Nhiếp ảnh

Hả? Thế mà cũng là “ảnh xuất sắc” ư? 24. 12. 14 - 6:18 am

Dương Không Sến

(Thấy gì qua cuốn sách: Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc nhiệm kỳ 2009-2014 của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam ấn hành, NXB Thông tấn 2014)

“Thăm phố ngày mưa”, Thái Bích Thuận, giải A – 2012

Có nhiều người không biết đến các cuộc thi ảnh do Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Người cầm máy nếu không phải hội viên thì lại càng không biết đến các tác phẩm đoạt giải trong các cuộc thi này. Việc in lại toàn bộ các tác phẩm đoạt giải trong mỗi kỳ đại hội là việc đáng hoan nghênh. Có nhiều người nhờ sự tổng kết của cuốn sách ảnh này mới biết các tác phẩm và các tác giả đoạt giải.

Nhìn lại các tác phẩm đoạt giải từ 2009 đến 2014, bên cạnh nhiều tác phẩm xem được, người ta sẽ rất ngạc nhiên khi thấy không ít các tác phẩm kỳ cục. Kỳ cục ở đây (grotesque) không phải như định nghĩa kinh điển của Coleman mà là sự phơi bày cho người xem sự hài hước đến khó tin.

Những cái kỳ cục này có thể cho phép xuất hiện tại các cuộc thi ảnh cấp cơ sở, địa phương, câu lạc bộ…, ở những người chụp không chuyên, ở các cuộc vận động tuyên truyền mang tính chính trị, xã hội v.v… Nhưng thiết nghĩ nó tuyệt đối không thể có trong một cuốn sách nhân danh hội nghệ thuật cao nhất nước nhà về nhiếp ảnh.

Ở nước ta, cuộc cách mạng kỹ thuật số trong nhiếp ảnh tuy mới bắt đầu nhưng đã được đón nhận với sự hào hứng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay số lượng các bạn trẻ cầm máy ảnh số có kiến thức cả về nhiếp ảnh lẫn công nghệ rất lớn. Họ đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của bộ môn này trên bình diện quốc tế. Những thành công mà họ đã gặt hái được thế giới công nhận. Nhưng họ vẫn bị coi là những người cầm máy nghiệp dư vì đa phần không phải hội viên của Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam.

“Rạng rỡ mùa xuân”, Nguyễn Văn Khánh, giải C-2010

Trong khi đó rất nhiều người cầm máy được gọi là nghệ sỹ, có chân trong Hội, nhưng tỏ ra rất ngô nghê với công cụ sáng tạo. Việc thể hiện sự thiếu hiểu biết ở mức chưa sạch nước cản có thể nằm trong những lý do sau:

Thứ nhất, kể cả khi dùng máy ảnh chụp phim, họ chưa coi kỹ thuật sử dụng buồng tối là một khâu trong quy trình sáng tạo nên bức ảnh. Thậm chí có nghệ sỹ cả đời chưa làm buồng tối bao giờ. Vì thế họ không thể hiểu giá trị của xử lý hậu kỳ (post processing). Và thế là đương nhiên khi sử dụng máy số, quá trình sáng tạo của họ kết thúc ngay sau khi bấm nút shutter.

Thứ hai, hầu hết những người được gọi là nghệ sỹ ở Việt Nam đều ở cái tuổi ngại tiếp xúc với công nghệ. Một trong những nước cản đầu tiên cần phải sạch là hiểu biết về cân bằng trắng đối với ảnh kỹ thuật số. Ở máy chụp phim khái niệm này không có nên hầu hết người chụp ảnh đã mắc lỗi ở đây. Họ đổ lỗi cho tuổi tác nhưng đó là bao biện cho tính lười biếng đáng lẽ không được có ở những người làm nghề sáng tạo.

Trong tập sách này, hầu hết những bức ảnh mưa đều thể hiện sự cẩu thả trong “xử lý hậu kỳ” (ở đây việc hậu kỳ của ảnh kỹ thuật số thường là photoshop). Những cơn mưa được cố làm cho tầm tã bằng hiệu ứng trông đều rất giả dối.

“Về đích”, Trương Vững – giải B-2010. (Xin lưu ý với các bạn, do chụp lại từ sách nên viền ảnh sẽ không vuông cức, khi xử lý lại cho vuông vức, Soi sẽ có lúc cắt phạm vào một chút mép ảnh. Thành thật mong các bạn thông cảm và xin các tác giả thứ lỗi).

 

“Trong cơn bão lũ”, Trương Ngọc Minh, giải A-2010

 

“Quà từ biển cả”, Thân Nguyên, giải A – 2014

Lại có những bức ảnh vẽ quần áo lại cho nhân vật bằng những đường màu, tô ở trình độ rất nghiệp dư.

Tuy nhiên những cái đó không thấm vào đâu so với độ hài hước ở những bức ảnh có xử lý hậu kỳ nhưng phi lý đến mức khó tin. Bức ảnh thể hiện người lính cứu hỏa cho thấy tác giả không hiểu gì về súng cứu hỏa. Với sức phụt như được thấy trên ảnh của dụng cụ này thì người lính cứu hỏa không thể cầm như cầm cái lông ngỗng thế được. Chưa kể dòng nước phụt ra thể hiện cũng không đến nơi đến chốn trông như thể dùng thước kẻ vạch ra hai đường.

“Thầm lặng”, Diệp Đức Minh, giải B – 2011


Rồi có bức thể hiện mặt trời bằng cách cắt sống sượng. Tả một con đường, người ta dùng “brush tool” giữ nguyên một size nguệch hình sin từ cạnh trái của bức ảnh sang cạnh phải, xong. 

“Đường mây”, Nguyễn Quang Tuấn, giải B – 2012

Những bức ảnh được giải thể hiện sinh hoạt vùng cao mang những ý tưởng hết sức nghèo nàn.

“Bên mẹ”, Vũ Anh Tuấn, giải C – 2010


Cái mô-tip dán váy Mèo đang xòe ra dường như được áp dụng lên hết thảy các bức ảnh vùng cao. Chưa kể trình độ cắt dán ở mức abc đến độ còn nguyên đường viền màu sáng ở diềm cắt do không biết xử lý feature trên photoshop. 

“Trẻ em vùng cao”, Chu Quang Phúc, giải B – 2011


Có thể chỉ ra nhiều ảnh chụp theo kiểu đi lại lối mòn người khác đã đi nhưng không có gì sáng tạo khác. Thậm chí có bức ăn cắp hoàn toàn ý tưởng của ảnh nước ngoài đã có từ cả chục năm. 

“Nước và cuộc sống”, Thanh Miền, giải C – 2011

 

“Đường nét công trình”, Lê Đức Toại, giải C – 2012

 

“Mùa xuân bên hồ Hoàn Kiếm”, Phạm Ánh – giải C-2013

Sang đến những công trình nghiên cứu nhiếp ảnh người xem cũng không thấy thỏa mãn hơn. Có cuốn sách bị không dưới 3 tờ báo tố cáo là đạo kiến thức chỉ đáng được xếp thành sách dịch nhưng vẫn đề công trình đứng tên tác giả và được trao giải.

Tuy nhiên, nếu trách người cầm máy một có lẽ nên trách những người chấm ảnh gấp đôi. Chính họ là những người ra quyết định cho phép những cái kỳ quặc đó được trưng ra với số đông công chúng. Do ban giám khảo quen biết với tác giả? Hay do trình độ họ cũng chỉ đến thế? Điều này không ai biết được nhưng có điều ai cũng biết là việc xuất hiện những hạt sạn đó trên thị trường ảnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của những người mang danh là nghệ sỹ nhiếp ảnh. Những người cầm máy nghiệp dư chép miệng, thì ra họ cũng đến thế thôi. Chưa kể bạn bè quốc tế sẽ nhìn nhận thế nào đến những cuộc thi ảnh do hội nhà – là một thành viên của FIAP – tổ chức.

Bạn nghĩ gì khi thấy 2 bức ảnh đoạt giải A liên tiếp trong hai năm liền (ảnh màu) là “Hoa nắng” của Trần Đình Thương (giải A – 2012)  và “Nào cùng bay lên” của Phan Văn Hiền, giải A -2013?

“Hoa nắng” của Trần Đình Thương (giải A – 2012)

 

“Nào cùng bay lên” của Phan Văn Hiền, giải A -2013

… và còn đây là bức ảnh của Jure Kravanja đã chụp từ lâu rồi. Bạn nghĩ sao?

Ảnh của Jure Kravanja

Một cuốn sách gần 200 trang, liệt kê khoảng 180 ảnh và chục cuốn sách ảnh trong 5 năm (191 tác phẩm). Được lời giới thiệu gọi là “cuốn sách quý… chứa đựng nội dung, tư tưởng và hình thức thể hiện xuất sắc”, nhưng xem ra thì cơ man nào là ảnh chắp ghép vụng về thô lậu được dẫn ra dưới đây, chưa kể số không dẫn ra, tính tạm cũng phải hơn nửa là ảnh chắp ghép trình độ thô sơ ngang với trình độ chụp quảng cáo tầm tầm. Với “hoạt động” và “sản phẩm” như vậy, tôi mạn nghĩ (và không biết người xem có cùng đồng ý với tôi không) rằng Hội nên đổi tên cho nó “y phục xứng kỳ đức”, từ Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam thành “Hội nghệ sĩ… ghép ảnh Việt Nam”?

“Cứu”, Võ Duy Bằng, giải C – 2011

Sau đây là một số ảnh ví dụ của các “nghệ sĩ ghép ảnh Việt Nam”… (ảnh chụp lại từ sách nên không nét và phẳng góc lắm. Mong bạn đọc thông cảm và đừng tìm sách cho nó… đỡ tức!)

“Cú bứt phá trong mưa”, Đặng Quang Hiển, giải C – 2011

 

“Bắt cá dưới mưa”, Ngô Thanh Bình – giải B – 2013

 

“Hành quân trong mưa”, Đặng Quang Hiển, giải A – 2014

 

“Ước mơ”, Nguyễn Văn An, giải C – 2014

 

“Vô đề”, Lại Diễn Đàm, giải C – 2010

 

“Việc nhà”, Hoàng Đình Chiều, giải C – 2013

 

Ý kiến - Thảo luận

15:09 Tuesday,29.12.2015 Đăng bởi:  admin
@ Chu Phúc: Chắc bạn mới vào Soi nên chưa biết rằng ở Soi, các cmt khen thì không cần lý do gì cả cũng được đưa lên, nhưng các cmt chê và phê bình thì cần có lý do. Bạn nên viết lại cmt vừa rồi nhé, nêu ra những lập luận của bạn về bài viết này, rồi Soi đưa lên ngay. Cảm ơn bạn.
...xem tiếp
15:09 Tuesday,29.12.2015 Đăng bởi:  admin
@ Chu Phúc: Chắc bạn mới vào Soi nên chưa biết rằng ở Soi, các cmt khen thì không cần lý do gì cả cũng được đưa lên, nhưng các cmt chê và phê bình thì cần có lý do. Bạn nên viết lại cmt vừa rồi nhé, nêu ra những lập luận của bạn về bài viết này, rồi Soi đưa lên ngay. Cảm ơn bạn. 
20:57 Tuesday,22.12.2015 Đăng bởi:  Quang Đại
Theo mình thì con đường có lẽ không phải “brush tool” giữ nguyên một size nguệch hình sin. Mà có thể là đường thật. Còn lại quả đúng vậy. Ảnh kém quá. Người chấm cũng kém luôn. Đúng là phải sắp đăt, phải hư cấu nhưng không thể vụng.
...xem tiếp
20:57 Tuesday,22.12.2015 Đăng bởi:  Quang Đại
Theo mình thì con đường có lẽ không phải “brush tool” giữ nguyên một size nguệch hình sin. Mà có thể là đường thật. Còn lại quả đúng vậy. Ảnh kém quá. Người chấm cũng kém luôn. Đúng là phải sắp đăt, phải hư cấu nhưng không thể vụng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả