Nghệ sĩ thế giới

Dùng máu và ruột gà để phản đối triển lãm của Carl Andre 11. 03. 15 - 6:37 am

Jillian Steinhauer, Hoàng Lan lược dịch

 

Nhóm No Wave Performance Task Force tưới máu và ném ruột ngay trước cửa Dia Art Foundation (Tổ chức Nghệ thuật Dia) hòng vinh danh nghệ sĩ quá cố Ana Mendieta (hình trong bài là do Jillian chụp cho trang Hyperallergic)

Trong nhiều thứ mà người ta nghĩ thể nào cũng sẽ thấy ở cái gallery bảnh bao kiểu công kỹ nghệ tại khu Chelsea này vào tối thứ Hai hôm ấy, rõ ràng là không có máu với ruột gà vương vãi khắp vỉa hè. Nhưng để tưởng nhớ cố nghệ sĩ Ana Mendieta cũng như phản đối triển lãm tổng kết đời (hiện đang tổ chức ở Dia) của chồng bà – điêu khắc gia Carl Andre – nghệ sĩ Christen Clifforf cùng nhóm nữ quyền No Wave Performance Task Force đã “dâng tặng” Dia máu gà đỏ bầm cùng nhiều mớ ruột gà sậm đen.

Với ai còn chưa rõ về câu chuyện giữa Mendieta và Andre, thì xin tóm tắt ngắn gọn tuần tự thế này: Hai người này gặp nhau vào năm 1979 rồi cưới nhau sáu năm sau đó, lúc ấy cả hai đều đang thành công trong sáng tác và bán tác phẩm. Andre vốn đã sừng sững giữa trường phái tối giản do các nam nghệ sĩ thống trị. Trong khi đó, Mendieta đang mới bắt đầu có được sự chú ý của giới nghệ thuật nhờ các tác phẩm kiểu trình diễn đầy tính phù du (một trong những tác phẩm hồi mới đầu của bà là bà đứng lõa thể, tay cầm một con gà đứt đầu rồi để cho máu văng khắp người).

Mendieta và màn trình diễn với con gà đứt đầu. Hình tư liệu từ Internet

Vào đêm 8. 9. 1985, đôi vợ chồng cãi nhau tại căn hộ nằm trên tầng 34 của một toà nhà ở Greenwich Village. Trong lúc cãi cọ, Mendieta “nhảy ra khỏi cửa sổ” – theo lời của Andre – và tử nạn. Không có nhân chứng nào trong vụ này. Cũng không có ảnh chụp thi thể. Cảnh sát buộc tội Andre sát hại Mendieta nhưng ba năm sau tòa tuyên bố ông trắng án.

“Tôi nghĩ bà ấy bị quẳng ra ngoài cửa sổ”, nhà viết kịch Karen Malpede nói. Karen sống và làm việc ở New York vào cái thời Mendieta thiệt mạng. “Tôi nghĩ khi ấy mọi phụ nữ đều cảm thấy thế. Cái cảm giác như thể mỗi nữ nghệ sĩ ở New York đều đang nhận một lời cảnh báo: đây là điều sẽ xảy ra với cô nếu cô trở nên giỏi quá”. Karen tham gia phản đối cuộc triển lãm tại Dia với chồng bà, ông George Bartenieff. Cả hai hiện là đồng chỉ đạo nghệ thuật cho nhà hát Theater Three Collaborative.

“Quả là một lời tổng kết cho cái khung cảnh nghệ thuật bị cái “ngã” thúc đẩy thời bấy giờ, Bartenieff thêm vào. “Bạn sẽ chẳng tin nổi đâu, nó hệt như những ngôi sao Hollywood chiến lẫn nhau. Mọi thứ cứ bị thổi phồng hết cả lên và chẳng liên quan gì đến nghệ thuật.”

Hai vợ chồng Mendieta và Andre. Ảnh tư liệu từ Internet

Gần 30 năm sau, Andre là chủ đề của một triển lãm tổng kết đời rất quy mô. Quỹ nghệ thuật Dia đã lên kế hoạch cho sự kiện duy nhất của họ tại New York. Theo đó, nghệ sĩ Leslie Hewitt sẽ lên thuyết trình về các tác phẩm của Andre. Nhưng “vì vấn đề sức khỏe đột xuất”, buổi thuyết trình buộc phải dời lại. Lúc những người phản đối đến tòa nhà của Dia tại Chelsea vào 5h30 chiều, họ thấy một tờ thông báo trên cửa giải thích rằng sự kiện bị hoãn lại và một anh bảo vệ đang ngồi trong một chiếc SUV trắng.

Khi mọi người đến nơi, nghệ sĩ Clifford phát áo liền quần Tyvek (áo lao động làm từ nhựa nylon) cho họ; khuyến khích họ viết câu “Tôi ước gì Ana Mendieta còn sống”, hoặc câu có nội dung tương tự lên áo trước khi mặc vào, “Tôi không lập một cuộc phản đối để nói rằng Andre là một kẻ giết người khốn khiếp, dù bản thân tôi tin như vậy”, Clifford giải thích về câu chữ cô chọn cho áo. “Tôi muốn làm điều gì đó tích cực cho thế giới”. Ngoài ra, cô còn trải và dán một cuộn băng rôn bằng giấy có viết “Tôi ước gì Ana Mendieta còn sống” lên nền đất trước cửa Dia.

Christen Clifford (trái) và Karen Malpede (phải) viết chữ lên áo

 

Băng rôn phản đối dán dưới nền đất trước cửa Dia

Để bắt đầu cuộc phản đối với nhóm gần 20 mạng – trong số ấy có vài người là bạn thân của gia đình Mendieta – Malpede đọc một đoạn trong tiểu thuyết Cassandra của Christa Wolf . Trong truyện, người hùng Hy Lạp Achilles giết chết nữ tiên tri Cassandra một cách tàn bạo, và Wolf viết: “Lũ đàn ông yếu đuối, nhưng trong cơn khát muốn làm kẻ thắng cuộc, cần biến chúng ta thành nạn nhân để họ không ngừng cảm thấy rằng mình vẫn vững vàng như xưa. Hành động này sẽ đi đến đâu?

Malpede đọc một đoạn tiểu thuyết

Khi Malpede đọc gần xong, Clifford bình thản cầm một điếu thuốc, chọc thủng lỗ trên chiếc túi nylon đựng máu lẫn ruột gà. Cô từ từ cho máu nhỏ giọt dọc phần viền của tấm băng rôn dán trên lề đường, rồi cô đổ cả phần máu lẫn ruột còn sót lại trong túi nylon trước cửa Dia. Mùi hôi xộc lên nồng nặc, mùi tanh tưởi của cái chết bay trong gió. Tiếp theo Clifford đọc một trích đoạn từ quyển Who is Ana Mendieta? (Ana Mendieta là ai?)

Clifford nhỏ máu từ túi lên băng rôn

 

.Christen Clifford nhỏ giọt máu gà, ruột gà từ từ lòi ra khỏi túi

 

Tiếp theo, Clifford đọc tác phẩm ‘Who Is Ana Mendieta?’

Khi Clifford đọc xong thì cảnh sát vừa đến, Tổ chức Dia đã gọi cảnh sát. Cả nhóm biểu tình đứng im lặng nhìn chằm chằm vào cuộn băng rôn và mớ ruột gà – một đài tưởng niệm tạm bợ, tuy đơn giản nhưng mạnh mẽ. Cảnh sát tôn trọng khoảnh khắc im lặng đó, họ đứng lùi lại để quan sát xem chuyện gì đang xảy ra. Cuối cùng một cảnh sát hỏi ai là kẻ cầm đầu nhóm, và Malpede nói “Không có đầu sỏ nào ở đây cả”. Các sĩ quan chấp nhận câu trả lời rồi bước qua vũng máu để tiến vào tòa nhà Dia. Những người phản đối bắt đầu bỏ đi.

“Với tôi thì điều đáng quan tâm không nằm ở chỗ liệu Andre có giết vợ hay không, mà ở chỗ cả giới nghệ thuật quá hứng thú với việc bảo vệ ông ta bất chấp khả năng ông ta có thể đã gây tội ác”, Mohammad Salemy – một giám tuyển làm việc tại Vancouver và New York – cho biết. “Họ can thiệp vào hệ thống pháp lý. Không thể tin tưởng vào kết quả của phiên tòa vì nó đã chịu ảnh hưởng từ những lực lượng quyền thế”.

Các sĩ quan cảnh sát tiến vào tòa nhà Dia

Hành động phản đối này rất quan trọng, Salemy tiếp lời, vì nó giúp làm sáng tỏ “phần ẩn của tảng băng trôi… phần xấu xí của giới nghệ thuật. Khi người ta nói về triển lãm tổng kết đời của Carl Andre tại Dia, họ sẽ kháo nhau rằng trước đấy có một cuộc phản đối. Bạn biết thiên hạ hay nói câu ‘hãy làm nên lịch sử’ là thế nào rồi chứ? Hãy làm nên lịch sử nghệ thuật”.

Tôi quay lại trước cửa tòa nhà Dia nửa giờ sau khi nhóm rời đi. Băng rôn đã biến mất, một người phụ nữ làm việc tại tòa nhà đang sợ chết khiếp khi phải dùng một quyển danh bạ điện thoại để gom mớ ruột gan thành đống gọn gàng. Một phần máu đã bắt đầu khô, nhưng nó để lại vài chấm lốm đốm lẫn vết bẩn trên lề đường, chúng nom như các vật cúng hết sức phù hợp cho Mendieta – một nghệ sĩ vốn hứng thú với các vật liệu cũng như dấu vết tự nhiên. Mùi tanh hôi thì dai dẳng không dứt, và cứ ám trên cơ thể trong suốt khoảng thời gian tôi tiến về Đại lộ số 10.

.Nhân viên của Dia cố gắng dọn dẹp đống hổ lốn

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Người ta tới đâu rồi,
còn ta thì tẹp nhẹp

Nguyễn Quân - Cung cấp ảnh: Nguyễn Anh Tuấn

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả