Đi & Ở

Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết… 14. 02. 15 - 6:33 am

Đặng Thái

(Tiếp theo bài thứ nhất, thứ hai,thứ ba)

Lời mở đầu: Bà chủ nhà đã nói trước: “Anh lên trên đấy chẳng có gì mà xem đâu”, nhưng muốn hiểu sâu sắc hơn về một đất nước, một câu nói đâu thể cản bước ta đi. Bể học mênh mông, nếu để tâm quan sát thì ở đâu ta cũng thấy có điều để học hỏi. Chưa đi chưa biết Thủ đô, đi rồi mới biết…

Suva là thành phố lớn nhất Fiji và cả khu vực Nam Thái Bình Dương. Nghe thì oai nhưng tất cả chỉ khoảng một trăm nghìn người tức là xấp xỉ bằng dân số huyện Đan Phượng, Hà Nội hay huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Các chuyến bay quốc tế đều dừng lại tại Nadi – thành phố du lịch, cách Thủ đô 200 cây số, ai có tiền thì làm tiếp chuyến nội địa còn mình ra bến xe vừa được la cà dọc đường vừa tiết kiệm.

Xe chạy rất sớm khi mà bầu trời đêm vẫn còn lấp lánh bạt ngàn sao. Đúng kiểu xe từ tỉnh lên Hà Nội dành cho ai muốn đi sớm vì có việc vào buổi sáng. Sinh viên đi học, bệnh nhân đi khám, cán bộ đi họp, khoảng hai mươi người chen lên cái xe mười sáu chỗ. Ở Việt Nam đã ngán nhất cái xe này tại nó không có… chỗ duỗi chân. Ngồi thì co quắp, nhạc trẻ xập xình, ngủ gà ngủ gật chỉ mong sao cho nhanh đến nơi.

Tiền xe hết 17 đồng, mình có mỗi tờ 100 chìa ra, mà đến khổ vì không có tiền trả lại. Đi khắp một vòng đến cả cây xăng cũng không đổi được, cuối cùng nhặt hết đám tiền xu thì may quá vừa đủ. Lại nói chuyện tiền nong, sang những nước xa xôi mới biết ngoài Coca Cola thì còn Western Union không có nước nào là không có mặt. Tỉ giá Western Union là tốt nhất, 1 đô la Fiji (FJD) ăn khoảng 12.000 tiền Cụ Hồ. Fiji nghèo nhưng được thừa hưởng bộ khung tiêu chuẩn của Úc nên nhiều thứ cũng quy củ. Các đồng tiền (và cả xu) đều có chất liệu, mệnh giá, kích thước giống hệt của Úc. Mình phát hiện ra ngay lập tức một điều bất thường từ lần đầu tiên cầm tiền. Đó là có hai loại tiền khác nhau được lưu hành cùng lúc, một loại tất cả các mệnh giá đều in hình Mrs. Elizabeth Đệ nhị, một loại toàn chim chóc, ong bướm.

Tờ tiền có mệnh giá lớn nhất. Nữ hoàng đã bị thay thế bằng con ve sầu. Nhưng mà Nhà nước cũng không cấm dùng tiền Nữ hoàng hẳn, cứ mặc kệ cho dùng song song.

Chi tiết nhỏ vậy thôi nhưng đằng sau nó là cả một sự thay đổi lớn lao ở Fiji. Cuối năm 2006, Chuẩn Đô đốc Bainimarama, người đứng đầu quân đội Fiji đã tiến hành đảo chính quân sự và lên làm Thủ Tướng. Fiji chính thức trở thành một nước Cộng hòa Tổng Thống, Nữ hoàng Elizabeth II không còn là nguyên thủ quốc gia. Thế là nước Anh sửng cồ lên, mở ngay một tiệc trà chiều với hai thằng đệ Úc và New Zealand, bàn chuyện xử lý “quân phản loạn”. Fiji bị khai trừ khỏi khối Commonweath, Diễn đàn Kinh tế Thái Bình Dương, bị quy kết tội “đàn áp nhân dân”, “vi phạm nhân quyền”  và bị cắt viện trợ. Tuy nhiên Fiji là nước lớn mạnh nhất ở Nam Thái Bình Dương và điều quan trọng hơn là chính phủ mới được người dân ủng hộ nên mấy tay English vẫn chưa làm gì được. Fiji đã hứa sẽ tổ chức bầu cử từ năm 2007 nhưng mà chính quyền kiểu Fiji time nên đến tận tháng Chín năm ngoái mới bỏ phiếu và Frank Bainimarama đắc cử.

Quay lại với hành trình, từ khi biết rằng Việt Nam là một nơi xa tít tắp mù khơi đối với dân ở đây, mình quyết định tổ chức một trò đố vui nho nhỏ. Nghĩa là cứ ai hỏi mình người nước nào thì không trả lời mà cho đoán. Phải trên dưới năm chục người thi thố trong suốt chuyến đi mà không ai đoán trúng, có ông tự nhận là hướng dẫn viên du lịch cho rất nhiều khách quốc tế, chấp đến 10 lượt mà vẫn thua (chả biết nên vui hay nên buồn). Tuy nhiên điều đáng nói ở đây có một chi tiết rất đặc biệt: câu đầu tiên ai cũng nói mình là người Nhật. Mình thấy lạ, tối về tra cứu xem hay là ngày xưa Nhật Bản đã đánh chiếm đến tận đây nhưng không phải. Sau rồi mới có người giải thích cho mình hiện tượng lý thú này. Người Nhật đến đây rất nhiều nhưng phần đông mục đích lại không phải là đi du lịch, bán ôtô hay làm đường. Câu trả lời rất bất ngờ: đi du học.

Cô bạn mới quen trên xe lên Suva đi học đại học. Đại học Nam Thái Bình Dương là trường duy nhất ở khu vực này có bằng cấp được công nhận quốc tế (vẫn hơn Việt Nam không có trường nào). Rất nhiều sinh viên từ các nước đến đây theo học.

Câu hỏi đặt ra là một nước nghèo như Fiji thì có gì để học? Có chứ: tiếng Anh. Người Nhật giỏi nhiều thứ nhưng dốt nhất là ngoại ngữ, tiêu biểu là tiếng Anh. Người Fiji thừa hưởng một thứ tiếng Anh rất chuẩn, giọng không hề “nặng” như dân Úc và New Zealand. Chi phí ăn học tại đây lại rẻ hơn ở hai nước “tư bản anh em” kia nhiều. Người Nhật đưa con sang đây khi còn đang học cấp ba, khoảng 15, 16 tuổi để học ở các trường song ngữ Anh-Nhật, khóa học dài khoảng 3-6 tháng. Các thanh niên được gửi vào sống với các gia đình người bản địa, vừa đi học vừa có môi trường thực hành. Hết khóa học, sinh viên người Nhật có thể nói thêm ít nhất hai thứ tiếng: English và Fijan, ai mà được gửi vào nhà gốc Ấn thì biết thêm tiếng Hindi, ai mà chăm chỉ thì còn thêm được tiếng Tàu nữa, đúng là một công dăm ba việc. Giờ mới biết thế nào là tiết kiệm kiểu Nhật.

Đến Thủ đô thì đương nhiên phải tham quan những tòa nhà làm việc của chính quyền. Một loạt các bộ ban ngành nằm một bên con đường chạy dọc bờ biển, phía bên kia là hàng dừa xanh, thỉnh thoảng có treo biển cảnh báo sóng thần. Các tòa nhà để lại từ thời thuộc địa cũ kĩ, rêu phong và thuần phong cách kiến trúc Anh: đá hoặc bê tông xám xịt, to, cứng và vuông chằn chặn. Có người nói: cứ thuộc địa Anh thì sau này giàu, cứ thuộc địa Pháp thì mãi mãi nghèo. Fiji chưa giàu nhưng với tư duy và thể chế kiểu Anh thì ít nhất đất nước cũng không lộn xộn và có chút hi vọng.

Phủ Toàn quyền Anh cũ nay là phủ Tổng thống. Union Jack – cờ Anh trên góc trái quốc kỳ các nước thuộc địa cũ – vẫn phấp phới bay, hiên ngang ngự trị trên quốc kỳ Fiji màu xanh da trời.

Phủ Tổng thống có thể cho phép vào tham quan nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chánh văn phòng Tổng Thống. Xin giấy phép mất một ngày, mình không đủ thời gian nên đành ngậm ngùi ra về. Tuy nhiên phải nói là rất ấn tượng với đội ngũ cảnh binh ở đây. Các anh lính đội mũ nồi đen, cao trên mét tám, súng ống đầy đủ nhưng khi mình hỏi có được vào tham quan không thì các anh ấy cũng hơi ngạc nhiên, không rõ có được hay không và chỉ dẫn rất tận tình đường đi đến văn phòng. Riêng anh mặc lễ phục ở giữa cổng chính thì phải đứng im như phỗng, có điều được chụp ảnh thoải mái. Từ ngoài bờ rào chĩa máy ảnh vào chụp Phủ Tổng Thống cũng vô tư. Tự dưng nghĩ về Ba Đình nhà mình, hỏi anh gác Phủ Chủ Tịch vào tham quan thì xùy xùy như đuổi ruồi, chụp ảnh với anh cảnh vệ Lăng: lắc đầu lạnh lùng, Phủ Thủ Tướng thì quây tôn kín mít, treo luôn biển cấm chụp ảnh cho đỡ mất công trả lời.

Chụp cùng anh cảnh binh cầm súng đứng gác. Có một chi tiết nhỏ khác với tòa nhà nguyên thủ ở nhiều nơi đó là cổng chính luôn luôn mở rộng.

Cứ ngồi xe buýt men theo con đường mang tên Queen Elizabeth mà đi thì sẽ thấy rất nhiều cơ quan nhà nước mà cái biển tên chỉ dựng đơn giản như kiểu biển quảng cáo ở nhà. Bất chợt thấy một cái biển tên làm bằng đá granite gắn chữ vàng theo “phong cách trụ sở” Việt Nam, nheo nheo mắt nhìn cho rõ thì thấy ngay cái quốc huy hình tròn, đỏ chót. Các bác đừng tưởng bở của Việt Nam nhé, vì nó ghi là Trung Hoa nhân dân Cộng hòa quốc đại sứ quán. Có đến hai cái luôn, một cái bé cũ một cái mới, to, hoành tráng ngang với Bộ Nội Vụ nước sở tại. Như đã nói ở trên thì khi bọn English cạch mặt thằng em Fiji, Trung Quốc nhanh chóng ra tay viện trợ, một miếng khi đói bằng một gói khi no, nhờ hồng phúc của Thiên triều mà Fiji có tiền tiêu Tết. Trong lúc Fiji bị phương Tây ghẻ lạnh, thì Trung Quốc vẫn mời “nhà độc tài quân sự” Bainimarama đi xem Bắc Kinh Olympic. (Trong link sau cũng có đoàn Việt Nam, bạn nào muốn xem bác Triết vẫy tay thì phải đợi đến đoạn Sri Lanka). Thời gian gần đây, rất nhiều cán bộ tham nhũng của Trung Quốc chạy trốn sang Fiji vì cái xứ xa xôi này không có hiệp định dẫn độ tội phạm với Trung Quốc. Họ bỏ vài triệu đô ra đầu tư là nhanh chóng có ngay quyển hộ chiếu Fiji màu xanh lam độc đáo và an nhàn trồng rau (vẫn bán kiếm ra tiền) trên một hòn đảo nhỏ xinh nào đấy. Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên trong lịch sử đến thăm Fiji và vùng Nam Thái Bình Dương. Tất cả nguyên thủ các nước be bé xung quanh phải bay sang Fiji để được diện kiến ông Tập.

Ông Tập Cận Bình được đón tiếp theo nghi lễ truyền thống. Thủ tướng Frank Bainimarama mặc áo đôi với ông Tập, khác ở chỗ mặc sulu. Hai vợ chồng ông Tập tuổi Tỵ-Dần mà chân đi còn hơn tuổi Ngựa, đã thăm trên dưới sáu chục nước khắp các châu lục, kể cả những nước nhỏ, nghèo và bị lãng quên nhiều năm nay.

Quan điểm của ông Tập là nước nhỏ mới có những nhu cầu tiêu dùng thiết thực. Ôtô của Trung Quốc bán số lượng lớn cho ai nếu như không phải là những thị trường đang khát đồ giá rẻ này. Về mặt chính trị, Chủ tịch Tập cho rằng dù là nước nhỏ tí ti nhưng vẫn có một ghế ở Liên Hợp Quốc, một phiếu của Fiji thì cũng bằng một phiếu của Việt Nam, mà mua phiếu của Fiji thì rẻ hơn nhiều, thêm một nước từ bỏ quan hệ ngoại giao với Đài Loan là thêm một bước Đài Loan bị dồn vào ngõ cụt. Thấy Trung Quốc nhảy vào thị trường này Ấn Độ cũng không thể kém cạnh, ông Narenda Modi trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên thăm Fiji sau 33 năm và lãnh đạo nước ngoài đầu tiên phát biểu trước Quốc hội (mới bầu lại). Ông hứa luôn một khoản viện trợ 75 triệu đô. Ấn Độ có lợi thế hơn vì cộng đồng người Ấn rất đông và nhiều người Fiji gốc Ấn giờ đã nhập quốc tịch Úc có nhiều tiền của.

Thủ tướng Narenda Modi duyệt đội danh dự. Ông ăn mặc có phong cách rất riêng (chính trị gia nào có cá tính là phải vậy, cụ Hồ đi thăm nước ngoài còn đeo tất trắng đi dép cao su chụp ảnh đấy thôi). Ông Modi còn hay chụp ảnh selfie với lãnh đạo các nước, chụp ảnh trong các chuyến thăm, đăng Twitter liên tục nhờ vậy mà thiên hạ được biết bên trong những chỗ thâm cung bí mật nom nó ra làm sao.

Tự nhiên các nước lớn tranh nhau miếng đất cỏn con chẳng biết sẽ đi đến đâu nhưng trước mắt là Fiji có thêm hàng hóa mà tiêu dùng. Cả thủ đô có mỗi một trung tâm thương mại bốn tầng nhưng đồ mua bán thì chẳng có gì. Vào quầy thời trang thấy bán toàn sari gắn hạt nhựa lấp lánh và những áo sơ mi nam xấu không thể tả. Dù sao thì Trung Quốc cũng cho tiền mua tàu đánh cá, cung cấp công nghệ nuôi bào ngư và hải sâm (để xuất khẩu sang Trung Quốc), bán rẻ cho xe khách 60 chỗ có điều hòa để trên đường về mình được ngồi cho êm mông, có chiếu video phim Hollywood.

Trung tâm thương mại kiểu mới. Tappo là một tập đoàn tư bản độc quyền, thầu cả xây dựng, làm đường đến khách sạn và khu mua sắm.

Lại nói chuyện phim, cái phim mà mình đố ở bài trước là phim Nàng Dae Jang Geum các bác ạ. Mở ra thấy ngay Mama Choi đang bàn mưu hãm hại Mama Han. Chẳng biết dân ở đây có hiểu được những quan hệ rối rắm chốn cung đình với những mưu mô xảo quyệt kiểu Đông Á hay không mà phim chiếu ngay giờ vàng. Hàn Lưu (Hallyu) còn đi xa hơn những gì mình tưởng tượng. Cái văn hóa Khổng giáo phụ hệ của một xã hội trọng vẻ bên ngoài không biết rồi sẽ tàn phá đến đâu. Thật lạ là những người ở đây da đen sì cũng thích thú trước những cô diễn viên Hàn da trắng muốt, chắc là thiếu gì thì thèm nấy, chả bù cho Tây chỉ thích mê những cô Annamite nhỏ nhắn, da đen và mũi tẹt.

Ngày rời Fiji, dù có chuẩn bị tinh thần nhưng cũng không thể tiết chế được cảm xúc. Một chuyến đi khó quên. Có lẽ lần sau quay lại, đất nước này sẽ thay đổi rất nhiều, dẫu biết rằng mình thật ích kỷ khi chỉ muốn giữ nguyên những gì nơi đây nhưng phát triển là tất yếu và những tiến bộ kinh tế kia sẽ tiến vào cũng với những thứ văn hóa xấu xí, không biết liệu mình có còn được chào đón bởi những nụ cười Fiji?

Tương lai đang đón chờ tay em… Em sẽ phải làm gì để giữ được nếp sống vô tư hạnh phúc của ông bà cha mẹ em? Anh cũng không biết nữa…

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

15:03 Sunday,8.12.2019 Đăng bởi:  WoodrowSpoutt
What can you do for New Years?
...xem tiếp
15:03 Sunday,8.12.2019 Đăng bởi:  WoodrowSpoutt
What can you do for New Years? 
22:42 Saturday,14.2.2015 Đăng bởi:  admin

@ Ngô Quốc Đống: Soi đang đặt bạn ấy viết tiếp về đất nước này nhưng không biết có chịu viết tiếp nữa không. Được hiểu rõ về một vùng đất chẳng hay hơn là "một thoáng..." sao?


...xem tiếp
22:42 Saturday,14.2.2015 Đăng bởi:  admin

@ Ngô Quốc Đống: Soi đang đặt bạn ấy viết tiếp về đất nước này nhưng không biết có chịu viết tiếp nữa không. Được hiểu rõ về một vùng đất chẳng hay hơn là "một thoáng..." sao?

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả