Gẫm & Bình

Một bức thư ngỏ: Hãy trả lại tranh quý cho Bảo tàng Gardner 24. 03. 15 - 5:17 pm

Sebastian Smee, Hoàng Lan dịch

Sebastin Smee là một nhà phê bình nghệ thuật người Áo, anh từng đạt giải Pulitzer và hiện đang làm cho nhật báo Boston Globe. Hôm nay anh đăng một thư ngỏ đến những tên trộm đã cuỗm đi các tranh của bảo tàng Isabella Stewart Gardner vào 25 năm trước.

Khung của bức“Storm on the Sea of Galilee” (Bão trên biển Galilee) của Rembrandt, vốn bị trộm 25 năm trước

Gửi những ai liên quan,

Hãy trả lại những bức tranh mà ngươi đã đánh cắp. Chúng thuộc về Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, đó là một nơi phi thường, chứ không phải chỗ khiến mọi người liên tưởng đến bao khung tranh trống rỗng lẫn những mẩu chuyện về trộm cắp nghệ thuật và gian lận. Nhưng chính vì ngươi, bảo tàng đã trở thành một nơi như thế.

Ta không biết gì về tình cảnh của ngươi hay về những mưu tính mà ngươi cảm thấy mình cần phải làm, và ta hiểu rằng giờ đây, mọi chuyện có vẻ quá phức tạp để ngươi trả lại mấy bức họa. Nhưng có lẽ sự việc lại đơn giản hơn ngươi tưởng?
 

“La sortie se pesage” của Degas (Những bức tranh trong bài đều là tranh bị trộm cách đây 25 năm)

Ước gì ta có thể nói rằng ngươi sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn nếu chịu hoàn trả tác phẩm, nhưng ta thì biết gì cơ chứ? Đó chính là vấn đề, phải không? Ta chẳng biết ta đang nói chuyện với ai cả.

Phải chăng ngươi là một kẻ dại dột, hay chỉ đơn thuần là ngu ngốc? Có sự khác nhau lớn ở đây đấy. Tất cả chúng ta ít nhiều gì đều ngu ngốc. Chúng ta làm nhiều chuyện ngốc nghếch lúc còn trẻ; khi trưởng thành chúng ta lại làm những điều ngu xuẩn khác. Chúng ta thực sự không tiến bộ là bao.

Và như chính ta đây, quả thật rất ngu khi nghĩ rằng, 25 năm sau vụ trộm ở bảo tàng Gardner, ngươi sẽ lắng nghe lời khẩn cầu của một tay phê bình nghệ thuật.
 

Chân dung tự họa của Rembrant, 1634 – một bức bị ăn trộm

Đôi lúc, có Chúa mới biết, chúng ta đần độn làm sao. Nhưng dù vậy thì vẫn còn hy vọng. Trước hết là ngươi có thể vùi mình trong tình đoàn kết của cả một nhân loại (ngu ngốc) nói chung. Và điều tiếp theo lại càng hay: ngươi có thể khôn ra. Ngươi có thể nhận thấy lỗi lầm. Ngươi có thể lắc đầu và dụi mắt vì thật khó tin rằng mình đã từng ngốc đến độ đột nhập vào bảo tàng, hay bưng về nhà một bức Vermeer chôm chỉa, ngươi kinh ngạc trước chuyện hồi ấy mình chẳng biết mình đang làm cái quái gì nữa. Thậm chí ngươi còn có thể bắt đầu nghĩ đến việc sửa chữa hành động xấu xưa kia.

Nhưng nếu ngươi là một kẻ dại dột thì khác. Kẻ dại dột không chỉ tự làm nhục bản thân. Chúng có một cách đặc biệt để phát tán sự nhục nhã ấy.
 

Degas, “Ba nài ngựa”, phác thảo chì

 

Bọn trộm còn cuỗm mất tượng khắc hình chú đại bàng này (1814). Đây là tượng đúc bằng đồng, nhưng được giữ gìn tốt nên chú nom rất óng ánh. Cảnh sát nghi rằng bọn trộm lấy chú vì tưởng chú đúc từ vàng ròng.

*
Người ta hào hứng bàn tán về vụ trộm Gardner, tôi chắc bạn đọc đều thấy. Cũng dễ hiểu. Trên bề mặt thì đó là một câu chuyện bí ẩn hay ho. Trong ngành của tôi, và có lẽ cả ngành của bạn nữa, chúng ta thường nghe thiên hạ bàn tán về nó. Hoặc bạn đọc trên báo hay nghe qua radio. Sách viết về vụ trộm cũng đã xuất bản. Thế nhưng, dường như chẳng thứ gì trong những cái ấy có thể giúp bất kỳ ai tiến gần tới việc phá án.

Và thế là ta mò đến Gardner. Nếu ta đi với con cái hay với người quen đến từ tỉnh khác, thì một trong số những chuyện đầu tiên ta kể họ nghe chắc chắn sẽ là vụ trộm, có lẽ ta nghĩ rằng họ sẽ hứng thú với nó hơn là với nghệ thuật.

Điều này nhìn chung dễ hiểu. Song chính đây là lúc cảm giác nhục nhã kỳ lạ ấy trỗi dậy. (Vụ trộm) có phải là lý do bạn đến bảo tàng không?

Cuối cùng, bạn đến gian phòng Hà Lan – nơi từng trưng bày hai bức tranh và bản khắc của Rembrandt, bức tranh phong cảnh của Govaert Flinck, lẫn bức Vermeer tuyệt đẹp, và bạn răm rắp chỉ vào những khung tranh trống hoác.
 

Các khung tranh trống tại phòng Hà Làn của bảo tàng

 

“Buổi hòa nhạc”, Vermeer, 1658 -bức bị ăn trộm

Đâu đó thoảng một mùi tanh kim loại trên lưỡi khi bạn moi ra những chi tiết ly kì về vụ trộm – từ những bài báo bạn mang máng nhớ rằng chúng viết vụ trộm xảy ra như thế nào, hay mấy lời bàn tán về người bị nghi có dính líu đến chuyện này… một bảo vệ… bọn Mafia… thông tin gì đấy về Whitey Bulger (trùm băng đẳng kiêm kẻ giết người khét tiếng của Mỹ)?

Con cái bạn sẽ hỏi mấy câu hiển nhiên (“Hắn có dùng dao để cắt tranh ra không?” “Nhà của chúng ta có an toàn không vậy?”), rồi bọn trẻ nói sang chuyện khác. Nhưng đến lúc này thì cảm giác nhục nhã khó giải đã bắt đầu lan ra.

Bạn kinh ngạc trước những gì mình vừa nói, và có lẽ sau đó, nếu bạn có tí thời gian cho riêng mình, bạn sẽ nán lại trước một trong những khung tranh trống ấy – ví dụ như khung bức tranh “Storm on the Sea of Galilee” (Bão trên biển Galilee) của Rembrandt.
 

“Bão trên biển Galilee”, Rembrandt, 1633.

Giờ không là lúc tôi tuôn châu nhả ngọc về việc tại sao đây là một bức tranh vĩ đại lẫn quan trọng đến như vậy, tác phẩm vẽ cảnh biển duy nhất của Rembrandt, hoặc những lý do tương tự, tôi càng không bàn về chuyện vì sao nghệ thuật quan trọng, vì sao nó nuôi dưỡng tâm hồn, vân vân và vân vân. Trong thoáng chốc tôi cũng cố hình thành những câu chữ như trên trong não, nhưng chưa kịp nghĩ ra cái tính từ đầu tiên là tôi đã sa lầy vào mớ cảm xúc bất lực, lố lăng, và vâng – một lần nữa – sự nhục nhã.

“Phong cảnh với tháp Obelisk”, Govaert Flinck, 1638

Cuối cùng còn lại bản thân chúng ta, đứng trong gian phòng Hà Lan trước khung tranh to trống không từng treo bức Rembrandt tráng lệ. Ta cảm thấy gì?

Đó là một trong những cảm giác không từ ngữ nào diễn tả được. Nhưng tôi có thể nói rằng thay vì cảm thấy mình đứng trước sự vĩ đại – cảm giác tôi biết mình nên có – tôi lại cảm thấy bản thân đang đứng trước những kẻ dại dột.
 

“Người phụ nữ và người đàn ông mặc đồ đen”, Rembrandt, 1633

Những kẻ dại dột đã trộm các tác phẩm nghệ thuật này, đồng thời gây nguy hiểm cho tính mạng người khác. Những kẻ dại dột, xét về mọi khía cạnh, chẳng biết họ đang làm gì. Những kẻ dại dột sẵn sàng, vì lý do xấu xa nào đó, mua tác phẩm chôm chỉa. Những kẻ dại dột, sau tận 25 năm, vẫn chưa sửa chữa những hành động sai trái trong quá khứ. Những kẻ dại dột chẳng bao giờ hiểu ra vấn đề.

Kết quả, tôi cảm thấy bản thân mình cũng như một kẻ dại dột. Do vấn đề của bọn dại dột nằm ở chỗ bạn sẽ cảm thấy ngớ ngẩn chỉ vì bạn có liên hệ với chúng. Trước những khung tranh trống trơn ấy, nhất là trong gian phòng Hà Lan, và cả gian phòng Xanh – nơi từng treo bức “Chez Tortoni” của Manet trước khi tên trộm cuốm mất nó – bạn cảm thấy bản thân mình bị nhục lây.

“Chez Tortoni”, Manet – một bức tranh bị trộm

 

Phác thảo chì “Cortege aux environs de Florence”, Degas – cũng bị trộm nốt

Sự nhục nhã toát ra từ những khung tranh như mùi bánh mì khét, và bạn không thể xì cái mùi cay đắng đó ra khỏi lỗ mũi.

Điều khiến việc này tệ gấp đôi là nó thật quá trái ngược với chốn cung điện mà bà Gardner từng mường tượng – một tòa nhà phong cách Venice, nơi bà dự định sẽ làm chỗ tá túc tinh thần, một nơi của sự trầm tư, cho cái đẹp tuyện mỹ.
 

Bảo tàng Gardner

 

Khu vườn bên trong bảo tàng

Một thế kỷ sau đó, Bảo tàng Gardner vẫn là một nơi đẹp đẽ lẫn nồng hậu lạ thường, và mặc cho những gì xảy ra, vẫn đầy cảm xúc cũng như sức sống. Đây không nên là nơi phải dựng lại tour ảo về vụ trộm trên trang web của mình, rồi phải trả lời những câu hỏi bất tận về vụ trộm cho giới truyền thông, cho FBI, lẫn cho công chúng từ năm này qua năm khác.

Các bức tranh nên quay về, tổn thất nên được bù đắp, và sự dại dột phải được chấm dứt.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả