“Một trong những truyện hay nhất của Andersen mà tôi thích và nhớ đến mức ám ảnh từ hồi bé là truyện ‘Cái bóng.’ Lúc đó, tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ và chưa hiểu được ý nghĩa ‘cổ tích khác’ của người lớn. Ai rồi cũng phải lớn lên, va vấp và gục ngã, rồi đứng dậy. Và rồi theo sự lớn lên ấy, cái bóng của chúng ta cũng to dần. Cái bóng ẩn dụ ấy là danh tiếng, là dục vọng hóa thân, là những gì hiện thân của tiếng nói và việc làm của chúng ta. Nó phình ra rõ rệt trên mặt đất, trong không gian, trong tâm tưởng người khác, trong khi cơ thể sinh học của chúng ta, theo thời gian tất yếu, là yếu đuối, bé nhỏ, còm cõi đi và sẽ đến lúc nào đó tiêu tan. Chỉ cái bóng là còn lại.
“Khi hiểu ra mọi sự của đời sống, tôi đọc lại truyện ‘Cái bóng’ của Andersen, hiểu ra câu ngạn ngữ mà từ truyện ngắn ấy, người ta hay nói, đại khái rằng: Con người này đã trở thành cái bóng của chính mình. Tôi bỏ qua được nỗi ám ảnh hồi bé, nhưng một nỗi ám ảnh kinh hoàng khác lại đến với tôi khi nhận ra được nhiều chiều ý nghĩa của những triết lý nhân sinh ẩn dụ trong câu chuyện…” (Theo Vietnam+)
Mời các bạn đến l’Espace, 24 Tràng Tiền, để xem Cái bóng nghiêng bằng composite của Trần Đức Quỷ. Và trước khi đi xem, để khỏi thắc mắc sao lại gọi Quỷ là… Quỷ, các bạn đọc bài này của Vũ Lâm nhé.