Trường phái

ĐIÊU KHẮC TỐI GIẢN (1): Từ tên gọi… 07. 02. 11 - 9:58 am

Judith Collins – Phạm Long biên dịch – Đào Châu Hải hiệu đính

[Trích dịch từ chương 18: Minimalism của cuốn sách Sculpture Today, Phaidon, 2007] 

Tác phẩm “Two Open Modular Cubes/Half-Off” của Sol-LeWitt

Thế nào là “Các cấu trúc cơ bản”? Từ điển định nghĩa chúng như là các bộ phận hoặc kết cấu [có tính năng tạo dựng] cơ sở, nền tảng, thiết yếu. Cụm từ này cũng là tên một triển lãm của các điêu khắc gia trẻ tuổi Anh – Mỹ tại Bảo tàng Do Thái, New York, vào tháng 4. 1966 với curator Kynaston McShine – được coi là triển lãm đầu tiên xác lập những tham số cơ bản của nghệ thuật Tối giản.

Thuật ngữ Nghệ thuật Tối giản (Minimal Art) xuất hiện hai lần vào năm 1965: trước hết trong một bài viết cùng tên của triết gia người Anh Richard Wollheim đăng trên Arts Magazine (Tạp chí Nghệ thuật) số tháng Giêng, và sau đó, trong tiểu luận của phê bình gia Hoa Kỳ Barbara Rose nhan đề ABC Nghệ thuật trong tạp chí Art in America (Nghệ thuật Mỹ) vào tháng 11. 1965. Rose mô tả những gì bà thấy giống như “một cảm thức mới đang trỗi dậy” trong giới họa sĩ và điêu khắc gia trẻ tuổi New York, chẳng hạn Frank Stella, Anne Truitt, Richard Tuttle và Ronald Bladen với những đặc trưng có “xu hướng rút gọn” và đặc tính “trống rỗng, nhàn nhạt, máy móc tới mức thiếu cá tính con người”; và bà tìm thấy nhiều tương đồng giữa chúng với tác phẩm Ô vuông Đen – Black Square của họa sĩ người Nga Kasimir Malevich (1913) hay các tác phẩm readymade của Duchamp.

Ô vuông Đen – Black Square của họa sĩ người Nga Kasimir Malevich

Năm 1965, trong một bài viết quan trọng với tiêu đề Các đối tượng cụ thể  in trên Kỷ yếu Nghệ thuật 8, Donald Judd tuyên bố rằng theo đánh giá cá nhân về nghệ thuật đương đại Mỹ, đa số “các tác phẩm mới đặc sắc nhất trong vài năm qua không phải là hội họa, cũng không phải điêu khắc”, song đúng là thứ có thể coi là “tác phẩm ba chiều” hay “đối tượng”. Khi thay thế các danh từ “hội họa” và “điêu khắc” bằng thuật ngữ “đối tượng”, Judd báo hiệu đã có sự cắt đứt với nghệ thuật truyền thống và xuất hiện điều gì đó thật mới mẻ – dù ông chưa định lượng được chúng. Theo Judd, một tác phẩm như Black Square của Malevich, dù có vẻ giản dị và trống trải, song đã quá tải với các nội dung cá nhân, xã hội, và chính trị chất chứa trong nó. Ông không chấp nhận thứ “chủ nghĩa ảo giác và không gian tầm thường – kiểu không gian nằm trong và/hoặc có các họa tiết hay màu sắc bao quanh” mà ông cho là “một trong những… di tích chướng tai gai mắt nhất của nghệ thuật Âu châu”.

Tác phẩm “Three Elements” của Ronald Bladen

Cho đến khi triển lãm Các cấu trúc cơ bản mở cửa tại New York mùa xuân năm 1966, các phê bình gia đã dùng rất nhiều thuật ngữ mới lạ để mô tả thứ nghệ thuật mới đang nảy nở tại thành phố này. Họ đã đề xuất nhiều thuật ngữ ngắn gọn như “Nghệ thuật khước trừ” (Rejective Art)” hoặc “Xu hướng trần trụi” (Literalism), nhưng được ưa chuộng nhất chính là cụm từ “Tối giản” (Minimal). Các học giả cũng cảnh báo rằng phải nên dùng hết sức thận trọng và tránh lạm dụng thuật ngữ này bởi vì “danh xưng” đó không hẳn thể hiện mục tiêu của nghệ thuật mới, mà nó được dùng nhiều phần lớn vì tiện lợi.

Robert Morris, Không đề, 1969

Tony Smith, Sol LeWitt, Carl Andre, Robert Morris, Dan FlavinDonald Judd thuộc hàng những nghệ sĩ Tối giản quan trọng nhất. Tất cả họ, tính đến năm 1966, đều đã tiết chế ngôn ngữ hình thức của mình thành những mẫu (dạng) hình học tinh giản, khiến cho chất liệu và quy trình [tạo dựng tác phẩm] bộc lộ tình trạng của nền sản xuất công nghiệp. Họ muốn lựa chọn các vật liệu công nghiệp thật giản dị tới mức tránh biểu cảm [lộ liễu], ví dụ như gạch, gỗ dán, nhôm, thép, kính gương, plexiglas, đèn chiếu sáng và sắt mạ kẽm.

Tác phẩm của Sol LeWitt

Thời hoàng kim của nghệ thuật Tối giản cho dù khá ngắn song đã kịp tạo dựng tiền đề vô cùng quan trọng cho những nghệ sĩ [muốn] theo đuổi xu hướng này. Nhiều dòng nghệ thuật đương đại vẫn đang dùng các vật liệu phổ biến cùng những quy trình [chế tác] công nghiệp, tạo nên những tác phẩm Tối giản mang hương vị lịch sử và nội dung tâm lý xã hội riêng. Ngày nay, vẫn có những nghệ sĩ chuộng lối tiếp cận tối giản, làm bằng tay với phong thái nhẹ nhàng; họ “quán triệt” và “hàm ơn” hình thái nghệ thuật giản lược đó – một trào lưu cho tới giờ vẫn thật ấn tượng khi luôn hiện diện trong vẻ “bất trị” và “lạnh lùng” của nó.

Blue, Donald Judd

Các phê bình gia hay áp dụng thuật ngữ “Tối giản” để hàm ý về “một hình thức mô tả tốc ký” gắn với các tác phẩm thường có bố cục đối xứng, kiệm màu, đơn giản hóa cao độ và tự tiết chế, không thái quá, sử dụng các vật liệu bằng nhựa hay hợp kim, gây cảm giác mạnh cho người xem. Tuy nhiên, mỗi nghệ sĩ đều có sự tinh tế riêng và những khác biệt thú vị trong cách tiếp cận về hình thức, nội dung và việc xử lý chủ đề tác phẩm. Judd, LeWitt, AndreMorris ưa sử dụng các hình khối và hình chữ nhật, trong khi Tony SmithRonald Bladen thích các hình thù chéo góc hoặc những kiểu dạng lồng vào nhau. Bladen, cũng giống như Truitt, muốn tự tay sơn lấy những mẫu gỗ dán. Ông muốn nghệ thuật điêu khắc giản lược của mình nói lên một điều gì đó, tựa như “một vở kịch về sự trải nghiệm nhỏ bé”.

Ronald Bladen, tác phẩm “The X”

*

(Còn tiếp)

 

Ý kiến - Thảo luận

13:06 Wednesday,9.2.2011 Đăng bởi:  admin
Anh Phạm Long và Em-có-ý-kiến, Chinsu: Soi đã sửa tên lại rồi. Cảm ơn mọi người nhiều.
...xem tiếp
13:06 Wednesday,9.2.2011 Đăng bởi:  admin
Anh Phạm Long và Em-có-ý-kiến, Chinsu: Soi đã sửa tên lại rồi. Cảm ơn mọi người nhiều. 
13:02 Wednesday,9.2.2011 Đăng bởi:  admin
ĐÂY LÀ EMAIL CỦA DỊCH GIẢ PHẠM LONG ĐỂ TRẢ LỜI CÁC BẠN, SOI XIN ĐÍNH VÀO:

Cám ơn Soi và các bạn đọc đã góp ý.
Tôi xin trao đổi 2 ý:

1- Tên Quảng trường Đỏ (Hồng Trường), tiếng Nga là "Красная площадь", đã có từ thế kỷ 17, xuất phát từ màu hồng/đỏ của gạch xây quảng trường và màu hồng/đỏ của gạch xây nhà thờ Thánh Basil nằm trên quảng tr
...xem tiếp
13:02 Wednesday,9.2.2011 Đăng bởi:  admin
ĐÂY LÀ EMAIL CỦA DỊCH GIẢ PHẠM LONG ĐỂ TRẢ LỜI CÁC BẠN, SOI XIN ĐÍNH VÀO:

Cám ơn Soi và các bạn đọc đã góp ý.
Tôi xin trao đổi 2 ý:

1- Tên Quảng trường Đỏ (Hồng Trường), tiếng Nga là "Красная площадь", đã có từ thế kỷ 17, xuất phát từ màu hồng/đỏ của gạch xây quảng trường và màu hồng/đỏ của gạch xây nhà thờ Thánh Basil nằm trên quảng trưởng này; trong tiếng Nga chữ Красная còn có nghĩa là "đẹp". Như vậy, nếu Malevich có ý ám chỉ quảng trường "đen" thì cũng chẳng có gì liên quan tới CM tháng 10 cả. Tuy nhiên, thực ra đúng là ông chỉ muốn nói tới "hình vuông"
2- Tên gốc của tác phẩm này là "Чёрный квадрат", đúng nghĩa đen của từ "квадрат" (hình vuông/ô vuông), nên dịch là "Hình vuông đen"/"Ô vuông đen".

Xin đề nghị Soi đính chính giúp.
Một lần nữa cám ơn các độc giả của Soi rất nhiều (Học thầy không tầy học bạn đọc!). Và một điều hữu ích chúng tôi rút ra ở đây là: công tác dịch thuật rất cần sự truy cứu từ nguyên, và do đó, nên tra cứu tới tận tên gốc của từ (nếu có thể, tất nhiên).
Thay mặt nhóm biên dịch,
Phạm Long 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả