Nghệ sĩ thế giới

Khóc tập thể cho Ana Mendieta tại triển lãm của Carl Andre 17. 03. 15 - 8:55 am

Marisa Crawford, Hoàng Lan dịch

 (Các bạn nên xem thêm bài này, là sự kiện trước đó)

Khóc than tại triển lãm của Carl Andre ở Dia:Beacon (Ảnh: Sean Cain)

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể khóc bất cứ lúc nào mình muốn. Khi người bạn tôi – nhà thơ kiêm nghệ sĩ biểu diễn Jennifer Tamayo – mời tôi đến dự sự kiện tưởng nhớ Ana Mendieta có tên “CRYING: A PROTEST” (Khóc: Một cuộc phản đối) diễn ra trong triển lãm tổng kết đời của Carl Andre tại Dia:Beacon, tôi biết rằng đây là một sự kiện quan trọng để mình tham gia, nhưng chưa biết làm sao để tự khiến bản thân khóc cho được. Sự kiện này tổ chức cùng với “We wish Ana Mendieta was still alive” (Chúng tôi ước gì Ana Mendieta vẫn còn sống) – một động thái công khai của No Wave Performance Task Force (nhóm này cũng từng biểu diễn một màn phản đối triển lãm của Andre ngay trước tòa nhà Dia ở Chelsea vào năm ngoái). Nhóm tổ chức đăng tin cho sự kiện “CRYING” như thế này: “NƯỚC MẮT MỪNG VUI / NƯỚC MẮT KHIẾP SỢ / NƯỚC MẮT cho ANA MENDIETA. Đến tham gia buổi khóc công khai và tiệc silueta vào ngày bế mạc triển lãm tổng kết của Carl Andre tại DIA. Hãy mang theo nước mắt của bạn”.

Một silueta (tác phẩm lấy cơ thể người ấn lên nền tuyết rồi đổ máu giả vào) để tưởng nhớ Mendieta bên ngoài Dia:Beacon (Ảnh: tác già chụp cho trang Hyperallergic)

Thứ Bảy vừa rồi, chúng tôi đến bãi đỗ xe của trạm tàu điện Beacon để sắp xếp mọi thứ, sau đó cả bọn đến bảo tàng vào khoảng 3 giờ chiều. Nhóm chúng tôi gồm chừng 15 người, tất cả đều là nhà thơ, nghệ sĩ, và nhà hoạt động nữ quyền. Chúng tôi vào bảo tàng theo từng nhóm hai người để nom không quá lộ liễu, vì nghe nói rằng bảo tàng đang chờ chúng tôi tới (hòng tóm cổ?). Theo kế hoạch, mọi người sẽ đi rảo quanh triển lãm của Carl Andre trong khoảng 20 phút, khóc lóc và/hoặc tự phóng đại cảm xúc, sau đó tất cả tập hợp tại gian chính của triển lãm để đẩy mục than khóc bi thương lên “cao trào”.

Khi rảo bước quanh triển lãm, nước mắt đến dễ hơn tôi nghĩ. Nỗi lo lắng về ngày hôm đó đạt đến đỉnh điểm khi tôi nhìn thấy các tác phẩm nghệ thuật thẳng thớm, đơn điệu của Carl Andre – kim loại, gỗ và các vật liệu công nghiệp khác sắp xếp thành hàng lối và dáng hình gãy gọn. Lúc đấy, tôi cảm thấy chúng như những thực thể tao nhã mang tính logic điềm đạm, một sự đối nghịch hoàn toàn với cái chết kịch tính của Mendieta, và với hàng dòng nước mắt giàn giụa chúng tôi đã khóc nhân danh cô.

Khóc cho Mendieta tại Dia:Beacon (Ảnh: Sean Cain)

Các thành viên trong nhóm bắt đầu ngồi gần từng tác phẩm, nhìn chằm chằm vào chúng với hàng lệ ướt trên má, hoặc chỉ đơn thuần là giữ chỗ trong lúc bày tỏ cảm xúc một cách không kiêng dè. Tôi nhìn một tác phẩm sắp đặt làm bằng các hộp kim loại  vuông đặt thành hình khối theo thứ tự trùng lặp dọc trên sàn. Tôi nghĩ về việc văn hóa xã hội của ta đã kềm cặp cảm xúc của người phụ nữ như thế nào. Cách mà luật sư bào chữa cho Andre đã dùng các tác phẩm mạnh mẽ của Mendieta trong phiên tòa – bao gồm những hình ảnh thách thức sự tôn ti giới tính và phản đối bạo hành với phụ nữ – để gợi ý với bồi thẩm đoàn rằng (với cá tính ấy) cô đã tự vẫn. Cách mà các nam nghệ sĩ nổi tiếng thời đó lên tiếng bảo vệ Andre. Cách mà tất cả chúng ta, đến tận ngày nay, vẫn còn sốt sắng biện hộ cho các nam nghệ sĩ vũ phu lẫn đổ lỗi cho các nữ nghệ sĩ bị bạo hành. Tôi ngẫm về các nữ nghệ sĩ như Yoko Ono và Courtney Love – những người thường bị cuộc đời của các ông chồng nghệ sĩ vĩ đại định nghĩa, và đôi lúc còn bị quy trách nhiệm cho cái chết của chồng; và cách mà các tác phẩm cũng rất tầm vóc của họ thường bị che khuất. Tôi nghĩ đến việc cái chết của Mendieta đã gần như phủ bóng lên những tác phẩm mà cô sáng tác, song nó lại chẳng cho khiến triển lãm tổng kết đời của Andre suy suyển tí nào; rồi tôi tìm Mendieta trong mấy trang sách giới thiệu của bảo tàng nhưng cũng không hề thấy nhắc đến cô ở đâu cả. Tôi bưng mặt khóc, luộm thuộm lau nước mắt bằng chiếc khăn choàng to tướng trong khi các nhân viên bảo vệ của bảo tàng nhìn tôi với vẻ nghi hoặc, rồi khẽ khàng báo cáo vào máy bộ đàm.

Tôi bước vào gian chính của triển lãm lúc 3:15 để kết thúc buổi diễn bằng màn khóc than tập thể. Cả gian phòng chìm trong những tiếng khóc thổn thức ai oán, tiếng sụt sùi, tiếng khóc nghẹn, cũng như tiếng hít hà. Mọi thứ thật đáng kinh ngạc, và tôi bắt đầu khóc nhiều lên ngay, vừa khóc vừa lướt nhìn qua lại từ tác phẩm đến tập sách giới thiệu của bảo tàng. Những khách tham quan khác đều đứng khựng lại nơi góc phòng, họ nhìn đám phụ nữ đang khóc than rồi thì thầm với nhau. Một số nghệ sĩ trình diễn/người phản đối còn qụy gục xống sàn, khóc nức nở ngay trước các tác phẩm sắp đặt riêng lẻ như thể họ đang ngồi cạnh mộ người yêu. Nhiều người trong số các phụ nữ này là bạn thân của tôi, họ thuộc cộng đồng các nhà thơ và nghệ sĩ nữ quyền trong độ tuổi 30, xấp xỉ tuổi Ana khi cô mất đương lúc tài năng còn tỏa rạng ngời để cống hiến cho thế giới.

.

Bảo vệ của Dia bắt đầu hộ tống chúng tôi ra khỏi tòa nhà – môt anh bảo vệ nói với người biểu diễn: “Chúng tôi tôn trọng cảm xúc của cô, nhưng chúng tôi không thể để cô phá ngang cuộc triển lãm”. Vài nghệ sĩ tham gia phản đối vừa bước ra khỏi bảo tàng vừa hét “Chúng tôi ước gì Ana Mendieta còn sống!” trong khi số khác nán lại để rải những mảnh giấy có ghi câu nói trên quanh mấy tác phẩm của Andre. (Hành động này nhắc lại sự kiện Women’s Action Coalition (Liên hiệp Phụ nữ Hành động) phản đối việc các tác phẩm của Andre góp mặt trong lễ khánh thành bảo tàng Guggenheim Soho vào năm 1992, lúc đó những thành viên của Liên hiệp đã rải khắp bảo tàng các bản copy một tấm hình chụp khuôn mặt Mendita).

Các tác phẩm của Mendieta đa phần là phù du, kết hợp các chất liệu thiên nhiên với cơ thể của cô. Trong loạt tác phẩm Silueta (bóng dáng) nổi tiếng, cô đã dùng cơ thể mình in dáng lên cỏ, đất và cát – cô gọi đó là “điêu khắc đất-cơ thể”. Cô còn dùng máu như một phương tiện nghệ thuật. Bên ngoài Dia:Beacon, chúng tôi tôn vinh di sản của cô bằng các silueta chúng tôi tự làm trên tuyết ở ngay ngoài bãi đỗ xe của bảo tàng, với từ “Ana” viết bằng máu giả rải xung quanh. Các tay bảo vệ đi theo chúng tôi đến tận cuối khuôn viên bảo tàng, tại đó cả bọn chúng tôi giương một tấm băng rôn bằng giấy dài có ghi câu “Chúng tôi ước gì Ana Mendieta còn sống”.

Tên Ana Mendieta viết trên tuyết bằng máu giả (Ảnh: tác già chụp cho trang Hyperallergic)

 

Một silueta để tưởng nhớ Mendieta (Ảnh: Sean Cain)

Người ta thường coi khóc lóc như một biểu hiện yếu đuối, thể hiện cảm xúc quá độ, là mật mã cho tính uỷ mị kiểu đàn bà.  Tuy nhiên, với tư cách của một nhóm, nước mắt chúng tôi được ví như sự đả phá – một mối đe dọa. Rất giống với nghệ thuật của Mendieta, màn trình diễn của chúng tôi thật phù du. Nước mắt giờ đã khô. Siluetas của chúng tôi cũng tan dần theo tuyết. Nhưng chúng tôi thấy thật mãnh liệt và quan trọng khi đem cuộc chất vấn đầy cảm xúc thô ráp này đến triển lãm của Andre; để nhắc nhở thế giới rằng công chúng vẫn còn giận dữ, rằng chúng tôi vẫn nhớ đến các tác phẩm của Mendieta, tới di sản của cô, cái chết của cô – và rằng chúng tôi vẫn còn khóc thương.

*

 “CRYING: A PROTEST” diễn ra tại Dia: Beacon (số 3 đường Beekman, Beacon, New York) vào ngày 7. 3. 2015

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả