Soi học

Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 4): Giết oan vua, mất Hylas, và đuổi quái điểu 08. 03. 15 - 6:32 am

Pha Lê

Tiếp theo phần trước 

Sau khi giúp cho giúp cho cả nữ nhi quốc có bầu, đội Jason tiếp tục lên đường tìm bộ lông cừu vàng, thế nhưng không phải lúc nào đoàn anh hùng này cũng lập chiến công.

Chả là lúc chia tay các cô gái bốc mùi, tàu Argo đi qua eo biển Dardanelles, cập bến hòn đảo của vua Cyzicus. Ông này rất hiếu khách, mở tiệc thiết đãi nhóm Jason vô cùng chu đáo. Ăn uống xong xuôi cả hội cảm ơn Cyzicus rồi nhổ neo đi tiếp. Thế nhưng lúc tối trời, gió thổi ngang ngược xúi quẩy thế nào mà tàu Argo quay lại đúng hòn đảo này. Lúc đó tối mịt chả ai nhìn thấy gì, vua Cyzicus nghe tin báo rằng có con tàu khả nghi lù lù cập bến đảo của mình trong đêm thanh vắng nên tưởng đó là quân xâm lược, bèn kéo quân ra đánh. Ban đêm thì nhóm Jason cũng mù, thấy có kẻ đánh mình là mình đánh lại, Jason lỡ tay giết chết vua Cyzicus trong lúc bát nháo. Hoàng hậu khi nghe tin chồng chết oan bèn tự tử theo. Nhóm Jason ân hận quá, họ nán lại để tổ chức một đám tang long trọng cho vua Cyzicus rồi mới nhổ neo.

Jason khổ, chúng ta cũng khổ theo. Do tích này hơi kể xấu Jason nên chẳng nghệ sĩ nào lôi nó ra tạc tượng, vẽ tranh cả.

Cuộc phiêu lưu tiếp theo thì tranh tượng có nhiều, và ai thuộc bài cũng biết rồi đấy, tích này liên quan đến chàng Hylas.
  

Hylas cầm bình nước, Herman Bissen, 1846

Kể tóm gọn cho những ai quên bài (lẫn lười bấm link để đọc), đội Jason tạt vào hòn đảo nhỏ, nam thiếu niên Hylas (cũng là bồ của Hercules), xách bình đi lấy thêm nước cho đội. Nhưng các nàng tiên sông thấy Hylas đẹp trai quá nên kéo cậu xuống đáy sông để cậu ở với họ mãi mãi. Hercules và các người hùng lùng sục tìm Hylas một thời gian nhưng không thấy, bèn nhổ neo đi tìm bộ lông cừu vàng tiếp.
 

“Hylas và các nàng tiên sông”, Ferdinand Carl Sohn, 1830. Nhìn Hylas không có vẻ gì là “bị” lôi kéo cả.

 

Tượng Hylas của Henry Alfred Pegram, 1894, hiện đặt ở vườn St John của công viên Regent, Anh Quốc. Đặt tượng Hylas bị nàng tiên kéo ngay hồ nước thế này nom hợp phết. Chứ thủy quái với Poseidon mãi cũng chán.

 

Bức khảm đá có niên đại 350 năm trước Công Nguyên, tả lại cảnh cậu Hylas bị các nàng tiên tóm về.

Tội cho Hylas, nhưng may là cậu đẹp trai, được bao em vừa xinh vừa cởi truồng bu vào nên tích về cậu truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ sáng tác, để ngày nay chúng ta không phải chán khi đọc tích toàn chữ.

Tiếp theo, nhóm Jason cập bến đảo Bebryces. Cuộc phiêu lưu này gần như chẳng có tác phẩm gì minh họa, chẳng phải do nó kể xấu Jason, mà do nó… ngắn quá. Vua của đảo Bebryces là ông Amycus bặm trợn, ông huênh hoang nói rằng mình rất mạnh rồi thách Jason thi đấm bốc. Kết quả: Amycus bị Jason tẩn cho vỡ mặt. Đám người hùng cột Amycus vào một góc rồi đi tiếp.
 

Hình vẽ trên chiếc bình cổ, tả lại cảnh Amycus bị nhóm Jason trói vì tội ngang ngược, bình có niên đại 425 năm trước Công Nguyên.

Cuộc phiêu lưu tiếp theo mới quan trọng đây. Tàu Argo đi tới đảo Bosporus của vua Phineus. Zeus (hoặc Apollo, tùy theo bản) từng ban cho Phineus khả năng tiên tri. Tuy nhiên thay vì dùng nó phục vụ thần, ông lại đi tiết lộ các tai ương sắp xảy ra để giúp dân chúng nên thần thánh ghét, trù ếm cho ông bị mù.

Thế nhưng đối với thần Hy Lạp khá dã man thì trừng phạt cho Phineus mù vẫn còn nhẹ. Zeus ra lệnh cho quái điểu Harpies – thứ yêu quái có bộ mặt của một người đàn bà (xấu) còn thân hình là thân chim – sà xuống mổ gần hết thức ăn của Phineus mỗi khi ông dùng bữa, trước lúc bay đi chúng không quên “tặng” cho Phineus một núi phân khắp bàn để ông không dám đụng vào các mẩu thức ăn thừa mà chúng để lại. Phineus ngày càng ốm o gầy mòn, chân đi không vững.
 

Hình vẽ quái điểu Harpies, minh họa cho cuốn sách “Lịch sử các yêu quái” của nhà tự nhiên học Ulisse Aldrovandi, xuất bản năm 1642.

 

Bức tranh “Harpies” (1886) của Hans Thoma này thì các Harpies nom xinh hơn. Nhưng cánh của Harpies lại bé như cánh con gà thế kia thì chẳng hiểu sao chúng bay được.

Harpies rất mạnh nên người thường không chống lại nổi, vì thế vua Phineus rất mừng khi nhóm  Jason tới đảo của mình. Do nhìn thấy tương lai, ông biết rằng đội Argonauts sẽ cứu ông khỏi thảm cảnh quái điểu.

Chả là trong số những người hùng nhập đội Argonauts có hai anh em Zetes, Calais. Họ là con của thần gió Bắc Boreas nên cả hai vừa mạnh mẽ vừa biết bay. Thương Phineus tốt bụng, hai anh em rình tại bàn ăn của vua, chờ đến lúc ông dùng bữa. Y như rằng, đám quái điểu Harpies nhao nhao xuất hiện. Thế là hai anh em cùng nhau bay lên, đuổi đánh bọn Harpies về tới tận tổ, sau đó họ phá luôn tổ của chúng để chúng sợ không dám quay lại hành hạ Phineus nữa.
 

“Đuổi đánh Harpies”, Erasmus Quellin, 1630. Quái điểu xấu đã đành, nhưng họa sĩ vẽ hai ông con thần gió với cái bụng ỏng thế kia thì nom chán quá, nhìn hai ông bay được thật khó tin.

 

Bản khắc “Calais và Zetes đuổi lũ Harpies cứu Phineus”, Bernard Picart, thế kỷ 17. Phineus vừa mù vừa thiếu ăn nên trông rất tang thương, phải chống gậy chứ không đủ sức đứng vững. Trong cuộc phiêu lưu này thì Calais và Zetes thay Jason làm nhân vật chính, tranh khắc cũng miêu tả bộ đôi anh em chứ không vẽ Jason, tác giả chú ý cho cả hai cặp cánh để người xem không nhầm.

Biết ơn nhóm Argonauts, vua Phineus đưa lời tiên tri để giúp cả đội vượt qua trở ngại tiếp theo.

Lời tiên tri ấy là gì? Nó quan trọng thế nào đối với cuộc hành trình tìm bộ lông cừu vàng? Chờ kỳ sau nhé.

*

Jason và đội thám hiểm Argonauts:

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 1): Bi kịch mẹ kế và cừu chở quá tải

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 2): Người hùng mang một chiếc xăng-đan

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 3): Việc đầu tiên là giúp cả Nữ nhi quốc có bầu

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 4): Giết oan vua, mất Hylas, và đuổi quái điểu

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 5): Dùng bồ câu lừa đá, né cảnh nhạy cảm, gặp đúng con “ông lông cừu”

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 6): Khi chân dài độc dược yêu người hùng

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 7): Rùng mình chân dài giết người chặt xác vì tình nhân

- Jason và đội thám hiểm Argonauts (phần 8): Kết cục lãng nhách của bậc thầy độc dược

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả