Điện ảnh

Hobbit (phần 3): Bom tấn với chàng trai có bàn chân to 08. 01. 15 - 6:17 am

Pha Lê

Poster phim “Hobbit phần 3”

Vào năm 1914, chàng thanh niên J. R. R. Tolkien đang vui thú với gia đình, cây cỏ vườn tược, thì bỗng nhiên nhận lệnh nhập ngũ để tham gia Thế chiến thứ Nhất. Vốn là người giàu trí tưởng tượng nhưng lại không mấy khỏe mạnh, Tolkien cảm thấy chiến tranh thật tồi tệ và không có hứng tham gia cho lắm. Nhưng tận mắt chứng kiến chiến tranh, Tolkien nhận thấy mình sục sôi lòng căm phẫn với cái ác, và tìm thấy trên chiến trường tình đồng chí đồng đội cao đẹp.

Phần nào đó, nhân vật Bilbo Baggins của Hobbit và Frodo Baggins của Chúa Nhẫn cũng giống Tolkien. Cả hai là những chàng Hobbit đang sống yên ổn tại vùng Shire thanh bình nhiều cây cối (sở thích của Tokien là nghiên cứu cây cảnh – một sở thích ông thừa hưởng từ mẹ), bỗng dưng vì tình hình thế giới chuyển biến theo chiều xấu mà họ phải lên đường góp sức vào chiến tranh dù họ không giỏi đánh đấm. Tuy nhiên chính trong những lần vào sinh ra tử mà họ hiểu ra thế nào là sống vì đồng đội, vì bằng hữu. 

Bilbo (phải) và vua Thorin – vị vua kiêm lãnh đạo của tộc người lùn xứ Erebor, và cũng là người Bilbo xem như bạn thân sau khi cả hai cùng nhau vượt qua bao hiểm nghèo

Đạo diễn Peter Jackson tuy có khuyết điểm là thích lan man với những đề tài phụ chả ăn nhập gì tới nội dung phim, nhưng ông đặc biệt yêu quý lẫn hiểu rõ Tolkien nên phim ông chuyển thể từ truyện Tolkien luôn có cái hồn của nhà văn trong đó. Và Hobbit phần 3 không phải là ngoại lệ.

Tiếp theo phần 2, sau khi rồng Smaug ngủm củ tỏi, nhóm người lùn Durin và cậu Bilbo phải đương đầu với nhiều thử thách mới.

Đầu tiên, do Smaug không còn, nên kho báu ở Erebor trở thành miếng mồi ngon lung linh. Những người từng giúp đỡ Bilbo và các đồng chí, lẫn những kẻ cho rằng nhóm người lùn còn “nợ” mình, ùn ùn kéo tới Erebor đòi nợ.

Các cung thủ của Tiên tộc và anh Bard (phải, áo đen) kéo đến Erebor để thương lượng vấn đề tiển bạc

Thử thách thứ hai chính là Thorin. Bản thân Thorin là một vị vua dũng cảm, sáng suốt. Nhưng lúc rồng Smaug biến thành rồng nướng chả thì Thorin bỗng dưng thấy mình trở thành chủ của một kho tài sản lấp lánh. Thorin bắt đầu mụ mị trước châu báu, rồi trở nên hầm hè với các đồng chí lẫn những người từng giúp đỡ mình. 

Thorin với vẻ mặt đầy nghi ngờ khi đứng trên đống vàng của Erebor

Vấn đề khó khi chuyển thể sách thành phim là hai thứ này thể hiện bản thân theo hai cách khác nhau. Một đằng là chữ trên giấy, một nẻo là hình ảnh chuyển động với âm thanh ánh sáng. Tolkien viết Hobbit là để dạy con cái mình về lòng tham; trận chiến diễn ra sau đó vừa là kết quả vừa là cao trào để kết thúc bài học một cách gọn gàng. Nhưng lên màn ảnh y xì như truyện không chừng sẽ khiến phim chan chán kiểu dạy đời. Có lẽ thế mà đạo diễn Peter Jackson cố bồi đắp cho cuộc đụng độ giữa các phe tại Erebor. Điều này vừa giúp phim thêm hấp dẫn, vừa củng cố cho cái ý nghĩa đơn giản của truyện thiếu nhi, như vậy người lớn khi xem phim sẽ không có cảm giác rằng mình đang học môn giáo dục công dân.

Nhưng yếu tố nào Jackson ráng nhồi vô vì nghĩ quẩn thường chán vô cùng, may mà tỉ lệ điều chán này cũng ít thôi. Thí dụ thấy phim ít nhân vật nữ, đạo diễn chế ra Tauriel (Evangeline Lily đóng) cho tác phẩm thêm phần “nữ tính”. Bản thân Evangeline là một diễn viên xinh xắn, đa tài, thân hình dẻo dai nên đóng tốt các cảnh đánh đấm. Thà rằng Peter Jackson cứ chỉ đạo Evangeline đánh nhau đi để xem cho sướng, đằng này ông lại bắt cô yêu anh người lùn Kili – cũng là cháu của vua Thorin. Trong phần 2 thì nhân vật Tauriel chỉ mới dừng ở mức “cảm mến” Kili, phần này thì anh lùn còn trao tín vật, rồi có đoạn ôm ấp khóc lóc để nói mấy câu sến súa như phim Tàu. Đã vậy đạo diễn còn đá lông nheo rằng anh cung thủ Legolas cũng có tình cảm với Tauriel, rồi dây mơ rễ má sang chuyện tình tay ba. Đang lúc chiến đấu dầu sôi lửa bỏng mà lâu lâu lại mùi mẫn khiến xem mà tức điên ruột. 

Kili trao tín vật cho Tauriel

 

Tauriel và hoàng tử Legolas của Tiên tộc. Hai nhân vật này không có trong truyện. Dù có thể quyết định thêm họ vào phim cũng chính đáng, nhưng nếu thêm chỉ để pha chế họ vô một câu chuyện tình tay ba thì việc này chỉ khiến phim tăng phần nhão nhoét.

Trái lại, những gì liên quan đến Tolkien thì Peter Jackson thể hiện rất tốt. Do Hobbit là truyện thiếu nhi nên bản thân nó không chứa nhiều chi tiết liên quan đến Thế chiến thứ Nhất và thứ Hai như bộ Chúa Nhẫn. Nhằm khiến trường đoạn đụng độ tại Erebor đủ hùng tráng, Peter Jackson đem một vài chi tiết lẫn tinh thần của bộ Chúa Nhẫn vào. Đúng ra thì phe chính nghĩa trong truyện Hobbit chỉ đánh nhau với phe yêu tinh Goblin (yêu quái chuyên săn vàng và báu vật), nhưng Peter đổi Goblin thành tay chân của trùm ác ma Sauron trong Chúa Nhẫn để biến trận đánh thành cuộc chiến thiện-ác. Nhờ đó đạo diễn có thể nhấn mạnh lòng trung thành, sự cố gắng làm điều đúng dù nó khó khăn thay vì làm điều dễ nhưng sai trái, tình đồng đội cao đẹp, lòng quan tâm đến số phận của người khác và quốc gia khác chứ không chỉ nhăm nhe thủ thế cho riêng mình. Tất cả những yếu tố này giúp trường đoạn hành động trong Hobbit có nội dung, có nhịp độ, chứ không đơn thuần chỉ là một mớ “chủ nghĩa kỹ xảo” rối bòng bong.

Phe ác do Azog (đang đứng trên núi) cầm đầu. Nhờ thay yêu tinh Goblin bằng Azog mà Pater Jackson mới thực hiện được trường đoạn hành động hấp dẫn, chứ yêu tinh Goblin hơi trẻ con, giờ chỉ hay thấy trong game điện tử.

Một điểm rất hay nữa của Peter Jackson là ông biết rõ từng nhân vật, và hiểu vai trò của họ là gì. Ngay cả từ thời ông chưa nổi tiếng, mới chân ướt nhẹp vác cái máy đi làm phim Heavenly Creatures cùng nữ diễn viên Kate Winslet (lúc này Kate cũng chưa nổi tiếng,) mà Heavenly Creatures sau đó đã nhận vô vàn lời khen nhờ tuyến nhân vật đặc biệt hấp dẫn. Nói tuyến nhân vật nghe hoành tráng thế chứ thực chất toàn bộ phim Heavenly Creatures gần như chỉ xoay quanh hai cô gái tuổi mới lớn, thế mà người xem không dứt mắt ra được vì mỗi cô đều cuốn hút theo một kiểu quái đản khác nhau.

Thế mạnh này phát huy trong HobbitChúa Nhẫn. Tôi nhớ cách đây rất lâu có đọc bài phê bình trên báo (hình như là Mực Tím), chê bai rằng phim Chúa Nhẫn bom tấn rẻ tiền. Nhân vật chính là một chàng Hobbit lùn xủn ốm yếu, chả có tài cán gì mà trở thành “người được chọn”, thậm chí được phép giữ chiếc nhẫn quyền năng nhất, đúng vô duyên. Nhưng tôi thì thấy rằng cả Tolkien lẫn Peter Jackson đều không thể hiện điều này lên tác phẩm của mình. Họ đơn giản là phân chia công việc cho từng nhân vật. Như phù thủy và các vị tiên tài phép lẫn nhóm người lùn Durin khỏe mạnh thì trực tiếp chiến đấu, còn người Hobbit hiền hòa có lợi thế là không bị quyền lực hay tiền bạc chi phối, vì vậy người Hobbit là chủ nhân phù hợp nhất của chiếc nhẫn chúa, chính vì họ không dễ bị chiếc nhẫn cám dỗ nên họ giấu được nó khỏi tay kẻ ác, và phe thiện mới giành chiến thắng vẻ vang như vậy.

Bilbo và chiếc nhẫn chúa. Người Hobbit không thuộc loại đẹp trai, văn võ song toàn. Họ là người chân thật, ít bị cái xấu cám dỗ, nên Peter Jackson cũng khéo léo chọn diễn viên phù hợp vào vai Bilbo. Anh Martin Freeman rất hợp vai, nom ngô ngố, hơi bù xù nhưng chân chất.

 

Cảnh các chiến binh người lùn Durin xông pha mặt trận. Tộc người lùn khỏe mạnh nên lúc nào cũng hùng hổ. Dù vậy người lùn không thuộc loại đẹp bóng bẩy nên đạo diễn cũng không lựa những anh ngời ngời vào mấy vai này.

Peter Jackson có thể khiến người Hobbit đẹp trai hơn, chỉ đạo cho phim có thật nhiều cảnh đánh đấm giữa các nhân vật bị thịt, nhưng ông không làm thế. Nhân vật cần đẹp thì ông sẽ hóa trang cho thật đẹp, nhân vật nào “xấu ngoại hình” ông để cho họ xấu, ai không giỏi đánh đấm thì góp sức bằng cách khác. Trái với các kiểu bom tấn thường thấy với lắm nhân vật lung linh đầy quyền phép và lắm cảnh đánh đấm đèm đẹp giống nhau, Hobbit không ngại xù xì, không ngại nhân vật yếu đuối. Chính vì thế người xem mới kiên nhẫn ngồi gần 3 tiếng trong rạp. Các nhân vật phải gần gũi thì chúng ta mới thèm quan tâm, chứ ai cũng lóng lánh hết thì nhìn riết rồi sẽ thấy họ chẳng liên quan gì tới mình.

Hobbit chưa phải hoàn hảo lắm, tôi vẫn yêu quý nó. Ai bảo Hobbit là bom tấn, là kẹo kéo kiếm tiền chứ tôi thì thấy rằng nếu muốn làm bom tấn kiếm tiền, Peter Jackson có thể chọn một đề tài khác, chứ không chọn chàng Hobbit lùn tịt với bàn chân to đầy lông lá. Phim bom tấn nào cũng được như 3 phần của Hobbit thì tốt biết mấy.

*

Lịch chiếu (Một số rạp chưa cập nhật lịch chiếu tiếp):

Hà Nội
Vincom Center (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) 2D đến 8.1
Mipec Tower (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) 2D đến 8.1
Hồ Gươm Plaza (Tầng 3, TTTM Hồ Gươm Plaza, 110 Trần Phú, Phường Mỗ Lao, Quận Hà Đông, Hà Nội) 3D đến 8.1
Trung tâm chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình)  3D đến 7.1
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6, tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark, Lô E, Phạm Hùng, Từ Liêm) 2D, 3D đến 8.1
Platinum Cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) 3D đến 7.1

 Tp.HCM
Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5) 2D, 3D đến 11.1
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) 2D đến 8.1
Parkson Paragon (Tầng 5, tòa nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) 3D đến 10.1
Crescent Mall (Lầu 5, Crescent Mall, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7) 2D đến 11.1
Celadon Tân Phú (Lầu 3, Aeon Mall, 30 Bờ Bao Tân Thắng, P. Sơn Kỳ, Quận Tân Phú) 2D đến 15.1
Pandora City (Lầu 3, Pandora City 1/1 Trường Chinh Quận Tân Phú TP. Hồ Chí Minh) 2D đến 11.1
Galaxy Nguyễn Trãi (230 Nguyễn Trãi, Quận 1, Tp.HCM) 2D đến 6.1
Galaxy Tân Bình (246 Nguyễn Hồng Đào, Quận Tân Bình) 2D đến 8.1
Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, Quận 1) 2D, 3D đến 6.1
Galaxy Kinh Dương Vương ( 718 bis Kinh Dương Vương, Q.6) 2D đến 6.1
Lotte Cinema Diamond (Tầng 13, Diamond Plaza, 34 Lê Duẫn, Quận 1) 2D, 3D đến 8.1
Lotte Cinema Nam Sài Gòn (Tầng 3, Lotte Mart, 469 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q. 7) 2D, 3D đến 8.1
Lotte Cinema Cộng Hoà (Tầng 4, Pico Plaza, 20 Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình) 2D, 3D đến 8.1
BHD Star Cineplex Icon 68 (Lầu 3 và 3, ICON 68 Shopping Mall, số 2 đường Hải Triều, Q.1) 2D đến 7.1

 

Ý kiến - Thảo luận

3:15 Friday,9.1.2015 Đăng bởi:  IQ ABC
@Pha Le: Phải nói Transformer 4 là một bước đi lùi đầy thảm bại của loạt phim ro-bot này: vẫn kịch bản bị loài người săn lùng (rồi vẫn ở lại Trái Đất) như ở các phần trước đó, lại thêm sự lồng ghép chuyện cha - con - người yêu rỗng toẹt, chẳng có gì mới lạ. Diễn xuất càng chẳng bàn đến.
So với Christopher Nolan, Michael Bay chỉ giỏi làm phim giải trí lắm ti
...xem tiếp
3:15 Friday,9.1.2015 Đăng bởi:  IQ ABC
@Pha Le: Phải nói Transformer 4 là một bước đi lùi đầy thảm bại của loạt phim ro-bot này: vẫn kịch bản bị loài người săn lùng (rồi vẫn ở lại Trái Đất) như ở các phần trước đó, lại thêm sự lồng ghép chuyện cha - con - người yêu rỗng toẹt, chẳng có gì mới lạ. Diễn xuất càng chẳng bàn đến.
So với Christopher Nolan, Michael Bay chỉ giỏi làm phim giải trí lắm tiền (đổ vào kỹ xảo là chính) chứ không có cái không khí cân não tới người xem 
23:22 Thursday,8.1.2015 Đăng bởi:  phale
@IQ ABC: Transformer 4 thấy toàn quảng cáo lộ liễu :)) hết xe hơi rồi tới bia rồi tới nhà băng của Tàu. May là Hobbit nằm trong thế giới viễn tưởng, chẳng có gì để mà quảng cáo
...xem tiếp
23:22 Thursday,8.1.2015 Đăng bởi:  phale
@IQ ABC: Transformer 4 thấy toàn quảng cáo lộ liễu :)) hết xe hơi rồi tới bia rồi tới nhà băng của Tàu. May là Hobbit nằm trong thế giới viễn tưởng, chẳng có gì để mà quảng cáo 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tôi là một người may mắn!

Phạm Thái Bình. Ảnh: Tịch Ru

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả