Kiến trúc

Tòa nhà Fondation Louis Vuitton cho thấy Frank Gehry không biết điểm dừng 24. 03. 15 - 6:58 am

Oliver Wainwright của Guardian, Phạm Phong dịch

 

Chủ đề biển cả. Fondation Louis Vuitton của Frank Gehry được phủ bằng 12 cánh buồm kính cuồn cuộn. Ảnh: Justin Lorget

Ở lối ra của trạm xe điện ngầm Les Sablons, trong một vùng ngoại ô phong lưu của Paris, có dựng một một bảng chỉ dẫn du khách màu nâu dường như bị in sai. Cạnh những cái bóng dễ nhận ra của đám vòng đu quay và bập bênh in trên bãi đất chợ phiên, cho biết có khu Jardin d’Acclimatation gần đó, là một mớ lốm đốm trắng. Nếu nheo mắt lại, mớ ấy trông giống một cái kén sâu, hay một con ong kỳ dị. Hay lối này dẫn tới nhà nuôi côn trùng, biết đâu?

Thực ra, cái biển báo kia là cho tòa nhà mới nhất của Frank Gehry – tòa nhà Fondation Louis Vuitton, vừa đáp xuống công viên bên rừng Boulogne như một trận lở những cánh buồm bằng kính. Chồng chất thành một đống xô lệch, những tấm khiên cong vĩ đại này vặn vẹo và uốn vòng theo cái phong cách đặc trưng của vị kiến trúc sư, những góc kỳ dị của chúng thò lên khỏi những tàng cây, cách hàng bao dặm vẫn thấy rõ.

Như thể bị mắc trong một cơn bão dữ dội, những cánh buồm xòe mở khắp nơi, để lộ ra một thế giới bên trong của những bức tường trắng, được nặn đẽo như món kem đường, cùng một bụi rậm dày những thanh giằng bằng thép, những xà gỗ, tất cả đã bị ép vào những hình dáng không biết ở đâu ra. Với một kiến trúc sư luôn luôn bị phê bình là làm ra “logotecture” (những tòa nhà to lớn và kỳ dị mang logo của các tổ chức?), đây là một logo phức tạp khó mà chắt lọc – như những người viết cái bảng chỉ dẫn du khách kia đã chứng minh.

“Đây là một con tàu, một con cá, một chiếc thuyền buồm, một đám mây,” Frédéric Migayrou nói, ông là kiến trúc sư giám tuyển tại Trung tâm Pompidoum, là người đã tổ chức một triển lãm tổng kết của Gehry cho trùng với cuộc khai trương tòa nhà. “Nó có mọi ẩn dụ của sự mềm mại”. Mang một logo LV óng ánh ở cửa trước, tòa nhà này cũng có thể là một chai nước hoa Louis Vuitton khổng lồ, bị vỡ tan thành từng mảnh.

Những vỏ sò vỡ… Những cánh buồm bằng kính mở ra để lộ các cấu trúc bằng bê tông trắng bên trong. Ảnh: Oliver Wainwright

Được đặt hàng bởi Bernard Arnault, người đứng đầu đế chế hàng hiệu xa xỉ LVMH có tài sản cá nhân trị giá 18.4 tỉ bảng, phức hợp này là một cung điện dành cho bộ sưu tập nghệ thuật hiện đại và đương đại của ông, một tủ trưng bày văn hóa của công ty. Được xây trên đất công, bằng quỹ riêng, rồi nó sẽ được coi là “một món quà cho thành phố” trong thời gian 55 năm. Nhưng, giống như một chiếc túi xách LV nặng nề mà một họ hàng phù phiếm mua vô tội vạ từ cửa hàng miễn thuế về quẳng cho bạn, tòa nhà này là một món quà mà bà con láng giềng dường như không mấy hào hứng nhận.

Đó là một sự áp đặt kỳ quái, trong mắt của một số cư dân khá giả trong vùng, (tòa nhà) đứng sừng sững như một tượng đài (minh chứng) cho việc kẻ giàu nhất nước này có thể làm gì thì làm. Luật xây cất cấm xây dựng trong địa điểm bảo tồn tự nhiên này của khu rừng, nhưng các cấu trúc kia lại được cho phép bằng những điều khoản đặc biệt, rằng nếu nó đạt độ cao không quá một tầng. Sau một chiến dịch ở địa phương thì dự án đã bị dừng thành công trên tòa, nhưng rồi Quốc hội can thiệp, tuyên bố đây là “một công trình nghệ thuật lớn cho toàn thế giới” và phải được đi tiếp. Thiết kế bên trong giở trò mưu mẹo: dùng những “tầng lửng” so le xoay quanh một giếng trời trung tâm, nghĩa là tòa nhà có thể tuyên bố tôi chỉ có mỗi một tầng – mặc dầu vươn lên không trung tới 50m.
 

Những không gian cao vòi vọi. Những phòng trưng bày vươn tới 21m. Ảnh: Oliver Wainwright

Trong một phim tài liệu hồi 2006 về công trình của mình, Sketches of Frank Gehry, kiến trúc sư này đã thừa nhận mình cảm thấy lo sợ mỗi khi các dự án của ông kết thúc. “Tôi luôn luôn muốn trốn dưới những tấm phủ khi mở khai trương các tòa nhà,” ông nói. “Tôi sợ cái điều mà người ta sẽ nghĩ (về chúng)”.

Đứng giữa giếng trời cao ngất của tòa nhà Fondation, trước một đội quân phóng viên quốc tế, trong lúc những chiếc cột khó lường nhấp nhô chao đảo trên đầu, vị kiến trúc sư 85 tuổi này dường như dao động hơn bao giờ hết.

“Thật khó để giải thích tôi đạt được đến đây như thế nào,” ông nói, ngó có chút bối rối với cái thứ mà ông đã làm ra. “Khi làm việc bằng trực giác, bạn sẽ không bao giờ chắc được mình sẽ đi về đâu. Giống như nhạc sĩ jazz ngẫu hứng Wayne Shorter từng nói khi các nhạc sĩ diễn chung hỏi ông rằng họ sẽ tập cái gì đây: “Anh không thể thực hành cái mà anh chưa tạo ra.”
 

Một trong những mô hình những khối nhà chồng chất trong triển lãm, cho thấy công trình lúc đang thi công, trước khi thêm vào những cánh buồm bằng kính. Ảnh: Oliver Wainwright

Một triển lãm bên trong một sảnh bảo tàng ít nhiều đã giải mã cách thức mọc lên không-hình-dạng của tòa nhà, giống như mọi dự án khác của Gehry, cũng một sự tụ tập lại không theo thể thức gì, một dạng cắt dán hỗn độn những giấy, bìa, nhựa, vảo và trăm thứ bà rằn khác. Tòa nhà mang lại một ô cửa sổ thú vị qua đó hiểu được cách thức văn phòng ông làm việc, với hàng trăm mô hình cho thấy các giai đoạn tiến triển của thiết kế, là một đống những hộp ghép với nhau thành một khối ngang xô lệch, trước khi được khoác lên chiếc áo cuồn cuộn của những cánh buồm đi biển. Những mô hình phác thảo ban đầu cho thấy những vạt áo bằng thủy tinh này (lúc đầu là) bay bồng bềnh một cách dễ dàng trên những khối hộp là các gian trưng bày, trong khi đó các mẫu lặp lại về sau cho thấy các nhà thiết kế đã vật lộn để làm sao để chống được từ mặt đất những cánh hoa nhìn thì cứ như không nặng tí nào này.

Trong thực tế, câu trả lời là một đống chết tiệt những cột thép và rầm gỗ ép, quẳng vào với nhau thành một cái tổ mèo hoang của những cột những kèo, những rầm những xà zig-zag. Chạm tới đỉnh của tòa nhà, nơi một lô những mái hiên lô nhô tràn ra quanh những ô cửa sổ trời nhô ra vặn vẹo, bày ra trước bạn là đầy ứ mắt cái thứ này, một sự say mê bày biện quá đà đến loạn trí – và cái sự bày biện quá đà ấy đòi hỏi phải có 30 bằng sáng chế kỹ thuật mới đạt được. Rõ thực là một cảnh quan, nhưng nó khiến bạn tự hỏi “để làm gì cơ chứ”.

“Để các họa sĩ chơi cùng,” Gehry nói. “Daniel Buren muốn sơn sọc trên khắp các cánh buồm, và tôi hy vọng trẻ con sẽ vẽ những bức vẽ đặng chúng tôi có thể phóng to ra và treo ở khoảng trống giữa những cánh buồm và tòa nhà. Nhà trông chưa hoàn tất, mục đích là như thế, để khuyến khích người ta tương tác với nó qua thời gian.”
 

Cái tổ mèo. Những cánh buồm dựng lên bằng một ổ cột thép và rầm gỗ. Ảnh: Oliver Wainwright

Ông nói, những mái hiên theo thiết kế là để có được những góc nhìn đặc biệt – băng tới tận những ngọn tháp của La Defense và Montparnasse, tháp Eiffel và đồi Montmartre – mặc dầu khó mà không cảm thấy những góc nhìn ấy sẽ tốt hơn nếu không có những cánh buồm và những cột kèo đỡ chúng làm cản đường. Thêm nữa,với bao nhiêu cầu thang khác nhau uốn lượn vòng vèo quanh những đỉnh trắng bị gió quật phầm phập của các gian triển lãm, quang cảnh từ mái nhà này sẽ là một cõi niết bàn cho con nít chơi trốn tìm.

Bên trong tòa nhà, các không gian triển lãm lại thẳng thớm một cách đáng ngạc nhiên. Chúng bao gồm một lô những phòng chữ nhật rộng rãi ở trung tâm, quanh đó tụ tập những không gian có phần quanh co hơn, lấy sáng từ nóc xuống, như những gian nguyện nhỏ quanh sảnh lớn chính của giáo đường, nơi Gehry làm cái việc sai lệch của ông. Cũng giống như ở bảo tàng Guggenheim tại Bilbao, ở đây có những khoảnh khắc làm người ta phấn chấn, nơi những cầu thang xoáy ốc chảy về các chiếu nghỉ và các quang cảnh bị chia cắt qua các khối nhà khác nhau, nhưng trên tất cả là một cảm giác choáng ngợp của nhiều và rất nhiều khoảng trống.

Trong những gian gallery lớn hơn, nơi chỉ để chiếu những bộ phim ở cuối những sảnh mênh mông, không khí gợi lại những căn phòng dội âm của những cung điện văn hóa tại các nước toàn trị – những tượng đài vạm vỡ dành cho những chế độ có ít mà xít ra nhiều. Thực vậy, trong suốt 11.000 m2 mà tòa nhà này trải rộng, chỉ có 3.850 m2 là các phòng triển lãm. Còn lại là những khoảng trung gian, những không gian kiểu jazz vô-hình-thù của Gehry. Phần còn lại ấy có thể được lấp đầu bằng cách treo tác phẩm vào, một ngày kia, nhưng giờ đây nó cho cảm giác rườm ra, phần dư thừa của một dự án có quá nhiều tiền muốn làm sao thì làm.

Mượn thêm một ẩn dụ âm nhạc nữa, Gehry nói: “Tôi bảo giám tuyển: ‘Tôi đã làm cho anh một cây vĩ cầm. Giờ anh phải chơi nó.’”Nhưng người ta không thể không nghĩ rằng có lẽ sẽ tốt hơn cho ông nếu trước hết căng dây đàn và chỉnh điệu thêm một chút.

Đầu kia thành phố, cuộc triển lãm tổng kết ở Pompidou cung cấp một cuộc điểm lại thấu đáo toàn bộ sự nghiệp của Gehry, chất đầy những mô hình nhà và phác thảo gốc, cho bạn thấy nơi khởi đầu của toàn bộ cái sự điên lỗi lạc này. Đó là một cách lý thú để lần về nguồn gốc của tòa nhà Fondation Louis Vuitton, như lần theo một cây phả hệ gia đình phức tạp về lại cái hồ gien khởi thủy.

(Cũng) có vài thứ tuyệt vời, thí dụ những bức vẽ độc đáo của Gehry về căn nhà của chính ông ở Santa Monica, căn nhà vào năm 1978 có gờ bao bằng thau báo hiệu những khởi đầu của cách tiếp cận “không theo cách thức gì” của ông. Một căn nhà nghỉ một tầng (bungalow) ở ngoại ô, xung quanh nó Gehry xây dựng một vũ trụ thay thế bằng thiếc lượn sóng và hàng rào chuỗi xích, căn nhà ấy mở đầu cho một loạt những đơn đặt hàng nhà riêng (của những người) say sưa với việc giải cấu kiến trúc nhà dân dụng Los Angeles và phá vỡ những quy tắc kiến tạo.
 

Chủ nghĩa “không theo thể thức nào”. Một mô hình nhà ở của chính gia đình Frank Gehry tại Santa Monica, 1978, là một trong những điểm nhất của show tại Pompidou. Ảnh: Oliver Wainwright

Hay có những căn nhà (của Gehry) đạt được những điều tuyệt diệu chỉ bằng những vật liệu rẻ tiền, chẳng cần đến titan lượn song, bằng cách khoét những cái lỗ qua lớp vữa, để lộ những khung gỗ, bằng cách chuyển dịch những căn phòng lệch trục để mở ra những góc nhìn bất ngờ; những mặt bằng của họ được thực hiện kỹ lưỡng để tạo nên những liên hệ không gian năng động.

Triển lãm được sắp xếp theo thập kỷ, nên thật dễ dàng để thấy được những mối ám ảnh của Gehry diễn biến ra sao, từ những kinh nghiệm thuở ban đầu ấy (vẫn còn) tham khảo một cách dí dỏm và “chơi” trên lịch sử của ngành xây dựng, tới một ngôn ngữ như điêu khắc mềm mại hơn hoàn toàn là do ông làm ra, chẳng cần viện dẫn tới cái gì, ngoài chính nó.

Điểm bùng nổ chính xảy ra với thiên anh hùng ca khó mà tin nổi về nhà ở của Lewis, một dự án 11 năm để làm một biệt thự ăn chơi khổng lồ cho yếu nhân của ngành bảo hiểm Peter B Lewis, và biệt thự đó chưa bao giờ được xây. Thiết kế bắt đầu vào năm 1984, là một đống chùm nhum các phòng ốc bên bờ nước, vẽ ra trên một logic có tính tổ chức của vài villas trước đó của Gehry. Năm tháng trôi qua, tham vọng lớn lên, cho đến khi dự án phình to thành một tác phẩm phóng túc có tạo đáng điên cuồng, với những vòm che đứng cạnh những gò mối lùm lùm, những đầu ngựa đi cùng những con cá bằng kim loại, như một hộp đồ chơi của chủ nghĩa vị lai được đổ tung tóe trên khu đất.

Mọi sự thành sai ở chỗ nào? Một mô hình nhà của Lewis House, 1995, cho thấy Gehry đang đi theo hướng tạo những hình thức mềm mại, có tính điêu khắc. Ảnh: Centre Pompidou

“Tôi đã nói ông ấy cứ thiết kế đi và cứ gửi hóa đơn cho tôi,” Lewis nói trong một bộ phim, tiết lộ rằng hồi 1995, nội tiền phí trả cho Gehry không thôi đã tới 6 triệu đô, cho một căn nhà nếu xây sẽ tốn 82 triệu đô. “Quá nhiều. Thế rồi khi đó lối sống của tôi cũng đã thay đổi, tôi không còn muốn tổ chức tiệc tùng linh đình nữa. Tôi nhận ra mình đang xây một bảo tàng.”

Cái mất mát của Lewis là cái thu được của Bilbao. Sự bảo trợ hào phóng của ông đã cho phép Gehry phát triển những công cụ kỹ thuật và phương pháp về vi tính mà ông sẽ tiến tới sử dụng khi làm bảo tàng Guggenheim và vô vàn dự án khác kể từ đó. Nhưng đó cũng là một bài học hữu ích cho vị kiến trúc sư này, và là một câu chuyện mang tính cảnh bào: rằng các gói ngân sách có thể quá lớn, khách hàng có thể quá ẩu, và những lời chỉ dẫn có thể quá mơ hồ, nên quan trọng là phải biết khi nào thì dừng.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả