Bàn luận

Nhân đọc bài phỏng vấn thiền sư:
bực mình cái người phỏng vấn 17. 09. 12 - 10:19 pm

Lưu Thủy

 

Tôi không biết tác giả bài phỏng vấn này là ai. Người này xưng là họa sĩ – “trót là họa sĩ”, nhưng khi tìm về link gốc trên Lao Động Cuối Tuần, tôi không tìm thấy tên tác giả.

Xin không bàn sâu về câu trả lời của thiền sư Pháp Hạnh, chỉ xin bàn về câu hỏi của họa sĩ–tác giả.

Tôi cảm giác đây là một người lòe chữ, kiến thức biết mỗi thứ một tí, đụng cái gì cũng có thể nói được (bệnh chung của người Việt ta thôi), cho nên khi phỏng vấn thiền sư, không ý gì đi sâu được. Xin nối lại cho các bạn thấy rõ hơn đường đi của bài phỏng vấn:

– Câu đầu tiên hỏi vì sao thiền sư đến với hội họa (thiền sư trả lời vẽ theo vô thức, như vận động tự nhiên của trời đất, như bản chất của hội họa…)

– Hỏi tiếp một câu chẳng ăn nhập gì đến câu trả lời của thiền sư: bản chất của hội họa là tiến đến vô ngã chứ đâu phải tìm về bản ngã? (chà, lại kiếm cớ để khoe mớ chữ “vô ngã”, “bản ngã” đây mà). Thiền sư trả lời: họa sĩ tìm về bản ngã, tìm ra rồi thì không cần chứng tỏ, xấu cũng như đẹp, thế là vô ngã.

– Câu vừa rồi của thiền sư rất hay, nhưng người phỏng vấn không để ý. Anh ta hỏi tiếp: hội họa với thiền sư là “pháp” để đạt cảnh giới vô ngã? Thiền sư “cáu”, bảo: đã bảo vẽ tự nhiên như hơi thở. Mà đây là phương pháp tu tập nữa, để đến với tự do.

– Hỏi tiếp một câu đầy tính trí lự: “Bản chất của tự do là gì?”

– Sau khi thiền sư trả lời “tự do là buông bỏ”, thì người phỏng vấn khoe tiếp thứ kiến thức “Osho for Dummies” bằng câu so sánh với Osho và hỏi thiền sư có tâm đắc với Osho không. Thiền sư đáp nói Osho ít bao dung và kể một câu chuyện về lòng bao dung.

– Người phỏng vấn lại nhảy cóc tiếp sang một câu hỏi vì sao thiền sư vẽ trừu tượng, dẫn giải tam đoạn luận một hồi những tiêu chuẩn để có trừu tượng, gút lại phải có đời sống thực tế mới vẽ trừu tượng được, mà thiền sư lại thiếu thực tế… Thiền sư bảo, thiền sư không nghĩ vẽ thế là hiện thực hay trừu tượng (đã bảo là vẽ như vô thức mà!)

– Người phỏng vấn không hài lòng, bắt thiền sư phải trả lời “yes” hay “no”. Anh bảo, nếu không có đời sống thực tế thì ít nhất thiền sư cũng phải có một thái độ trước một hiện thực thực tế nào đó chứ, thí dụ trước khoảng cách giàu nghèo, trước bất công, trước cái ác? Thiền sư đáp lại ôn tồn: thái độ lớn nhất của ông là làm mọi việc bằng thiện tâm, bằng tình yêu lớn. Ông kết luận, tôn giáo nào cũng dạy thế thôi.

– Người phỏng vấn bám luôn, vậy tôn giáo nào cũng có chung khái niệm về thiên đường, về niết bàn? (Tôi đoán đến lúc này cái “ngã cáu” của thiền sư cũng phải nổi lên thôi, hỏi gì kiểu tứ mã phanh thây thế này…). Thiền sư so sánh một chút về hai tôn giáo…

– Người phỏng vấn không bám vào câu trả lời của thiền sư, hỏi tiếp luôn một câu đầu voi đuôi… đậu xanh, chỉ cốt để khoe, đại loại, người ta nói nghệ thuật, tôn giáo là để trốn cô đơn. Anh ta thì thấy có cô đơn mới tìm đến nghệ thuật. Vậy thiền sư thấy cô đơn có ý nghĩa gì trong thế giới tâm linh? Thiền sư đưa ra một câu mà ai vẫn thích lên Niết Bàn phải nghĩ lại nhé: “Niết Bàn chính là sự cô đơn tuyệt đối!”. Đừng mong cảnh tượng vui vẻ dập dìu Bồ tát với Phật quanh những hàng cây bảy báu, những hồ ngọc, lầu vàng… Niết Bàn buồn…

Nhưng người phỏng vấn như hỏi mà không nghe người trả lời nói gì, anh ta nghĩ tới bài báo của mình thôi. Anh ta nhìn khắp phòng, nghĩ sẵn ra những câu cầu kỳ và ngớ ngẩn nối tiếp nhau, kiểu:
– “Tôi trộm nghĩ phải cô đơn lắm mới có những sắc màu vô thức như vậy”
– “Cái có ý nghĩa hình như không nằm ở trên từng bức mà nó là sự vận động âm thầm ngoài tranh, nhắc cho người ta về lẽ vô thường của đời sống.”
– “Lẽ nào một khối óc minh mẫn, một trái tim nhạy cảm, một tấm lòng bao dung lại tìm đến nỗi cô đơn tuyệt đối để chiêm nghiệm sự thanh sạch của chính mình”
– “Ông tự tìm đến tự do chứ không hưởng thụ tự do.”

Đọc cả bài, tôi cứ nghĩ mãi, sao những thông tin cụ thể về thiền sư này thì không có, thí dụ ông tu ở chùa nào? Ông vẽ tranh như thế nào? Ông vẽ lúc nào? Tranh của ông khổ bao nhiêu? Ai thì được ông cho tranh?…

Tóm lại là cái người ta cần biết thì không được biết, chỉ thấy mớ chữ hổ lốn của người phỏng vấn. Không, nói cho đúng, chỉ thấy cái “ngã” của anh ta. (Chà, cuối cùng tôi cũng dùng được một chữ nhà Phật!)

 

*

Bài liên quan:

– Thiền sư Pháp Hạnh: “Với tôi, hội họa là con đường đến vô ngã” 
– Nhân đọc bài phỏng vấn thiền sư: bực mình cái người phỏng vấn
 
– Tôi không thấy tính thiền ở đây, tính vô ngã cũng vậy…

 

Ý kiến - Thảo luận

17:37 Tuesday,24.2.2015 Đăng bởi:  Bui Thanh Huyen
Gửi Lưu Thủy, Sư Pháp Hạnh hiện đang không ở Chùa nào cả, Ông tranh của ông không giới hạn khổ nào, Toan to từng nào thì Sư vẽ từng đấy, Ai là người ông cho Tranh: tùy duyên không có tiêu chuẩn nhé!
...xem tiếp
17:37 Tuesday,24.2.2015 Đăng bởi:  Bui Thanh Huyen
Gửi Lưu Thủy, Sư Pháp Hạnh hiện đang không ở Chùa nào cả, Ông tranh của ông không giới hạn khổ nào, Toan to từng nào thì Sư vẽ từng đấy, Ai là người ông cho Tranh: tùy duyên không có tiêu chuẩn nhé! 
15:18 Thursday,27.6.2013 Đăng bởi:  đinh mạnh
Băn khoăn cái câu: Niết bàn là cảm giác cô đơn tuyệt đối... Nghe nó biêng biêng thế nào ấy. Đây có vẻ như cảm giác cá nhân. 
Cô đơn là cảm giác, một mình là sự lựa chọn.
Cô đơn cảm xúc trôi dạt không định hướng, mà niết bàn có lẽ l&a
...xem tiếp
15:18 Thursday,27.6.2013 Đăng bởi:  đinh mạnh
Băn khoăn cái câu: Niết bàn là cảm giác cô đơn tuyệt đối... Nghe nó biêng biêng thế nào ấy. Đây có vẻ như cảm giác cá nhân. 
Cô đơn là cảm giác, một mình là sự lựa chọn.
Cô đơn cảm xúc trôi dạt không định hướng, mà niết bàn có lẽ là sản phẩm của ý trí...
Nếu nói cô đơn tuyệt đối là niết bàn, e rằng mình cũng đã Niết được kha khá :) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả