Điện ảnh

The Imitation Game – khi bộ não toán học vĩ đại chết oan 25. 04. 15 - 5:04 am

Pha Lê

Bài có tiết lộ chút chi tiết phim, nhưng phim này dựa trên chuyện có thật nên nó cũng “lộ” lâu rồi. Ai không biết gì cả nên xem phim trước rồi hẵng đọc bài

Poster phim “The Imitation Game”(Trò chơi bắt chước)

Không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi sinh ra đã có sẵn ông bố cuồng Thế chiến thứ 2. Trận đánh nào ông ấy biết, tướng to tướng nhỏ của quân Phát-xít với Đồng minh ông biết tuốt, phim điện ảnh lẫn tài liệu về Thế chiến 2 chất tới nóc nhà. Mẹ tôi chỉ khoái những gì liên quan đến Nga, còn tôi suốt ngày ôm sách về thần thoại Hy Lạp nên không ai chia sẻ cơn cuồng của bố. Tuy nhiên ở với ông cụ thì cũng học được loáng thoáng vài thứ. Chi tiết tôi thích nhất của cuộc chiến này: quân Anh, bằng tài năng của nhà toán học Alan Turing, đã phá mã Enigma của quân Đức.

Của đáng tội, thế giới đã có một phim tên Egnima, ra mắt hồi năm 2001 (Kate Winslet đóng hẳn hoi). Tuy nhiên xem xong thì chỉ muốn bóp nát dĩa cam do phim gì mà nhát như thỏ đế. Alan Turing tượng trưng cho người thông minh trong bi kịch, ông góp công lớn, nhưng chỉ vì “trót” làm người đồng tính mà chính phủ Anh bắt giam rồi tiêm thuốc vào người ông (thuốc hormone với chất độc hóa học để “chữa” bệnh đồng tính), khiến vài năm sau Alan chịu không thấu nên tự tử. Phim Enigma không muốn đụng tới đề tài này nên biến người “lẽ ra là Alan” thành một ông khác, tên khác, vừa dị tính vừa yêu tới hai cô xinh đẹp. Giận cho Turing lắm nhưng năm đó gần như không ai muốn la lối phàn nàn, vì đấy là năm phim Trân Châu Cảng (Pearl Habour) ra mắt, tác phẩm này cũng về Thế chiến 2 nhưng thối đến mức không buồn ngửi, át cả cái thối của Enigma.

Phim “Enigma” với Kate Winslet năm 2001. Phim không có gì là theo lịch sử, nhưng chuyện tình tay ba trong đây dễ ngửi hơn trong “Pearl Habour”

Vì vậy, thật vui mừng khi nghe rằng Imitation Game sẽ bám sát cuộc đời thực* của Alan Turing, càng bất ngờ hơn khi tài năng Benedict Cumberbatch sẽ thủ vai này.

Imitation Game không có bố cục phẳng, tức nó không kể chuyện theo trình tự thời gian. Người xem gặp Turing lúc ông bị bắt vì “tội” đồng tính, cảnh sau quay về thời ông còn nhỏ, học trường nội trú và đem lòng mến cậu bạn Christopher. Cảnh sau nữa chạy đến lúc Turing trưởng thành, nhận nhiệm vụ phá mã Enigma của quân Đức – cái mật mã mà lúc đó ai cũng nghĩ rằng “không thể phá được” – cùng với một nhúm người cũng thông minh gần như ông.

Turing lúc nhỏ, hớn hở chờ Christopher trước trường

 

Turing lúc trưởng thành, do Benedict Cumberbatch đóng. Phải nói rằng Benedict nhập vai thật tài, ban đầu tôi nghĩ Benedict sẽ chẳng có vai diễn nào tuyệt hơn Sherlock Holmes trong series “Sherlock”, tôi đã nhầm. Trước tôi cứ cho rằng Sherlock Holmes đọc hay hơn là xem, cho đến khi xem series của Benedict thì hóa ra ngược lại.

Turing nghĩ khác, Enigma khó bẻ như vậy vì quân Đức dùng máy để vận hành và gửi mã, quân Anh lại dùng sức người để giải mã theo kiểu cổ điển thì sao mà giải được. Turing tin rằng phải lấy máy trị máy, thế là ông xin tiền chính phủ để chế tạo nên một chiếc máy với bộ xử lý thông minh hòng đối đầu với Enigma của quân Phát-xít.

Kiểu câu chuyện nhảy từ quá khứ tới hiện tại rất dễ khiến khán giả bối rối, tuy nhiên trong Imitation Game nó lại là cách dẫn dắt hợp lý. Turing thông minh quá nhưng cũng vụng quá, ông chẳng giỏi giao tiếp. Nhóm giải mật mã chỉ vỏn vẹn chừng 5 người – tức không nhiều để gây nên các cuộc cãi nhau vì chung đụng văn phòng – thế mà Turing vẫn ngại tiếp xúc, khiến đồng nghiệp coi ông như một kẻ lù đù khó gần đến khó ưa. Nhưng đặt nó cạnh đoạn Turing thời nhỏ, bị bạn bè ở trường nội trú ức hiếp, người xem hiểu ngay tại sao Turing thích vặn vẹo máy móc chứ không khoái kết thân với đồng loại của mình. Những gì xảy ra trong quá khứ của Turing ảnh hưởng đến những gì ông làm thời hiện tại. Lối dẫn truyện đan xen này giúp khán giả hiểu Turing theo cách nhanh nhẹn lẫn trực tiếp nhất, cũng phải thôi, do cuộc đời Turing rất ngắn, cao trào đã ít mà tình yêu lại càng ít hơn.

Phim tiểu sử thường bị tình trạng lê thê, công trạng của nhân vật chính đâu chẳng thấy mà toàn lòng vòng chuyện vợ con, ngay cả khi tình yêu với vợ con không đẻ ra được tác phẩm gì. Imitation Game biết điều đó và đã tránh đạp chân vô cái bẫy cùn: phim chỉ chạm vào những dấu mốc cần thiết khi nhắc đến tình yêu của Turing, còn lại dành chỗ cho chiến công bẻ mật mã. Nhờ đạo diễn chăm chút cái thành tích mà Turring đạt được đến từng chi tiết, người xem có thể hồi hộp dõi theo Imitation Game dù họ đã biết trước kết cục. Turing phải vất vả xin tài trợ như thế nào hòng ráp cái máy? Chiến tranh khiến ai cũng đói nghèo, máy thì tốn những trăm ngàn Bảng, làm sao ông có thể xoay chuyển cái ghét của đồng nghiệp để họ hiểu ra việc ông đang cố hoàn thành? Lúc ghét thì họ sẽ gây phiền toái gì cho ông? Làm sao ông vượt qua?

Turing và các đồng nghiệp

 

Người phụ nữ duy nhất làm việc trong nhóm bẻ mã Enigma là cô Joan Clarke (Kiera Knightley đóng, đẹp hơn Joan Clarke thật nhiều, nhưng thôi quan tâm làm gì). Alan Turing rất quý Joan, trong phim lẫn ngoài đời. Sách ghi chép lại rằng Turing thích Joan do Turing và Joan trò chuyện như thể họ là “hai người đàn ông với nhau”

Sự hồi hộp tăng lên hết cỡ khi cảnh do Maria Djurkovic dựng hòa vào âm thanh của Alexander Desplat. Ai cũng biết phim phụ thuộc hình ảnh, trường hợp của Imitation Game thì hình ảnh chính là chiếc máy Turing ráp để bẻ mã Enigma. Thể theo lịch sử thì đây là cỗ máy “Bombe”, nhìn đơn điệu buồn buồn như kiểu phớt tỉnh của xứ sương mù. Chính đạo diễn Morten Tyldum và Maria Djurkovic cũng lè lưỡi chê vẻ ngoài của Bombe trông chán quá, bê nó y xì lên phim thì xấu, tập trung quay cái máy trong đoạn cao trào thì màn ảnh sẽ ngập tràn một màu đen thui. Nếu chỉnh cho máy nhìn khác hoàn toàn lại không được, do kiểu gì phim này cũng thuộc loại lịch sử. Bà Maria bèn nghĩ cách: bổ đôi máy ra để khán giả thấy được bộ phận bên trong. Như vậy cỗ máy trên phim sẽ không khác cỗ máy thật là bao, mà khi lên hình lại hấp dẫn hơn.

Máy Bombe thật do Turing góp công ráp nên

 

Máy Bombe trong phim, Maria mở chiếc máy ra như cuốn sách để khán giả thấy bộ phận bên trong

Thế nên lúc Turing bật máy, các trục mã số quay vòng vòng, bộ phận xử lý chạy lách tách, tiếng piano của Desplat dồn dập theo tiết tấu nhanh, chúng ta chỉ còn biết chộn bụng nín thở chờ kết quả. Chứ ngắm mãi cái máy Bombe đen ngòm hơn một phút thì chỉ có ngáp. Từng nghệ sĩ của đoàn phim phải tập trung đầu tư sức lực lẫn sức sáng tạo thì phim Imitation Game mới hấp dẫn như thế, bỏ qua phim có nghĩa bỏ phí công của các nghệ sĩ này.

Đồng thời cũng phí luôn cống hiến của Alan Turing. Máy Bombe mở đường cho sự ra đời của máy vi tính, tức theo cách nào đó nhờ Turing mà ta có thể phè phỡn ngồi nhà lướt web và lên Facebook. Ông góp công lớp giúp quân Đồng minh chiến thắng, cứu bao người, bản thân ông lại mất mạng oan uổng vì một lý do lãng nhách, ngực chẳng có lấy chiếc huân chương. Chẳng biết do vô tình hay hữu ý, nhờ phim tập trung vào quá trình bẻ mã Enigma chứ không nói nhiều về tình cảm hay giới tính của Turing mà nó lại truyền tải thật nhiều cảm xúc, khiến chúng ta vừa thương vừa phẫn nộ với kết cục đau buồn của nhà toán học. Tôi luôn cho rằng phim nào giúp ta thành người tốt hơn một chút, có suy nghĩ nhân ái hơn với đồng loại một chút, đều là tác phẩm đáng xem. Thế nên ai chưa xem Imitation Game hãy xem đi, đĩa bán đầy sạp rồi. Ông bố cuồng Thế chiến 2 của tôi cũng đã xem, đã khen, đã bắt mẹ tôi xem cùng.

*
Chú thích: “Imitation Game” bám khá sát việc thật, từ bà Joan Clarke đến cậu Christopher đều có thật. Thậm chí chính Turing cũng bị bạn bè trường nội trú nhốt dưới sàn nhà gỗ như trong phim. Tuy vậy toàn bộ chi tiết không chính xác tần tật được. Như phim không nhắc tới việc chiếc máy Bombe là do Turing ráp dựa theo máy bẻ mã của quân Phần Lan, nhưng cuối cùng ông vẫn là người ráp nên máy bẻ mã thành công, vì máy của Phần Lan chạy quá chậm, có nhiều hạn chế kỹ thuật, không đọ nổi với Enigma của Đức.

Ý kiến - Thảo luận

21:19 Monday,27.4.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Cám ơn thông tin của Pha Lê nhé.
...xem tiếp
21:19 Monday,27.4.2015 Đăng bởi:  Phạm Huy Thông
Cám ơn thông tin của Pha Lê nhé. 
16:28 Monday,27.4.2015 Đăng bởi:  Pha Lê
@Phạm Huy Thông: Em load phim trên mạng nên không ra ngoài mua, nhưng bố em mua và em đã hỏi ông cụ thì cụ nói rằng cụ hay mua DVD ở tiệm số 30 Trần Quang Khải, Q1, gần gần rạp Đa Kao. Nhưng cụ có nói là tiệm đĩa nào ở trung tâm TP hoặc mấy quận gần trung tâm đều lấy đĩa từ cùng một nguồn, nên anh thấy tiệm nào tiện nhất cho anh là anh cứ tới đấy mua cũng được
...xem tiếp
16:28 Monday,27.4.2015 Đăng bởi:  Pha Lê
@Phạm Huy Thông: Em load phim trên mạng nên không ra ngoài mua, nhưng bố em mua và em đã hỏi ông cụ thì cụ nói rằng cụ hay mua DVD ở tiệm số 30 Trần Quang Khải, Q1, gần gần rạp Đa Kao. Nhưng cụ có nói là tiệm đĩa nào ở trung tâm TP hoặc mấy quận gần trung tâm đều lấy đĩa từ cùng một nguồn, nên anh thấy tiệm nào tiện nhất cho anh là anh cứ tới đấy mua cũng được ạ.

Tiệm ở đường Trần Quang Khải có Facebook, hình như anh đặt thì họ chuyển về tận nhà luôn

https://www.facebook.com/CD.DVD30 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả