Điện ảnh

Đề cử Oscar 2015 (phần 1): Lời ra, tiếng vào 20. 01. 15 - 7:13 am

Pha Lê

Sau khi giải Quả cầu Vàng 2015 kết thúc, hội đồng Oscar nhanh chóng công bố danh sách đề cử của họ cho năm nay. Thế nhưng đề cử vừa công bố thì dân tình lại la lối ầm ầm hết cả lên. Theo đánh giá chung, danh sách Oscar năm nay có vài điều cắc cớ. Hóng gió thử xem mấy cắc cớ này là gì nào.

Giải phim hay nhất:

American Sniper
Birdman
Boyhood 
Khách sạn Grand Budapest 
The Imitation Game
Selma
Thuyết vạn vật 
Whiplash

Lời xì xầm: Năm nay Oscar đề cử 8 phim thay vì 10 (như mọi năm trước) cho hạng mục phim hay. Có kẻ gật gù vì Oscar ưu ái hai phim bị bỏ rơi của năm: Whiplash – phim về cậu bé ham đánh trống và ông thầy dạy nhạc kỳ quặc, và American Sniper – phim của Clint Eastwood về một anh lính bắn tỉa của Mỹ. 

Cảnh trong “American Sniper”, phim mới ra trước khi Oscar công bố đề cử vài ngày nên ít người biết tới nó, một số kẻ cũng không thích chuyện nhà sản xuất chờ Oscar gần tới mới tung phim ra. Nhưng thôi nghe đâu American Sniper cũng hay, và nếu không tin được Clint Eastwood thì tin ai bây giờ!

Rất nhiều người nổi khùng vì nếu Oscar bỏ 2 phim để lấy số 8 phát tài, hà cớ phải cho Thuyết vạn vật vô đây. Nhìn chung Thuyết vạn vật cũng được nhưng chưa xứng tầm Oscar (do phim kể về nhà khoa học mà cuối cùng lại xoay nhiều về chuyện yêu đương), trong khi đó Gone Girl hay Mr Turner của Mike Leigh xứng đáng hơn.

Nam diễn viên chính:

Steve Carell trong Foxcatcher
Bradley Cooper trong American Sniper
Benedict Cumberbatch trong The Imitation game
Michael Keaton trong Birdman
Eddie Redmayne trong Thuyết vạn vật

Ứng viên nặng ký của hạng mục: Benedict Cumberbatch trong “The Imitation Game”, nếu Benedict không được giải thì chắc Micheal Keaton sẽ được. Benedict thủ vai nhà khoa học Alan Turning có công bẻ mật mã Enigma nhưng sau đó bị kết tội vì là người… đồng tính, Michael Keaton thì nhập vai ông diễn viên về vườn. Toàn là các mô-típ Hollywood rất khoái

Lời xì xầm: Eddie Redmayne và Steve Carell đóng hay nhưng bản thân hai phim của họ không hay lắm. Thậm chí Foxcatcher xém ra mắt vào năm ngoái để đua Oscar 2014, nhưng thấy năm đó lắm đối thủ nặng ký quá nên các nhà sản xuất… lùi ngày lại. Chỗ đề cử này lý ra nên nhường cho nam diễn viên nào đóng hay trong phim cũng hay nốt, như Timothy Spall với vai họa sĩ Turner chẳng hạn, hoặc anh David Oyelowo trong vai nhà hoạt động nhân quyền Martin Luter King Jr của Selma.

David Oyelowo (đang đứng) trong một cảnh của Selma. Diễn viên đóng hay, phim hay (hơn các phim khác của danh sách đề cử). Vậy mà hụt đề cử, chả trách sao dân tình la oai oái.

Nữ diễn viên chính:

Marion Cotillard trong Two Days, One Night
Felicity Jones trong Thuyết vạn vật
Julianne Moore trong Still Alice
Rosamund Pike trong Gone Girl
Reese Witherspoon trong Wild

Lời xì xầm: Phim của Marion và Reese có gây chút tiếng tăm ở Cannes nhưng sau đó cũng im ắng lại, nên nhiều người có ngạc nhiên khi thấy họ nhận đề cử, và bày tỏ sự thất vọng khi Amy Adams đường đường giành giải cầu Vàng cho Mắt to mà lại vắng bóng trong danh sách Oscar. Bản thân tôi thấy mình hơi thờ ơ với danh sách nữ chính (dù mọi năm khác tôi rất hay để mắt tới), do ngoài Gone Girl ra thì tôi chẳng mấy hứng thú với các phim còn lại của danh sách. Ờ thì chúng cũng hay, nhưng lại kiểu không mấy ấn tượng, năm nay xem thấy hay vậy mà năm sau quên béng. 

Julianne Moore trong “Still Alice”. Công nhận Julianne đóng thì hay, nhưng “Still Alice” chán quá. Phim còn bị chê là quay xấu, mà quay… xấu thật. Chả biết Rosemund Pike có thắng nổi không, vì năm nay Julianne có vẻ nặng ký.

Nam diễn viên phụ:

Robert Duvall trong The Judge
Ethan Hawke trong Boyhood
Edward Norton trong Birdman
Mark Ruffalo trong Foxcatcher
J.K Simmons trong Whiplash

J.K Simmons (phải) trong “Whiplash” – một tác phẩm dành cho những ai yêu âm nhạc

Lời xì xầm: Không có mấy, đa số khá hài lòng với danh sách nam phụ, nghoéo tay cầu cho J.K Simmons thắng.

Nữ diễn viên phụ:

Patricia Arquette trong Boyhood
Laura Dern trong Wild
Emma Stone trong Birdman
Keira Knightley trong The Imitation Game
Meryl Streep trong Into the Woods

Không bao giờ thừa khi đề cử cho Meryl Streep. Trong hình là Meryl bù xù của “Into the Woods”. Meryl nhận đề cử nhiều thế, nhà cái nên đặt cược xem lúc nào Meryl không có tên trong danh sách Oscar cho nó công bằng

Lời xì xầm: Ngoài câu than phiền muôn thuở là Keira Knightley đóng chỉ tàm tạm mà sao lúc nào cũng được ưu ái, thì danh sách nữ phụ không nhận nhiều lời bàn tán lắm.

Đạo diễn:

Alejandro González Inarritu cho Birdman
Richard Linklater cho Boyhood
Bennet Miller cho Foxcatcher
Wes Anderson cho Khách sạn Grand Budapest
Morten Tyldum cho The Imitation Game

Alejandro (phải) chỉ đạo Michael Keaton trong “Birdman”

Lời xì xầm: Thiên hạ phát điên vì Bennett Miller được điểm tên, trong khi Ava DuVernay (đạo diễn của Selma) lại vắng mặt. Nhiều kẻ cho rằng Oscar kỳ thị (Ava là nữ đạo diễn da đen), do Foxcatcher rõ ràng là không hay bằng Selma, lại còn dùng thủ đoạn dời ngày chiếu từ năm ngoái, thế mà Bennet nhận đề cử thay vì Ava, rõ thối!  Foxcatcher cũng không nhận đề cử phim hay nhất, trong khi Selma có chân trong danh sách phim hay, ý của Oscar là gì khi khen phim này hay nhưng đạo diễn của nó dở?

Ava DuVernay tại phim trường “Selma”

Phim hoạt hình:

Big Hero 6
The Boxtrolls
Bí kí luyện rồng 2
Song of the Sea
Công chúa Kaguya

Lời xì xầm: Dân Mỹ gầm gừ khi không thấy The Lego Movie trên danh sách (gầm to đến độ đạo diễn phim Lego còn phải lên mạng xã hội trấn an mọi người theo kiểu rất hóm hỉnh).

Đạo diễn Phillip Lord trấn an bằng cách ghép nên tượng Oscar bằng Lego và nói “Không sao đâu, tôi đã tự làm một cái”

Riêng tôi thì thấy rằng Công chúa Kaguya của Ghibli hay hơn tất cả các phim khác cộng lại, mà gần như phim này chẳng có cửa thắng, nên kiểu gì cũng thấy buồn.

Quay phim:

Emmanuel Lubezki cho Birdman
Robert D. Yeoman cho Khách sạn Grand Budapest
Lukasz Zal and Ryszard Lynzewski cho Ida
Dick Pope cho Mr. Turner
Roger Deakins cho Unbroken

Roger Deakins (áo trắng) tại phim trường “Unbroken” với đạo diễn Angelina Jolie

Lời xì xầm: Người xem phim chủ yếu biết mỗi Roger Deakins nhưng phim Unbroken (của Angelina Jolie) do ông quay lại không hay lắm, nên chẳng biết cuối cùng ta phải ủng hộ ai ngoài Roger. Dick Pope vì cách xử lý ánh sáng trong Mr Turner chăng? Tôi có hơi tiếc khi không thấy Jeff Croneweth của Gone Girl trên danh sách, nhưng nhìn chung thì vị nào của mục quay phim cũng xứng đáng cả.

Phim tài liệu:

Ôi cái mảng gần như chẳng ma nào quan tâm

Citizenfour
Ngày cuối cùng ở Việt Nam
Virunga
The Salt of the Earth
Finding Vivian Maier

Lời xì xầm: Nói riêng là Ngày cuối cùng ở Việt Nam – kể về sự bát nháo khi người Mỹ và các tướng của chính quyền Sài Gòn tháo chạy khỏi Sài Gòn vào những ngày 28, 29, và 30. 4. Ngoài ra trong danh sách có phim về cô trông trẻ” Vivian Maier cho những ai hâm mộ nữ nhiếp ảnh gia này. Tuy nhiên theo lời đồn, phim sẽ thắng chắc là Citizenfour – kể về anh Edward Snowden, người tung tin về việc chính phủ Mỹ xâm phạm quyền riêng tư của người dân Mỹ bằng cách đặt máy nghe lén trái phép, sau đó Edward bị chính phủ truy nã và phải bỏ xứ mà đi. 

Edward Snowden trong một cảnh của “Citizenfour”

Nhiều người yêu phim không vui khi thấy danh sách đề cử vắng bóng Life Itself – phim tài liệu về nhà phê bình kỳ cựu Roger Ebert. Và Hoop Dreams – kể lại sự thật đau lòng khi các cậu bé da đen nhà nghèo phải vất vả thi đấu bóng rổ để lấy học bổng thể thao hòng theo đuổi con đường đại học.

Ngắm bộ mặt tươi cười của Roger Ebert khi xem phim để đời thêm vui tí!

… (còn tiếp phần 2)

Ý kiến - Thảo luận

17:58 Tuesday,24.2.2015 Đăng bởi:  nimmoHP
Hình như ở VN cái phim hoạt hình Nhật Công chúa Kaguya hơi bị đề cao thái quá. Thấy cũng nhiều người khen, đặc biệt là các blogger và các fan adua theo, tò mò vào xem thì thấy cũng bình thường. Nét vẽ đẹp, lạ, công nhận nhưng cốt truyện sao cũng thấy bình thường, quen quen thế nào đó, cảm động thì cũng có chút chút nhưng vẫn cứ nhàn nhạt, chẳng thể bật lên được
...xem tiếp
17:58 Tuesday,24.2.2015 Đăng bởi:  nimmoHP
Hình như ở VN cái phim hoạt hình Nhật Công chúa Kaguya hơi bị đề cao thái quá. Thấy cũng nhiều người khen, đặc biệt là các blogger và các fan adua theo, tò mò vào xem thì thấy cũng bình thường. Nét vẽ đẹp, lạ, công nhận nhưng cốt truyện sao cũng thấy bình thường, quen quen thế nào đó, cảm động thì cũng có chút chút nhưng vẫn cứ nhàn nhạt, chẳng thể bật lên được hoàn toàn. Về công chúa trong ống tre thì manga các thể loại đã khai thác khía cạnh đen tối. fantasy rất độc đáo nên xem bản phim hiền lành nhưng nhàn nhạt nên chẳng có chút cảm xúc nào. Về độ xúc động lòng người thì so vói vua sư tử, nai bambi, gần đây thì có Wall-E thì cách xa ngàn cây số. Phim hoạt hình chỉ mới coi the lego movie với phim này nhưng thấy lego hay hơn nhiều.

Không phải là dìm hàng hoạt hình Nhật vì khi xét những phim hoạt hình hay nhất thì vẫn thích Spirit away hơn cả vì sự sáng tạo và bất ngờ của phim, cả 1 chút âm u trong hình ảnh và cốt truyện. 
12:01 Tuesday,20.1.2015 Đăng bởi:  Anh Nguyễn

Lời xì xầm to nhất về Oscar năm nay là "trắng" quá. Trên Twitter có cái hashtag #OscarSoWhite rất buồn cười. Năm ngoái "12 years a slave" được nhiều đề cử mà năm nay Selma chỉ được có hai cộng thêm tình trạng chủng tộc hơi căng thẳng gần đây nên cãi nhau ghê quá.


...xem tiếp
12:01 Tuesday,20.1.2015 Đăng bởi:  Anh Nguyễn

Lời xì xầm to nhất về Oscar năm nay là "trắng" quá. Trên Twitter có cái hashtag #OscarSoWhite rất buồn cười. Năm ngoái "12 years a slave" được nhiều đề cử mà năm nay Selma chỉ được có hai cộng thêm tình trạng chủng tộc hơi căng thẳng gần đây nên cãi nhau ghê quá.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả