|
|
|
|||||||||||||
Văn & ChữPhan Việt: làm “chuột bạch” cho văn chương cũng được 09. 01. 15 - 6:59 pmĐỗ Duy thực hiệnLần về nước này, Phan Việt dành phần lớn thời gian sống ở một số chùa và thiền viện từ Bắc vào Nam thay vì dắt sinh viên đi thực tập hay thưởng thức cảm giác “ở nhà”. Trong hai mùa hè 2013 và 2014, cũng chị đã sống gần như trọn vẹn cả hai mùa hè trong chùa. Sau Hà Nội, chị sẽ đến đất Phật Ấn Độ. Tất cả những chuyến đi này là để bổ sung tư liệu cuối cùng cho quyển sách kết thúc của bộ “Bất hạnh là một tài sản” (sau “Một mình ở châu Âu” và “Xuyên Mỹ”), và đây chỉ là một trong số nhiều sự đầu tư, dấn thân của Phan Việt cho bộ sách nói riêng và văn chương nói chung. Phan Việt chia sẻ với người viết về kinh nghiệm chuyển từ thể loại hư cấu sang phi hư cấu và về văn chương. * Vì sao chị lại chuyển sang viết phi hư cấu? Với tôi thì nó xảy ra tự nhiên. Cách đây 3 năm, tôi cảm thấy loay hoay khi viết đến cái kết của một cuốn tiểu thuyết. Việc loay hoay này giống như mình đã cắm xong phần cơ bản nhất của một bình hoa, có hoa, có dáng rồi, bây giờ cắm thêm các cành lá măng để trông cho bình hoa đầy đặn, che cái nọ, che cái kia. Trong lúc làm như thế, tôi thấy chán. Tôi nghĩ, để làm gì? Tôi mất hứng thú với tất cả những sự minh họa và phóng chiếu vì cảm thấy trong đấy có phần “né tránh”. Khi mình viết, về cơ bản, mình muốn nói “đây, cuộc sống là thế này, sự thật là thế này”. Khi dùng hình thức hư cấu để diễn tả, tôi nghĩ là mình đang né tránh, ngụy trang, không đi thẳng được vào cái lõi. Sự thật thì đơn giản, không cần nhiều lời. Thế là tôi dừng cuốn tiểu thuyết để viết bộ “Bất hạnh là một tài sản”. Nó thực sự là một thôi thúc tự nhiên. Chọn thể loại “phi hư cấu” này, chị được dẫn số liệu “thoải mái” hơn? Nhu cầu với “phi hư cấu” nằm chung trong nhu cầu được biết sự thật, tiệm cận sự thật, được thấy cuộc sống như nó là. Bây giờ, nhờ có Internet, chúng ta dễ dàng kiểm chứng được sự thật và biết người khác thực sự nghĩ gì, làm gì. Chỉ cần vào Facebook, Twitter hay báo mạng, anh không cần phải phỏng đoán những điều mình nghĩ có lập dị không, hoặc những gì người khác viết có hợp lý không. Cho nên người ta ngại ngùng hơn với những thể loại mà khi đọc, người ta nhận thấy khoảng cách, rào cản, có sự phiên dịch, phóng chiếu, quy kết” Không phải tôi chọn thể loại, mà mục đích của cuốn sách tự nó quy định việc viết. Trong một bộ sách như “Bất hạnh là một tài sản”, tôi tự biết khi nào mình đã kể đủ chuyện, khi nào cần có thêm dữ liệu và thông tin khác để câu chuyện không rơi vào trạng thái kể lể chủ quan, để độc giả thấy một bức tranh lớn và rành mạch hơn. Việc trích dẫn dữ liệu còn tuân theo một logic tự nhiên là nhân vật “tôi” trong đó là tạng người phải tìm hiểu, phải biết điều gì đang xảy ra với mình để có thể đương đầu. Cô ấy đi qua ly hôn và vực mình dậy bằng cách đọc sách, tìm tòi, dùng sự thật để giải phóng mình. Nói rộng ra, tôi nghĩ là văn chương không có quy tắc. Không ai có thể nói viết văn thì không được có số liệu. Nhà văn có thể làm bất cứ điều gì mà sự viết của anh ta mách bảo. Anh ta hoàn toàn có thể mở đầu cho một định dạng mới, một thể loại mới. Và muốn gọi nó là cái gì cũng được. Khó nhất khi viết phi hư cấu là gì, với chị? Cái khó nhất khi xử lý một tác phẩm khi viết theo phong cách hiện thực, đặc biệt ở thể loại phi hư cấu là: anh phải rất biết anh đang làm gì. Anh phải hiểu đủ về cái anh đang viết – ý tôi không phải là hiểu theo kiểu mặc khải, biết tuốt mà hiểu theo quan điểm riêng của anh, với mô hình rõ ràng, rõ đến mức anh có thể phát biểu một cách đơn giản hoặc cảm được nó trọn vẹn – thì mới có thể viết được ra một cách thuyết phục. Chừng nào anh còn chỉ thấy những mảnh vụn thì anh vẫn có thể viết nhưng thành công sẽ chỉ là một sự tình cờ. Tôi có lần viết rằng mỗi lần về Hà Nội, tôi có cảm giác như cuộc sống cứ túa ra lênh láng như một đường ống nước chẳng may bị những người làm đường bổ vỡ. Thế thì để xử lý được cái lênh láng đó thành văn, thành chuyện, người viết phải rất vững và phải rất biết mình đứng ở đâu, làm gì với cái chỗ nước lênh láng này, thấy được các dòng, các lạch của nó, thấy nó đi về đâu, vì sao, làm gì. Tôi lấy ví dụ như với thể loại ký du lịch. Loại hình tưởng như rất đơn giản: anh đi, anh thấy, anh kể lại. Nhưng viết hay được thể loại này khó hơn người ta tưởng. Anh không có cái riêng thì cuốn sách du ký của anh sẽ chỉ như một cuốn sách liệt kê địa điểm rất mệt mỏi và bạc nhược. Một nhà văn phải biết mình đang làm gì với cuốn sách của mình thì mới có thể nhẫn nại được với sự viết. Đã chọn phi hư cấu, sao chị “dám” viết ra chuyện ly hôn của chính mình? Đối với đa phần phụ nữ Việt Nam, ly hôn thường là đỉnh cao của bất hạnh; kể cả sau này có lấy chồng lại thì xã hội vẫn có cảm giác người phụ nữ đó đã có một vết gợn trong đời. Chúng ta nên từ bỏ cách nghĩ đó. Với ly hôn cũng như với những thất bại khác, chúng là cơ hội lột xác mà kết quả đằng sau sự lột xác đấy, mình vứt đi được rất nhiều gánh nặng, sợ hãi, những thứ ảo tưởng. Mình sẽ vững vàng lên và có thể chấp nhận được mình, chấp nhận được cuộc sống một cách bình thản và độ lượng hơn. Sự lột xác này rất tích cực, dù dĩ nhiên phải trải qua đau đớn. Vì sao tôi lại viết ra câu chuyện ly hôn? Thực ra an toàn nhất thì mình đừng bao giờ nói về chuyện đau khổ cá nhân, đừng cho người ta đến quá gần. Nhưng bởi vì tôi nhìn thấy lợi ích của việc viết ra chuyện này lớn hơn nhiều so với nhu cầu được an toàn. Ly hôn thực sự không còn là chuyện của tôi. Nó là chuyện của quá nhiều phụ nữ và đàn ông Việt Nam; nó phải được nói ra; và nói cặn kẽ, tỉ mỉ, nói từ góc độ thật cá nhân, thật bình thường, và cả góc độ xã hội chung. Nó phải được nói ra kể cả khi chúng ta thấy mệt mỏi và ngại khi phải nghe những chuyện buồn. Con người nói chung là không muốn nghe chuyện buồn. Nhưng mà phải nói ra thì lần sau nó mới bớt buồn, bớt làm người ta sợ hãi đến rúm ró.Vậy là tôi viết. Nhưng cho tôi được đính chính, bộ sách này không phải là bộ sách về ly hôn. Bộ sách này là bộ “Bất hạnh là một tài sản”. Ly hôn chỉ là một chuyện cụ thể để làm điểm tập trung. Cho đến giờ, tôi vẫn chịu đựng những hiểu nhầm cho cả cuốn “Một mình ở Châu Âu” và cuốn “Xuyên Mỹ” bởi vì bộ sách này còn cuốn thứ ba để thâu tóm lại tất cả. Có thể tôi thuộc tạng nhà văn không tách rời giữa chuyện mình là một nhà văn và là một con người. Với tư cách là một con người, càng ngày tôi càng ít có nhu cầu giãi bày, thanh minh, chứng tỏ. Nhưng với tư cách là nhà văn thì bỗng nhiên mình hiểu là mình được trời cho khả năng viết thì phải viết, cũng không cần nghĩ ngợi nhiều xem mình được gì mất gì từ nó. Khi thấy thế thì mình có thể lấy mình ra làm chuột bạch cho văn chương cũng được, tôi cũng không ngại. Nhưng nếu đã là nhà văn thì lúc nào cũng phải giữ được cái ham muốn kể chuyện. Có điều càng về sau, nó càng bớt là ham muốn, chỉ là một thứ bản năng tự nhiên, chảy ra khi nhìn thấy chuyện để kể, mình thấy cuộc sống là câu chuyện bất tận, bất kể là thích hay ghét nó. Trong đầu tôi bây giờ ít nhất có 5- 6 cuốn sách đằng trước, vấn đề là viết chúng ra dần dần thế nào, vì tôi vẫn phải giữ công việc giảng dạy. Nhiều khi tôi cũng bảo, thôi, mình phải chọn văn chương đi, bỏ hết mọi thứ để viết vì có nhiều thứ để viết quá. Nhưng có lúc lại thấy cái tình trạng luôn thiếu thời gian làm cho tôi luôn luôn phải nén, phải nung nấu trong đầu. Cái cảm giác chờ đợi để đến lượt kể ra câu chuyện của mình cũng thú vị. Tôi có lần nói, nó giống như mình luôn luôn đang hẹn hò với bạn đọc của mình, và mình lúc nào cũng như đang phải lòng cuộc sống, phải lòng cái đẹp. Ngày xưa và bây giờ, việc viết của chị đã khác rất nhiều? Ngày xưa, khi viết, tôi hay cố gắng, vừa về kỹ thuật, vừa về nội dung. Mình vụng và mình ý thức được sự vụng về của mình. Khi mình cố gắng về nội dung, thì kể cả có ý tốt thì trong đấy thực ra vẫn chứa ngầm những thông điệp có tính phân biệt, kiểu như “để tôi kể anh nghe, thế giới nó là thế này này, tôi nhìn thấy rõ hơn anh, chính xác hơn anh, tôi nhìn thấy cái đẹp nhiều hơn anh”. Bây giờ tôi không có cố gắng đấy nữa; nói chung tôi viết trong cảm giác là… cứ viết thôi. Viết xuất phát từ nhu cầu bên trong mà tôi không cần hỏi tại sao nữa, nó cứ chảy, và tôi để nó chảy đi đằng nào cũng được, theo hình thái nào cũng được, khi nào dừng lại cũng được. Tôi kệ nó làm việc của nó, tôi chỉ là công cụ, tôi chẳng nên xen vào việc của nó làm gì. Có vẻ như việc viết là niềm vui chính của đời chị, hiện nay? Nếu liệt kê ra, đời sống hiện nay của tôi sẽ chẳng thấy có gì vui vì toàn là công việc, nhưng mà tôi thì thấy vui. Nói thật là tôi thích làm việc. Bây giờ tôi dạy học, làm việc với các sinh viên, đọc sách, làm nghiên cứu này, nghiên cứu nọ, chuẩn bị cho kế hoạch nọ, kế hoạch kia; nhưng mà vui nhất là tôi có cảm giác đang âm thầm đi theo những câu chuyện. Cái này khó nói rõ ra lắm; một người viết sẽ tự biết. Ví dụ như để viết cuốn sách thứ ba của bộ “Bất hạnh là một tài sản”, tôi tự cảm thấy cần đi Ấn Độ, cần đến sống ở chỗ nọ, chỗ kia, gặp người này, người kia. Mình theo dấu một câu chuyện, và cảm thấy như đang đi tìm kho báu. Khi mình tới, trong kho báu có gì thì mình không biết trước; chỉ thấy cái thôi thúc đi tìm. Nó là cảm giác hay lắm. Cứ từ đầu mối này lại ra đầu mối khác, như là một bức tranh lớn. Tôi thấy là khi mình bắt đầu thả lỏng, để cho sự viết dẫn dắt thì có rất nhiều niềm vui xảy ra khi viết. Và viết không tách rời sự sống của mình nữa, nó không còn là công việc. Cái gọi là “đời sống tinh thần” cũng không còn là một thứ tách biệt mà ta phải nỗ lực chăm chút và thỏa mãn nó như thỏa mãn một con thú đỏng đảnh nữa. Cảm ơn chị! Ý kiến - Thảo luận
23:17
Saturday,10.1.2015
Đăng bởi:
Dương Trần
23:17
Saturday,10.1.2015
Đăng bởi:
Dương Trần
xem bài phỏng vấn của chị Việt này làm tôi lại nhớ đến "Những bài giảng Mỹ" của I. Calvino, phần nói về tính nhẹ.
14:09
Saturday,10.1.2015
Đăng bởi:
LC
Ớ, nhầm tên. Bác Thái chứ. Cũng có lẽ vì văn của Sáng Ánh vừa hiện thực vừa ám ảnh quá, nên em bị ấn tượng. Đấy có phải là do hư cấu không nhỉ? Trung Đông của bác ấy cứ như bối cảnh của một bộ phim dài, hay, khốc liệt...vừa sợ vừa thích!!! ...xem tiếp
14:09
Saturday,10.1.2015
Đăng bởi:
LC
Ớ, nhầm tên. Bác Thái chứ. Cũng có lẽ vì văn của Sáng Ánh vừa hiện thực vừa ám ảnh quá, nên em bị ấn tượng. Đấy có phải là do hư cấu không nhỉ? Trung Đông của bác ấy cứ như bối cảnh của một bộ phim dài, hay, khốc liệt...vừa sợ vừa thích!!! Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp