Tin tức

Tin-ảnh: “ngoại” Hunter đi đấu giá. Wiinblad được vinh danh. Sigurðardóttir lại “điên” với cấu trúc 18. 06. 15 - 10:30 am

Phước An tổng hợp và lược dịch

NEW ORLEANS – Clementine Hunter (1886-1988) , còn được gọi là “black Grandma Moses” (ngoại Moses đen) là một họa sĩ tự học người Mỹ gốc Phi, nổi tiếng vì  những bức tranh vẽ như tranh dân gian, diễn tả đời sống nhà nông ở Louisiana. Trong hình là một bức vẽ năm 1980 có tên “Cảnh tòa án”, một trong năm bức của Hunter từ một bộ sưu tập được nhà đấu giá Crescent City Auction Gallery sẽ đem ra đấu online vào 20 – 21. 6. 2015, tại trang LiveAuctioneers.com

 

 

Khi trẻ, Hunter làm ruộng cùng gia đình, không biết đọc biết viết. Đến tuổi 50 bà mới bắt đầu vẽ, dùng cọ và màu của một họa sĩ bỏ lại khi tới thăm trang trại bà sống. Hunter vẽ lại đời sống ở làng vào đầu thế kỷ 20, và đó là một kho tư liệu về một thời đại đã qua. Những bức tranh đầu bà bán với giá 25 xu/bức. Đến cuối đời, tranh của bà được triển lãm tại nhiều bảo tàng và các nhà buôn bán ra với giá hàng ngàn đô-la (Mỹ), đồng thời tranh bà bị làm giả cũng nhiều. Hunter được tặng bằng Giáo sư Mỹ thuật danh dự của trường Đại học Northwestern State của Louisiana vào 1985. Có cả một vở opera về bà, được đạo diễn Robert Wilson dựng vào năm 2013, có tên: “Zinnias: the Life of Clementine Hunter”. Trong hình là bức: “Đi săn chim đen“.  Hunter thường không đặt tên cho tranh. Ai mua mà hỏi thì bà mới nhìn tranh mà nói tên (theo Wiki).

 

 

BASEL – Art Basel 46 khai mạc (cho công chúng) vào 18. 6. 2015 tại Basel, Thụy Sĩ, kéo dài tới 21. 6. 2015. Trước đó, buổi dành riêng cho khách VIP đã bán được rất tốt. Năm nay có 284 gallery hàng đầu thế giới tham dự, với các tác phẩm trải dài từ thời Hiện đại đầu thế kỷ 20, tới những gì đương đại nhất hiện nay. Năm nay Art Basel có đến 33 nước đăng ký gian triển lãm, với khu vực châu Âu vẫn là mạnh nhất.  Ảnh: Art Daily

 

 

Một người khách ngắm bức ký họa “Portrait of Woman, Anvers, 1885” của họa sĩ Hà Lan Vincent Van Gogh trong triển lãm “Ký họa Van Gogh: Những ảnh hưởng và Cách tân”, được tổ chức tại Fondation Van Gogh ở Arles, miền Nam nước Pháp, hôm 12. 6. 2015. Không ngắn ngủi như các hội chợ, triển lãm này kéo dài tới tận 9. 9. 2015. Ảnh: Bertrand Langlois  

 

 

Từ 13. 6. 2015, ARKEN mở một triển lãm lớn nhất từ trước tới nay cho họa sĩ kiêm nhà thiết kế Bjørn Wiinblad (Đan Mạch). Với các ký họa, poster, tranh bột màu, đồ gốm, thảm… triển lãm cho người xem thấy những khía cạnh mới mẻ và ngạc nhiên ở một Wiinblad mà chúng ta (tưởng) đều đã biết; từ đó vẽ nên hình ảnh một nghệ sĩ rất hiện đại về mọi mặt, không “dễ dãi” (cũng như ta tưởng). Trong ảnh: tượng gốm “Bla Eva” của Bjørn Wiinblad do Ole Akhøj chụp.

 

 

Đặc điểm tranh (và tượng) của Wiinblad là những hình người có mũi tam giác, mắt bồ đào có viền đậm màu và rối rắm. Với một số người, Bjørn Wiinblad làm họ nhớ lại những chiếc bàn có mặt lát gạch và những bệ lò sưởi có trang trí hình. Với những người khác, sự rực rỡ, xa xỉ trong tác phẩm của Bjørn Wiinblad chính là tinh túy của “hào quang ngày ấy”. Trong ảnh là tác phẩm “Første tema, 1972” của Bjørn Wiinblad.

 

 

 

Wiinblad là một nhà thiết kế quan trọng của nhiều hãng gốm lớn như Rosenthal, Nymolle. Nhưng nhiều bảo tàng trên thế giới cũng có tác phẩm của ông trong bộ sưu tập, như bảo tàng Victoria và Albert (London), bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (New York), Bảo tàng Quốc gia (Stockholm). Những đồ gốm và thảm lớn của ông hay được dùng để trang trí cho các khách sạn ở Nhật và Mỹ. Ông từng thiết kế 5 tấm thảm lớn cho Dallas International Apparel Mart và họ bày suốt từ 1973 cho tới khi tòa nhà này đóng cửa vào 2004. Trong ảnh: Bjørn Wiinblad lúc làm việc. Ảnh từ trang này 

 

 

LONDON – Quỹ nghệ thuật đương đại Parasol hiện đang giới thiệu “Katrín Sigurðardóttir: Supra Terram”, triển lãm lớn đầu tiên của nghệ sĩ Iceland này tại một tổ chức nghệ thuật công của London. “Supra Terram” là một cấu trúc hang hốc vừa to vừa đầy tham vọng, xuyên thủng cả trần gallery, vươn lên tới tầng trên (Parsol cho nghệ sĩ đục cả tường?). Thế là cái trần/sàn ngăn giữa hai tầng của gallery trông như thể một lát cắt ngang xuyên qua tác phẩm. Ảnh: Jack Hems

 

 


Mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi niềm say mê lâu nay của nghệ sĩ với các thể loại kiến trúc điên rồ, nhưng bản thân tác phẩm “Supra Terram” lần này lại lấy cảm hứng từ một mối quan tâm nữa của Sigurðardóttir, đó là sự rạch ròi trong nhận thức, được hiển hiện trong gần như mọi sự vật trên đời. Tính lưỡng phân này lâu nay vẫn là cái lõi của hầu hết các tác phẩm mà Sigurðardóttir làm ra, từ Boiserie (ảnh), 2010–2011, là một sắp đặt cho bảo tàng nghệ thuật Metropolitan New York…

 

 


… tới “Foundation”, 2013, là một sắp đặt mà Sigurðardóttir đã làm riêng cho gian triển lãm của Iceland tại Venice Biennale. Ảnh: Hiroko Masuike

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lại cái trò dí súng vào đầu trẻ con

Pha Lê - hí họa của Nick Galifianakis

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả