhà dân quanh khu mình sáng tác hoặc ngủ lại ngay trong xưởng vẽ, để họ có thể làm việc đến khuya như lệ thường hay có thể hàn huyên, hát hò với nhau quanh cốc trà, cốc bia thâu đêm. Năm nay, xưởng vẽ cho đa phần các nghệ sĩ được đặt trong các lớp học do trường làng đang kỳ nghỉ hè. Các nghệ sĩ điêu khắc có một vườn tượng riêng trong khoảnh đất đầu lối rẽ vào làng còn các nghệ sĩ vẽ tranh tường, graffity thì làm việc rải rác trên tường các ngôi nhà của người dân. Đoàn Việt Nam có 8 nghệ sĩ tham dự, trong đó có 3 nhà điêu khắc và 5 họa sĩ: Họa sĩ Trịnh Tuân giữ vai trò trưởng đoàn. Anh là thành viên tích cực và là điểm kết nối của nhiều hoạt động trao đổi giữa nghệ thuật Việt Nam với các nước trong khu vực, đặc biệt là với Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan. Họa sĩ Trịnh Tuân hiện đang là giảng viên trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Không chỉ là một họa sĩ thành đạt, tạo cho mình một phong cách tranh đặc thù trên chất liệu sơn mài, Trịnh Tuân còn dẫn dắt được nhiều thế hệ học trò trở thành những tên tuổi được ghi nhận trong làng nghệ thuật tạo hình. Còn nhớ tháng 4 năm 2014, họa sĩ Trịnh Tuân cùng với nhóm Asia Art Link, trường Đại học Văn hóa và Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh đã tổ chức thành công triển lãm “Sau Cơn Bão”, tạo ra dấu ấn quan trọng về giao lưu hợp tác giữa nghệ sĩ Việt nam và nước ngoài, tạo những tác động xã hội tích cực hướng tới nạn nhân của cơn bão Hải Yến tàn khốc. Trong festival ở Sasaran lần này, họa sĩ Tuân tiếp tục khai thác hình ảnh người phụ nữ ôm bó sen quen thuộc. Những bó hoa sen trong tranh anh là hình tượng đẹp mắt và hơn thế, gợi mở hình dung và cảm giác cho người xem đến nhiều vùng thơ mộng trong tình yêu và cuộc sống. Nguyễn Trần Cường là học trò và là người đồng nghiệp gắn bó với họa sĩ Trịnh Tuân từ lâu. Họa sĩ Cường bắt đầu gây được sự chú ý khi anh có tác phẩm được gửi đi tham dự vòng chung kết giải tranh Phillip Moris 2004, một giải thưởng tranh có tiếng tăm bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Tác phẩm “Sự Lựa Chọn Số 2” của anh khi ấy được thể hiện trên chất liệu sơn mài. Bức tranh vẽ hình ảnh cô dâu trong đám cưới của chính mình. Cuộc đời mỗi con người có 3 sự lựa chọn bước ngoặt. Lựa chọn sinh ra, lựa chọn kết hôn và lựa chọn cái chết. Trong đó, sự lựa chọn số 1 và số 3 là người khác chọn cho mình, Chỉ có bước ngoặt số 2 là mỗi người được tự quyết định. Nó ảnh hưởng đến toàn bộ quãng đời còn lại của con người và góp phần quyết định giá trị của hai sự lựa chọn còn lại. Kinh qua thời gian, Nguyễn Trần Cường đã thử sức với nhiều đề tài và cách thể hiện khác nhau. Tranh của Nguyễn Trần Cường sáng tác trong thời gian festival Sasaran tuy có khác về mặt hình ảnh, nhưng vẫn giữ được sự sâu lắng, có phần thâm trầm hơn trong suy ngẫm về tình đời.
Vũ Phạm Trường Minh mới được chú ý nhiều hơn thời gian gần đây với những tranh mầu nước hoặc acrylic trên giấy dó, phản ảnh những góc khác nhau của đời sống đương đại. Anh hay lựa chọn mầu sắc tương phản, nổi bật trước mắt người xem, phần nào như lưu lại hơi thở hối hả của một xã hội đang phát triển. Hoạt động đáng lưu ý gần đây nhất của Vũ Phạm Trường Minh là triển lãm “Siêu Nghiệm” bày chung với họa sĩ Bàng Sĩ Trực và Giuseppe Strano Spitu tại Trung tâm văn hóa và thương hiệu Ý.
Lê Duy Đạt là một họa sĩ trẻ. Trong các đoàn nghệ sĩ Việt Nam tham dự các hoạt động liên quan đến nhóm Asia Art Link luôn có những thành viên rất trẻ. Họ được trông đợi là đội ngũ kế cận, tích thêm kinh nghiệm để tiếp tục các hoạt động tổ chức giao lưu triển lãm sau này. Lê Duy Đạt vừa hoàn thành xong triển lãm nhóm Ngã Ba tại Mai Gallery Hà Nội. Trong Festival Nghệ thuật Quốc tế Sasaran năm nay, Đạt quay lại tìm tòi những hòa sắc bằng nhưng miếng mầu xốp được lăn bằng lô nhỏ trên mặt toan. Phạm Huy Thông là họa sĩ làm việc chuyên nghiệp với các tác phẩm được phát triển có hệ thống. Vài năm trở lại đây, với các triển lãm cá nhân liên tiếp mỗi năm, Thông đã trình làng những bộ tranh đụng chạm đến nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống. Các tác phẩm của Thông thường chứa đựng những thông điệp mang tính châm biếm hoặc ghi nhận lại những trăn trở của một nghệ sĩ nhiều tâm sự. Trong thời gian dự liên hoan Sasaran, họa sĩ Phạm Huy Thông đã sáng tác được vài tác phẩm khổ nhỏ, trong đó có thể kể đến bức “Sea Fruit” (Quả Biển) là sự kết hợp nghịch ngợm giữa đàn cá và nải chuối. Một loại hải sản và một loại nông sản kết hợp với nhau thành một vật phẩm kỳ lạ đáng yêu. Đó cũng là cảm nhận của Thông về liên hoan ở làng chài Sasaran, nơi nghệ sĩ từ khắp các phương trời tụ hội về để chung tay làm nên một thành công. Trong số 3 điêu khắc gia Việt Nam có mặt tại Sasaran năm nay, nhà điêu khắc Kim Xuân là người lớn tuổi hơn cả. Tác phẩm đồ sộ nhất trong sự nghiệp của anh từ trước tới giờ có lẽ là tượng đài Thánh Gióng đặt tại Sóc Sơn, Hà Nội. Điêu khắc gia Kim Xuân là người vui tính sôi nổi, bởi vậy tuy không thể giao tiếp bằng ngoại ngữ, nhưng anh lại có khả năng hòa nhập rất tốt với các nghệ sĩ quốc tế qua ngôn ngữ nghệ thuật và qua cả những giây phút bập bùng bên cây đàn ghi ta, hát những giai điệu thân thuộc. Điêu khắc gia Kim Xuân đã sáng tác được 2 tác phẩm trong thời gian làm việc tại Sasaran, hai tác phẩm này cùng các tác phẩm tượng khác của đoàn Việt Nam sẽ được đặt lâu dài tại vườn tượng, ngay lối rẽ vào đầu làng.
Lương Văn Trịnh tốt nghiệp khoa điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2011. Tác phẩm tốt nghiệp chất liệu đá “Phố và Cây” của Trịnh hiện đang được lưu lại và trưng bày giữa sân trường. Trịnh quen thuộc với chất liệu đá, nhưng thấy điều kiện ở Sasaran phù hợp, anh đã làm một tác phẩm không hề nhỏ bằng thép. Tác phẩm của Trịnh được dành không gian với bệ và lối dẫn thị giác riêng trong khu vườn tượng. Lập Phương là nữ nghệ sĩ duy nhất của đoàn Việt Nam dự festival, nhưng cô lại là người gây được nhiều ấn tượng nhất với dân làng. Một trong những mục tiêu của các liên hoan nghệ thuật là tạo ra được sự giao lưu giữa các nghệ sĩ và người dân địa phương. Lập Phương, với khả năng hòa đồng khéo léo đã làm rất tốt điều đó. Cô phối hợp rất ăn ý với xưởng rèn, xưởng sơn để thực hiện các tác phẩm của mình. Là một nhà điêu khắc trẻ, các tác phẩm của Lập Phương, tuy sử dụng các chất liệu nặng như thép, đá.. nhưng lại rất nữ tính. Cô tích cực tham gia nhiều hoạt động triển lãm trong nước, tuy nhiên chưa có điều kiện sáng tác và trưng bày những tác phẩm lớn. Ở làng chài Sasaran, Lập Phương lần đầu tiên được trao đủ nguyên vật liệu để thỏa chí bay nhảy. Tác phẩm của cô trong festival lần này là một cánh cung thép, như một cánh diều hay một cánh én mầu hồng nữ tính đang dang rộng chiếm lấy không gian, vươn lên bầu trời.
Festival Nghệ thuật Quốc tế Sasaran diễn ra tập trung từ ngày 27. 11 đến ngày 8. 12. 2014 với nhiều hoạt động khác nhau thu hút được 8000 lượt người xem trong đó có nhiều đoàn người đến từ các tỉnh xa. Trong khuôn khổ của festival, các nghệ sĩ quốc tế đến từ 23 quốc gia đã sáng tác được 213 tác phẩm, tạo thành một triển lãm nghệ thuật lớn. Thời gian các tác phẩm trưng bày được kéo dài thêm 1 tuần, tới 16. 12. 2014. Các tác phẩm lưu lại làng chài Sasaran năm nay không chỉ là tranh giá vẽ mà còn là tượng lớn, nhỏ ở vườn tượng và các tác phẩm tranh tường rất đặc sắc ở khắp nơi trong làng. Chuyện về Sasaran – một làng chài nhỏ đã tổ chức thành công những Festival quốc tế – là câu chuyện khó tin nhưng đã thực sự diễn ra. Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|