|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhStephen Somerstein chụp Selma: khi nhà vật lý đi chụp ảnh lịch sử 02. 03. 15 - 7:22 amHoàng Lan dịchVào Oscar năm nay, phim Selma – kể về cuộc diễu hành biểu tình dài từ thành phố Selma đến thành phố Montgomery do Martin Luther King dẫn đầu – là tâm điểm của nhiều lời xì xầm. Selma nhận đề cử phim hay nhất, thế mà nữ đạo diễn lẫn nam diễn viên chính của nó bị bỏ xó một cách hơi bất công, khiến thiên hạ chê bai rằng Oscar phân biệt chủng tộc, giới tính. Cãi nhau riết thấy mọi thứ mất vui đi. Trong khi đó, lúc sự kiện Selma diễn ra vào năm 1965, nhiếp ảnh gia nghiệp dư Stephen Somerstein đã chụp nên một bộ ảnh rất thú vị. Nữ đạo diễn Ava DuVernay đã xem bộ ảnh này và từ đó cô thấy mình dồi dào cảm hứng muốn chuyển sự kiện thành phim. Cô còn dùng một tấm ảnh của Stephen Somerstein để lấy cảm hứng làm poster cho tác phẩm của mình. Thế câu chuyện đằng sau bộ ảnh là thế nào? Chúng ta cùng xem, biết đâu ta sẽ hứng khởi như Ava. Ít nhất việc này tích cực hơn là ngồi gầm gừ với “bọn” Oscar kia. * Vào năm 1965, Stephen Somerstein đang theo học khoa vật lý tại trường Cao đẳng New York. Lúc đó ông 24 tuổi, và rất thích nhiếp ảnh dù theo ngành lý, nên Stephen nhận làm biên tập cho báo của trường. “Vào thời đó, nhân quyền đang là chủ đề nổi cộm”, ông nói. “Trường của chúng tôi có tư tưởng khá tự do, nhiều sinh viên là con cháu dân nhập cư, nên trường khuyến khích chúng tôi quan tâm đến chính trị. Khi sự kiện Selma rộ lên, chúng tôi theo dõi nó rất kỹ”.
“Chúng tôi nghe tin về những người biểu tính bị đánh tại Cầu Edmund Pettus – một số người còn phải vào viện” Somerstein hồi tưởng lại. “Đó chính là lúc chúng tôi bắt đầu huy động thêm người tham gia. Khi Tiến sĩ King (Martin Luther King) kêu gọi bà con diễu hành, chúng tôi đi đến trạm xe buýt Port Authority ở New York. Họ có nhiều xe buýt lắm, 30 hay 40 chiếc gì đó. Xe đã sẵn sàng để chở mọi người, kể cả những sinh viên khác đến từ Harvard lẫn Columbia hòng tham gia diễu hành chung. Cả một biển người tụ tập, da trắng lẫn da đen”.
“Quãng đường (đến Selma để từ đó diễu hành tới Montgomery) dài khoảng 1,000 dặm, các xe phải lăn bánh vào ban đêm cho kịp giờ, và chúng đông nghẹt đến nỗi có người phải ngủ ngay trên lối đi ở giữa hai hàng ghế. Lúc bấy giờ tôi đang sống với cha mẹ – tôi lớn lên tại khu Bronx. Mẹ tôi gói ghém tí đồ ăn cho tôi, và tôi đã gom hết tất cả phim tôi trữ trong tủ lạnh, tuy nhiên cũng chẳng được mấy cuộn. Thời ấy không như bây giờ – giờ thì bạn có thể chụp liên tục với chiếc máy kỹ thuật số. Nhưng tôi cũng không muốn chụp lỡ thứ gì. Tôi dành hầu hết thời gian trên chuyến xe để dự tính xem mình nên sắp xếp chụp thế nào (để không phí phim).”
“Một điều cũng quan trọng với tôi, là ảnh chụp phải phản ánh các cá nhân chứ không phải chỉ là cảnh đám đông chung chung. Bức ảnh trên tôi chụp trước khi diễu hành đến Montgomery. Tôi thấy gia đình trong ảnh ngồi bên dốc đồi dưới biển quảng cáo Coca-cola, và biết ngay rằng đây là một hình ảnh hay. Hầu hết mọi thành viên của gia đình đang cùng nhìn về một hướng”.
“Còn bức này chụp lại hàng đầu tiên của đoàn diễu hành vào một buổi sáng, trước khi chúng tôi khởi hành. Cuộc diễu hành diễn ra rất thoải mái, có người hùng hổ đi lên từ phía dưới, một số thì đi chậm nên nán lại phía sau. Chúng tôi dừng chân tại trường phổ thông City of St Jude ở Montgomery (một trường dòng của đạo Thiên Chúa). Chúng tôi cắm trại ở đó – rất nhiều người, phải đến hàng ngàn người đến tham gia vào giai đoạn cuối của cuộc diễu hành. Cả bà sơ của trường St Jude cũng tham gia cùng Tiến sĩ King, như bạn thấy trong ảnh”.
“Tôi đã luôn nhìn ngó hòng chụp lại một bức ảnh truyền tải được tầm quan trọng của trẻ em trong cuộc diễu hành này – dù chúng có nhận thức được hay không, sự thật là chúng tôi đang xuống đường biểu tình vì chúng. Tôi đã đợi đến khi cậu bé cầm cờ trong ảnh ngước nhìn lên cao– tôi đã không tới bắt chuyện và kêu chúng phải làm thế này thế kia vì tôi không thích can thiệp vào những gì mình đang cố ghi lại. Tôi thầm cầu cho lá cờ tung bay, và ơn trời là nó phất bay thật”.
“Tôi đang đi dọc một con đường ngoại ô và phát hiện ra khung cảnh nhỏ này trước một hiên nhà. Tôi yêu tính đối xứng của hai người phụ nữ và hai đứa bé đang uống sữa, và cô bé ngồi giữa thì có nét mặt nghiêm nghị đáng yêu hết sức”.
“Rất hiếm khi chúng tôi đụng phải những kẻ thù ghét trơ trẽn, hầu hết mọi người đều giữ kẽ. Nhưng mấy anh chàng này đang hét lên những ngôn từ tiêu cực và làm cử chỉ thô tục với người diễu hành. Khi tôi nhìn vào bức ảnh này, tôi tự hỏi về sau khi già rồi thì các anh chàng trong ảnh sẽ suy nghĩ thế nào”.
“Khi chúng tôi đến Montgomery, có đến 25,000 người tụ tập tham gia cuộc diễu hành và đang đợi nghe Tiến sĩ King phát biểu. Hầu hết các nhiếp ảnh gia được ban tổ chức sắp xếp cho đứng phía trước khán đài mà họ dựng tạm. Tôi chụp vài bức ảnh từ chỗ trước khán đài, nhưng sau đó tôi quay lại và thấy bao nhiêu con người, và tôi nghĩ rằng mình phải tìm cách thể hiện bầu không khí sôi sục đó, cái hiệu ứng mà Martin Luther King đang tạo ra. Chỉ chụp một bức ảnh trực diện mặt Tiến sĩ King là chưa đủ, tôi muốn thể hiện rõ ràng qua một khung ảnh rằng đây là Martin Luther King tại Montgomery Alabama. “Và tôi ngộ ra rằng nếu tôi đứng đằng sau ông ấy tôi sẽ chụp được cả hai thứ (Tiến sĩ King lẫn đoàn người), thế là tôi leo lên thang, bước nhanh ra phía sau ông, rồi – “tách” – tôi chụp ngay một tấm. Tiến sĩ King không có vệ sĩ gác xung quanh nên chuyện này chẳng quá khó khăn. Bạn sẽ thấy ở phần nền cảnh mọi người đang chăm chú lắng nghe ra sao – một số còn che cả mắt lại để có thể tập trung hơn vào những gì ông King nói.
“Mọi người đăng những bức ảnh của tôi lên tạp chí trường, và các tạp chí khác cũng dùng một số ảnh trong đó. Nhưng sau sự kiện Selma, tôi quay lại với nghiệp vật lý. Vào lúc ấy, tôi đã cân nhắc việc liệu tôi có nên thay đổi con đường mình chọn và trở thành một nhiếp ảnh gia không – tôi đã rất đắn đo – đặc biệt khi tất cả những tuần san lớn về nhiếp ảnh cứ đóng cửa dần. Thế nên tôi chọn vật lý. Giờ tôi đã 75, tôi làm việc với sóng radar, tôi tổng hợp hạt nhân, ráp kính viễn vọng không gian – tất cả đều rất vui. Nhưng dù tôi làm gì hay ở đâu, tôi luôn mang theo chiếc máy ảnh. Tôi không bao giờ ngừng chụp ảnh”. Hiện nay, bộ ảnh của Stephen đang trưng bày tại triển lãm “Freedom Journey 1965: Photographs of the Selma to Montgomery March”(Hành trình tự do 1965: Ảnh từ cuộc diễu hành từ Selma đến Montgomery). Triển lẵm diễn ra ở Hội Lịch sử New York cho đến ngày 19.4.2015. Ý kiến - Thảo luận
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|