|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhNot Memory: sự đối diện cá nhân với ký ức tập thể 15. 04. 10 - 12:39 amVŨ LÂM“Not memory” là tên triển lãm cá nhân của họa sĩ trẻ Hà Mạnh Thắng vừa khai mạc tại Bui Gallery (23 Ngô Văn Sở, Hà Nội, kéo dài đến 3/5). Đây là một loạt tranh rất gây chú ý bởi thứ nhất đó là sáng tác của một họa sĩ 8x với cách đặt vấn đề rất khác về quá khứ. Thứ hai, trước khi được trưng bày đầy đủ tại Hà Nội, thì một số trong bộ tranh này đã được Gallery IFA của Đức mời tham dự cùng tác phẩm của 10 họa sĩ Việt Nam đương đại điển hình khác trong triển lãm “Bối cảnh nghệ thuật Việt Nam”, trong đó Hà Mạnh Thắng là nghệ sĩ duy nhất trưng bày tranh…
Có lẽ, khi hỏi bất cứ người Việt Nam điều gì là ký ức lớn nhất của họ ở thế kỷ 20 thì chẳng có câu trả lời khác nào ngoài những ký ức về hai cuộc chiến khốc liệt dài đằng đẵng và sau đó là thời kỳ bao cấp hậu chiến. Sự khủng khiếp của chiến tranh để lại rất nhiều vết thương chưa lành – những “ổ hoại tử’ trong “cơ thể” tinh thần cộng đồng. Đến nay sau hơn 30 năm, những bên từng là thù địch đã bắt tay nhau “bình thường hóa quan hệ” lâu rồi. Tuy nhiên, chưa phải đã hết những mối cách bức… những thành trì trong đời sống tinh thần và tâm linh bị chiến tranh phá vụn trước đó vẫn chưa được xây cất lại bao nhiêu. Những cố gắng hàn gắn bằng chính trị – ngoại giao – công tác nhân đạo cũng chỉ làm được phần nào. Có lẽ để thực sự hoán cải vết thương “lên da non, thay máu mới” , thì chỉ có những phép lạ của nghệ thuật mới đạt sự hoàn hảo cuối cùng. Người ta không ngừng, từ nhiều phía, tìm cách đặt vấn đề lại với ký ức chiến tranh bằng nhiều cách thức, nhiều loại hình nghệ thuật. Hội họa cũng không là nghệ thuật đứng ngoài… Hà Mạnh Thắng sinh năm 1980, tốt nghiệp đại học năm 2004. Ngay từ còn là sinh viên, Thắng đã rất vững nghề, điềm đạm trước tuổi, ngoại hình của họa sĩ gây được cảm giác rất vững chãi ở người tiếp xúc đối diện. Họa sĩ có một xuất phát điểm nhất quán trong sáng tác là sự quan sát tỉnh táo đến các số phận cá nhân xung quanh mình. Từ việc quan sát số phận cá nhân đến việc quan tâm sâu sắc tới số phận của một cộng đồng sẽ là một quãng đường không dài. Họa sĩ lớn lên bắt đầu vào thời kỳ Đổi Mới. Thế hệ này không thể có ký ức chiến tranh hay bao cấp sâu đậm như thế hệ trước đó. Có chăng chỉ là những câu hỏi về chiến tranh qua những mảnh “ký ức vụn” của đủ loại thông tin hình ảnh, sách và các thân phận chiến tranh còn sống sờ sờ. Đó cũng đủ là một mối băn khoăn tạo nên câu chuyện “Not memory” cho chúng ta chiêm ngưỡng. Trước triển lãm lần này, Thắng thành công ở các loạt tranh “phê phán” xã hội tiêu dùng lố lăng hiện tại, với cách vẽ khá tinh tế và ấn tượng như bức “Cô dâu và chú rể” (hiện đang được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật đương đại Singapore). Hình ảnh những tố nữ hiện đại (trích ra từ tranh Tố nữ cổ) đeo kính râm rất hài hước lặp đi lặp lại tiếp nối sang cả loạt tranh Not Memory. Nhưng ở đây là các Tố nữ biết cầm súng. Thắng dùng acrylic loãng trên toan, tạo một không gian rộng, vẽ rất mỏng nhưng nhiều lớp. Trên nền lặp đi lặp lại hình ảnh các chàng trai, cô gái cầm súng, hình ông vua trẻ con Duy Tân trong bưu ảnh cổ…
Lẫn xung quanh là những mô – típ hình ảnh từ rất nhiều “nguồn” văn hóa và thời gian khác nhau, làm “vai phụ” như mèo bóng bay Kitty và chuột Mickey, tranh khắc gỗ “Sóng” của Nhật, máy bay trực thăng và những con châu chấu trong gốm sứ cổ Trung Quốc. Một tông mầu xuyên suốt các bức tranh là “xanh, đỏ, tím, vàng” đúng nghĩa như một sự hài hước u – mua làm nền tảng cho cái việc pha trộn “hẩu lốn” những hình ảnh chẳng liên quan gì đến nhau trong cái “thế giới phẳng” mộng mị như những phong cảnh hoạt hình ấy. Có vẻ như tác giả muốn “chồng, chập” lịch sử và hiện tại bằng một thủ pháp giống như đồng hiện, lại muốn nối kết chúng thành một câu chuyện lờ mờ bảng lảng như một làn sương. Lý giải cho loạt tranh này, họa sĩ có một lời tự bạch (statement) rất dài. Anh nhấn mạnh: khi đối diện lại kí ức hay lịch sử hoặc những điều mà ta đã và đang biết về chúng. Ta không thể phán xét mà chỉ có thể đối diện nó ở thái độ chân thành và cầu thị. Ta có thể thấy ở đây tính chất pop – art nghệ thuật đương đại được thể hiện thái độ rất rõ. Nghệ thuật thời trước là quá trình xây dựng các tượng đài – thần tượng. Còn nghệ thuật thời này là quá trình “giải giới”. Có thể thấy những cách nhìn có ảnh hưởng nghệ thuật Mao – pop và sự phi bản sắc cố tình (nhìn liếc qua thì có thể tưởng đây là tranh của một họa sĩ ngoại kiều vẽ). Thế nhưng, cuối cùng thì giá trị cứu cánh của nghệ thuật đâu phải là một thứ “vũ khí” để xây hay phá. Nó chỉ là sự nhận chân và tôn vinh con người. Là sự đường bệ tự thân của các hình tượng có tính lý tưởng mà tư duy nghệ thuật có thể tạo ra bất chấp các khoảnh khắc và không gian. Nghệ thuật không phải là hoa, cũng không phải là súng, mà là những phép lạ có thể biến hoa thành súng và biến súng thành hoa… “Not Memory” nên là một “quãng chững” cần thiết ở lứa tuổi “tam thập nhi lập” của Hà Mạnh Thắng – một trong những họa sĩ trẻ đang được coi là thành công nhất ở lứa tuổi của anh hiện nay. * Vũ Lâm đi xem triển lãm: - Not Memory: sự đối diện cá nhân với ký ức tập thể - Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 1): Rào đón hơi dài để tương ở bài sau - Tại sao Mò Cua lại vớ phải Đồi Mồi? (phần 3): rút lại là làm chưa hay nhưng mà đừng có sợ chê Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|