Nghệ sĩ thế giới

Javier Guidi Kawas: từ tỉnh lẻ xây dựng bộ sưu tập khổng lồ 24. 04. 15 - 6:21 am

 

LINARES – Javier Guidi Kawas là một ví dụ xuất sắc cho thấy việc sinh ra ở đâu không phải là rảo cản để người ta đạt được ước mơ. Sinh tại Linares – một thành phố nhỏ ở bang Nuevo León, Mexico – Guidi thể hiện niềm đam mê nghệ thuật của mình bằng một bộ sưu tập đồ sộ với cả ngàn tác phẩm. Qua vài hình chụp sau đây, chúng ta sẽ ngắm một số tác phẩm Guidi sưu tầm được, xem cách ông phục chế và phân loại chúng, cách ông sử dụng bộ sưu tập cũng như dự định tương lai của ông. Trong ảnh: Javier Guidi đang chỉ vào cảnh nhà cửa và khu bếp ngoài trời của vùng Trastevere, Rome – một tác phẩm của Giovanni Battista Piranesi (1720 – 1778) – nghệ nhân tranh khắc người Ý. Piranesi sáng tác hơn 2000 bản khắc các công trình kiến trúc cổ thời La Mã, chia thành 14 tập. Bản trong hình là bản 21 của tập 4, khắc lại khung cảnh nhìn từ Ponte Ferrato – nơi người La Mã xưa gọi là Cầu Cestius. 

 

Một phần quan trọng của bộ sưu tập Guidi Kawas là các tác phẩm nghệ thuật thời thuộc địa, trong đó bao gồm nhiểu bản tranh khắc quý. Hiện tại bộ sưu tập của ông có hơn 400 bản khắc, hầu hết từ thế kỷ 19. Vốn hứng thú với nghệ thuật thời thuộc địa, nên sau khi mua về bức Lady of Sorrows (Đức Mẹ sầu bi), Guidi bắt đầu sưu tầm tiếp và giờ đây ông có hơn 100 bức tranh thời thuộc địa. Điều thú vị là, vào lúc này nhiều nghệ sĩ không ký tên tác phẩm của mình, vì thế đa phần tranh trong bộ sưu tập là hoàn toàn vô danh, rất khó để các chuyên gia ghép chúng với nghệ sĩ cụ thể nào. Hình: “Lady of Sorrows“, khoảng 1760. Tranh sơn dầu 98 x 173 cm.

 

 

Thế nhưng, bộ sưu tập của Guidi không tập trung vào nghệ thuật của mỗi một thời. Nó bao gồm tác phẩm của nhiều thời kỳ khác nhau, bao gồm: nghệ thuật thời thuộc địa (như ta đã biết), nghệ thuật đương đại, lẫn vài tác phẩm tranh tường. Về sau, Guidi còn có hứng thú với tranh vẽ của thế kỷ 19, đặc biệt là tranh chân dung. Hình: Chân dung một quý bà người Anh vào đầu thế kỷ 18, không rõ tác giả.

 

 

Nhờ dày dặn kinh nghiệm, Guidi hay mua được những tác phẩm quan trọng, ví dụ như bức tranh trong hình trên, do Sebastian Lopez de Arteaga vẽ, miêu tả thánh Francis của thành Assisi với dấu thánh (bên sườn và hai tay). Sebastian Lopez de Arteaga là một họa sĩ Baroque người Tây Ban Nha lai Mexico, ông từng theo học bậc thầy Zurbaran. Ta có thể thấy chữ ký của tác giả ở mép dưới bức tranh.
 

 

Khi bộ sưu tập của Guidi bắt đầu tăng số lượng, ông quyết định đưa chúng cho các bảo tàng mượn. Đầu tiên là bảo tàng Montemorelos với một bộ sưu tập tranh khắc. Sau đó Metropolitan Museum of Monterrey (Bảo tàng Thủ phủ Monterrey) cũng mượn vài tác phẩm để tổ chức triển lãm Maria – “Pain and Passion” (Đức Mẹ Maria – “Nỗi đau và khổ hình”). Trong hình: Bức “Đức Mẹ Guadalupe với bốn lần hiển linh”, sơn dầu trên tấm đồng mỏng, không rõ tác giả.
 

 

Gần đây nhất, tức năm 2012, bảo tàng Lịch sử Mexico mượn bộ sưu tập của Guidi để tổ chức triển lãm các tranh từ thế kỷ 18 nhằm kỷ niệm 300 năm thành lập thành phố Linares. Ảnh: tranh vẽ trên bệ thờ của Mexico thời thế kỷ 18, thuộc bộ sưu tập Guidi, tả lại cảnh Đức Mẹ Mân Côi đang cầu nguyện cho các linh hồn vất vưởng ở chốn Luyện Ngục. Đức Mẹ ngồi giữa Thánh Domingo de Guzman và thánh Antonio de Padua. Điều này khá thú vị do theo truyền thống thì Đức Mẹ núi Carmel mới là người nguyện cầu cho các linh hồn tại chốn Luyện Ngục.
 

 

Guidi nói rằng công việc của một nhà sưu tầm rất căng thẳng, vì ông tự gánh trách nhiệm phục chế và quản lý quá trình phục chế cho hầu hết các tác phẩm mình mua. Sau khi phục chế xong, ông phân chia tranh giữa thành phố Mexico (nơi ông xây một nhà kho với điều kiện tối ưu để bảo quản tranh) và thành phố Linares. Ông cũng phải vừa nghiên cứu vừa phân loại tranh để xếp chúng vào catalogue rõ ràng. Hình: một bức tranh Mexico vẽ vào thế kỷ 19, thuộc bộ sưu tập của Guidi, không rõ tác giả, nhưng có thể họa sĩ là sinh viên của học viện San Carlos. Tranh vẽ Chúa Jesus và một nữ tội đồ. Nhiều khả năng họa sĩ vẫn chưa hoàn tất tác phẩm này vì nhân vật ở hai bên rìa trông kém sắc xảo hơn các nhân vật đứng giữa.

 

 

Guidi sắp xếp bộ sưu tập của mình theo thế kỷ, quốc gia, và kỹ thuật vẽ. Bằng catalogue điện tử, Guidi có thể tìm ra một bức tranh cụ thể nào đó, ví dụ như tranh nằm trong cùng một mục hoặc tranh có các tính chất nhất định kiểu “tranh Pháp” hay “tranh khắc”. Trong hình: Tranh vẽ CupidVenus theo phong cách Baroque Pháp thời thế kỷ 18.
 

 

Thế Guidi làm gì với những tác phẩm mình yêu nhất? Ông thú nhận rằng ông cất kho những món ông thích lẫn các tác phẩm lớn có giá trị cao mà ông mua được. Tuy nhiên, một vài trong số đó ông đem treo tại nhà để ngắm chúng. Trong hình: Phòng khách của Guidi, ta thấy bức chân dung họa sĩ Dávila (thế kỷ 19) nằm dưới cái máy lạnh. Trên lò sưởi theo thứ từ từ trái sang phải: bức chân dung Pháp vẽ bá tước Woldermar của vùng Lowendal. Tiếp theo là tranh sơn dầu Pháp từ thế kỷ 18, vẽ cảnh thánh Moses làm phép để nước chảy ra từ đá. Cuối cùng là một bức chân dung đặc biệt, vẽ khoảng từ năm 1825 đến 1850, người xem có thể thấy rằng các nữ quý tộc của Mexico thời ấy thích đeo lắm trang sức đá quý như thế nào khi ngồi mẫu để họa sĩ vẽ chân dung. Trên bệ lò sưởi là các tượng thạch cao, đồ sành Tây Ban Nha, và gốm sứ Trung Quốc.

 


Vậy ý định của Guidi dành cho bộ sưu tập này là gì? Guidi tiết lộ rằng ông đang nuôi khát vọng lập hai bảo tàng: một cái cho nghệ thuật thời thuộc địa tại Hualahuises, và bảo tàng nằm ở thành phố Linares sẽ giữ các tác phẩm còn lại, và “… nó chắc chắn sẽ mang tên Bảo tàng Javier Guidi Kawas Collection”. Hình: “Dụ ngôn tuổi trẻ”, tranh Ý thế kỷ 17, không rõ tác giả, là một tác phẩm mà Guidi sưu tập được.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nhuộm xanh-trắng-đỏ cùng nước Pháp

Phạm Tuấn Anh - Phần ảnh do Phạm Phong biên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả