Văn & Chữ

Chương 13 và 14 của “Xuyên Mỹ”: Luẩn quẩn trước ly hôn 11. 01. 15 - 12:54 pm

Phan Việt

 Soi: “Xuyên Mỹ” và “Một mình ở châu Âu” nằm trong bộ “Bất hạnh là một tài sản” của Phan Việt. Xin giới thiệu với các bạn hai chương trong “Xuyên Mỹ” do Đỗ Duy chọn. Về hình thức của bộ sách này, và về “Xuyên Mỹ”, các bạn có thể đọc thêm bài phỏng vấn Phan Việt, ở đây. Ảnh dùng trong toàn bài của họa sĩ Phan Phương Đông. Tên bài do Soi đặt

.

Chương 13

Những ngày này, sợ hãi đã trở thành cảm giác chủ đạo trong cuộc sống của tôi. Tỉnh dậy vào buổi sáng trở thành một gánh nặng. Những ý nghĩ như những con bạch tuộc ngàn vòi; chỉ cần tôi mở mắt là chúng bủa vây, xiết chặt, khiến đầu óc tôi lúc nào cũng xoắn cứng những búi ý nghĩ. Những cơn đau đầu đến ngày càng thường xuyên nhưng tôi không dám uống thuốc mà cũng không dám ngủ. Giấc ngủ chỉ là trùng điệp những giờ vật vã, quăng quật trên một mặt biển ầm ào những câu hỏi về tương lai, hồi tưởng về quá khứ. Suốt thời gian này, tôi không một lần có ý nghĩ tự tử nhưng có thể hiểu cảm giác của những người đã tự tử. Họ hẳn không chịu nổi sự tồn tại của chính mình bởi vì tồn tại – tức việc biết nhìn, biết nghe, biết thấy, biết nghĩ, biết cảm – trở thành nguồn gây đau khổ lớn nhất mà họ không có cách nào giải quyết ngoài việc tự kết thúc chính mình(1).

Lối thoát duy nhất của tôi là tập trung vào luận án. Tuy thế không phải lúc nào lối thoát này cũng mở. Sáng nay cơn đau nửa đầu làm tôi không sao viết được. 

Tôi đang nằm trên sô pha trong PhD Lounge tiếp tục nghiền ngẫm về tình trạng khổ sở của mình thì nghe tiếng ai đó.

– Em thế nào? 

Hóa ra là Arif, nghiên cứu sinh người Bangladesh, học dưới tôi một khóa nhưng hơn tôi nhiều tuổi. Arif đã có vợ và một con gái.

– Em đang sống trong sợ hãi – tôi nói với Arif vì không câu nào khác có thể mô tả tình trạng của tôi.

Tôi kể cho Arif nghe chuyện ly dị của tôi và cái cảm giác, lần đầu tiên trong đời, cả tương lai xa và tương lai gần đều là một khu rừng tối khiến chân tôi ríu cứng lại vì sợ.

– Anh biết cảm giác đấy – Arif nói – Bố anh ở Bangladesh bị ốm cả năm nay; chắc sẽ không qua khỏi. Tuần nào anh cũng gọi điện về nhà hỏi thăm và một tháng nay, anh rất sợ những cuộc điện thoại đấy. Anh cứ nghĩ “Chúa ơi, lại đến lúc gọi điện rồi”… bởi vì anh không biết là anh sẽ phải nghe thấy tin xấu gì và sẽ cảm giác ra sao khi nghe tin. Lúc nào anh cũng trong tình trạng chờ tin xấu và nỗi sợ đấy vắt kiệt anh. 

– Em không hiểu Arif ạ. Em cảm thấy không thể ở lại nhưng em lại cũng không thể quyết định được…

Hiểu? Từ này quan trọng đấy – Arif nói – Nếu em muốn hiểu thì anh nghĩ em nên thử nói chuyện với một chuyên gia tâm lý. Như thế, em có thể quyết định tốt hơn và khép lại mọi chuyện dễ dàng hơn. 

Arif cho tôi số điện thoại của văn phòng tư vấn tâm lý trong trường để đặt hẹn với họ. 

– Cái lớn nhất mà em không thể hiểu là hình như anh ấy không hiểu rằng những gì anh ấy nói hay làm có thể khiến người khác đau.

Arif tặc lưỡi.

– Cái đấy thì có thể là chuyện của cá nhân chồng em mà cũng có thể là chuyện của đàn ông châu Á nói chung. 

– Ý anh là sao?

– Ý anh là, anh cũng là người châu Á nên anh có thể hiểu một chút. Nói chung, đàn ông châu Á được dạy rằng phụ nữ là những thứ nhỏ xinh, lúc nào cũng vui tươi, không nghĩ gì sâu sắc, cũng không cảm nhận gì sâu sắc. Những cái dạy dỗ kiểu thế ăn sâu vào đầu óc đàn ông. Nhiều người đàn ông vì thế không thể nào tưởng tượng nổi việc vợ mình lại đau khổ, hoặc việc những người phụ nữ quanh mình đau khổ, nhất là đau khổ vì mình. Họ không thể nào ý thức được việc đó hoặc không chấp nhận được việc phụ nữ có khả năng đau khổ và thực tế là đau khổ rất nhiều. 

– Hình như chính em cũng vô thức tin những thứ giáo điều kiểu thế. 

– Phụ nữ Á Đông đa phần là thế. Anh nhìn thấy nhiều ở Bangladesh vì họ lại còn theo đạo Hồi nữa. Họ không dám nói cái đau khổ của họ với chồng họ; trong vốn giao tiếp của họ không tồn tại những câu như “em đau khổ, những gì anh nói khiến em đau khổ”; họ cứ thế chịu đựng và thường đổ lỗi cho mình rất nhiều khi hôn nhân không hạnh phúc chứ không nhìn nó như là một thứ mà người chồng cũng có trách nhiệm ngang bằng. Ngay từ đầu, họ đã mặc định họ chỉ được làm cái này, không được làm cái kia, đàn ông được quyền làm cái này, cái kia…

Nói chuyện với Arif xong, tôi dành cả buổi chiều đọc các kiến thức tâm lý, nhất là những ảnh hưởng của văn hóa lên tâm lý và hành vi. Tôi đọc lại các lý thuyết tâm lý cơ bản mà tôi từng học nhưng chưa bao giờ thực sự để ý và áp chúng vào bản thân – phân tâm học của Freud, tâm lý xã hội của Erikson, lý thuyết hành vi của Albert Bandura, các lý thuyết văn hóa, lý thuyết giao tiếp, rồi các hội chứng rối loạn tâm lý theo chuẩn DSM-IV.

Tôi bắt đầu nghĩ đến những lối mòn tâm lý và hành vi mà tôi rõ ràng cứ lặp đi lặp lại từ bé.

Một là…

Hai là…

Ba là…

Rồi tôi bắt đầu nghĩ lại tất cả cuộc đời tôi – từ lúc tôi lớn lên, khi tôi bắt đầu xa nhà, tất cả những mối tình tôi đã trải qua và những vết thương mà chúng có thể để lại.Tôi nghĩ xem tôi có thể sai ở đâu, cần phải khắc phục điều gì.Có lẽ mọi việc đã tốt hơn nếu tôi biết cách nói chuyện, biết phản kháng và bảo vệ mình những lúc chúng tôi xung đột thay vì im lặng.Có thể nguyên nhân của nó là vì tôi đã không bao giờ được học cách giải quyết xung đột trong gia đình.

Bố mẹ tôi sống với nhau hạnh phúc; thậm chí thường được coi là gia đình mẫu mực ở những nơi chúng tôi từng sống. Mẹ tôi là một người nhạy cảm và, như nhiều phụ nữ Việt Nam sinh ra giữa thế kỷ 20, luôn tự nguyện nhận lỗi và các đè nén cảm giác về phần mình để giữ hòa khí gia đình. Mẹ tôi né tránh những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc xung đột trong gia đình – ví dụ chị em tôi cãi nhau; và dàn hòa ngay lập tức.Thậm chí cả đến lúc chị em tôi đã lớn lên và tranh luận với nhau vào bữa tối như những người trưởng thành – mẹ tôi vẫn không chịu được. Như thể bất cứ dấu hiện rạn nứt nào cũng làm cho mẹ cảm thấy không an toàn. Phải về sau này, sau khi đã lấy chồng, tôi mới hiểu cảm giác của mẹ cũng như của những người phụ nữ Việt Nam khác. Đằng sau nó là một nỗi sợ ăn sâu – và có thể là từ việc họ đã chứng kiến quá nhiều kết cục bi thảm của những người phụ nữ dám “vùng lên” trong gia đình; khi họ ngấm ngầm nhận ra rằng họ đơn độc trong cảm giác của mình, không tin rằng những cảm giác của họ là “chính đáng” trong một xã hội mà nam giới đã có quyền lực nghiễm nhiên quá lâu. Phụ nữ Việt Nam – dù đa phần rồi trở thành mẹ, thành chị, thành em gái, thành bà và có vai trò rất lớn trong nuôi dạy con cái – lại chứa trong mình quá nhiều ngờ vực, đè nén và những cảm giác tuyệt vọng không tên mà họ thường không chia sẻ với người khác.

Nhưng có lẽ vì thế mà những đứa trẻ cũng giấu những ý nghĩ thật của chúng và, ngay cả khi trở thành vợ thành chồng của người khác, có thể chưa bao giờ học được cách trình bày ý mình rõ ràng, bảo vệ ý mình một cách quyết liệt, học cách nổi giận và đối đầu với sự nổi giận của người khác một cách vững vàng, không sợ sệt mà cũng không quay mặt đi.

Tôi tự hỏi có phải vì những điều trên mà tôi không biết cách xử lý các xung đột trong cuộc sống với Sơn và trong cuộc sống nói chung? Tôi cũng tự hỏi, có phải Sơn, cũng như nhiều người đàn ông Việt Nam khác mà tôi biết, không được dạy cách bày tỏ ý kiến nào khác ngoài việc dùng đến sự giận dữ, chỉ trích khi mọi chuyện không theo ý mình bởi vì văn hóa Việt Nam có một khung quá hẹp, gần như khắc khổ đến mức tự lạm dụng, cho sự bày tỏ nam tính? Tôi muốn rà soát lại tất cả, xem tôi có thể đã làm gì sai và còn có thể làm gì để sửa chữa.

Buổi tối, tôi nói với Sơn rằng tôi muốn thử đến nói chuyện với một chuyên gia tâm lý; nếu Sơn muốn, anh có thể đi cùng tôi. Sơn nói tôi cứ đi trước; có thể anh sẽ đi cùng(2).

.

Chương 14

 
Đầu tháng Tư, trời lạnh trở lại – cơn lạnh rớt của mùa đông. Nhiệt độ xuống âm 15 độ cộng với mưa. Buổi chiều tôi đội mưa tới văn phòng bác sỹ tâm lý trong trường.

“Bác sỹ tâm lý” hóa ra là một cô gái da trắng trạc tuổi tôi – có lẽ mới tốt nghiệp chương trình tiến sỹ tâm lý. Cô ấy có đôi mắt màu hạt dẻ, tóc cũng màu hạt dẻ hơi xoăn được vấn gọn gàng ra phía sau gáy, khuôn mặt không trang điểm. Giọngcô ấy nhẹ nhàng, hơi mệt mỏi.

– Cái gì đưa chị đến đây hôm nay? – cô ấy hỏi.

Câu này tôi cũng đã được học trong các lớp lâm sàng của chương trình tiến sỹ. Nó giống như hiệu lệnh xuất phát để các thân chủ bắt đầu trình bày vấn đề.Vậy là tôi bắt đầu. Nhưng tôi không biết phải nói thế nào khi đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với một nhà tâm lý. Và vì có cái gì đó trong mắt cô ấy…

– À thì hôm nay tôi đến đây bởi vì tôi có vài vấn đề mà tôi muốn nói chuyện với một ai đó… tức là một chuyên gia. Như là tôi cảm thấy rất giận dữ ở bên trong… Tức là, chị thấy đấy, tôi đang chuẩn bị ly dị… và tôi muốn hiểu thêm một chút về nó. Tôi cũng không biết nữa, tôi không biết chắc là tôi có muốn ly dị không, bởi vì là tôi thấy không thể sống cùng chồng tôi nữa, nhưng mà tôi lại cũng không tưởng tượng được là không sống cùng anh ấy… tôi không hiểu tôi muốn ly dị là vì tôi quá mệt với cái bằng tiến sỹ này nay là cái gì khác… tóm lại là, chị thấy đấy, tôi muốn nói chuyện với một chuyên gia để hiểu hơn… Đấy là lí do tôi đến đây…

Cô ấy vẫn nhìn thẳng vào tôi một cách trống rỗng – như thể những lời của tôi chỉ đi xuyên qua cô ấy. Có vẻ cô ấy mới bắt đầu sự nghiệp tư vấn tâm lý và vẫn chưa cáng đáng nổi cả một ngày dài lắng nghe chuyện buồn của khách hàng. Cuối cùng cô ấy chớp chớp mắt, nói:

– Tức là chị vẫn hy vọng có thể hòa giải và cứu vãn hôn nhân bằng cách đến gặp bác sỹ trị liệu?

– À, tức là…

Tôi cố gắng giải thích trong lúc cô ấy tiếp tục nhìn xuyên qua tôi. Thực sự, tôi cũng không biết phải nói thế nào về mớ bòng bong trong đầu tôi. Khi tôi ngừng lại, cô ấy nói đã năm giờ rồi, văn phòng phải đóng cửa. Vậy là chúng tôi kết thúc.Cô ấy hỏi tôi có muốn đặt hẹn trở lại vào tuần tới không; tôi nói tôi sẽ suy nghĩ rồi đặt hẹn qua mạng.

Trước khi đến đây, tôi đã chắc chắn mình sẽ khóc như mưa trong văn phòng này; nhưng tôi đến, chờ, và không hề có một giọt nước mắt. Tôi thậm chí còn cười được trong lúc kể chuyện. Không hiểu tôi đã cạn cảm xúc hay là tôi chỉ không thể khóc trước mặt cô bác sỹ tâm lý có đôi mắt mệt mỏi này.

Tôi biết tôi đã không nói thật với cô ấy. Ngồi đối diện cô ấy, tôi có cảm giác như mình phải có một câu chuyện logic và có nghĩa, phải có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi “Vì sao?”. Nhưng tôi không có câu trả lời vào lúc này. Càng cố nói thì lại càng không phải sự thật. Càng cố tạo ra một câu chuyện có nghĩa, có đầu có cuối rõ ràng, tôi càng có cảm giác như mình đang thanh minh.

Thanh minh với ai? Cô ấy không biết tôi và cô ấy có nghĩa vụ giữ kín tất cả những gì tôi nói với cô ấy? Vậy thì tôi chỉ đang thanh minh với mình về quyết định của mình?

Ở văn phòng ra, tôi lái xe về gần nhà nhưng không muốn vào. Tôi đậu xe ở góc đường 55 với Lakeshore rồi ngồi trong xe nhìn ra bên ngoài. Trời nắng nhạt. Hoàng hôn sắp xuống trên hồ Michigan. Nước mắt tôi lại dâng lên, ngân ngấn mi mắt.

Một cái gì giống như sự cám dỗ đã hình hành trong lúc tôi cố gắng trả lời câu hỏi “Vì sao?” ở văn phòng tư vấn. Nó là cám dỗ bao biện, giải thoát bản thân khỏi những câu hỏi quá khó, vượt quá sức chịu đựng. Nó cũng là cám dỗ đổ lỗi cho người khác để cắt nghĩa những vùng xám dày đặc và làm nhẹ bớt gánh nặng mà tôi đang cảm thấy trong tim. Tôi nhìn thấy bóng dáng của chúng vẫy gọi, lẩn quất; chỉ cần tôi đi theo chúng thì cuộc sống có lẽ sẽ dễ thở hơn một chút vào lúc này nhưng về lâu về dài sẽ khó hơn nhiều.

Tôi ngồi trong ô tô rất lâu rồi mới về nhà. Khi bước vào cửa, tôi nghe Sơn đang nói chuyện trên điện thoại.

– Được, các anh chỉ cần thông báo ngày chính thức.

Sau khi bỏ máy, Sơn nói với tôi:

– Có một bọn vừa tuyển anh. Tuần sau anh sẽ đi.

This is too much! Tôi nằm xuống, quay mặt vào tường, nước mắt bắt đầu chảy. Tôi khóc nhưng không ra tiếng rồi thiếp đi. Khi tôi tỉnh dậy, đầu tôi đau như sắp vỡ. Tôi nhờ Sơn bôi dầu vào thái dương nhưng anh làm dầu rớt vào mắt tôi bỏng rát. Tôi đi vào nhà tắm rửa mắt; nước mắt lại tuôn ra như suối.

Such shit! Such shit!

*

.

Tôi không nhớ lắmvề những ngày ngay sau đó – tôi đoán chúng chỉ là một chuỗi giống nhau của những ngày đầy hoang mang và rối như bòng bong. Một tuần sau cuộc gặp đầu tiên với cô bác sỹ tâm lý trẻ, tôi đặt hẹn với văn phòng tư vấn tâm lý khác của trường.

Trời hôm nay cũng mưa nhưng không quá lạnh. Trong phòng chờ, bóng điện tỏa một màu vàng ấm và lò sưởi tí tách cháy. Đã có năm sinh viên đang chờ, hai nữ và ba nam. Một cô gái trông có vẻ là người Trung Quốc ngồi nép vào góc phòng, cúi đầu đọc tạp chí. Những người khác cũng vậy. Khi tôi bước vào, không ai ngẩng lên. Tôi bỏ ô xuống cạnh lò sưởi rồi cũng nhặt một tờ The New Yorker lên đọc.

Người làm việc với tôi sáng nay là Cynthia – một bác sỹ trị liệu Mỹ gốc Á. Bà có vóc người to cao, khoảng ngoài 50. Bà dẫn tôi vào phòng, khép cửa lại rồi bảo tôi ngồi đâu tùy thích. Văn phòng của bà nhỏ nhưng ấm cúng và cũng được sơn màu ấm với vài cái cây. Một giá sách lớn chạy bao quanh tường, bàn làm việc và hai ghế bành lớn có đệm. Tôi ngồi xuống một ghế, Cynthia ngồi xuống ghế kia.

– Tôi đã đọc hồ sơ của cô – bà nói chậm rãi – Cô nói cô muốn đến vì việc gia đình. Hãy kể cho tôi nghe chuyện gì đang xảy ra?

– Tôi đang làm thủ tục ly dị. Nhưng tôi muốn hiểu rõ quyết định của mình và về một số việc trong hôn nhân của tôi.

– Chồng cô có biết lí do vì sao cô muốn ly dị không?

– Tôi không chắc lắm. Tôi nghĩ là anh ấy biết nhưng tôi không chắc lắm. Nhiều khi tôi không thể nào làm cho anh ấy hiểu tôi cả.

Nước mắt tôi bắt đầu trào ra. Cynthia chỉ lặng yên nhìn tôi. Bà chờ tôi lấy khăn giấy lau nước mắt.

– Bao lâu nay, tôi luôn trách mình, tôi nghĩ tôi là người tồi tệ vì đã không chịu bằng lòng thỏa mãn với hôn nhân. Tôi nghĩ tại tôi đòi hỏi quá, tôi phức tạp, tôi cứ quan trọng hóa mọi sự. Bao nhiêu người phụ nữ ở ngoài kia còn gặp những chuyện phức tạp hơn mà họ có bao giờ nghĩ đến ly dị nhưng quả thực tôi không thể sống tiếp như thế này. Tôi cảm thấy mình đã gồng lên quá lâu để không bị tổn thương.Nhưng tôi cũng không thể cứ thế này ra đi. Bề ngoài thì chúng tôi rất bình tĩnh, như chẳng có chuyện gì xảy ra và tôi biết tôi có thể cứ bình tĩnh thế này, nhưng nếu tôi không hiểu thì chắc là sau này tôi sẽ còn bị dằn vặt.

Cynthia nói cảm giác có lỗi và hoang mang này rất phổ biến ở phụ nữ trong quá trình ly hôn, nhất là nếu họ là người đề nghị ly hôn. Bà nói rằng về mặt tâm lý, trong quá trình ly hôn, có một bên được gọi là bên chủ động và một bên bị động. Bên chủ động thường là người đề nghị ly hôn, đưa đơn; bên bị động là bên bị đề nghị ly hôn. Nhìn chung, bên chủ động thường có cảm giác mắc lỗi, sợ hãi, và khó ra quyết định; còn bên bị động thì cảm thấy giận dữ, tổn thương. Điều này là vì, với bên bị động, cho đến tận lúc ra tòa, họ vẫn còn có thể bám vào niềm tin rằng mọi chuyện sẽ thay đổi vào phút cuối, nên họ có thể chậm hơn trong việc ý thức về sự chấm dứt thực sự của hôn nhân, do đó họ kinh nghiệm giai đoạn giận dữ, đau khổ, chấp nhận, phục hồi chậm hơn và có thể cũng lâu hơn. Bên chủ động có thể được coi là có tâm lý chuẩn bị dài hơn nhưng cũng chính vì họ chủ động và coi như để ngỏ khả năng từ bỏ quyết định ly hôn vào bất cứ lúc nào khi đối mặt với những khó khăn tâm lý thực tế từ lúc đặt vấn đề cho tới lúc ra tòa nên về cơ bản, họ cũng khó khăn như bên bị động.

– Cô đã bao giờ nói những cảm giác của cô với chồng không?

Tôi giải thích với Cynthia rằng ngày xưa tôi còn cố gắng nhưng lâu dần, tôi đã từ bỏ hy vọng có thể giải thích cho Sơn hiểu cảm giác của tôi. Tôi không biết vì tôi không biết nói hay vì anh không thể nghe. Cynthia hỏi tôi về gia đình tôi; rồi lại hỏi về gia đình Sơn. Tôi nói với Cynthia rằng tôi không biết nhiều về gia đình Sơn. Chúng tôi gặp nhau bên này, lấy nhau bên này; cả hai đều không có nhu cầu tìm hiểu về quá khứ và xuất thân của nhau. Cynthia nói:

– Tôi phải hỏi cô những điều này để hiểu kỹ.Tôi rất thường xuyên gặp những người đến tư vấn vì không thể giao tiếp với chồng, với vợ hay người yêu của họ; chồng hay vợ họ thường nổi giận rất thất thường và có thể coi họ như kẻ thù lúc nổi giận. Điều này xảy ra cả ở nam lẫn nữ, mặc dù nam nhiều hơn nữ. Nó có thể chỉ là chuyện người ta không được dạy kỹ năng bày tỏ bản thân nên không biết cách bày tỏ nào khác ngoài nổi giận. Nhưng cũng có khi thì đấy là biểu hiện của những sang chấn tâm lý sâu xa hơn. Thường thì những người có tâm lý chống lại thế giới và lập tức coi người trái ý họ là kẻ thù là những người mà từ nhỏ đã chịu áp lực lớn từ những người thân, nhất là bố mẹ. Hoặc khi một người đàn ông lớn lên trong một gia đình mà cha là một người cũng ác khẩu và đã hay chỉ trích, phê phán anh ta từ bé, thì anh ta có nhiều khả năng cũng lặp lại điều đó. Nó là cơ chế tự vệ, mà lâu dần có thể trở thành những ẩn ức.
Rồi Cynthia hỏi:

– Chuyện ly hôn này, chồng cô có muốn hòa giải không? Cô có muốn hòa giải không?

Tôi không nói tiếp được vì nước mắt lại tuôn ra. Và vì đây là câu hỏi mà tôi cũng không biết phải trả lời thế nào.

– Tôi không biết nữa. Tôi cảm thấy quá mệt rồi. Tôi vừa muốn hòa giải lại vừa sợ phải tiếp tục ba mươi năm nữa như thế này.

Tôi kể cho Cynthia về cuộc sống những năm qua. Chúng tôi đã di chuyển bờ Đông, bờ Tây nước Mỹ hai lần trong lúc tôi vẫn phải hoàn thành chương trình tiến sỹ. Tôi không chắc tôi đủ sức để tiếp tục.

– Khi nào cô tốt nghiệp?

– Tháng Tám này.

Cynthia ngồi thẳng người lên, nhìn thẳng vào tôi.

– That’s extraordinary. Extraordinary! – bà nhấn mạnh và chờ để tôi cảm nhận được điều đó – Có lẽ cô không thấy hết được điều đó tuyệt vời thế nào đâu nhưng thực sự là như vậy. Nếu cô có thể làm xong chương trình tiến sỹ ở đây trong bẩy năm, trong lúc phải chuyển nhà và đối mặt với một cuộc hôn nhân như vậy thì quả là extraordinary.

– Cảm ơn bà.…

– Không không – Cynthia nói chậm rãi, nhìn thẳng vào tôi – Hãy nghe tôi nói này. Tôi biết rất nhiều người ở trường này, họ có tiền, họ có hôn nhân hạnh phúc, họ chẳng có vấn đề gì cả, và họ vẫn không thể nào làm xong chương trình tiến sỹ, có người mười năm chưa xong, thậm chí mười lăm năm, đại học Chicago mà, cô biết đấy… Để tôi nói với cô điều này: nếu cô có thể hoàn thành chương trình tiến sỹ ở đây trong bẩy năm, giữa tất cả những di chuyển và căng thẳng đó, thì không có gì cô không thể làm trên đời. Cô phải tin vào điều đó. Không có gì mà cô không thể làm trên đời.

Bà ấy nhìn tôi bằng cái nhìn vừa trìu mến vừa đau lòng của một người mẹ thấy đứa con gái hoàn toàn mất hướng.  

– Đấy cũng là một lí do khiến tôi quyết định phải ly dị. Bởi vì tôi cảm thấy tôi đã đánh mất mình trong những năm qua. Tôi tích tụ bao nhiêu là buồn rầu và giận dữ. Trước đây, tôi là người lạc quan vui vẻ nhưng lâu nay, tôi cứ rút dần vào trong, tôi không muốn nói chuyện với ai, giờ tôi chỉ giữ tất cả trong đầu; và tôi bắt đầu hay đau đầu. Tôi cứ sợ tất cả những gì tôi nói ra sẽ chỉ cho người khác thêm vũ khí để làm tôi đau; họ sẽ dùng những điều tôi nói để làm tổn thương tôi.

– Đấy là vì cô đã mất niềm tin. Khi người ta không thể tin tưởng người thân nhất với mình, người ta dễ mất niềm tin vào người khác. Cô chỉ tự vệ thôi. Đấy là cơ chế tâm lý bình thường. Những cơn đau đầu của cô, chúng tôi gọi là tension headache. Tinh thần ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất trực tiếp. Khi người ta sống liên tục trong căng thẳng và sợ hãi hoặc bồn chồn, thì người ta có thể bị đau lưng, đau đầu, chán ăn, ngủ không ngon… Cô có đau lưng, mất ngủ không?

– Có, tôi thường đau lưng lắm.

– Cô có uống thuốc gì khi đau đầu không?

– Không, tôi chỉ đi ngủ thôi.

– Có đỡ không?

– Cũng tùy lúc. Bây giờ, giấc ngủ của tôi rất tệ. Nhiều khi phải rất lâu tôi mới có thể ngủ được bởi vì, bà biết đấy, tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi… rồi tôi ngủ thiếp đi vì mệt. Khi tôi vừa mới tỉnh, đầu óc tôi sạch sẽ được một chút, và lúc đó thì tôi thấy hạnh phúc và bình tĩnh, nhưng rồi chỉ được một chút, những lo lắng cũ lại trở lại…

– Cô lo lắng về chuyện gì?

– Tất cả mọi thứ – tôi vừa khóc vừa bật cười.

– Ừ, mọi thứ. Là những thứ gì?

Tôi nói tôi lo lắng về chuyện hôn nhân. Tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ gặp được ai yêu tôi; tôi nghĩ là tôi không bình thường và sẽ không có ai yêu tôi. Rồi tôi lo lắng về chương trình tiến sỹ này, về những thay đổi sẽ đến, tôi không biết tương lai sẽ thế nào, tôi không biết sẽ phải trở lại cuộc sống độc thân như thế nào, tôi không hình dung được cuộc sống không có Sơn, rồi tôi lo lắng không biết chuyện ly dị này sẽ ảnh hưởng tới tôi ra sao, tôi không biết có thể sống một mình hay không, tôi đã quá quen với việc là một người có chồng…

– Hãy kiên nhẫn – Cynthia nói – Khi những bước ngoặt như thế này xảy ra, thì bao giờ cũng cần một thời gian lo lắng. Cố gắng kiên nhẫn và bám chặt một chút. Bám chặt vào, chỉ một chút nữa thôi… mọi việc sắp qua rồi, tôi hứa với cô đấy. Sắp qua rồi. Sắp qua hết rồi. Tôi hứa với cô đấy.

.

*

Các chú thích

(1 )
Theo một số nghiên cứu tại Mỹ, nguy cơ tự tử ở người ly hôn cao gấp 3 lần người đang kết hôn. Thậm chí, ở hầu hết các thành phố lớn tại Mỹ, ly hôn là nhân tố có liên hệ hàng đầu với tự tử, hơn cả các nhân tố về sức khỏe thể chất, tài chính, hay tâm lý khác. Nghiên cứu ở 13 nước châu Âu của Tổ chức y tế thế giới cũng kết luận rằng ly hôn là nhân tố duy nhất có liên hệ với tự tử ở tất cả 13 nước. Mặc dù cả đàn ông lẫn phụ nữ đều nghĩ tới tự tử trong và ngay sau khi ly hôn, phụ nữ thường chỉ dừng lại ở ý nghĩ hoặc thử tự tử không thành (do nghĩ đến con cái) còn đàn ông có tỷ lệ tự tử thành công cao hơn và cũng cao hơn nhiều so với đàn ông không ly hôn. Các nhà khoa học cho rằng ly hôn khiến cho phần lớn đời sống xã hội thông thường của đàn ông (quan hệ bạn bè, gia đình, làng xóm vốn do người vợ thiết lập và duy trì) bị gián đoạn hoặc biến mất, khiến cho đàn ông dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, cô đơn, và đưa đến tự tử. Tại Mỹ, hầu hết con cái sau ly hôn sống với mẹ nên người đàn ông vừa có cảm giác “mất con” lại vừa phải trả một phần lớn thu nhập cho phụ cấp nuôi con; điều này khiến họ cảm thấy cùng đường.

(2)
Cố gắng cứu vãn là một giai đoạn mà hầu hết những người ly dị phải trải qua. Nó bắt nguồn từ tình nghĩa, từ thói quen chung sống, và cả sự sợ hãi – một tình cảm chủ đạo và tất yếu khác của ly dị. Về nhiều khía cạnh, người ly dị cũng có sự sợ hãi giống nỗi sợ chết của người già hoặc người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV/AIDS. Tất cả họ thường trải qua năm giai đoạn cảm xúc cơ bản – mặc dù thứ tự các cảm xúc ở mỗi người có thể khác nhau. Đầu tiên họ sẽ không chấp nhận rằng việc đó sẽ xảy ra (không tin mình sẽ ly dị, không tin mình ung thư, không tin mình sẽ chết); sau đó, họ bắt đầu giận dữ (giận người bạn đời gây ra đau khổ cho mình, giận Chúa giáng họa cho mình; giận bản thân); tiếp đến, họ sẽ bắt đầu mặc cả, thỏa thuận, thương lượng với bạn đời hoặc với số phận (tôi sẽ thay đổi nếu tôi khỏi bệnh, nếu tôi có thể sống thêm hai năm nữa, nếu chúng ta hàn gắn). Khi những thương lượng tỏ ra vô ích, họ sẽ chuyển sang giai đoạn đau khổ, sợ hãi, tuyệt vọng, hoang mang và nhiều cảm xúc khác (có người cự tuyệt uống thuốc, xạ trị, có người trầm cảm, tự tử…). Cuối cùng, họ sẽ đi đến chỗ chấp nhận sự thật rằng mình sẽ ly dị, sẽ chết… Chỉ khi bắt đầu chấp nhận, họ mới bắt đầu quá trình hàn gắn và bình phục. Trong ly hôn, đường đi đến chấp nhận, hàn gắn, và bình phục có thể mất nhiều năm, với nhiều ngã rẽ. Có người thậm chí không bao giờ đi đến đó. Họ vĩnh viễn ở lại trong trạng thái giận dữ, hoặc sợ hãi, hoặc tuyệt vọng. Những người này sẽ chật vật trong cuộc sống sau hôn nhân; họ có thể trở thành những người bi quan, yếm thế, hoài nghi, dễ nổi giận, thậm chí có thể bị trầm cảm kinh niên. Kể cả nếu họ lập gia đình lại, những vết thương cũ chưa giải quyết sẽ ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân mới và họ có khả năng sẽ không hạnh phúc. Để đi đến chấp nhận, hàn gắn, và bình phục thì một việc cơ bản là tìm hiểu một cách khách quan, thấu đáo và độ lượng về mình, về người bạn đời, và về cuộc hôn nhân đã qua. Đấy là một bài tập không phải ai cũng có kiên nhẫn hay can đảm để hoàn thành, dù nó là bài tập tối quan trọng.

* Nói thêm:
Các nghiên cứu đã chỉ ra, đối với phụ nữ trải qua ly hôn khi đã lớn tuổi,những trăn trở cảm xúc lớn nhất là băn khoăn không biết cuộc sống tiếp theo của mình sẽ ra sao (40%); tiếp đến là cảm giác cô đơn, cảm giác bị lừa dối, bỏ rơi (25%), cảm giác mình thất bại (23%), cảm thấy mình không đáng yêu và không có ai yêu mình (22%), và cảm giác lỗi nhịp với cuộc sống (20%). Họ cũng có cảm giác sợ hãi với rất nhiều thứ: sợ sẽ cô đơn suốt đời (45%), sợ sẽ tiếp tục thất bại (31%), sợ sẽ không đảm bảo được tài chính (28%), sợ sẽ không bao giờ kết hôn lại (24%), sợ sẽ trở nên trầm cảm, buồn cầu, giận dữ triền miên (20%), sợ không được gặp con thường xuyên như trước (14%). Tuy thế, 76% phụ nữ vẫn tin rằng mình đã quyết định đúng khi ly hôn. Theo họ, 5 lợi ích lớn nhất của ly hôn là: có tự do và tự chủ để làm những việc mình muốn (41%), có tư cách độc lập, biết rõ mình là ai (36%), có thể làm những việc cho cá nhân mình, làm cuộc sống cá nhân phong phú hơn (35%), không cần phải giải trình, thanh minh với một người khác (31%), và tình hình tài chính cá nhân tốt hơn (22%). Giữa hai giới, phụ nữ thường đánh giá cao tự do và tư cách độc lập của mình sau ly hôn hơn nam giới. Khi được yêu cầu chấm điểm trên thang điểm 10 về chất lượng cuộc sống hiện tại sau ly hôn, 56% chấm 8 đến 10 điểm, 24% cho 6-7 điểm, 13% cho 4-5 điểm và chỉ có 7% chấm cuộc sống của mình 1-3 điểm.

Ý kiến - Thảo luận

1:49 Wednesday,14.1.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Nhật ký tỉ mỉ có phân tích cảm xúc theo lối khoa học. Có ích cho bạn nữ nào rơi vào trường hợp ấy, đọc không phải học được kinh nghiệm gì, mà có thể đối chiếu để tìm giải pháp riêng/ Cảm ơn tác giả mặc dù tôi không là phụ nữ.
Hừm hừm, đây là trường hợp người Việt lấy người Việt rồi qua bển rồi được rồi mất rồi lại được... Mình hơi liên t
...xem tiếp
1:49 Wednesday,14.1.2015 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
Nhật ký tỉ mỉ có phân tích cảm xúc theo lối khoa học. Có ích cho bạn nữ nào rơi vào trường hợp ấy, đọc không phải học được kinh nghiệm gì, mà có thể đối chiếu để tìm giải pháp riêng/ Cảm ơn tác giả mặc dù tôi không là phụ nữ.
Hừm hừm, đây là trường hợp người Việt lấy người Việt rồi qua bển rồi được rồi mất rồi lại được... Mình hơi liên tưởng vơ vít tí là nếu nhân vật chính trải nghiệm này nếu có đi bước nữa với người Âu - Mỹ chắc thêm vài tập truyền kỳ hiện thực. Hic (xin lỗi tác giả). Thế là huề! 
7:15 Monday,12.1.2015 Đăng bởi:  Sương

Tôi đọc hai chương này của Phan Việt xong là có quyết tâm phải ra Đinh Lễ thửa ngay "Xuyên Mỹ" về đọc cho hết.
Phan Việt rõ ràng đã có một sự lựa chọn vì người đọc chứ không vì bản thân cô nên đã dùng hình thức này. Cô hoàn toàn chỉ cần điểm xuyết thêm chút văn chương, nhấn nhá lâu hơn ở những lúc đau buồn (do chồng nhỏ dầu vào mắt chẳng hạn), v
...xem tiếp

7:15 Monday,12.1.2015 Đăng bởi:  Sương

Tôi đọc hai chương này của Phan Việt xong là có quyết tâm phải ra Đinh Lễ thửa ngay "Xuyên Mỹ" về đọc cho hết.
Phan Việt rõ ràng đã có một sự lựa chọn vì người đọc chứ không vì bản thân cô nên đã dùng hình thức này. Cô hoàn toàn chỉ cần điểm xuyết thêm chút văn chương, nhấn nhá lâu hơn ở những lúc đau buồn (do chồng nhỏ dầu vào mắt chẳng hạn), viết ngắn hơn ở những đoạn phân tích lý do đưa đẩy tâm lý phụ nữ v.v... là đã thành văn chương. Nhưng Phan Việt không cần làm văn trong trường hợp này. Cô đi rất nhanh qua những đoạn cảm xúc mà thông thường các nhà văn sẽ bám vào như những điểm đắt giá. Cô khai thác cặn kẽ và rành mạch những đoạn đối thoại của bạn đồng nghiệp, của chuyên gia, và cả suy nghĩ chưa có lối thoát của bản thân, để người đọc nào quan tâm tới vấn đề ly hôn (chứ không phải quan tâm tới văn chương) có thể tìm thấy những thông tin chân thực (và có thể là cần thiết).
Không phải nhà văn nào cũng có ý thức được như Phan Việt: ghi lại những khó khăn mà bản thân mình phải trải qua một cách đủ chữ đủ thông tin nhất.
Nhưng Phan Việt vẫn không giấu được mình là nhà văn. Chỉ cần chấm phá mấy nét đơn giản thôi cũng đủ làm người đọc hình dung ra bối cảnh, hoàn cảnh. Đặc biệt hay là đoạn cái cô chuyên viên tư vấn tre trẻ đầu tiên, cứ gờn gợn rằng cô ta là một người có kỳ thị dân châu Á.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả