Điện ảnh

Hobbit: Tiên, anh hùng, quái vật,
một cuộc chiến được thi vị hóa 09. 01. 13 - 11:07 am

Pha Lê tổng hợp

Poster của “Hobbit” phần 1

Vào sinh nhật lần thứ 111, ông già người Hobbit tên Bilbo Baggins (cậu của Frodo Baggins – nhân vật chính trong loạt series “Chúa tể của những chiếc nhẫn“) quyết định chép lại cuộc phiêu lưu thời trẻ của mình. Bilbo gặp Thror – vị vua của xứ người lùn; trước đây thì giống người lùn sống ở Erebor, và là một bộ tộc giàu có. Vàng bạc của Erebor quá hấp dẫn, nên con rồng Smaug bay đến đây, giết người dân, chiếm Erebor cho riêng mình. Mất nhà cửa, người lùn phải phiêu bạt khắp nơi, cho đến lúc pháp sư Gandalf, rồi sau này là Bilbo quyết định giúp Thror cùng giống loài của anh giành lại quê hương.

Bilbo (áo trắng) giữa những người lùn.

Tôi rất thích Hobbit, nhưng cũng lưỡng lự vì tôi biết rằng không phải ai cũng có thể xơi phim này. Đây là phần trước của loạt phim Chúa tể của những chiếc nhẫn đình đám, và “Chúa nhẫn” làm choáng ngợp khán giả bằng kỹ xảo mới, phong cảnh tuyệt đẹp của New Zeland, cảnh dựng thần tiên, thơ mộng. Một số người không hiểu lắm cái cốt truyện, nhưng kệ, kỹ xảo quá hay và cảnh quá đẹp nên cứ ngắm cũng thích rồi.

Bây giờ, với nào là Avatar, rồi Cuộc đời của Pi, kỹ xảo của Hobbit không còn là yếu tố bất ngờ nữa. Phim vẫn đẹp, phong cảnh của New Zeland vẫn thần tiên như xưa, nhưng Hobbit không còn là nhà tiên phong như thời Chúa nhẫn. Có điều, giống Chúa nhẫn, cái hay của nó nằm ở cách bộ phim thi vị hóa chính trị và chiến tranh.

Tác giả của bộ truyện Hobbit và Chúa nhẫn, ngài* J. R. .R Tolkien, từng tham gia thế chiến thứ nhất và thứ hai. Ông đưa những gì ông trải nghiệm trong các cuộc chiến vào bộ truyện của mình, tuy chúng thuộc thể loại viễn tưởng, nhưng sâu thẳm bên trong chúng chạm đến những vấn đề chân thực.

Đa số trong các phim thể loại này, chúng ta gặp một anh hùng (hoặc nhiều anh hùng) có sức mạnh phi thường, họ nếm trải bao khó khăn, vượt qua chính mình cũng như vượt qua gian khó để cứu thế giới. Tolkien nghĩ khác, Tolkien cho rằng để thắng được kẻ độc ác lẫn một cuộc chiến dài hơi, chúng ta cần sự đóng góp chung của nhiều phía và nhiều loại người. Đó có thể là những vị tiên quyền phép của xứ Rivendell, có thể là những người lùn tuy xôi thịt nhưng quả cảm, quyết tâm giành lại quê hương, đó cũng có thể là chàng Hobbit Bilbo Baggins. Khi tiên nữ Galadriel hỏi Gandalf tại sao ông chọn một thanh niên Hobbit để nhập hội với những người lùn, Gandalf nói tại sao không? Gandalf cho rằng những con người be bé, nhanh nhẹn, lém lỉnh sẽ hữu dụng không kém gì chiến bình; và để vượt qua sự tàn khốc, chúng ta cần các hành động nhân ái nho nhỏ, những cử chỉ thân thiện, những cái đẹp bình dị thường gặp trong cuộc sống làm động lực giúp chúng ta đi tiếp.

Galadriel và Gandalf

Hobbit có đánh nhau hoành tráng, có… họp hành theo kiểu hội nghị giữa các vị tiên và pháp sư quyền phép (trong hội nghị, chúng ta sẽ thấy những kẻ cầu an, những con người biết nhìn xa trông rộng, những người ít nói, chỉ đứng đằng sau nhưng mang vai trò quyết định lớn), chiến tranh còn khiến những người không ưa nhau phải bắt tay nhau để cùng chống kẻ thù chung. Phim nhìn chiến tranh từ nhiều phía chứ không đơn giản là cái thiện thắng cái ác, rồi chêm vào lắm cảnh chặt tay, chặt đầu.

Bilbo, và nhóm người lùn ở xứ tiên. Giống người lùn có xích mích với giống tiên, nhưng trong tình thế cấp bách, họ phải tìm sự hỗ trợ từ nhiều phía.

 

Các vị tiên và pháp sư họp “Hội nghị thượng đỉnh”.

Hobbit cũng đề cao tình đồng chí, đồng đội, tình anh em, và tôi tin chắc rằng bất cứ ai từng trải qua hay hiểu được chiến tranh sẽ rất cảm động. Dù chúng ta theo lý tưởng nào, thì cuối cùng lúc dầu sôi lửa bỏng trên mặt trận, những người đồng đội xả thân vì nhau sẽ là nguồn sức mạnh lớn, gắn kết được cả những con người không có nhiều điểm chung thành một khối, và chính những nhà cầm quân quả cảm, dấn thân vào hàng ngũ địch đã thu phục được lòng trung thành của chúng ta. Bộ phim viễn tưởng này thực tế lại vô cùng gần gũi và nhiều ý nghĩa. Thậm chí, giống người lùn còn khiến tôi nhớ đến người Do Thái bị mất quê hương, phải sống lưu vong ở khắp nơi cho đến khi họ được giúp đỡ để lấy lại phần nhỏ của đất nước cũ là Israel.

Đối với những ai không thích đề tài chiến tranh, hay không cảm được nó, và không thích xem phim vì kỹ xảo đẹp chắc sẽ chả khoái nổi Hobbit. Nhưng tôi cho rằng đây là một trong số ít phim về vấn đề lớn, làm theo kiểu bom tấn, nhưng ít khẩu hiệu, hiểu rõ bản chất sự việc một cách sâu sắc. Nó thi vị hóa cái tốt và xấu, cho chúng ta thấy rằng đôi khi chính chiến tranh gian khó lại hàn gắn con người, giúp chúng ta hiểu rõ mình hơn, và mang lại nhiều lý tưởng đẹp cũng như nhiều câu chuyện hào hùng, truyền cảm hứng cho thế hệ sau.

Tôi sẽ chờ Hobbit phần 2 ra mắt để đi xem tiếp, còn bạn thì sao?

*

J. R. R. Tolkien được phong tước hiệp sĩ CBE.

 

*
Lịch chiếu (một số rạp chưa cập nhật thêm, nhưng có thể còn chiếu thêm nữa)

Hà Nội
Vincom City Towers (Tầng 6, Tòa nhà Vincom City Towers, 191 đường Bà Triệu, Q. Hai Bà Trưng) đến 10. 1
Pico Mall (229 Tây Sơn, Q. Đống Đa) đến  6. 1
TT Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Q. Ba Đình) đến 6. 1
Platinum cineplex (Tầng 4, Tòa nhà The Garden, Mễ Trì, Từ Liêm) đến 3. 1
Lotte Cinema Land Mark (Tầng 5-6, Keangnam Hanoi Landmark Tower – Lô E – Phạm Hùng – Từ Liêm – Hà Nội) đến 10. 1

 
Tp.HCM
Hùng Vương Plaza (126 Hùng Vương, Quận 5) đến 6. 1
CT Plaza (60A Trường Sơn, Phường 2, Q. Tân Bình) đến 10. 1
Parkson Paragon (Tầng 5, toà nhà Parkson Paragon, 3 Nguyễn Lương Bằng, Q.7) đến 6. 1
Crescent Mall (Lầu 5, Crescent Mall, Đại lộ Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng, Quận 7) đến 6. 1
Pandora City (Lầu 3, Pandora City, 1/1 Trường Chinh, Quận Tân Phú) đến 6. 1
Galaxy Nguyễn Trãi (230 Nguyễn Trãi, Quận 1) đến 10. 1
Galaxy Nguyễn Du (116 Nguyễn Du, Quận 1) đến 10. 1
Galaxy Tân Bình (246 Hồng Đào, Q. Tân Bình) đến 10. 1
BHD Cinema (Lầu 4, Siêu Thị Maximart 3/2, 3-3C Đường 3/2, Q.10) đến 5. 1
Rạp Đống Đa (890 Trần Hưng Đạo, Q.5) đến 10. 1

Ý kiến - Thảo luận

20:35 Thursday,10.1.2013 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Pha Lê nói đúng. Phim Hobbit đúng là phim hay vì truyện gốc của nó đã vốn hay sẵn rồi. Mà nhà biên kịch cũng cắt khéo, làm cho khán giả xem xong phần 1 không bị hẫng.
Các phim bom tấn khác của Hollywood phóng tác từ các truyện tranh cơ bắp Mỹ không thể nào sánh kịp v
...xem tiếp
20:35 Thursday,10.1.2013 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Pha Lê nói đúng. Phim Hobbit đúng là phim hay vì truyện gốc của nó đã vốn hay sẵn rồi. Mà nhà biên kịch cũng cắt khéo, làm cho khán giả xem xong phần 1 không bị hẫng.
Các phim bom tấn khác của Hollywood phóng tác từ các truyện tranh cơ bắp Mỹ không thể nào sánh kịp vì bản thân cái truyện gốc đã rẻ tiền rồi. Mà xem xong phần nào cũng tức anh ách vì bên biên kịch cứ muốn mồi tiếp cho phần sau. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả