Gẫm & Bình

Tường thuật XÀ BẦN (phần 2) 06. 10. 10 - 11:56 pm

N.T.U

 (Tiếp theo phần 1)

Khiêm tốn chiếm một không gian nhỏ trong góc phòng là trưng bày “Hàng rong” của thi sỹ Bỉm - một nhà thiết kế đồ họa với ước mơ "Thích sống ở thảo nguyên hoang vắng mà vẫn có máy tính nối mạng chạy bằng năng lượng mặt trời." Trong dự án Xà Bần này, Bỉm (mặc áo xanh) chỉ mang theo một cuốn tiểu thuyết, bán theo cách của hàng rong, giá 50.000đ, với khuyến mãi là một ký họa chân dung của khách hàng lên bìa sách. Trong ảnh, một vị khách đang xem xét bản thảo tiểu thuyết (chứ không phải tập thơ) của thi sĩ.

A, khách đã mua rồi. Thi sĩ Bỉm vẽ chân dung khách lên bìa cuốn sách. Nhưng hình như anh đang nhìn đi đâu?

Đi cùng Bỉm (cũng là một phần của tiết mục?), một bạn trẻ ngồi vẽ ngay tại nơi bán bản thảo.

Cạnh đấy là một chiếc xe đạp chở nặng phía sau là những cuốn sách thơ, với một tấm bìa ghi “Bán tình huống viết cuộc đời tôi”. Đây chính là tác phẩm “Chạy Gạo” của thi sỹ Thúy Quỳnh, tác giả của bản thảo “Chả Sất, cuộc rượu lúc 4h” ngày nào làm bao nhiêu bác Hà Nội lo phát sốt.

Đến Xà Bần, Thúy Quỳnh bế theo con, và chủ yếu giới thiệu tác phẩm của mình. Cô viết: “Bạn có thể đặt hàng tôi viết một chữ, dòng chữ, bài báo, thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, về bản thân bạn hoặc tôi. Bạn có thể đưa cho tôi tiền hoặc đề nghị tôi đưa tiền cho bạn cho chi tiết tình huống mà bạn đặt hàng. Ở thời điểm hiện tại, bây giờ, giá tối thiểu cho mỗi tác phẩm được thỏa thuận. Bạn có thể đưa cho tôi giá tối thiểu số tiền là 500 đồng, giá tối đa mà tôi có thể đưa cho bạn là 50 ngàn đồng. Dành cho tình huống dự toán thời gian xa hơn hiện tại cho tác phẩm đặt hàng là 3 năm: giá tối thiểu mà bạn đưa cho tôi là 500 đồng, giá tối đa mà tôi đưa cho bạn là 5 triệu đồng. Tôi đi bán văn chương, thứ không chuyển động (hay chuyển động quá chậm); thứ đôi khi rất trần và rất rẻ."

Quá nhiều người bán hàng, người viết nhận thấy thế, khiến căn phòng như một lớp mẫu giáo lớn vui vẻ với các "bé" chơi đồ hàng. Tác phẩm “Thật - giả thật” là một gánh hàng rong thật, một đầu gánh chứa những món hàng bình dị như: trứng cúc, bánh ú, các loại trái cây; tất cả là thật. Một gánh còn lại chứa những bức tranh vẽ các món hàng của gánh kia; tất cả là giả.

Nghệ sĩ thị giác Mai Anh giới thiệu tác phẩm: “Lúc còn bé, khi nhìn mẹ buôn bán gánh hàng ăn lặt vặt trước nhà thì trong mắt đứa bé như tôi chưa nghĩ được đến sự vất vả của mẹ, tôi lại là bé gái thích chơi bán đồ hàng Tôi đem một phần ký ức của mình vào tác phẩm. Tôi đặt những món hàng ăn vặt “thật” cạnh những món “giả thật”. Tôi muốn khơi gợi kí ức tuổi thơ trong mỗi người xem – đó là quá khứ. Và hiện tại, khi trưởng thành, cuộc sống làm cho mỗi con người có những điều rất thật và những điều chỉ giả thật”. Đồng ý, đồng ý, rồi sao nữa? Nếu conceptual art chỉ mộc mạc vậy, sáng hôm sau mở mắt ra ta có thể có bao nhiêu conceptual artist rồi? Tuy nhiên, với con "mắt thịt" của "người trần", tôi vẫn quý trọng cách chăm chút cho tác phẩm của Mai Anh: gánh hàng của cô được làm rất kỹ, một sự tỉ mỉ hướng tới "đẹp", hoàn toàn không cố tình nhếch nhác như nhiều tác phẩm trong dự án này.

Đối diện là tác phẩm “Tan” của Mây. Cô diễn viên xinh đẹp tên Mây đứng bên trong một khung tường kín được dựng lên bằng những viên gạch cũ như “xà bần” cao khoảng 1 mét. Xung quanh đám xà bần cắm một số hoa lá có ý thể hiện một sức sống mãnh liệt. Mây ngây thơ, vui vẻ ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, có lúc đọc sách như không quan tâm đến tình trạng bị giam cầm của mình.

 

Sau hơn một tiếng vui vẻ đứng trong ô tường, kịch tính xuất hiện: khách đến thăm được phát mỗi người một cành hoa và yêu cầm ném vào người Mây. Cô diễn viên phải hứng chịu đòn hoa.

Không chịu đựng nữa, Mây giận dữ, phá tan đống gạch "tù ngục" quây quanh mình...

... và bỏ chạy, để lại đống đổ nát của khung tường. Đến đây thì người viết thấy rất giống không khí những buổi tập tiểu phẩm của trường sân khấu. Lại pha chút Abramovic khi để người đời hành hạ, nhưng cũng đến đây, người viết nảy ra ý nghĩ, hình như các bạn nghệ sĩ đang bám quá sát nghĩa của từ "xà bần".

Còn tác phẩm thứ 8 đâu rồi? Phải lùng cho ra... Nó ở đây, có tên “Hoa mỹ" trưng bày độc lập trong căn phòng kế bên có diện tích bằng một nửa phòng trưng bày các tác phẩm kia (sao lại có sự ưu đãi thế hè?). Tác phẩm gồm những đồ vật rất đời thường, thậm chí là được vứt đi như: lõi quấn dây điện, tờ lịch cũ, hộp sữa, khung tranh, đĩa CD, ly thủy tinh, được sắp đặt như... một bàn thờ.

Tác giả là nghệ sĩ thị giác Võ Trân Châu. Cô cũng là người đã tham dự dự án Bolero vừa qua tại Ga 0. Tuy nhiên khi về người viết thắc mắc hoài, vì sao tác phẩm của cô lại đặt riêng, tách khỏi đám tác phẩm chen chúc kia? Tách không gian có là ý đồ của cả dự án? Tiếc rằng ra đến cầu Sài Gòn người viết mới nghĩ ra câu hỏi rành mạch, không thể quay lại được mà hỏi...

Chỉ nhớ là Trân Châu đã rất mất công, cứ xem những clips chiếu ở chiếc máy tính xách tay bên dưới tác phẩm thì biết: cô phải đem những bức tranh nhỏ do mình vẽ để đổi lấy những vật mà người có ý muốn vứt đi, để đem về sử dụng trong tác phẩm... 20h, căn phòng vẫn rất đông. Khoảng 50 người, cả phóng viên, cả bạn bè, mọi người ăn snack, uống bia... Người viết tin chắc trong đầu nhiều người tham dự đang nảy ra những ý tưởng âm thầm của một cuộc triển lãm. Xét cho cùng, nếu tất cả những thứ hôm nay được gọi là một dạng nghệ thuật, thì nghệ thuật cũng đâu có gì là khó quá!

 

*

Bài liên quan:

– Tường thuật XÀ BẦN (phần 1) 
– Tường thuật XÀ BẦN (phần 2)
– Khoan cắt bê tông 

 

 

Ý kiến - Thảo luận

0:09 Friday,8.10.2010 Đăng bởi:  trantuan
Mình thích cái statement của dự án, nó đặt ra những vấn đề cần nghĩ vẫn trong tình hình đất nước đang thay đổi hàng ngày, những cái gì đáng vứt bỏ, đang bị vứt bỏ và sẽ bị vứt bỏ, mình cũng thích thái độ "nghệ thuật phi nghệ thuật" hay làm nghệt thuật một cách vui vẻ, mặc dù đó là những thái độ không mới.
Tuy nhiên mình không thích các tác phẩm này, nó
...xem tiếp
0:09 Friday,8.10.2010 Đăng bởi:  trantuan
Mình thích cái statement của dự án, nó đặt ra những vấn đề cần nghĩ vẫn trong tình hình đất nước đang thay đổi hàng ngày, những cái gì đáng vứt bỏ, đang bị vứt bỏ và sẽ bị vứt bỏ, mình cũng thích thái độ "nghệ thuật phi nghệ thuật" hay làm nghệt thuật một cách vui vẻ, mặc dù đó là những thái độ không mới.
Tuy nhiên mình không thích các tác phẩm này, nó cho thấy các bạn suy nghĩ nhiều hơn là làm việc với tác phẩm. Cái nữa là mình không thích cách các bạn tự giới thiệu về bản thân, các bạn tự gán cho mình cái mác là nghệ sĩ thị giác, thi sĩ, nhà văn v.v.... sao phải thế? Tại sao cứ phải tự nhốt mình vào một danh xưng nào đó???? Hay không phải là nghệ sĩ thì không làm được nghệ thuật à? Mình thấy các "nhà", các "sỹ" cũng có khác người bình thường mấy đâu, tự nhiên lại tự xưng như thế làm cho mình cảm thấy các bạn rất thiếu thân thiện, rất khó hòa đồng với mọi người. 
17:57 Thursday,7.10.2010 Đăng bởi:  DQ
Tôi là một người chán ghét nghệ thuật. Nhưng mà tôi thấy thế này. Bạn Ng. H. Phương Lan nói về chuyện đạo đức trong nghệ thuật thiệt là giống i chang mấy chú mấy bác việt cộng. Thứ hai, bạn nói rằng nhóm KCBT không có đạo đức, nhưng họ lại biện bạch cho tác phẩm bằng "cái tâm"? Bạn nhắc tới những người tốt bụng ở Mĩ làm này làm kia, thì tôi thấy nhóm KCBT
...xem tiếp
17:57 Thursday,7.10.2010 Đăng bởi:  DQ
Tôi là một người chán ghét nghệ thuật. Nhưng mà tôi thấy thế này. Bạn Ng. H. Phương Lan nói về chuyện đạo đức trong nghệ thuật thiệt là giống i chang mấy chú mấy bác việt cộng. Thứ hai, bạn nói rằng nhóm KCBT không có đạo đức, nhưng họ lại biện bạch cho tác phẩm bằng "cái tâm"? Bạn nhắc tới những người tốt bụng ở Mĩ làm này làm kia, thì tôi thấy nhóm KCBT cũng muốn hướng tới những vấn đề xã hội kiểu như vậy, thậm chí xoá nhoà ranh giới của nghệ thuật với các giao tế xã hội. Tiếp nữa, tôi không hiểu sao bạn lại có thể gọi nhóm này là nhóm Xà bần? Nhóm này là nhóm Khoan cắt bê tông mà, và Xà bần mới chỉ là một dự án khởi động của họ, theo như tường thuật trên SOi. ["Còn như nhóm xà bần thì tôi sợ rằng các bạn đang làm một việc có hại cho "nhân sinh": làm người ta không biết thế nào là đẹp-xấu; nghệ thuật-phi nghệ thuật nữa."] Bạn nói câu đó chứng tỏ bạn chưa đọc bài giới thiệu về nhóm KCBT và dự án Xà bần trên SOi rồi. Nữa, tôi không hiểu sao bạn phải lôi Ngô Lực hay Như Huy vào đây để tranh luận. Vì theo tôi thì cả hai người đó đều đã làm được gì cho nền nghệ thuật VN đâu. Rồi đến câu này thì tôi thực sự bó tay, tức là tôi thấy bạn như một người xem hoa bằng tàu điện ngầm, vậy mà vẫn cố thét lên một tràng ấm ức vào thinh không "Anh Như Huy muốn lật đổ những quan niệm thông thường về chức năng và quy chuẩn của mỹ thuật. Nhưng anh Như Huy làm kiểu gì cũng vẫn đẹp vẫn nghệ thuật." Tôi không hiểu sao bạn toàn nói những câu mâu thuẫn nhau. Đã "lật đổ những quan niệm" rồi mà sao lại còn "vẫn đẹp, vẫn nghệ thuật? Cứ theo như suy đoán của tôi thì là Như Huy muốn biến thành một ông trùm nghệ thuật mới, thay cho ông trùm của các hội mĩ thuật hội nhà văn... à. Tôi nghĩ bạn nên đọc lại loạt bài nói về KCBT nhé, nếu không thì thật tiếc cho một người quan tâm đến nghệ thuật như bạn, thậm chí chơi thân với nghệ sĩ như Như Huy mà lại chơi trò cưỡi tàu điện ngầm mà xem hoa.

Lần nữa, tôi rất ủng hộ các bạn trẻ làm các trò vui vẻ kiểu như KCBT hoặc vui hơn thế cũng được. Dù tác phẩm của các bạn còn rất ngây thơ, nhưng ít ra các bạn đã hoạt động rồi, tôi quý điều đó. Vì nếu các bạn ko làm, ko va chạm và tự tìm đường cho mình thì các bạn sẽ bị những người vớ vẩn và các thứ loè bịp và dắt như dắt nghé. Và cảm ơn SOi, vì SOi đang hoạt động (dù tôi chưa biết tốt hay xấu hay dở thế nào). 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

"Xà bần" gửi Ngô Lực

Nguyễn Ngọc (tức Xà bần)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả