Nghệ sĩ thế giới

31. 10: Johan Vermeer – nghèo nhất mà xài sang nhất 01. 11. 11 - 12:00 am

Hữu Khoa lược dịch từ Wikipedia

31. 10 là ngày mà Johannes, Jan hay Johan Vermeer, được rửa tội (1632), tại thành phố Delft của Hà Lan. 43 năm sau, ông mất và được chôn cũng tại thành phố này. Vermeer là một họa sĩ chuyên vẽ những cảnh sinh hoạt trong gia đình, những cảnh nội rất tinh xảo, diễn ra trong đời sống trung lưu. Trong ảnh: Những người tham dự một hội thảo ngắm bức tranh “Người đàn bà với cái cân” của Johannes Vermeer tại Alte Pinakothek, Munich, Đức, hồi tháng 3. 2011. Ảnh: Marc Mueller

 

Khi còn sống, Vermeer chỉ nổi tiếng vừa vừa. Ông chưa bao giờ giàu có, lại đông con (11 đứa), khi chết đi đã để lại một đống nợ nần cho vợ và con. Nguyên nhân: ông vẽ quá ít. Vermeer vẽ chậm và rất cẩn thận. Một năm ông vẽ chừng ba bức, và vẽ theo đơn đặt hàng. Tranh Vermeer hay dùng màu sáng, thường có thêm những màu tự nhiên cực đắt tiền – ông thích những màu xanh và vàng của ruộng ngô, và ông đặc biệt có tài xử lý ánh sáng.

 

Vermeer hầu như chỉ vẽ cảnh nội. Như Kooning từng chỉ ra: “Hầu hết tranh Vermeer là những cảnh diễn ra trong những căn phòng nhỏ ở nhà ông tại Delft; với cùng mấy món đồ đạc và trang trí được sắp xếp khác đi; cùng chừng ấy nhân vật, chủ yếu là phụ nữ.” Trong ảnh là bức “Cô gái đọc thư bên cửa sổ mở”.

 

Khi sống đã không nổi tiếng lắm nên lúc chết rồi Vermeer cũng bị lãng quên. Trong sách tra cứu về tranh Hà Lan, suốt hai thế kỷ sau đó, người ta bỏ quên ông. Mãi đến thế kỷ 19, Gustav Friedrich Waagen và Théophile Thoré-Bürger mới tái phát hiện được Vermeer; họ viết hẳn một tiểu luận về ông, gán 66 bức tranh cho ông (mặc dầu về sau chỉ có 34 bức là của ông thật). Kể từ đó, danh tiếng Vermeer lớn dần, và nay thì ông được coi là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Thời kỳ Hoàng kim Hà Lan. Trong ảnh là bức “Phố nhỏ”, vẽ thành phố mà Vermeer đã sống cả đời.

 

Vermeer khi còn sống tuy được coi là một nghệ sĩ mà dân thành Delft nể trọng, nhưng ngoài thành phố mình sống ra, chẳng ai biết ông. Vermeer không có học trò nào, cho nên không có trường phái nào có tên gọi Vermeer. Ông lại có quá nhiều con; để nuôi con, ông phải dành thời gian vừa buôn bán tranh, vừa quản lý quán xá, lại đứng đầu Hội Saint Luke – một hội chuyên về buôn bán tác phẩm của các họa sĩ… Thời gian ít ỏi còn lại, khi vẽ tranh thì ông lại vẽ quá kỹ, cho nên năng suất không cao. Vẽ được bức nào, một ông chủ trong vùng tên Pieter van Ruijven lại mua sạch (rồi cất trong kho?); danh tiếng vì thế không thể lan xa được. (Liên hệ Việt Nam: một số họa sĩ vẽ rất đẹp, vẽ được bức nào, các gallery mua sạch, rồi đem bán ngay ở nước ngoài, không tổ chức triển lãm cho người Việt được xem, họa sĩ được dịp giao lưu về nghề cùng đồng nghiệp. Thế có gọi là “dã man” không nhỉ?). Trong ảnh là bức “Cô hầu ngủ”.

 

Vermeer có khi chỉ dùng màu xám, hoặc bảng màu giới hạn với các loại nâu và xám (“màu chết”), phủ lên đó là những màu rực hơn (các loại đỏ, vàng, và xanh dương) như một dạng “men”. Vermeer tạo ra những màu trong bằng cách đi sơn trên canvas thành những lớp “dạng hạt” lỏng lẻo. Ông không vẽ phác, và tranh ông dường như là loại vẽ thẳng lên canvas, không qua những bước sửa soạn trước. Họa sĩ và sử gia Mỹ thuật David Hockney từng cho rằng Vermeer đã sử dụng máy ảnh hộp (camera obscura) để có được bố cục chuẩn xác, hiệu quả ánh sáng cao, và những hiệu ứng về phối cảnh tuyệt vời. Philip Steadman đã tìm ra sáu bức của Vermeer có kích thước chính xác kích thước của chúng được phóng trên tường studio của họa sĩ nếu đặt bên trong một cái máy ảnh hộp. Tuy nhiên, thuyết này vẫn còn gây tranh cãi. Chưa tìm thấy bằng chứng nào rõ rệt cả. Trong ảnh là bức “Buổi học nhạc”.

 

Vào thế kỷ 17, chưa có họa sĩ nào dám “hoang” như Vermeer: dùng một cách xa xỉ nhất màu xanh da trời, màu nước biển tự nhiên rất đắt tiền. Nhưng thế chưa đủ, ông còn dùng thêm phẩm nâu đen, màu đất son (được coi là nguồn sáng ấm áp bên trong một nội thất được chiếu sáng mạnh của một bức tranh), để phản chiếu sự đa sắc lên bức tường (trong tranh). Bằng cách này, Vermeer đã tạo ra một thế giới trong tranh hoàn hảo hơn thế giới mà ông được thấy ngoài đời. Và bằng cách này, mỗi vật cùng dự phần màu sắc với vật kề bên. Có nghĩa là, trong tranh Vermeet, không vật nào còn hoàn toàn mang màu tự nhiên của nó. Thí dụ trong bức “Cô gái với ly rượu vang” đây, những nếp váy satin đỏ được vẽ lót trước bằng màu xanh biếc tự nhiên, và nhờ có lớp xanh biếc bên dưới ấy, hỗn hợp đỏ son và đỏ tiết trở nên hơi ngả tía, hơi khô đanh, khá lạnh, và rất mạnh

 

Tranh của Vermeer chủ yếu là chân dung, trừ vài bức vẽ phong cảnh. Ông vẽ đủ loại chân dung: từ người bán sữa đang lao động, tới những quý cô giàu có trong những ngôi nhà rộng mênh mông. Và như đã nói, ông vẽ chủ yếu là phụ nữ. Trong ảnh là bức “Người bán sữa”.

 

Ngay cả lúc khó khăn nhất vào năm 1672 do cả Hà Lan rơi vào suy sụp kinh tế, Vermeer vẫn dùng màu xanh biếc loại đắt tiền một cách thoải mái (thí dụ như với bức “Người đàn bà với cái cân” trong hình). Từ đó người ta suy ra ông đã được một nhà sưu tập, một “ông chủ” cung cấp màu để vẽ.

 

*

Bài liên quan:

– 31. 10: Johan Vermeer – nghèo nhất mà xài sang nhất
– “Nghi án” dùng máy ảnh của Johannes Vermeer

 

Ý kiến - Thảo luận

17:33 Monday,9.6.2014 Đăng bởi:  Trần Nhật Chiêu
Biết được tranh của Vermeer là do một lần vô tình nhìn thấy bức Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai ở nhà sách, bị hút luôn từ cái nhìn đầu tiên :'( Bức em nhìn thấy là tranh in thành bìa thôi, chứ không biết tranh ở ngoài thì còn đẹp đến thế nào nữa. Nếp xô, gấp c
...xem tiếp
17:33 Monday,9.6.2014 Đăng bởi:  Trần Nhật Chiêu
Biết được tranh của Vermeer là do một lần vô tình nhìn thấy bức Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai ở nhà sách, bị hút luôn từ cái nhìn đầu tiên :'( Bức em nhìn thấy là tranh in thành bìa thôi, chứ không biết tranh ở ngoài thì còn đẹp đến thế nào nữa. Nếp xô, gấp của vải, tương phản ánh sáng, màu sắc đậm nhạt. Ôi ...Màu trong tranh của Vermeer nói chung nhìn đã thấy kì diệu. Đọc xong bài của Soi lại càng thấy kì diệu hơn :)) Cám ơn Soi vì những thông tin rất hữu ích này. T/B: Qủa nhiên câu "đắt xắt ra miếng " đúng trong rất nhiều trường hợp. Người họa sĩ đang mang nợ nần mà vẫn quyết dùng màu đắt để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, đúng là rất đáng ngưỡng mộ, rất chân chính, rất tâm huyết. 
 
21:36 Saturday,8.3.2014 Đăng bởi:  candid
Có một ông làm tranh giả Vemeer giỏi đến nỗi không ai phát hiện ra. Sau này tình cờ vì bị tố cáo là cộng tác với quân chiếm đóng, phải ra toà với tội phản quốc, ông đã chứng minh là vô tội bằng cách vẽ tranh ngay tại toà.
Câu chuyện này cũng được cụ Vương Hồng S
...xem tiếp
21:36 Saturday,8.3.2014 Đăng bởi:  candid
Có một ông làm tranh giả Vemeer giỏi đến nỗi không ai phát hiện ra. Sau này tình cờ vì bị tố cáo là cộng tác với quân chiếm đóng, phải ra toà với tội phản quốc, ông đã chứng minh là vô tội bằng cách vẽ tranh ngay tại toà.
Câu chuyện này cũng được cụ Vương Hồng Sển kể trong một cuốn sách của cụ.
 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả