Họ là người chụp ảnh nghiệp dư, họ không có lỗi
25. 12. 14 - 4:17 pm
Vũ
“Mùa xuân bên hồ Hoàn Kiếm”, Phạm Ánh – giải C-2013
Từ hôm qua tới hôm nay, đi đâu mà gặp anh em nhiếp ảnh “chính thống”, tức Hội viên”, thì mười người đến mười hai ý đều bàn về bài “Hả? Thế mà cũng là ảnh xuất sắc ư?”. Tựu chung ý kiến là:
– Bằng chứng đâu nói là mưa giả? – Bằng chứng đâu nói photoshop cắt ghép hình? – Ảnh đẹp thế mà chê! – “Thằng” viết là “thằng” nào? Chắc chưa được Hội viên nên ức đây mà…
Tôi cũng đồng ý với các anh chị em ở điểm thiếu bằng chứng thì không thể nói người chụp đã photoshop. Bản thân tôi từng chụp những bức ảnh “lộng lẫy” tới mức bạn bè xem đều bảo là có chỉnh sửa, mãi cho tới khi xem trực tiếp từ máy ảnh mới biết là không chỉnh sửa. Thiên nhiên, cuộc sống có cái đẹp tự nhiên và mãnh liệt của chúng. Cứ thấy đẹp mà bảo là do photoshop thì hoặc là người cả ngày ru rú trong nhà “làm sao thấy cảnh huy hoàng ngày sau”, hoặc bản tính vốn tự ti, không dám tin có những thứ “bất chiến tự nhiên thành” như thế.
“Cứu”, Võ Duy Bằng, giải C – 2011
Nhưng thôi cứ cho là toàn bộ ảnh ví dụ trong bài “Hả?…” không chỉnh sửa đi, thì tôi vẫn vô cùng, hết sức, rất rất đồng ý với tác giả Dương Không Sến ở cái câu sau: “Có thể chỉ ra nhiều ảnh chụp theo kiểu đi lại lối mòn người khác đã đi nhưng không có gì sáng tạo khác”. Và đây là cốt lõi của vấn đề ảnh sáo, ảnh xấu của Việt Nam. Nó nằm tận gốc, tức là thuộc về tài năng và trí thông minh (để nhận ra cái đẹp, cái đặc biệt của sự vật, cuộc sống), cũng như cả lòng tự trọng (để không nhai lại thứ người khác đã nhai bã ra rồi).
Lấy cụ thể những bức ảnh về đề tài miền núi. Chụp miền núi vừa dễ vừa khó. Miền núi thì có trốn cũng không thoát khỏi ruộng bậc thang, váy thổ cẩm, nếu Tây nguyên là địu con giã gạo, hoặc đàn ông đóng khố đâm trâu uống rượu cần… Chụp cái gì đây? Lý lẽ rằng các bậc cao thủ đã mai phục ở đó năm này qua năm khác, cái gì cần chụp cũng đã chụp rồi, có những góc gì lạ cũng đã thộp được mất rồi…, nghe cũng đúng, nhưng cũng không đúng. Miền núi đâu phải chỉ có thế. Họ có cuộc sống của họ chứ, mà chỉ tại các anh không bước vào nhà, vào sân sau của họ. Các anh chỉ phục sẵn bên đường họ trẩy hội, ngoài chợ phiên, nơi không còn hình ảnh gì lạ lùng nữa. Các anh không chụp nổi cảnh một trận mặc cả đổi hàng, một cuộc thử dép cho thiếu nữ Mèo, hay một cuộc chữa chạy con lợn bị ốm, thậm chí một đám tang theo đúng phong tục vùng cao…
“Việc nhà”, Hoàng Đình Chiều, giải C – 2013
Cho nên nghe những câu chuyện về đời sống người miền núi thì lúc nào cũng rất lạ, nhưng ảnh (do Hội) đưa lên và triển lãm toàn những thứ xem lần đầu cách đây 20 năm còn được, chứ đến giờ mà vẫn còn người đi khai thác, hí hoáy chỉnh sửa và công bố, thì bản thân tôi coi thường cái người chụp ấy, sao mà tư duy nghèo nàn, thiếu tự trọng. Chụp để làm màn hình máy tính nhà, hay để xem lại cho nhớ thì còn được, chứ gửi đi thi cử hay triển lãm thì không thể chấp nhận. Xem những triển lãm như vậy chán ngang với việc vớ phải bà vợ nấu ngon được mỗi món miến lươn và thế là trăm dịp như một toàn nấu miến lươn đãi khách, cũng không cải biến gì hơn, lần sau chỉ phấn đấu ngon bằng lần trước.
Trong bài của Dương Không Sến có đưa ra làm ví dụ mấy bức ảnh trong mưa, nhưng tôi không bàn về photoshop. Như đã nói, không có bằng chứng thì không nói. Nhưng những cái ảnh ấy nói được gì nào? Nó nông ngang với cái tên của ảnh. “Hành quân trong mưa” thì đúng là… hành quân trong mưa. Đội quân nào đi trong mưa chả thế. Đội quân này có gì đặc biệt hơn đội quân khác để người chụp phải chụp và đưa đi thi? Hay vì lá cờ trong mưa mà vẫn phấp phới được mới tài, như một bạn tên là Phạm Lãi trên FB đã nhận xét. Cả bức ảnh, nói đừng suy diễn, may ra được con chó chạy trước. Đó là nét đặc biệt và thú vị, nhưng nó chiếm tỉ lệ ít quá so với cái nội dung chính của ảnh.
“Hành quân trong mưa”, Đặng Quang Hiển, giải A – 2014
Hay “Bắt cá dưới mưa”, nếu xóa hết phần mưa đi thì có gì khác không? Có gì khác so với ảnh cả thế gian đã chụp nát ra không? Không khác. Thế sao phải chụp cho nó tốn một kiểu hình?
“Bắt cá dưới mưa”, Ngô Thanh Bình – giải B – 2013
Cũng thế, “Về đích” thì có khác gì những cuộc về đích khác trong đua xe? Không có gì khác cả, không có một động tác nào đặc biệt, thí dụ một anh cua-rơ lo lắng ngoái lại nhìn đối thủ, một người bên đường xông ra nguy hiểm… Đằng này chỉ là một cảnh bình thường của mọi cuộc đua xe, nếu không bảo là về đích thì thậm chí chẳng ai biết đó là đích, tưởng vẫn đang đi trên đường.
“Về đích”, Trương Vững – giải B-2010.
Nói mãi thì vô cùng, nhưng mẫu số chung là: chụp những thứ vô thưởng vô phạt, những thứ không có gì đặc biệt so với những cái đã có ở cùng đề tài. Đó là tư duy của người mới vào nghề, người chụp ảnh kiểu sau khi nghỉ hưu thì con nó tặng cho cái máy nên đi chụp, chứ không phải là tư duy và tác phong kiêu hãnh của một nhiếp ảnh gia đúng nghĩa. Nhiếp ảnh gia đúng nghĩa là người đi săn bắt những khoảnh khắc đặc biệt hoặc cốt yếu của một không gian, sự kiện, tính cách. Nhiếp ảnh gia đúng nghĩa luôn lo sợ ảnh của mình giống ảnh của ai đó, hoặc ai đó cũng có cái nhìn như mình. Người chụp ảnh nghiệp dư thì mừng rỡ khi thấy ảnh mình không khác gì của họa báo!
Người nghiệp dư, người tầm tầm bao giờ cũng nhiều. Chụp ảnh nghiệp dư là một hoạt động không có lỗi, còn đáng khuyến khích nữa, vì nó giúp người ta yêu cuộc sống xung quanh, nhìn sâu hơn, kỹ hơn vào những thứ vẫn lơ là bỏ qua. Nhưng Ban giám khảo không được để lọt những thứ nghiệp dư ấy vào trong một triển lãm, một giải thưởng, một quyển sách mang tính tổng kết. Để lọt vào, nó cho thấy một Ban giám khảo hoặc kém tài, hoặc kém đức (nếu anh nhận là anh có tài, anh biết là nó tệ đấy mà vẫn cho vào), hoặc có thể kém cả tài cả đức. Thế thì toi.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
16:17Monday,31.8.2015Đăng bởi: trần văn thuyết
đồng ý hoàn toàn với quan điểm chủ thớt. Các bức hình trên đều không có gì đặc sắc. tuy nhiên nếu là người khác thì chắc là sợ ướt máy không dám chụp ảnh trong mưa rồi. được giải là tác giả chụp ảnh trong mưa đó.
...xem tiếp
16:17Monday,31.8.2015Đăng bởi: trần văn thuyết
đồng ý hoàn toàn với quan điểm chủ thớt. Các bức hình trên đều không có gì đặc sắc. tuy nhiên nếu là người khác thì chắc là sợ ướt máy không dám chụp ảnh trong mưa rồi. được giải là tác giả chụp ảnh trong mưa đó.
16:58Wednesday,7.1.2015Đăng bởi: người yêu ảnh dấu tên
Bóng ma trên đường đua xe đạp, hành quân trong mưa với chó chạy ...tất cả đều nói lên sự phản cảm ,xấu xa,gợi sự tẻ nhạt... khi nhìn vào ảnh.chỉ xứng đáng lời chê trách . ...xem tiếp
16:58Wednesday,7.1.2015Đăng bởi: người yêu ảnh dấu tên
Bóng ma trên đường đua xe đạp, hành quân trong mưa với chó chạy ...tất cả đều nói lên sự phản cảm ,xấu xa,gợi sự tẻ nhạt... khi nhìn vào ảnh.chỉ xứng đáng lời chê trách .
đồng ý hoàn toàn với quan điểm chủ thớt. Các bức hình trên đều không có gì đặc sắc. tuy nhiên nếu là người khác thì chắc là sợ ướt máy không dám chụp ảnh trong mưa rồi. được giải là tác giả chụp ảnh trong mưa đó.
...xem tiếp